Vì sao nghiệp xấu dễ phạm, khó bỏ? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Vì sao nghiệp xấu dễ phạm, khó bỏ?

Có hai khía cạnh chính của nghiệp: một khía cạnh liên quan đến sự trải nghiệm và một khía cạnh liên quan đến điều kiện.

Ở khía cạnh trải nghiệm, ví dụ, những nghiệp bất thiện về thân sẽ dẫn đến những trải nghiệm về khó khăn, chướng ngại, bất hạnh. Những nghiệp bất thiện về khẩu như nói dối sẽ dẫn đến những trải nghiệm buồn khổ, bất như ý. Những nghiệp bất thiện về ý sẽ dẫn đến trải nghiệm phiền não. Ví dụ, kiêu mạn sẽ khiến mất hết bạn bè. Vì lòng kiêu mạn, những người không ưa thích hay là kẻ thù của bạn sẽ trở thành thù địch hơn với bạn, và tình thế càng trở nên căng thẳng hơn. Khía cạnh này liên quan đến hiểu biết rằng bất cứ hành động bất thiện nào cũng sẽ dẫn đến bất hạnh và khổ đau.

Khía cạnh thứ hai của nghiệp là điều kiện. Thông qua các hành động bất thiện của thân - khẩu - ý, chúng ta tự hình thành cho mình một thói quen, tập khí theo những hành vi nhất định. Hành vi bất thiện về thân hay khẩu sẽ định hình thói quen theo xu hướng của hành vi đó. Ví dụ, mỗi lần sát sinh là một lần chúng ta đặt mình vào điều kiện sẽ tiếp tục sát sinh. Nếu bạn nói dối, hành động đó sẽ tạo nên thói quen nói dối. Tâm kiêu mạn sẽ tạo nên thói quen trong tâm bạn khiến bạn sẽ càng kiêu mạn hơn. Trong nhiều đời kế tiếp, những điều kiện này sẽ tiếp tục phát tác để rồi chúng ta tái sinh với tập khí sát sinh, nói dối, tà dâm, v.v….

Đó là hai khía cạnh của nghiệp. Một khía cạnh là kết quả trực tiếp của một hành động, và khía cạnh khác là điều kiện hình thành nên tập khí, thói quen cho hành vi của loại nghiệp đó. Thông qua hai khía cạnh này, nghiệp xoay vần tạo nên vô vàn hạnh phúc giả tạm và khổ đau trong cuộc sống này.

Khó khăn từ bỏ nghiệp bất thiện và thực hành thiện hạnh

Tuy nhận ra rằng nghiệp bất thiện sẽ đem lại nhiều khổ đau hơn và nghiệp thiện sẽ mang đến nhiều hạnh phúc hơn, chúng ta vẫn cảm thấy khó khăn khi từ bỏ những hành động bất thiện, đồng thời thực hành những thiện hạnh. Bởi những xúc tình phiền não ghi dấu ảnh hưởng quá mạnh mẽ trong tâm chúng ta. Chúng ta đều nhận ra rằng khổ đau được tạo ra bởi nghiệp bất thiện, nhưng chúng ta vẫn không thể từ bỏ những nghiệp đó.

Chúng ta cần chuyển hóa những xúc tình phiền não bởi đó là căn nguyên gây ra các nghiệp bất thiện. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đoạn diệt các nghiệp bất thiện của thân (như sát sinh, trộm cắp, tà dâm), các nghiệp bất thiện của khẩu (như nói dối, nói lời hai lưỡi, nói lời thô ác và nói lời vô nghĩa), các nghiệp bất thiện của ý (như kiêu mạn, bám chấp, vô minh….). Nếu chỉ mong muốn dứt trừ các xúc tình phiến não thì sẽ không bao giờ có thể đoạn diệt được chúng. Tuy nhiên, Đức Phật với lòng từ bi vô hạn và trí tuệ giác ngộ đã trao truyền cho chúng ta một phương cách thiện xảo để đoạn trừ tập nhân của xúc tình phiền não thông qua thực hành kiểm xét lại niềm tin về sự tồn tại chắc thật, thường hằng của cái tôi hay bản ngã.

Niềm tin lầm lạc về bản ngã

Chúng ta không thể dễ dàng hiểu về một niềm tin kiên cố vào bản ngã bởi điều này đã đâm sâu gốc rễ vào tâm thức. Nhưng nếu cất công tìm kiếm bản ngã mà chúng ta vẫn thường tin tưởng, chúng ta sẽ nhận ra rằng bản ngã không thực sự tồn tại. Kiểm xét một cách kỹ lưỡng, chúng ta có thể nhận ra ngay niềm tin lầm lạc vào một bản ngã bất biến. Làm được như vậy, những xúc tình phiền não sẽ giảm xuống và nếu bạn đoạn diệt được niềm tin vào bản ngã, những nghiệp bất thiện sẽ được tịnh hóa.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

(Còn tiếp)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328033
Số người trực tuyến: