Tại sao nhật thực và nguyệt thực lại là thời điểm tu hành vô cùng quan trọng? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tại sao nhật thực và nguyệt thực lại là thời điểm tu hành vô cùng quan trọng?

Khi mà thân và tâm chúng ta kết hợp lại một cách hoàn hảo đến mức thân là tâm và tâm là thân thì chúng ta sẽ chứng đạt được sự hợp nhất của thân và tâm. Vào những ngày có nhật thực, nguyệt thực, thân tâm vi tế của chúng ta sẽ vận hành một cách đặc biệt, vào thời điểm hy hữu này nếu tinh tấn tu tập, thực hành thiện nghiệp thì công đức sẽ tăng trưởng 100 triệu lần, nhanh chóng thành tựu giác ngộ.

Lịch Kim Cương thừa là đúc kết từ Mật điển “Thời Luân Kim Cương” tính toán quy luật tinh tượng và diễn trình thiên văn. Hơn ngàn năm qua sự thật chứng minh cho dù là xác định ngày nhật thực, nguyệt thực, ngày trăng rằm hay ngày cuối của tháng thì Lịch Kim Cương thừa đều cho kết quả chính xác hơn các phương pháp tính toán lịch khác. Do đó, nếu muốn hành trì các thiện pháp ngày thù thắng, tốt nhất là y theo Lịch Kim Cương thừa.

Tại sao nhật thực và nguyệt thực lại là thời điểm tu hành vô cùng quan trọng?

Theo cái nhìn của người thế tục, mặt trời mặt trăng chẳng qua chỉ là định tinh hay hành tinh mà thôi. Mặt trăng do lực hút trái đất mà xoay quanh trái đất còn trái đất thì lại xoay quanh mặt trời. Nhưng theo quan kiến của “Thời Luân Kim Cương” thì không có đơn giản như vậy.

Mật điển có đề cập rằng con người là một tổ hợp Thân - Tâm được chia thành ba cấp độ gồm: thô lậu, vi tế và rất vi tế.

Thân tâm thô lậu: Thân tâm thô lậu là phạm trù chúng ta đã quen thuộc và dễ cảm nhận nhất. Thân thô lậu được tạo thành từ da, thịt, máu, xương, ngũ quan,… trong khi tâm thô lậu bao gồm năm nhận thức giác quan mang tính thô lậu, hạn chế về sự vật hiện tượng.

Thân tâm vi tế: Thân vi tế hay thân Kim cương bao gồm các kinh mạch, khí năng lượng và các giọt minh điểm tồn tại ở trong các kinh mạch.

Kinh mạch: Những kinh mạch chính được sử dụng trong thiền định là kinh mạch trung ương chạy dọc cột sống và hai đường kinh mạch phụ chạy hai bên kinh mạch trung ương. Dọc theo kinh mạch trung ương có sáu luân xa chính, từ mỗi luân xa trong số này tỏa ra bảy mươi hai ngàn kinh mạch nhỏ chạy khắp cơ thể chúng ta.

Khí: Khí mà chúng ta đang bàn đến không dùng để chỉ đến không khí bên ngoài chúng ta hít thở mà đó là khí vi tế chảy xuyên qua các kinh mạch của chúng ta. Có hai loại khí chính là khí nâng đỡ tứ đại (thô lậu và vi tế) giúp cho thân chúng ta hoạt động; và khí nâng đỡ cảm xúc nghĩa là khí liên hệ với các cấp độ khác nhau của tâm thức. Nguyên lý Mật thừa dạy rằng: “tâm dựa trên khí” điều này có nghĩa là tâm chúng ta thì dựa vào các khí và các khí luôn dịch chuyển cùng tâm. Tâm và khí luôn dịch chuyển cùng nhau qua các kinh mạch vi tế.

Minh điểm: Thân Kim cương của chúng ta bao gồm các năng lượng lỏng vi tế đó là giọt đỏ và giọt trắng. Các Tantra cũng nhắc tới các giọt này là tinh chất Bồ đề tâm Đỏ (tựa mặt trời) và Trắng (tựa mặt trăng). Mặc dù những giọt Trắng và Đỏ luôn ở cùng nhau trong mọi kinh mạch nhưng giọt Đỏ năng lượng âm (năng lượng mẫu tính) thì chi phối tại luân xa rốn và giọt Trắng (năng lượng phụ tính) thì mạnh mẽ tại luân xa đỉnh đầu.

Thân rất vi tế (tự tính tâm): được thể hiện ở thời điểm chết sau khi chấm dứt tiến trình tan rã bên trong, lần lượt diễn ra ba giai đoạn xuất hiện, phát triển và thành tựu tương ứng với tiến trình tan rã bí mật của giọt Trắng, giọt Đỏ và hai giọt gặp nhau ở luân xa tim, sau đó, chúng ta sẽ lần lượt trải nghiệm các dấu hiệu các sắc trắng (Phổ quang nguyệt chiếu), đỏ (Quang minh nhật chiếu) và đen (Huyền quang tịch chiếu).

Vào thời khắc trung ấm, thần thức đã thoát ra khỏi minh điểm khí mạch rồi, dù rằng có một số thần thức có thể ở trong cảnh giới trung ấm mười mấy năm hay dài hơn nhưng vì không có minh điểm trắng đỏ nên họ không thấy được mặt trăng, mặt trời bên ngoài.

Điều này cho thấy rõ rằng mặt trăng, mặt trời là một loại ảnh tượng của minh điểm khí mạch trong cơ thể người ta, tức giống như người ta khi soi gương, người trong gương đâu có tồn tại thực sự mà chỉ là ảnh của người đó thôi. Cũng giống như vậy, sự vận động của tinh tú cũng là một loại phản chiếu bên ngoài theo quy luật vận động của minh điểm khí mạch bên trong.

Theo quan kiến Kim Cương thừa, thân vi tế chính là Mandala bên trong tương ứng với Mandala bên ngoài là vũ trụ. Một số pháp thực hành Mật thừa cũng bàn đến các việc luồng nội hỏa là các Bản tôn, vì thế, các pháp thực hành này cho rằng các Daka và Dakini hiện diện và luân chuyển khiêu vũ trong toàn bộ thân thể bạn. Bởi vậy cho nên sự vận động của thiên thể bên ngoài và sự biến hóa tinh khí mạch bên trong liên hệ cực kì mật thiết. 

“Thời Luân Kim Cương” thông qua quy luật vận hành của kinh mạch, khí, minh điểm bên trong mà suy đoán phương thức vận hành của tinh tú nhật nguyệt bên ngoài. Chúng ta dựa vào biến hóa của tinh tú bên ngoài có thể suy ra hiện trạng tinh khí mạch bên trong. Do đó nếu vào những ngày có nhật thực, nguyệt thực hay ngày 15, 30, v.v… tức vào các thời khắc mà tinh khí mạch vận hành đặc biệt nếu  tinh tấn tu hành thì công năng nhất định sẽ khác lúc bình thường.

Tại sao vào những thời khắc đó thì công năng khác biệt? Theo Mật điển cho rằng mỗi người chúng ta số lần hít thở mỗi ngày là 21600 lần (mỗi phút 50 lần), trong đó đa số là nghiệp khí (không sạch, là nhân tố khởi tạp niệm), rất ít thành phần là khí trí tuệ (tương phản với nghiệp khí). Thế nhưng trong những ngày đặc thù này, đa số nghiệp khí biến thành khí trí tuệ, chính là nguyên nhân mà tu hành trong các thời điểm đó công đức tích lũy được sẽ tăng trưởng 100 triệu lần.

Vào ngày xuất hiện nhật thực hay nguyệt thực, cho dù là đọc Kinh, phóng sanh hay tạo bất cứ thiện nghiệp gì thì đều có công đức vô cùng lớn, đây chính là cách tích lũy tư lương đặc thù.

Kinh thư có viết: ngày thù thắng hành trì thiện hạnh nào cũng có công đức vô cùng lớn, cho dù là hành trì chân ngôn, hành thiện, lễ lạy, cúng dường, cúng dường trai tăng, tu trì từ bi tâm, bồ đề tâm v.v… công đức đều tăng trưởng cả trăm triệu lần. Trong những ngày này, việc hết sức quan trọng là cố gắng ăn chay, phóng sinh, không sát sinh, thực hành Phật pháp.

(Nguồn: Drukpa Việt Nam)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6414061
Số người trực tuyến: