Ý nghĩa và lợi ích của vũ điệu Tám Hóa thân Đức Liên Hoa Sinh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Ý nghĩa và lợi ích của vũ điệu Tám Hóa thân Đức Liên Hoa Sinh

Sự xuất hiện của Kim cương Thượng sư Liên Hoa Sinh trong cõi Sa bà đã được Đức Phật Thích Ca huyền ký trong nhiều kinh điển. Đức Phật cũng đã dạy rằng Đức Liên Hoa Sinh chính là Đức Phật A Di Đà trong hình tướng loài người. Vào thế kỷ thứ 8, Đức Liên Hoa Sinh đã từ Ấn Độ đến vùng đất tuyết, hàng phục các quỷ thần quấy nhiễu người dân và cải hóa họ thành các Hộ pháp của Đạo Phật, xây dựng các tự viện, trao truyền giáo pháp Kim Cương thừa của Đức Phật Thích Ca cho người dân trên khắp dãy Himalaya. Ngài thị hiện vô số thần thông nhưng hơn hết, lòng từ bi và trí tuệ giác ngộ của Ngài đã cảm hóa toàn bộ người dân tại vùng đất này, bởi vậy người dân và Phật tử khắp nơi luôn tin kính Ngài là hóa thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
 
Xét về tự tính tuyệt đối, các Bậc Giác ngộ không rời Pháp thân, nhưng với lòng từ bi, các Ngài thị hiện vố số hình tướng các Báo thân và Hóa thân để chúng sinh có thể kết nối và được lợi ích. Các Ngài sẽ hóa thân thị hiện tùy thuận theo nhu cầu và căn cơ của chúng sinh. Từ Pháp thân, đức Phật A Di Đà hóa hiện Báo thân là đức Phật Quan Âm, và Hóa thân là Đức Liên Hoa Sinh. Cũng như vậy, tuy an trụ trong tự tính tâm bất khả tư nghì, Đức Liên Hoa Sinh cùng lúc thị hiện vô số hóa thân với các công hạnh khác nhau để mang sự giải thoát cho chúng sinh. Trong số đó, có 8 Hóa thân với các công hạnh chính của Ngài được người dân Himalaya tán thán và tưởng nhớ qua các giáo pháp cũng như qua Vũ điệu Tám Hóa thân Liên Hoa Sinh. Hàng năm, tại các lễ hội tâm linh đặc biệt tại các Phật địa, chư tăng sẽ cử hành vũ điệu này trước sự tham gia đông đảo của người dân, những Phật tử thuần thành với mong nguyện đón nhận sự gia trì và cảm hứng tu tập từ một bậc toàn giác.
 
Chính Đức Liên Hoa Sinh đã dạy lại cho chư Tăng vũ điệu này và nói rằng khi vũ điệu được cử hành ở bất cứ đâu, Ngài sẽ thị hiện ở nơi đó và những Phật tử chí thành sẽ đón nhận sự gia trì trực tiếp từ Ngài. Theo truyền thống, vũ điệu chỉ được cử hành ở các vùng Phật tích linh thiêng, vào thời điểm cát tường (ví dụ như ngày 10 lịch Tạng là ngày vía Đức Liên Hoa Sinh). Các vị Tăng cử hành vũ điệu phải là các hành giả cao cấp, phải thiền định trong nhiều tháng trước khi cử hành vũ điệu để có thể hợp nhất thân và tâm với Thượng sư Liên Hoa Sinh, nhằm qua vũ điệu này, truyền tải trọn vẹn nguồn gia trì từ Đức Liên Hoa Sinh tới tất cả chúng sinh tham dự nghi lễ. Bởi vậy, đây không chỉ là một vũ điệu đặc sắc mà còn là một nghi thức vô cùng linh thiêng, minh chứng cho sự thiện xảo của Kim Cương Thừa với năng lực tịnh hóa và giải thoát chỉ nhờ chiêm bái.
 
Vũ điệu 8 Hóa thân Liên Hoa Sinh thường là một phần của một lễ hội tâm linh kéo dài 3 ngày cho đến 1 tuần, và là cao trào của toàn bộ lễ hội, được cử hành vào ngày cuối cùng sau khi các Phật tử tham dự lễ hội đã trải qua các nghi thức tịnh hóa và tiêu trừ chướng ngại, thân tâm thanh tịnh để sẵn sáng đón nhận ân phúc gia trì. Trong âm thanh vũ điệu Kim Cương, Hóa thân chính Guru Rinpoche sẽ xuất hiện cùng 8 Hóa thân:
 
Guru Pema Jungney, ‘Diamond-Thunderbolt Born from a Lake’, Ngài mang mặt nạ xanh với ba mắt, đội vương miện ngũ trí (hoặc năm đầu lâu), cầm trên tay Chày Kim cương và Chuông Kim cương. Danh hiệu này xuất phát từ sự tích đản sinh của Ngài. Ngài không sinh ra từ bụng mẹ mà hóa sinh trong một đóa hóa sen xanh giữa một hồ nước ở xứ Udiyana (Pakistan ngày nay) trong hình tướng đồng tử. Đức vua của xứ này là Indrabodhi khi đó không có con nên đã nhận Ngài làm con nuôi và dự định trao ngai vàng cho Ngài. Hoa sen, loài hoa tinh khiết, dù mọc lên giữa bùn lầy nhưng không bao giờ bị vướng bẩn mùi tanh của bùn, nêu biểu cho tự tính trong sáng của tâm, không bao giờ bị ảnh hưởng bởi các xúc tình. Hóa thân này có ý nghĩa khi sinh ra Đức Liên Hoa Sinh đã đầy đủ các phẩm chất giác ngộ, tự tại sinh tử.
Guru Shakya Sengye, ‘Lion of the Shakya Family’, với chiếc mặt nạ là diện của đức Phật và tóc kết lọn xanh, Ngài mang trên mình Tăng phục màu vàng, trên tay Ngài là bình bát. Đức Liên Hoa Sinh được kính ngưỡng là một hóa thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và cũng giống như đức Phật Thích Ca, khi còn là Thái tử thừa kế ngôi vua, Ngài đã xả ly tất cả vinh hoa phú quý, thực hành thiền định tại nhiều nơi để đạt giác ngộ giải thoát và có thể cứu độ chúng sinh. Trong hóa thân này, dù đã là một bậc giác ngộ từ khi đản sinh, Ngài vẫn lấy thân mình làm gương cho chúng sinh, thọ nhận giới phẩm và qua đó nhận Truyền thừa bắt nguồn từ Đức Phật, thực hành giới, định, tuệ để đạt giác ngộ, hoằng truyền giáo pháp cứu độ chúng sinh. Những chân lý vũ trụ được Ngài tuyên thuyết được ví như tiếng hống của sư tử, đánh thức chúng sinh khỏi giấc ngủ mê trong vô minh.
Guru Nyima Oezer, ‘Sunbeam’, khoác y màu vàng, mặt nạ vàng với râu màu xanh, trên tay Ngài là pháp khí nêu biểu các tia sáng của mặt trời. Ngài thực hành thiền định trong nhiều năm tại các nghĩa địa và khu đất hỏa táng, thọ nhận giáo pháp mật thừa từ các Dakini và thành tựu các tantra, hàng phục quỷ thần và cải hóa họ thành những bản tôn hộ trì Phật pháp. Trong một lần thị hiện năng lực của mình, ngài đã khiến mặt trời dừng không lặn trong nhiều giờ, và đã được tôn kính với danh hiệu này.
Guru Loden Chogse, ‘He Who Wishes to Acquire Supreme Knowledge’, Ngài mang mặt nạ đỏ, tóc Ngài kết búi và trên đầu đội vương miện, với y màu đỏ, trên tay cầm trống và bảo bình. Sau khi thọ nhận giáo pháp Kim Cương thừa từ các bậc đại học giả của Ấn Độ và thành tựu các pháp thực hành, các bản tôn hộ trì đã hiển diện trước Ngài.
Guru Padmasambhava, ‘Liên Hoa Sinh’, khoác trên mình y của tăng, mang mặt nạ trắng với mũ thiền trí. Trong hóa thân này, Ngài đã tới xứ Zahor và nhận công chúa Mandavara, một bậc Dakini giác ngộ, làm minh phi trí tuệ. Tức giận vì tưởng con gái của mình đã bị người lạ này mê hoặc, vua xứ Zahor cho bắt và thiêu sống Ngài. Đức Liên Hoa Sinh đã để cho quân lính bắt trói, rồi thị hiện biến đống củi đốt dưới chân thành một hồ nước và an tọa trên một đóa hoa sen ở giữa hồ nước này. Kinh ngạc và nhận ra bậc giác ngộ trước mặt, đức vua và người dân đỉnh lễ và cúng dàng vương quốc lên Đức Liên Hoa Sinh. Ngài từ chối ngai vua nhưng ở lại nơi này ban truyền giáo pháp trong nhiều năm, giúp 100,000 người dân xứ Zahor đạt giác ngộ. Hồ nước nơi Ngài thị hiện thần thông được đặt tên là Tso Pema, nằm tại Ấn Độ ngày nay và là một điểm hành hương quan trọng của vô số Phật tử.
Guru Pema Gyalpo, ‘ Liên Hoa Vương’, Ngài mang mặt nạ trắng, đầu đội vương miện bá vương, trên hai tay Ngài là một chiếc trống và Chuông Kim cương. Trong chuyến thăm quê hương sau khi Ngài thành đạo, vị vua mới của đất nước muốn thiêu chết Ngài nhưng lửa thiêu trong nhiều ngày không tài nào làm hại đức Liên Hoa Sinh. Nhận ra đây là minh chứng cho thành tựu tâm linh của Ngài, họ quy y Phật pháp và cúng dàng ngai vua lên Ngài.
Guru Sengye Drathok, ‘He with the Voice of a Lion’, khoác trên mình y màu xanh, Ngài mang mặt nạ xanh tướng uy mãnh với ba mắt, vương miện đầu lâu, trên tay cầm chày Phổ ba Kim cương. Trong lịch sử Đại học Phật giáo Nalanda (Ấn Độ), có một lần 500 pháp sư huyền thuật đã thách đấu với các học giả trong trường với mục đích hủy hoại Phật pháp. Khi các học giả đang yếu thế trước ngoại đạo, một Dakini đã xuất hiện, dạy cho các vị bài kệ Bảy Lời Cầu Nguyện Đức Liên Hoa Sinh để thỉnh cầu Ngài trợ giúp. Sau đó, Đức Liên Hoa Sinh đã xuất hiện, trợ giúp các học giả Nalanda trong hùng biện cũng như đẩy lùi huyền thuật. Khi các bậc thầy ngoại đạo định dùng phép thuật để sát hại Ngài, Ngài thị hiện thân uy mãnh, đánh tan tà thuật với sấm chớp, rồi phát ra tiếng hống như của sư tử, âm thanh của chân lý tuyệt đối làm thức tỉnh tà kiến bên trong các bậc thầy ngoại đạo.
 Guru Dorje Droloe, ‘Liberated Diamond-Thunderbolt’, Ngài mang một chiếc mặt nạ uy mãnh màu đỏ với 3 mắt, tay Ngài trì giữ chày kim cương với một chiếc khăn khatag được buộc ở chuôi chày. Dorje Droloe là hóa thân Phật Uy mãnh và trí tuệ của Đức Liên Hoa Sinh. Ngài cưỡi trên lưng một con hổ được minh phi trí tuệ hóa thành, bay đến và thiền định tại các hang động được đặt tên là “Hang Hổ” tại khắp dãy Himalaya, trong số đó nổi tiếng nhất là hang động Taksang tại Bhutan ngày nay. Ngài hàng phục các quỷ thần chuyên phá hoại Phật pháp và buộc họ phải phát nguyện hộ trì giáo pháp.
 
Trong nghi thức vũ điệu Tám Hóa thân, hóa thân chính Guru Rinpoche (mặt nạ với diện Đức Liên Hoa Sinh đầu đội mũ hoàng gia của Ngài) thường xuất hiện đầu tiên, hai bên Ngài là hai minh phi trí tuệ là Mandavara và Yeshe Tsogyal, cùng một thị giả cầm lọng ở sau. Theo sau ngài lần lượt theo thứ tự là Guru Dorje Droloe (mặt nạ đỏ uy mãnh), Guru Senge Drathok (mặt nạ xanh uy mãnh), Guru Nyima Ozer (mặt nạ vàng), Guru Loden Chogse (mặt nạ đỏ), Guru Padma Gyalpo (mặt nạ trắng), Guru Padmasambhava (mặt nạ trắng, mũ thiền giả), Guru Pema Jungney (mặt nạ xanh), và cuối cùng là Guru Shakya Senge (mặt nạ với diện đức Phật Thích Ca).
 
Các Hóa thân đứng thành vòng tròn hoặc hai hàng và cùng phô diễn vũ điệu, sau đó cùng an tọa và ban gia trì cho các thành viên tham dự buổi lễ. Các bản tôn daka, không hành mẫu dakini, thiên nhân mang các sức trang hoàng bằng xương xuất hiện và tán thán Đức Liên Hoa Sinh. Rồi lần lượt từng Hóa thân cử hành vũ điệu theo lời tụng và nhạc khí cúng dàng. Bậc thượng sư giác ngộ chủ đàn cùng các bậc Thầy đang an tọa sẽ tung hoa và gạo ngũ sắc để thể hiện sự tôn kính và chào đón Đức Liên Hoa Sinh. Kết thúc vũ điệu, các Hóa thân lần lượt rời khu vực sân khấu.
Từ hơn 1000 năm nay, vũ điệu 8 Hóa thân Liên Hoa Sinh đã trở thành tâm điểm của nhiều lễ hội tâm linh trên khắp dãy Himalaya. Người dân trong khu vực của các lễ hội này thường kéo đến đông đủ để chiêm bái vũ điệu với mong nguyện đón nhận sự gia trì thanh tịnh và cảm hứng thực hành giáo pháp từ Đức Liên Hoa Sinh. Hiện nay, nghi thức này vẫn được chư Tăng Truyền thừa Drukpa cử hành tại các tự viện tại Darjeeling, Ladakh (Ấn Độ), trên khắp đất nước Bhutan, và lần đầu tiên  sẽ được cử hành tại Việt Nam tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên, tỉnh Vĩnh Phúc vào tháng 09/2015. Đây quả là phúc duyên hy hữu để người dân Việt Nam được đón nhận sự gia trì tối thắng và trải nghiệm tinh hoa văn hóa nghệ thuật Mật thừa vô cùng độc đáo.
 
 
 
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6406024
Số người trực tuyến: