Tại sao lại có ngày Tết nguyên đán?
Trong một năm có nhiều ngày, nhiều dịp Tết và trong những dịp Tết đó thì Tết Nguyên đán (hay thường được gọi là Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền) là dịp lễ quan trọng nhất trong một năm của người Việt Nam và một số các dân tộc sử dụng lịch mặt trăng (âm lịch). "Nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" là buổi sáng sớm. Nguyên đán có nghĩa là ngày đầu tiên/buổi sáng đầu tiên trong một năm. Ngoài ra, nhiều người cũng lí giải từ "nguyên" còn thể hiện cho sự đầy đủ, tròn trịa, trọn vẹn và cũng vì thế, Tết Nguyên đán còn có một ý nghĩa khác biểu trưng cho ước muốn cuộc sống luôn được ấm no, đầy đủ của người dân.
Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học, từ "Tết" được xuất phát từ chữ Hán và được đọc theo âm Hán Việt là "Tiết" (nghĩa là đốt tre đốt trúc, mở rộng nghĩa là một phiến đoạn thời gian trong năm).
Ngày xưa, người dân sinh sống dựa trên nền nông nghiệp trồng lúa nước và thường chia thời gian trong một năm thành hai phần chính: thời vụ và nông nhàn.
Vào thời điểm "thời vụ" thì người dân phải lao động vất vả, hiếm có dịp sum họp, gặp gỡ. Chính vì thế, vào lúc nông nhàn, người dân sử dụng quỹ thời gian đó để cúng bái gia tiên, sum họp gia đình. Nói một cách khái quát, đơn giản hơn, Tết là những đan xen giữa các khoảng trống thời vụ.
Phong tục Tết Nguyên đán bắt nguồn từ đâu?
Cho đến nay, vẫn chưa có thông tin chính xác hay thời gian cụ thể xác định cho việc dân tộc ta ăn Tết từ bao giờ. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học cho rằng phong tục này có từ thời Tam hoàng Ngũ đế ở Trung Quốc. Nhà Hạ thì lấy ngày Tết nguyên đán vào đầu tháng Dần, nhà Thương thì lấy tháng Sửu, nhà Chu thì lấy tháng Tý. Đến khi Khổng Phu Tử ra đời (thời Đông Chu) mới lấy ngày Tết là ngày mùng 1 tháng Dần làm nhất định. Rồi thời Tần lại đổi thành tháng Hợi (tháng 10). Đến thời Hán Vũ Đế (140 trước Công nguyên) mới đặt lại vào đầu tháng Dần.
Sau này Đông Phương Sóc cho rằng: “Ngày tạo thiên lập địa có thêm giống gà, ngày thứ hai có thêm giống chó, ngày thứ ba sinh giống lợn, ngày thứ tư sinh giống dê, ngày thứ năm sinh giống trâu, ngày thứ sáu sinh giống ngựa, ngày thứ bảy sinh loài người và ngày thứ tám sinh ra các loại ngũ cốc. Do điển cố này cho nên Tết Nguyên đán thường được tính từ ngày mùng 1 cho đến hết ngày mùng 7.
Ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán
Một năm cốt ở đầu xuân
Một ngày cốt ở giờ Dần mà ra
Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tết - do tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông - có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính.
Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm "Ơn trời mưa nắng phải thì", người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời,... người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này.
Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,... được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. "Về quê ăn Tết", đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.
Tết là ngày đầu tiên trong năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và “làm mới” mọi việc. Việc làm mới có thể được bắt đầu về hình thức như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Sàn nhà được chùi rửa, chân nến và lư hương được đánh bóng. Bàn ghế tủ giường được lau chùi sạch sẽ.
Người lớn cũng như trẻ con đều tắm gội và mặc quần áo mới. Đây cũng là dịp mọi người làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn,... Bao nhiêu mối nợ nần đều được thanh toán trước khi bước qua năm mới. Với mỗi người, những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên. Tối thiểu ba ngày Tết, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối quan hệ được tốt đẹp hơn.
Còn theo quan kiến Phật giáo Kim Cương thừa, thời điểm của năm mới là vô cùng quan trọng, vũ trụ bắt đầu một vòng quay mới, đặc biệt trong 15 ngày đầu năm mới những hành động thân, khẩu, ý của chúng ta sẽ tạo ra nguồn năng lượng tích cực hay tiêu cực sẽ bị ảnh hưởng gấp hàng trăm ngàn lần. Những thiện hạnh chúng ta tạo trong những ngày này công đức sẽ tăng trưởng gấp hàng trăm ngàn lần. Chúng ta hãy trải rộng lòng mình trong tình yêu thương vô ngã vị tha, phát Bồ đề tâm thực hành Phật pháp, mọi hành động, mọi lời nói đều hướng về lợi ích giải thoát chấm dứt khổ đau cho tất cả chúng sinh, nhờ vậy năng lượng của chúng ta sẽ thăng hoa, tương ứng được những tần sóng rung động ân phúc của chư Phật, chư Bồ tát và các bậc Thầy giác ngộ. Thần lực của quý Ngài sẽ cộng hưởng, gia trì che chở cho chúng ta viên mãn thành tựu tất cả những thiện nguyện.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
- 564
Viết bình luận