KIẾN TRÚC MANDALA - NGHỆ THUẬT ĐỘC ĐÁO CỦA KIM CƯƠNG THỪA
Đức Phật đã dạy rằng: người nhìn thấy Pháp là thấy Phật, người nhìn thấy Phật là thấy Pháp giác ngộ, người nhìn thấy Pháp là thấy Mandala, Thân Khẩu Ý Giác ngộ của Phật. Chính vì thế, kiến trúc Mandala Phật giáo là sự thể hiện hợp nhất của vũ trụ bên ngoài với thân Giác ngộ của đức Phật, đồng thời cũng là cảnh giới Tịnh độ, nơi vân tập của hải hội chư Phật.
Theo cách hiểu và sự biểu đạt phổ biến nhất, Mandala là "luân viên cụ túc", nghĩa là hàng loạt những vòng tròn đồng tâm, nêu biểu cho tự tính Phật viên mãn, cho cảnh giới Giác ngộ của hải hội chư Phật, chư Bồ tát, Bản tôn, và tượng trưng cho những phẩm chất Giác ngộ của các Ngài.
Hàng loạt những đường tròn bao quanh cung điện trung tâm theo một cấu trúc mang tính biểu tượng mạnh mẽ. Bắt đầu với những vòng tròn bên ngoài, bạn sẽ nhận thấy một vành lửa, thường được mô tả là một hình trang trí có đường cuộn độc đáo. Vành lửa biểu trưng cho quá trình chuyển hóa mà những phàm tình chúng sinh phải trải qua trước khi nhập vào miền Tịnh Độ linh thiêng bên trong. Kế đến là một vòng Quyền Trượng Kim Cương, chỉ ra sự không thể phá hủy và kim cương giống như sự huy hoàng rực rỡ bảo vệ cảnh giới tâm linh của Mandala. Trong đường tròn đồng tâm kế tiếp, đặc biệt là những Mandala đặc trưng của những Bản Tôn Uy Mãnh, bạn có thể nhìn thấy tám nghĩa địa được sắp xếp trên một băng rộng. Tám nghĩa địa này biểu trưng cho tám thức của loài người trói buộc họ vào thế giới hiện tượng và vòng luân hồi sinh tử.
Mỗi Mandala đều có một Bản tôn riêng an trụ trong kiến trúc hình vuông được đặt đồng tâm bên trong những vòng tròn này. Hình vuông hoàn hảo của Mandala nêu biểu cho không gian tuyệt đối của trí tuệ và từ bi hợp nhất.
Cấu trúc hình vuông này có bốn cổng được vẽ rất tỉ mỷ biểu trưng cho Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả). Mỗi chiếc cổng được trang hoàng bằng những chiếc chuông, tràng hoa và các họa tiết trang trí nêu biểu cho những phẩm chất Giác ngộ. Hình vuông này xác lập nên kiến trúc của Mandala giống như một cung điện hoặc một ngôi chùa có bốn mặt. Gọi là cung điện bởi vị trí trung tâm Mandala cũng là nơi an trụ của vị Phật Bản Tôn chính, xung quanh là Daka, Dakini, Hộ pháp, Tôn thiên, Bồ tát Thánh chúng. Song đây cũng chính là một ngôi chùa bởi nơi này chứa đựng tinh túy Phật Pháp Tăng.
Thường thì khi nhìn vào vị Bản Tôn ở trung tâm của Mandala, chúng ta sẽ biết được đây là Mandala nào. Người ta cho rằng Mandala có được quyền lực và công năng tâm linh đặc biệt là do chính vị Bản Tôn trong Mandala.
- 1700
Viết bình luận