Vượt qua hẻm núi nguy hiểm của vọng niệm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Vượt qua hẻm núi nguy hiểm của vọng niệm

Vua Trisong Deutsen cho xây một tự viện ở Samye, nhưng khi khởi công, lễ động thổ đã không được tổ chức đúng nghi thức nên quỷ thần cản trở việc xây dựng. Một số đạo sĩ của nhà vua nói rằng cần phải có một đạo sĩ thượng thừa để nhiếp phục ma quỷ, vì vậy nhà vua cử sứ giả tới Ấn Độ và Trung Hoa để tìm kiếm. Kết quả là vị Đại Học Giả Bồ Tát dạy học ở Tu viện Nalanda được mời tới Himalaya. Vị Bồ Tát này làm lễ ở địa điểm tự viện Samye nhưng không thể hàng phục được ma quỷ, những bức tường mới xây lên vẫn bị phá đổ. Vị Bồ Tát nói với nhà vua chỉ có một người có khả năng nhiếp phục quỷ thần ở Samye, đó là Thượng Sư Liên Hoa Sinh, lúc đó đang ở Bodh Gaya. Làm theo lời của Học Giả Bồ Tát, nhà vua cho sứ giả sang Ấn Độ thỉnh mời Đức Liên Hoa Sinh.


Tự viện ở Samye

Nhận lời mời, Đức Liên Hoa Sinh khởi hành đi Himalaya vào ngày rằm tháng 11 âm lịch. Sau lễ tôn phong, đức vua thỉnh cầu Ngài an tọa trên một bảo tòa trải đệm lụa trong chính điện phía trên lầu. Vua cúng dàng Mandala lên Đức Liên Hoa Sinh với vô số những cốc đầy vàng và bạc ở hai bên tay Ngài và hoa làm bằng bảy báu. Vua cởi ra từ cổ mình một món đồ trang sức lam ngọc tên là Maru Rực Rỡ và đặt lên đĩa Mandala tượng trưng cho mặt trời, và một món đồ khác có tên là Kenru Kongchok tượng trưng của mặt trăng. Vua gom các thứ quý báu khác thêm vào trên đĩa vàng tượng trưng cho núi Tu Di và bốn châu lục.

Rồi nhà vua bạch Đức Liên Hoa Sinh:

- Kính bạch Ngài, khi cố gắng thành tựu quả là Phật tính, từ nhân là một chúng sinh hữu tình, trước hết cái thấy của sự chứng ngộ là cực kỳ quan trọng. Có được “cái thấy của sự chứng ngộ” có nghĩa là gì?

Đức Liên Hoa Sinh khai thị:

- Cốt tủy của mọi cái thấy (kiến) là tinh túy Bồ đề tâm giác ngộ. Tất cả hàng tỷ vũ trụ, tất cả Như Lai mười phương, và mọi chúng sinh trong ba cõi đều cùng một tự tính, bao hàm trong tinh túy Bồ đề tâm giác ngộ này. “Tâm” ở đây nghĩa là sự đa dạng sinh khởi từ cái vô sinh, vô tác.

- Kính xin Ngài chỉ dạy đâu là sự khác biệt giữa chư Phật và các chúng sinh?

- Đó không gì khác hơn là tâm giác ngộ hay không giác ngộ. Bản chất của trạng thái giác ngộ của một vị Phật thường hằng hiện diện trong ngài, nhưng ngài lại không nhận ra nó. Không nhận biết tự tâm, các chúng sinh trôi lăn vào sáu đường sinh tử. Rồi ngài có thể hỏi: “Thế nào là con đường chứng ngộ tự tâm?”. Điều ấy đã được dạy rằng, ngài cần lời dạy được khẩu truyền từ một bậc Thầy.

Về mặt này, “tâm” là cái suy nghĩ và nhận biết; thật vậy, có cái gì đó đang kinh nghiệm. Chớ tìm tâm này ở bên ngoài, hãy nhìn vào trong! Hãy để cho tâm tìm kiếm chính nó! Hãy xác chứng tự tính của tâm là thế nào!

Trước tiên, từ đâu tâm sinh khởi? Ngay giờ đây, nó dừng ở đâu? Cuối cùng, hãy nhìn nó đi đâu? Khi tâm ngài nhìn vào chính nó và thấy rằng không có chỗ nào từ đó nó khởi sinh, dừng trụ hay biến mất. Không có sự giải thích nào về “Nó là như thế nào”. Tâm được khám phá chẳng phải cái gì ở ngoài hay ở trong. Nó không có ai đang nhìn; nó không phải là hành động nhìn. Nó được chứng nghiệm như là một trạng thái giác tỉnh bản nguyên không có trung tâm cũng không có chu vi, một sự biến mãn bao la trống không và tự do không có giới hạn. Sự giác tỉnh bản nguyên này là vốn sẵn và tự hữu. Nó không phải được tạo ra lúc bây giờ, mà vốn sẵn hiện diện trong chính ngài từ vô thủy.

“Có được niềm tin” vào điều này có nghĩa là ngài nhận biết rằng cũng giống như hư không, tâm vốn hiện hữu sẵn đủ từ vô thủy. Như mặt trời, nó giải thoát khỏi bất kỳ căn bản vô minh tối ám nào. Như hoa sen, nó chẳng nhiễm ô bởi nghiệp tội. Như vàng ròng, nó không biến hoại bản chất. Như đại dương, nó bất động. Như một dòng sông, nó không ngừng dứt. Như núi Tu Di, nó không đổi thay. Một khi ngài nhận biết (chứng ngộ) bản tính chân thực của nó, điều ấy gọi là “có được cái thấy của sự chứng ngộ”.

Nhà vua lại hỏi:

- “Có được kinh nghiệm về thiền định” là thế nào thưa Ngài?

Đức Liên Hoa Sinh dạy:

- Nghe đây, thưa Bệ hạ! “Có được kinh nghiệm về thiền định” nghĩa là buông xả và quán sát tâm thức vọng tưởng lang thang; hãy tĩnh tâm chiếu soi sự vận hành của tâm. Hãy để tâm ngài an nghỉ trong trạng thái tự nhiên, không câu thúc và tự do. Bằng cách không trụ tâm vào cái gì bên ngoài cũng không tập trung bên trong, ngài ở nơi sự giải thoát khỏi mọi tiêu điểm. Trong trạng thái an định vĩ đại này của tự tính, hãy để cho tâm ngài dừng nghỉ không động lay, cũng như ngọn lửa của một ngọn đèn sáp không chao động bởi gió.

Trong trạng thái này, các kinh nghiệm có thể xảy ra: tâm thức ngài có thể trở nên sáng tỏ hay hỷ lạc, hay thoát khỏi tư tưởng; nó có thể cảm thấy mờ tối, không có điểm quy chiếu, và không hòa hợp với những chuyển động trong thế giới này. Nếu các kinh nghiệm này xảy ra, chớ gán cho chúng tầm quan trọng đặc biệt nào, vì chúng chỉ là những kinh nghiệm thoáng qua, nhất thời. Chớ trụ trước vào chúng! Đó gọi là “có được kinh nghiệm về thiền định”.

Nhà vua lại hỏi:

- Cái gì giúp hành giả vượt qua hẻm núi nguy hiểm của vọng niệm?

Thượng sư Liên Hoa sinh đáp:

- Trong lúc thiền định, bất kỳ ý tưởng nào sinh khởi đều là từ tâm của chính mình. Bởi vì tâm không có tự tính, nên tư tưởng chính nó cũng trống rỗng không có thực thể. Giống như một đám mây hình thành giữa không gian và biến mất trở lại trong không gian, ý niệm khởi trong tâm và lại tan biến trong tâm. Về mặt bản chất, tư tưởng ý niệm là pháp tính từ vô thủy.

“Vượt qua hẻm núi nguy hiểm” nghĩa là khi tâm động thành đủ thứ tư tưởng, ngài nên hướng sự chú ý vào chính tâm này. Như một tên trộm đi vào một căn nhà trống, những tư tưởng rỗng không không chướng ngại gì. Đó gọi là “vượt qua hẻm núi hiểm nguy của động niệm”.

(Lược trích ấn phẩm: "Những khai thị từ Đức Liên Hoa Sinh về con đường Đại Toàn Thiện”

Nguyên tác: “Advice from the Lotus-Born”

Nhà xuất bản Rangjung Yeshe, 1994)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6323859
Số người trực tuyến: