Tại sao cần thiền định? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tại sao cần thiền định?

"Giống như người thợ gọt giũa cho mũi tên được thẳng, Bậc trí tuệ thiện xảo làm chủ dòng tâm thức của mình".
~ Đức Phật ~

Thật khôi hài khi thấy tâm bất an lại tạo cho chúng ta cảm giác mình đang bận rộn với rất nhiều việc. Một ngày đã trôi qua mà mình không có lấy một vài phút để ngồi yên và khiến mọi thứ lắng dịu. Bạn nghe rất nhiều về lợi ích mà thiền định có thể đem tới nhưng thay vì thực hành thiền định, bạn lại luôn bận rộn với vô số việc khác. Thế là, bạn lựa chọn cách thức “thư giãn” quen thuộc: uống một ly rượu, bật tivi và ngả người xuống ghế sofa trong chốc lát trước khi bạn quá mệt mỏi và đi ngủ. Cách này có thể giúp bạn tạm thời “tắt máy” nghỉ ngơi trong thời gian ngắn nhưng rốt cuộc, bạn vẫn tiếp tục cái vòng luẩn quẩn đó.
Thay đổi thói quen cũ hoặc tạo lập thói quen mới là điều không hề dễ dàng. Vì vậy, tham gia thực hành thiền định theo nhóm mỗi tuần một buổi là bước khởi đầu hữu ích. Bạn cũng có thể cam kết với bản thân dành mười phút để thiền định vào buổi sáng hoặc buổi tối. Chỉ cần đặt chuông báo thức sớm hơn mười phút vào buổi sáng, thay vì vội vã đi làm, bạn có thể dành một chút thời gian để quán niệm hơi thở và suy ngẫm về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ngay khi làm như vậy, bạn sẽ cảm nhận được những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của mình trong ngày hôm đó.

Một trong những ẩn dụ nổi tiếng nhất mà Đức Phật từng khai thị đó là Câu chuyện về chiếc bè, trong đó Đức Phật ví giáo pháp của Ngài như chiếc bè đưa người vượt qua con sông chảy xiết.
Truyện kể về một người đàn ông bị mắc kẹt ở bên này bờ sông. Ở đó đầy nguy hiểm và bất trắc, ngược lại, qua phía bờ bên kia là vùng đất an toàn. Nhưng ở đó không có cây cầu hay con phà nào để qua sông. Anh ta phải làm gì? Người đàn ông gom nhặt được vài khúc gỗ, lá cây và dây leo, và nhờ tài trí, anh đóng được một chiếc bè. Bằng cách nằm lên bè và dùng tay chân làm mái chèo, anh đã vượt qua sông, từ bên nguy hiểm sang bờ an toàn.
Khi thuyết bài Pháp này, Đức Phật đã hỏi thính chúng rằng: “Các ông nghĩ sao nếu sau khi qua sông, anh ta tự nhủ rằng: “Vì chiếc bè đã giúp mình rất nhiều, mình sẽ mang nó trên lưng để đi tiếp lên bờ?” Các vị Tăng đáp rằng bám lấy cái bè như vậy không phải là việc làm khôn ngoan. Đức Phật hỏi tiếp: “Vậy nếu anh ta trân trọng đặt chiếc bè xuống và nghĩ rằng tuy chiếc bè đã giúp mình rất nhiều, nhưng giờ anh không còn cần đến nó nữa nên có thể để lại bên bờ sông thì sao?” Chư Tăng đều đáp lời Phật rằng đó là cách nghĩ đúng đắn. Đức Phật kết luận: “Giáo pháp của ta cũng giống như chiếc bè, để chở người qua sông chứ không phải để ôm giữ, bám chấp.”

Thiền định cũng giống như chiếc bè, giúp ta tìm lối đi trên dòng sông tâm và hiểu thấu về tâm, Nhưng một khi đã quen thuộc, hiểu rõ tâm, ta không nên bám chấp vào thiền định. Chúng ta có thể tự do khám phá những ý nghĩ tư tưởng hiện khởi trong tâm thay vì bị chúng nhấn chìm. Chúng ta cũng không cần mang theo tất cả những thiền quán này, thay vào đó, hãy buông xả khi đã hiểu rõ tâm, giống như để lại chiếc bè ở bờ sông.

Đức Phật cũng từng khai thị rằng đừng nên đi ngược dòng chảy cũng như trì hoãn hành trình vượt sông ấy. Nếu thực sự mong cầu bình an trong tâm thì bạn chớ nên khất lần. Hãy xuôi theo dòng và bạn sẽ sớm tới bờ bên kia. Hãy để tâm bộc lộ trọn vẹn; bạn có thể cảm thấy hổ thẹn với một vài suy nghĩ và cảm xúc phát khởi, nhưng bạn cũng nhận ra khi bắt đầu bỏ lại bản ngã phía sau, bạn sẽ không còn thấy xấu hổ, cũng không còn phán xét, bạn không còn bám chấp vào những suy tư bất an, phiền muộn mà đơn giản chỉ cần quan sát và để chúng trôi qua.

Ngày nay, “thiền định” không còn là từ xa lạ với hầu hết mọi người như trước đây. Nhiều người cũng từng nói về “tỉnh giác, chính niệm” và điều đó giúp ích cho việc giải thích thiền thực sự là gì. Thiền định có thể là pháp thực hành ngồi khoanh chân kiết già khi bạn tập trung vào hơi thở để tâm trở nên tĩnh lặng. Tôi sẽ giải thích thêm về phương pháp thiền định này và tại sao nó lại hữu ích đến vậy. Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ với bạn về thiền định theo nghĩa rộng hơn. Thiền định theo nghĩa rộng liên quan nhiều hơn đến chính niệm tỉnh giác mỗi ngày, thực chất đó là khi bạn áp dụng thiền vào hiện tại, ở đây và ngay bây giờ. Đừng nghĩ rằng như vậy bạn sẽ phải làm cho tâm hoàn toàn rỗng không, vì đó thực sự là pháp thiền khó nhất, thậm chí đối với cả những hành giả đã dành toàn bộ cuộc đời để công phu tu tập. Đơn giản, bạn chỉ cần trưởng dưỡng khả năng chính niệm, tỉnh thức của tâm và an trú vào từng phút giây hiện tại. Điều đó cho phép bạn nhận diện những cảm xúc sinh khởi trong tâm, tăng cường năng lực quán sát những xúc tình đó thay vì bị chúng lấn át và nhấn chìm. Từ đó, bạn thấy rằng cơn giận đến nhưng cũng sẽ qua, và bạn chính là người sẽ quyết định việc có hoài công bám chấp lấy sân giận hay chỉ quán sát sân giận và để nó tan biến.

Thiền định không phải để chúng ta trở thành người “tốt hơn”, mà đó chính là phương pháp giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân, cả bên trong lẫn bên ngoài. Thay vì để tâm luôn lăng xăng tạp loạn hay tìm cách trốn chạy tránh né, nhờ thực hành thiền định, ta dần thấy hòa hợp và biết cách sống với chính mình. Rồi ta bắt đầu nhận biết những khoảng lặng vi tế diễn ra tự nhiên, những khoảnh khắc tâm tĩnh lặng và thư giãn giữa những giao tiếp và chuyện gẫu triền miên thông thường. Đó là lúc tự tính tâm hiển lộ. Cùng với việc trưởng dưỡng sự tỉnh giác, chúng ta sẽ nhận biết rõ ràng hơn trạng thái tâm hoàn toàn thư giãn và mãn nguyện, hoàn toàn chú tâm và nhậm vận, tràn đầy tình yêu thương và lòng bi mẫn. Vào lúc đó, tâm ta trong sáng tựa pha lê, mọi vọng tưởng tạp niệm tức thì tan biến hết.

Nhưng thực hành thiền định không phải lúc nào cũng là trời trong và tâm tĩnh lặng. Nếu chúng ta có thể tỉnh thức hơn trước những suy nghĩ cảm xúc tích cực như tình yêu thương và lòng bi mẫn, thì một cách tương tự, ta cũng dành thời gian để quán chiếu về những xúc tình tiêu cực, như sân hận và ganh tỵ. Chúng ta học cách sống chung và chấp nhận những cảm xúc của mình thay vì chạy trốn hay ngó lơ không dám đối mặt với chúng.
Giả sử bạn là người ngại đối đầu, không phải vì không có điều gì làm bạn phiền lòng hay khó chịu, mà có thể vì bạn e sợ hậu quả của việc đối đầu và nghĩ rằng thà dĩ hòa vi quý, bỏ qua như thể mọi việc vẫn ổn thoả còn hơn. Nhưng nếu bạn không dành thời gian “làm việc” với những cảm xúc của chính mình, kể cả những xúc tình có vẻ tiêu cực như bực bội, thất vọng hay sân giận, chúng sẽ ngày càng trở nên nặng nề và là nguyên nhân sâu xa của những buồn khổ và bất an sau này. Trong khi thiền định, những cảm xúc và tư tưởng tiêu cực, khó chịu hoàn toàn có thể phát khởi. Và cũng chính nhờ thực hành thiền định, bạn có thể đương đầu với những xúc tình đó với tâm từ bi, biết nhận biết, lắng nghe, khám phá và rồi thực sự buông xả, để chúng tan biến.

Dưới đây là ba nguyên tắc cơ bản trong thiền định:
1. Chính niệm – học cách tỉnh thức để nhận biết mọi ý nghĩ và cảm thụ của mình.
2. Liên tục chú tâm để tỉnh giác chính niệm – nhận biết những ý nghĩ và cảm thụ ngay khi chúng phát khởi.
3. Rộng mở – tạo khoảng trống giữa các ý nghĩ hay cảm thụ, từ đó dần nới lỏng sự bám chấp vào các suy nghĩ và cảm thụ, cho rằng chúng là “của tôi”.

Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhama - Trích ấn phẩm "Tâm An lạc"

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6483410
Số người trực tuyến: