Tứ động tâm - 4 Thánh tích trong lòng người con Phật | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tứ động tâm - 4 Thánh tích trong lòng người con Phật

Kinh Du hành (Trường A-hàm) ghi lại lời dạy của Đức Phật như sau: “Này A-nan, có bốn chỗ tưởng nhớ: 1. Tưởng tới chỗ Phật sinh, hoan hỷ muốn thấy, nhớ mãi không quên, sinh tâm luyến mộ. 2. Tưởng tới chỗ Phật thành đạo, hoan hỷ muốn thấy, nhớ tưởng không quên, sinh tâm luyến mộ. 3. Tưởng tới chỗ Phật chuyển Pháp luân đầu tiên, hoan hỷ muốn thấy, nhớ tưởng không quên, sinh tâm luyến mộ. 4. Tưởng tới chỗ Phật vào Niết-bàn, hoan hỷ muốn thấy, nhớ tưởng không quên, sinh tâm luyến mộ.

Này A-nan, sau khi Ta diệt độ, trai hay gái con nhà dòng dõi nhớ nghĩ khi Phật giáng sinh có những công đức như thế, khi Phật đắc đạo có những thần thông như thế, khi Phật chuyển Pháp luân có những sự hóa độ như thế, khi Phật diệt độ có những lời di huấn như thế. Rồi mỗi người đi đến bốn chỗ đó kính lễ, dựng chùa tháp cúng dường. Khi chết đều được sinh lên cõi trời, chỉ trừ người đắc đạo”.

Đối với mỗi người con Phật, Tứ động tâm là bốn Thánh tích thiêng liêng ghi dấu bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời và sự nghiệp hoằng hóa của đức Phật Thích Ca. Tứ động tâm gồm có:

1. Vườn Lâm-tì-ni, nơi Đức Thế Tôn đản sinh


Thánh tích Vườn Lâm-tì-ni

Lâm-tì-ni (Lumbinī) là khu vườn có nhiều hoa thơm trái ngọt quý hiếm, tràn đầy ánh sáng. Hoa viên này do vua Thiện Giác (Suprabuddha), quốc chủ thành Thiên-tị, kiến tạo cho phu nhân Lâm-tì-ni. Lâm-tì-ni sinh hạ hai người con gái, trưởng nữ là Ma-ha-ma-da (Mahāmāyā), tức mẫu thân của Đức Phật, và thứ nữ là Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahāprajāpati), cả hai đều gả cho vua Tịnh Phạn.

Kinh điển ghi chép, phu nhân Ma-da của vua Tịnh Phạn (Śuddhodana), quốc chủ thành Ca-tì-la-vệ, sắp đến kỳ lâm bồn, theo tập tục của người dân bấy giờ, phu nhân phải về quê ngoại để sinh nở. Trên đường trở về, đến hoa viên Lâm-tì-ni, hoa viên mang tên mẹ của bà, Ma-da vào dạo chơi, đến bên cây Vô ưu thì đản sinh Thái tử Tất-đạt-đa.

Thế kỷ thứ III trước Công nguyên, vua A-dục (Aśoka) đã đến hoa viên này chiêm bái và kiến tạo một trụ đá chôn ở đây để lưu niệm Thánh tích này.

Hoa viên Lâm-tì-ni đã trải qua thời kỳ hoang phế. Đến năm 1896 mới được phát hiện trở lại, và từ đó, nhiều cuộc khảo cổ đã được tiến hành. Trong quá trình khai quật, người ta đã tìm thấy không ít những di vật của các vương triều Khổng Tước (Maurya), vương triều Quý Sương (Kushan, Kuṣāṇa), vương triều Cấp-đa (Gupta).


Trụ đá của vua A-dục

Ngày nay, tại chính giữa di chỉ khảo cổ là đền thờ Thánh mẫu Ma-da. Trong đền thờ có bức phù điêu bằng đá tả cảnh Thánh mẫu Ma-da hạ sinh thái tử. Phía Nam đền thờ có một hồ nước, tương truyền là nơi rồng chúa phun nước tắm cho Thái tử. Trụ đá trứ danh của vua A-dục nằm ở phía Tây đền thờ. Theo Đại Đường Tây vực ký, quyển 6, Ngài Huyền Tráng ghi chép: “Trên đầu trụ đá có mã tượng, do vua Vô Ưu (tức vua A-dục) kiến tạo. Sau vì ác long phá hoại, trụ đá đã bị gãy làm đôi”.

Hiện nay, trụ đá còn lại cao khoảng 7 mét, phần đầu trụ đá có mã tượng đã mất. Tuy nhiên, phần trụ đá còn lại vẫn còn những dòng chữ do vua A-dục pháp sắc, và người ta đọc được như sau: “Hai mươi năm sau khi lên ngôi, quốc vương Devànampiya Piyadasi (tức vua A-dục) ngự đến đây chiêm bái, vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc hiền nhân của bộ tộc Thích Ca, đã đản sinh tại đây. Nhà vua ban lệnh khắc một bia bằng đá và dựng một thạch trụ. Ngài miễn thuế đất ở làng Lumbini và giảm thuế hoa lợi từ 1/4 theo lệ thường xuống còn 1/8”.

Những năm gần đây, Chính phủ Nepal và những nước Phật giáo đã xây nhiều chùa tháp mới. Chính phủ Nepal đã có kế hoạch đệ trình Liên Hiệp Quốc để xin trợ cấp xây dựng lại Thánh tích Lâm-tì-ni.

2. Bồ-đề Đạo Tràng, nơi Đức Thế tôn thành đạo


Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng

Bồ-đề Đạo tràng, tiếng Phạn là Bodhi-maṇḍa hoặc Buddha-gayā. Thuở Phật tại thế, vùng đất này là khu rừng già thuộc nước Ma-kiệt-đà, nằm phía Nam thành Già-da.

Kinh điển ghi chép, sau khi trải qua sáu năm tu khổ hạnh, Đức Thế Tôn đã đến vùng đất này, ngồi kiết-già trên bó cỏ Ku-sa, dưới cây Tất-bát-la cho đến khi chứng quả Vô thượng Chính đẳng Chính giác.

Thời gian sau, trong tâm thức người Phật tử, bó cỏ Ku-sa trở thành tòa Kim cương; cây Tất-bát-la trở thành cây Bồ-đề; và vùng đất nơi Đức Phật thành đạo trở thành Đạo Tràng Bồ Đề.

Sau khi Phật Niết-bàn khoảng gần 200 năm, vua A-dục lên ngôi, tin theo tà đạo, đã cho người đến Buddha-gayā chặt phá cây bồ-đề. Tuy nhiên, vì chưa phá tận gốc, nên ít lâu cây lại mọc chồi mới, vua thấy vậy liền sinh tâm hối ngộ, ra lệnh cho quần thần xây dựng hàng rào bằng đá cao hơn 10 thước bao quanh thân cây để bảo vệ. Ngoài ra, vua A-dục còn dựng tháp kỷ niệm ở các vùng phụ cận Buddha-gayā, như chỗ Phật tu khổ hạnh, chỗ Phật nhận bát cháo của mục nữ Sujātā, chỗ Phật vượt sông hướng đến cây Bồ-đề…

Về sau, vua còn nhiều lần tu sửa và nâng cấp các bảo tháp tại Thánh tích. Tuy nhiên, trải qua nhiều thời gian binh biến, đổi thay của định luật vô thường, Thánh tích phần lớn chỉ còn lại gạch đá điêu tàn. Nay tại Bồ Đề Đạo Tràng còn có:

Đại tháp Bồ-đề: Còn gọi là Tháp Đại giác. Tháp có kiến trúc giống kim tự tháp, cao khoảng 56 mét. Tháp này do vua A-dục kiến tạo. Năm 1870, Phật giáo Miến Điện đã tu bổ lại tháp này.


Cây Bồ-đề

Cây Bồ-đề: Nằm phía Tây của Đại tháp, cao khoảng 12 mét. Con gái của vua A-dục là Tỳ-kheo-ni Saṃghamittā đã từng chiết nhánh từ cây bồ-đề này đem trồng ở Tích Lan. Về sau, cây Bồ-đề nguyên thủy bị dị giáo phá hoại, người ta đã đem nhánh cây từ Tích Lan về trồng lại ở Bồ Đề Đạo Tràng, tức là cây Bồ-đề hiện nay.

Tòa Kim cương: Nằm ngay dưới cây Bồ-đề, là chỗ Đức Phật đã ngồi thiền định cho đến khi chứng đắc Vô thượng Chính đẳng Chính giác.

3. Lộc Dã uyển, nơi Đức Phật chuyển pháp luân


Thánh tích Lộc Dã uyển

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc Dã (Mṛgadāva), là trú xứ của Tiên nhân, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo: “Đây là Khổ Thánh đế… Đây là Khổ tập… Đây là Khổ diệt… Đây là Khổ diệt Đạo tích Thánh đế” (Kinh Chuyển pháp luân). Đây là những lời vàng từ kim khẩu Đức Thế Tôn trong lần đầu tiên chuyển bánh xe Chính pháp tại vườn Nai. Cũng chính tại nơi này Tam bảo hình thành giữa thế gian!

Lộc Dã uyển là một khu rừng thuộc nước Ba-la-nại, nay thuộc thành phố Sāranāth, bang Varanasi, miền Bắc Ấn Độ. Kinh Xuất diệu, quyển 14, ghi: “Vùng đất này là chỗ Tiên nhân và những người đắc quả Ngũ thông thường lui tới, cư ngụ, chẳng phải là chỗ của người phàm phu, cho nên mới gọi là Tiên nhân trú xứ”.

Tương truyền, vua thành Ba-la-nại từng đến vùng đất này săn bắn, vây bắt cả ngàn con nai vào lưới. Bấy giờ, nai chúa quỳ xuống khóc xin vua thả cả đàn nai, quốc vương liền thả hết, để cho đàn nai trở về núi rừng sống yên ổn. Do sự kiện này mà vùng đất ấy có tên là Lộc Dã uyển.

Sau Phật Niết-bàn, vườn Nai trở thành trung tâm tu học rất lớn.

Cột đá của vua A-dục tại vườn Lộc Uyển

Trong khu vực chia ra làm tám phần liên hệ với nhau, nhà cửa lầu các tráng lệ quy mô. Tăng sĩ sống hơn 1.500 người, tu theo Phật giáo bộ phái Chính lượng bộ. Trong thành lớn có một tinh xá cao hơn 200 thước. Phía bên trên tạo hình một trái xoài được thếp vàng. Tinh xá được xếp đá chồng lên nhau. Đá chất lên bốn bên như thế cả hàng trăm phiến, mỗi phiến đều có chạm tượng Phật màu vàng. Ở trong tinh xá đó, có một tượng Phật bằng đá gần bằng thân thật của Đức Thế Tôn, tạc theo tư thế Chuyển pháp luân. Phía Tây nam tinh xá có một bảo tháp bằng đá do vua A-dục dựng nên, đã hư hoại, chiều cao hơn 100 thước. Phía trước đó có dựng một trụ đá cao hơn 70 thước.

Ngày nay, Thánh tích đã hoang phế nhiều. Các nước Phật giáo đều có bia đá khắc kinh Chuyển pháp luân lưu niệm tại đây.

4. Câu-thi-na, nơi Đức Phật nhập Niết-bàn

Thuở Phật tại thế, Câu-thi-na (Kuśi-nagara) là một thị trấn của nước Mạt-la (Mallas).


Thánh tích Câu-thi-na

Theo kinh Trường A-hàm, khi Thế Tôn tuyên bố nhập Niết-bàn ở thành Câu-thi-na, Tôn giả A-nan đã “Xin Phật chớ diệt độ tại chỗ đất hoang vu trong thành chật hẹp thô lậu này”. Đức Phật liền dạy: “Thành này xưa kia, vào thời vua Đại Thiện Kiến, đã từng xinh đẹp như một Tịnh độ”. Rồi Phật dạy: “Này A-nan, Ta nhớ đã từng ở nơi này, Ta sáu lần tái sinh làm Chuyển luân Thánh vương và cuối cùng bỏ xác tại chỗ này. Nay Ta thành Vô thượng Chính giác, lại cũng muốn xả bỏ mạng căn, gởi thân tại đây. Từ nay về sau, Ta đã dứt tuyệt sinh tử, không còn có chỗ nào là nơi bỏ xác Ta nữa. Đây là đời cuối cùng. Ta không còn thọ sinh trở lại nữa”.

Đức Thế Tôn chọn thành Câu-thi-na, một mảnh đất đã từng xinh đẹp như Tịnh độ, để nhập Niết-bàn là muốn khai thị cho chúng sinh đời sau biết rằng, muốn vào Niết-bàn phải về Tịnh độ. Đó là di giáo tối hậu của Đức Thế Tôn.

Thế kỷ thứ V, khi ngài Pháp Hiển đến chiêm bái Thánh tích này thì chỉ thấy thưa thớt người dân sinh sống và đại bộ phận chùa viện đều đã hoang phế. Thế kỷ thứ VII, ngài Huyền Tráng đến đây chiêm bái thì thành này đã hủy hoại, thôn ấp tiêu điều, dân cư càng thưa thớt. Năm 1853, nhà khảo cổ M.A.C.Carlyle tiến hành khai quật thành Câu-thi-na, và công tác khảo cổ tiến hành cho đến ngày nay đã phát hiện được:


Thánh tích Điện Phật nằm

Điện Phật nằm: Trong điện này có tượng Đức Phật Niết-bàn, dài 20 mét, nằm trên bệ thờ được điêu khắc tinh mỹ. Đầu giường khắc hình Tôn giả A-nan, Tu-bồ-đề (Subhadda), và 5 tượng khác không rõ danh tánh, cùng với những hoa văn. Nghệ thuật tạo tượng và những hoa văn cho biết pho tượng này được kiến tạo vào khoảng thế kỷ thứ V.

Tháp Đại Niết-bàn: Tháp này được xây dựng ngay nơi Phật nhập Niết-bàn. Mãi đến năm 1912 công tác khai quật tháp này mới hoàn thành. Tháp cao 167 thước Anh. Trong tháp người ta tìm thấy rất nhiều di vật bằng đồng, có hoa văn và chữ viết của vương triều Kumara Curta, niên đại 413-455.

Di tích và tường đá của một số ít chùa viện: Có rất nhiều hoa văn chuyển tải và ghi chép tên gọi các tự viện cũng như người kiến tạo chùa Đại Niết-bàn. Những phát hiện này có giá trị lịch sử vô cùng lớn lao.

Tháp trà tỳ: Tháp này có tên là An-già-la (Angara Chaitya), tương truyền là nơi trà tỳ thân Phật. Người địa phương gọi tháp này là Rambhar. Trong tháp có di vật quan trọng nhưng đã bị kẻ gian đào đường hầm trộm mất.

Trên đây là bốn Thánh tích đặc biệt quan trọng của Phật giáo, là di chỉ xác thực khẳng định Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là nhân vật lịch sử. Phật đản sinh có những công đức như thế, khi Phật đắc đạo có những thần thông như thế, khi Phật chuyển Pháp luân có những sự hóa độ như thế, và cuối cùng, khi Phật diệt độ có những lời di huấn như thế. Cho nên, những ai tưởng nhớ tới bốn Thánh tích này với hoan hỷ muốn thấy, nhớ tưởng không quên, sinh tâm luyến mộ thì chắc chắn thành tựu trên con đường tìm cầu giác ngộ.

(Nguồn: Giác Ngộ Online

Tác giả: HT. Thích Nguyên Hùng)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6339385
Số người trực tuyến: