Các bước bao sái và bày biện ban thờ ngày Tết đúng Pháp | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Các bước bao sái và bày biện ban thờ ngày Tết đúng Pháp

Vào dịp cuối năm, nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, trang trí nhà cửa để chuẩn bị đón một năm mới nhiều bình an. Việc lau dọn bàn thờ (còn gọi là bao sái) là quan trọng nhất, cần được làm thật kỹ càng, sạch sẽ không thể tùy tiện và vội vàng làm cho xong chuyện. Đó là sự thể hiện lòng thành, sự tôn kính, khi chăm chút cho nơi an vị chư Phật, chư thần linh, ông bà tổ tiên nhà mình.

Trong mỗi gia đình thường có bàn thờ gia tiên đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Chính giữa ban thờ là bát hương tượng trưng cho vũ trụ, trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng; ở hai góc ngoài của bàn thờ bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho Mặt Trời ở bên trái và Mặt Trăng ở bên phải. Mỗi khi cúng, lễ gia chủ sẽ thắp đèn (nến). Việc lau dọn, bày trí bàn thờ gia tiên thường xuyên thể hiện sự hiếu kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Ngoài ban thờ gia tiên, nếu gia đình nào có ban thờ Phật thì bạn cũng cần biết bày biện ban thờ Phật giáo đúng cách.

Trên ban thờ Phật giáo phải có đầy đủ những biểu tượng Thân – Khẩu – Ý giác ngộ. Hình hay tượng Phật biểu trưng cho Thân giác ngộ, Kinh pháp biểu trưng cho Khẩu giác ngộ và Bảo tháp ngũ luân biểu trưng cho Ý giác ngộ. Nếu không có Bảo tháp thì có thể đặt hình ảnh Bảo tháp và nếu không có đủ 3 biểu tượng nói trên thì bạn nên thời một tôn tượng Đức Phật Thích Ca và tin tưởng rằng tôn tượng hội tụ đầy đủ Thân – Khẩu – Ý giác ngộ của chư Phật và Tam bảo.

Sau đây là những điều lưu ý khi sắp đặt ban thờ đúng cách và lợi ích nhất:

1. Bao sái ban thờ và các bát (đĩa) đựng phẩm vật cúng dàng

Khi đã biết việc dọn ban thờ ngày Tết rất quan trọng thì bạn cũng không được lơ là việc dùng gì để lau dọn. Những đồ lau dọn ban thờ như chổi quét, khăn lau, khăn khô đều là đồ sạch, được mua về để dùng riêng, hạn chế dùng chổi, khăn lau dọn chung, vốn mang nhiều uế tạp, không đảm bảo sự tôn nghiêm.

Bạn nên bao sái các bát (đĩa) đựng phẩm vật cúng dàng bằng cách dùng khăn sạch lau ba lần ngược chiều kim đồng hồ và quán tưởng tất cả các ác nghiệp của Thân – Khẩu – Ý lỡ tạo đều được tiêu trừ, rồi dùng khăn lau ba lần thuận chiều kim đồng hồ và quán tưởng bản thân đón nhận sự ban phúc gia trì từ Thân – Khẩu – Ý giác ngộ của chư Phật.

2. Những điều nên tránh

Không nên treo những hình ảnh tiêu cực như những con vật dữ tợn trong nhà và cạnh ban thờ

Không để đồ trống không trên ban thờ Phật: không để đĩa, bát hay lọ hoa trống không. Bởi ban thờ Phật là nơi đón nhận phúc đức gia trì, chúng ta cần phải trân trọng và giữ thanh tịnh. Nếu để đồ rỗng, đồ trống không sẽ không có phúc. Thay vào đó, chúng ta có thể đặt vào trong đó chiếc kẹo hay vài hạt gạo.

Không nên để nước lưu cữu hay nước bẩn trong lọ hoa

Không nên bày những thứ hoa quả không ăn được như ớt, bày cả chanh/quất trên bàn thờ để dâng cúng. Chỉ dâng cúng những món hoa quả ngon lành, đẹp mắt, tươi tắn lên bàn thờ để tỏ lòng tôn kính.

3. Các biểu tượng giác ngộ có thể an vị trên ban thờ

Các biểu tượng giác ngộ như biểu tượng chữ A Thập Tướng Tự Tại, Thangka hộ trì Văn Thù, Tám tướng cát tường, Tám cúng dường, Thất bảo, Mandala Thời luân Kim Cương, v.v... đều mang lại những năng lượng hết sức tích cực, sự thịnh vượng, cát tường, bảo hộ bình an v.v... Bạn có thể chọn một hoặc nhiều biểu tượng tùy theo tâm nguyện và điều kiện của mình.

Hoa sen: nêu biểu cho trí tuệ, sự thanh tịnh

Bát Đại Cát Tường: đây là những phẩm vật cúng dàng cát tường được chư Thiên nam, Thiên nữ dâng lên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi Ngài chứng đạt giác ngộ. Về mặt biểu tượng, những phẩm vật cúng dàng này có năng lực gia trì mạnh mẽ và rất may mắn. Cúng dàng những phẩm vật này với tâm chí thành thanh tịnh sẽ giúp bạn khai mở tâm, tích lũy công đức, xua tan mọi chướng ngại và quan trọng nhất là mang đến vô lượng cát tường.


Bát Đại Cát Tường (Nguồn ảnh: Trung tâm Phật Trường Thọ, 184B Xuân Diệu, Hà Nội)

Bát Đại Cát tường thường được bày trong lễ giao thừa, lễ tấn phong, lễ đăng quang, lễ cưới hoàng gia và đại lễ kỉ niệm, lễ gia trì nhà cửa, và các nghi lễ khác...

Thất Bảo: 7 biểu tượng quyền lực của Chuyển Luân Vương nêu biểu sự đầy đủ phúc đức

Những câu Chân ngôn: nêu biểu Khẩu giác ngộ

Đây là những biểu tượng của sự giải thoát. Trong đạo Phật, công đức lớn nhất chính là công đức của lòng từ bi, tình yêu thương và trí tuệ. Những biểu tượng này xuất phát từ bi nguyện, từ trí tuệ, từ tình yêu thương của chư Phật cho nên có năng lực gia trì vô cùng mạnh mẽ.

4. Cách thức thụ lộc sau khi cúng

Như đã giới thiệu trong các bài trước, sau khi thỉnh Phật và mang Bộ vật phẩm xông nhà vào nhà thời điểm sau giao thừa, bạn sẽ an vị ảnh, tượng Phật lên ban thờ Phật, kế đến là các biểu tượng cát tường, và sau đó là Bộ xông nhà gồm 5 nhóm ngũ cốc, ngũ dược, ngũ hương…

Với Bộ xông nhà Hoan hỷ - Cát tường, bạn chỉ nên để trên ban thờ một thời gian khoảng 1-2 tuần để tránh mối mọt, nấm mốc, là điều rất nên kiêng kỵ khi dâng cúng Phật, hơn nữa cũng ảnh hưởng tới trường khí tích cực của ngôi nhà.


Bộ xông nhà Hoan hỷ - Cát tường

Những lưu ý để sử dụng Bộ xông nhà này một cách phù hợp sau khi cúng:

  • Đường, muối, sữa chua, pho mai: sử dụng để ăn, chế biến thức ăn như thông thường sẽ rất tốt.
  • Các loại ngũ cốc (gạo, đậu đỏ, đậu tương…) cũng sử dụng để nấu ăn. Với thóc có thể đem cho chim, gà ăn.
  • Bất cứ phẩm vật nào cũng có thể dùng để ăn, uống, chế biến vào thực phẩm, sẽ rất lợi ích.
  • Ngũ dược: đem xông đốt trong nhà sẽ rất tốt.
  • Ngũ sắc: bạn có thể gửi tới Trung tâm Phật Trường Thọ để đem vào đồ Cúng (184B Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội).

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6409160
Số người trực tuyến: