Đạo đế - Con đường chấm dứt khổ đau
Con đường hướng đến giác ngộ Niết bàn đã được Đức Phật vạch rõ chi tiết trong Đạo đế, sự thật về con đường chấm dứt khổ đau, đưa đến hạnh phúc chân thật.
1. Trí tuệ nhìn nhận bản chất của cuộc sống
Khi đã được Đức Phật chỉ bày về bản chất khổ đau của cuộc sống cũng như những nguyên nhân dẫn đến khổ đau, bạn cần suy ngẫm, quán xét để hiểu rõ giáo Pháp. Chỉ khi có được hiểu biết đúng đắn, bạn mới có thể bước tiếp và đi đúng hướng trên con đường tu tập. Nếu bạn vẫn chưa thể nhận thấy một cách sâu sắc rằng cuộc đời này, vạn pháp trên thế gian này cũng như chính thân tâm bạn đều chịu sự chi phối của quy luật vô thường, khổ, không và vô ngã thì mọi sự tu tập đều không được lợi ích và bạn sẽ rất khó đạt được tiến bộ trong những thực hành của mình. Bởi vậy, trí tuệ hiểu biết đúng đắn này cũng được đề cập tới như là “chính kiến”, yếu tố đầu tiên của Bát chính đạo.
2. Bát chính đạo
Bát chính đạo là những chỉ dẫn của đức Phật về cách thực hành tu tập nhằm đưa hành giả thoát khỏi mọi bám chấp và vọng tưởng mê lầm, nó như một phương dược giúp đối trị khổ đau và hiển lộ trí tuệ hiểu biết về bản chất chân thực của vạn pháp. Bát chính đạo nói về tám khía cạnh thực hành khác nhau nhưng đó không phải là những khía cạnh hay các bước thực hành độc lập, từng bước từng bước một mà tất cả những khía cạnh này có mối quan hệ tương hỗ mật thiết và cần được thực hành đồng thời.
Chính kiến là sự hiểu biết, quan kiến đúng đắn. Chính kiến có được khi bạn giác ngộ về Khổ đế, nhìn mọi sự vật hiện tượng như bản chất chân thật của chúng thay vì nhìn qua lăng kính vọng tưởng thông thường của thế gian. Để có được quan kiến chân chính này, bạn cần thấu hiểu rằng lý vô thường, khổ, không, vô ngã và quy luật về Nghiệp chi phối mọi sự vật, hiện tượng thế gian. Chính kiến không được xây dựng nên từ những hiểu biết, phân biệt nhị nguyên mà cần được bắt đầu bằng trực giác quán chiếu sâu sắc sự thật về khổ, bản chất của khổ đau. Khi nhận ra cuộc sống này là vô thường, bạn sẽ bình thản đón nhận mọi thăng trầm của cuộc đời với tâm an nhiên không vướng bận. Hiểu được cội nguồn của đau khổ, bạn sẽ không bị chi phối quá nhiều bởi sự tham đắm, tâm sân hận hay những xúc tình tiêu cực khác. Sự hiểu biết về bản chất vô ngã giúp bạn xả bỏ bám chấp, nuôi dưỡng tâm từ bi, xa lìa những tham ái vị kỷ bởi nhận ra rằng đem lại an vui cho người khác cũng chính là vun trồng hạnh phúc cho chính mình. Chính kiến là yếu tố tiên quyết bởi chỉ có chính kiến mới đem lại suy nghĩ và hành động đúng đắn.
Chính tư duy là suy nghĩ đúng đắn, là thanh lọc tâm để loại trừ những tư tưởng bất thiện và chăm bón những hạt giống thiện lành trong khu vườn tâm. Nếu như Chính kiến nói về khía cạnh nhận thức của trí tuệ thì Chính tư duy nói về khía cạnh của sức mạnh tinh thần (ý chí) điều khiển mọi hành động của bản thân. Chính tư duy giúp bạn thoát khỏi tham dục, sân hận và những niệm phiền não tương ứng bằng cách xả bỏ bám chấp, trưởng dưỡng suy nghĩ và hành động tốt đẹp cũng như từ bỏ những suy nghĩ và hành động xấu ác, tổn hại đến tha nhân, qua đó trưởng dưỡng tâm từ bi.
Chính ngữ vô cùng cần thiết bởi nó hỗ trợ cho sự tịnh hóa về mặt tinh thần. Không có lời nói đúng đắn, bạn không thể thanh lọc tâm ý, trưởng dưỡng tâm linh. Trong đời sống thế gian, lời nói có thể gây chiến tranh hay đem lại hòa bình, có thể tạo nên kẻ thù hay bằng hữu, có thể cứu sống hay đoạt mạng. Vì vậy, Đức Phật dạy rằng chính ngữ chỉ có thể đạt được khi bạn không nói dối, đặc biệt là sự dối lừa có chủ đích, không nói lời xấu ác, không nói lời thêu dệt vu khống, không nói lời vô nghĩa thị phi. Tóm lại, lời nói chính ngữ là lời nói chân thật, hòa nhã, mềm mỏng và có ý nghĩa thực sự.
Chính nghiệp là hành thiện, xa lìa ác hạnh. Chính nghiệp chỉ những tạo tác liên quan đến hoạt động của thân. Để có Chính nghiệp, bạn không được làm tổn hại hay đoạt mạng sống của chúng sinh, dù là bất kỳ hữu tình hàm thức nào, không được chiếm đoạt, trộm cắp bất cứ thứ gì không phải của mình, không được tà dâm tức là hành vi dâm dục bất chính, làm tổn hại tới người khác.
Có thể thấy rằng, hai yếu tố đầu tiên (Chính kiến, Chính tư duy) là sự tu tập, rèn luyện đối với ý. Chính ngữ thuộc về khẩu và Chính nghiệp thuộc về thân. Ba yếu tố này bổ trợ lẫn nhau giúp hành giả đạt được sự thanh tịnh của thân, khẩu, ý.
Tấm gương làm ăn chân chính của Trưởng giả Cấp Cô Độc
Chính mạng là phương tiện sinh sống đúng đắn. Chính mạng dạy chúng ta phải kiếm sống bằng những nghề nghiệp lương thiện. Một cách cụ thể, người tu tập Chính mạng phải xa lìa công việc liên quan tới vũ khí, tới chất độc, chất gây nghiện (rượu, bia, ma túy, thuốc lá...) hay làm tổn hại mạng sống của chúng sinh (giết mổ…). Ngoài ra, những công việc mâu thuẫn với Chính ngữ, Chính nghiệp cũng cần phải từ bỏ vì không đem lại Chính mạng.
Chính tinh tiến có thể coi là yếu tố vô cùng quan trọng để thực hành và thành tựu bảy chi còn lại của Bát chính đạo. Nếu không tinh tấn, miên mật một cách đúng đắn, bạn sẽ không thể thành tựu bất cứ chi nào và sẽ bị thoái thất hay sai lệch trong sự thực hành của mình. Chính tinh tiến có được dựa trên sức mạnh nội tâm, chính là những năng lực của tham ái, đố kỵ, sân hận… được chuyển hóa. Một cách cụ thể, bạn cần từ bỏ những điều xấu ác đã lỡ phát sinh, ngăn chặn những niệm xấu ác chưa phát sinh, phát khởi những niệm thiện lành và duy trì, trưởng dưỡng những việc thiện lành đã phát sinh. Vì vậy, Chính tinh tiến phải luôn được dẫn dắt bởi Chính kiến.
Chính niệm là tỉnh giác, chú tâm và nhận biết rõ ràng những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại. Chính niệm có được bằng cách xa rời mọi vọng tưởng, mọi sự phóng chiếu nhị nguyên, mọi so sánh đối đãi. Thông thường, chúng ta làm mọi việc trong sự thiếu tỉnh thức, bị chi phối bởi đủ mọi xúc tình, vọng tưởng. Chính niệm giống như mỏ neo giúp ta nhận thức mọi thứ một cách sáng rõ, quán chiếu sâu sa bên trong của sự vật hiện tượng thay vì bị cuốn theo. Bằng chính niệm, tỉnh thức, chúng ta giữ vai trò quan sát và chủ động để có thể nhận thức rõ ràng toàn bộ tiến trình của tâm ý. Chẳng hạn, khi tức giận, bạn thường để bị cuốn theo cơn sân hận và hành động thiếu suy nghĩ, gây đổ vỡ và oán hờn, để rồi sau đó cảm thấy hối tiếc. Tuy nhiên, nếu lúc đó chúng ta tỉnh thức, quán chiếu cơn giận, chỉ cần quan sát mà không cần dồn nén cưỡng ép cảm xúc, cơn nóng giận của chúng ta cũng dần dần nguội bớt. Đức Phật dạy ta bốn phương pháp để nuôi dưỡng chính niệm bao gồm quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường và quán pháp vô ngã.
Bước cuối cùng trên con đường Bát chính đạo là Chính định - phương pháp thiền định chân chính. Thiền định được hiểu là sự chú tâm, an định tâm vào một đề mục hay đối tượng nhất định. Khi tâm an định, vững vàng, phiền não tạm thời lắng xuống, tâm trở nên sáng rõ, trí tuệ dần được hiển bày. Chính định chỉ có được nhờ tinh tấn công phu thiền định. Khi đạt được cấp độ nhuần nhuyễn nhất định, bạn có thể định tâm một cách nhậm vận trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Như vậy, có thể thấy rằng Bát chính đạo không phải một lý thuyết xa vời mà đó là bản đồ tu tập, kim chỉ nam cho sự thực hành trong cuộc sống của bất cứ cá nhân nào muốn hoàn thiện bản thân, thoát khỏi sự chi phối của khổ đau hướng tới giải thoát, giác ngộ. Bát chính đạo bao hàm cả ba khía cạnh tu tập là Giới, Định, Tuệ. Chính ngữ, Chính nghiệp và Chính mạng thuộc về Giới. Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định thuộc về Định và Chính kiến, Chính tư duy thuộc về Tuệ. Giới được ví như rễ cây, Định là thân cây, Trí tuệ và quả vị Niết bàn chính là hoa trái của công phu tu tập. Đây là con đường đưa đến hạnh phúc lâu bền mà Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta.
3. Ba phẩm chất trí tuệ: lắng nghe, suy ngẫm và thực hành thiền định
Để có thể tiến bộ trên con đường tâm linh, chúng ta cần phải có một nền tảng tu học vững chắc dựa trên việc học, suy ngẫm và thực hành giáo pháp. Đầu tiên chúng ta phải bắt đầu bằng việc lắng nghe giáo pháp để có kiến thức. Tiếp đến, chúng ta cần suy ngẫm tư duy về những gì học được cho đến khi nhận hiểu được giá trị của giáo pháp. Sau khi đã hiểu được ý nghĩa giáo pháp, chúng ta cần lấy giáo pháp là căn bản của thiền định. Khi cả ba bước lắng nghe, suy ngẫm và thiền định được thực hiện một cách chính xác và đúng pháp, sự thực hành của chúng ta sẽ tự nhiên trở nên đầy đủ và mang lại lợi ích cho bản thân và cả chúng sinh. Nếu không biết lắng nghe, tư duy rồi thực chứng giáo pháp qua thực hành thiền định, chúng ta sẽ có những hiểu biết sai lệch hoặc tri thức cạn cợt, dẫn đến việc thực hành Phật pháp không đúng đắn, chính xác hoặc không mang lại lợi ích.
Lấy ví dụ Đức Phật dạy rằng con người ai cũng phải chịu đựng khổ đau của sinh, già, bệnh, chết. Khi lắng nghe giáo pháp, chúng ta sẽ có một chút kiến thức về vấn đề này. Sau đó, chúng ta suy ngẫm về các loại khổ đau khác nhau, nhận ra được thế nào là khổ đau, và thấy cần phải thay đổi lại cách sống để loại bỏ những phiền não ngay trong kiếp này và trong tương lai. Chúng ta sẽ quyết định chứng ngộ được tự tính tâm, vượt biển sinh tử, thoát khỏi khổ đau. Sau khi đã hoàn thiện phần văn, tư, thiền định, chúng ta cần phải có trách nhiệm thực hành, áp dụng Phật pháp vào đời sống để đạt được giải thoát.
a. Trí tuệ đầu tiên: học tập hay lắng nghe giáo pháp.
Lắng nghe giáo pháp được ví như mặt đất, rất cần thiết cho phát triển mùa màng. Nếu không có mặt đất là nền tảng ban đầu thì sẽ không có gì để phát triển. Cũng tương tự như vậy, nếu như không lắng nghe giáo pháp khai thị, chúng ta không có gì làm căn cứ để suy ngẫm. Không lắng nghe và suy ngẫm sẽ không có gì áp dụng cho thực hành thiền định. Chính vì vậy, việc lắng nghe và nghiên cứu giáo pháp với tâm rộng mở và bình đẳng là bước khởi đầu rất quan trọng.
Có rất nhiều khía cạnh để lắng nghe giáo pháp
Chúng ta lắng nghe tiếng nói nội tâm, tiếng nói của bậc Thầy bên trong. Ngoài ra, thuật ngữ “lắng nghe giáo pháp” bao gồm rất nhiều thể loại như đọc sách và kinh điển Phật pháp, đón nhận khai thị giáo pháp qua các phương thức khác nhau như băng đĩa, tư liệu phim ảnh…
Hãy học những gì thật sự cần thiết
Có một câu châm ngôn nói rằng một khi đã đổ sữa vào trong nước, bạn sẽ không thể tách sữa ra khỏi nước được nữa. Trong phần lắng nghe giáo pháp, chúng ta được khuyến tấn nên tiếp cận “phần sữa ở bên ngoài cốc nước”. Điều này hàm chỉ mặc dù có rất nhiều điều có thể tìm học, song bạn phải biết ưu tiên và lựa chọn những gì cần thiết nhất.
Học tập hoặc nghe giáo pháp cũng được coi là thực hành
Học tập hoặc lắng nghe giáo pháp rất được chú trọng trên con đường thực hành Phật Pháp. Học tập hoặc nghe giáo pháp cũng được coi là thực hành. Thông thường người ta thường hiểu nhầm về hai mối quan hệ này. Họ cho rằng việc học trên sách vở và ứng dụng vào thực tế là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nhiều người quan niệm việc thực hành chỉ bao gồm quán tưởng Bản tôn và trì tụng chân ngôn chứ không liên quan đến học đọc. Đôi khi họ lại nghĩ rằng nghiên cứu là rất tốt nhưng chỉ là tri thức đơn thuần không giúp bạn tích lũy nhiều công đức. Tuy nhiên, sự thật là việc học đọc Phật pháp cũng là phương cách giúp tăng trưởng trí tuệ, hiểu biết và trưởng dưỡng nội tâm. Học tập thực sự cũng là cách thức tốt để tích luỹ công đức.
b. Trí tuệ thứ hai: Suy ngẫm giáo pháp
Giai đoạn thứ hai của phát triển trí tuệ là tiến trình suy ngẫm tư duy sâu xa về những gì bạn đã lắng nghe. Trong trường hợp này, suy ngẫm giống như thiền định phân tích. Thực hành Phật pháp bao gồm phân tích kỹ lưỡng các ý nghĩa, nội dung của giáo pháp và làm sáng tỏ các dẫn chứng, minh họa cho nội dung đó. Những phân tích này sẽ tạo nền tảng cho trí tuệ thứ ba: trí tuệ thiền định.
Khi suy ngẫm về giáo pháp khai thị, bạn cần phải loại bỏ đi những chấp trước, định kiến cố thủ và sở tri chướng sẵn có nơi mình. Hãy để những gì bạn suy ngẫm thâm nhập vào tâm bạn và tạo ra những trải nghiệm. Như Đức Jesun Milarepa đã dạy rằng “trải nghiệm giống như sương mù, chúng sẽ tan biến đi”, nghĩa là tất cả những trải nghiệm bạn đã có trong thực hành dù là hỷ lạc, trong sáng, không vọng tưởng… tất cả cuối cùng đều sẽ tan biến giống như sương mù buổi sáng.
Để phát triển được trí tuệ thông qua suy ngẫm hoặc phân tích, quán chiếu, bạn cần kiểm tra các luận chứng về những gì đã nghe, đã học một cách kỹ lưỡng. Lý do là khi suy nghĩ vấn đề gì lần đầu tiên, bạn thường hiểu được một khía cạnh. Khi bạn suy ngẫm lần nữa, bạn hiểu thêm một khía cạnh khác, và khi nghĩ đến lần thứ ba, sự hiểu biết của bạn sẽ trở nên sâu sắc đầy đủ hơn. Khi tư duy một vấn đề gì đó theo cách này, bạn sẽ hiểu tại sao sự trải nghiệm được ví giống như sương mù.
Chúng ta thực hành suy ngẫm như thế nào? Thiền định tư duy hay thiền quán có nghĩa là suy ngẫm, quán chiếu về một đề mục nhất định. Chúng ta ngồi xuống khoảng mười phút, hai mươi phút và suy nghĩ về đề mục đã chọn. Khi tâm đi lạc hướng, chúng ta điều tâm trở lại về đề mục này. Chúng ta thường thực hành thiền định samatha hay thiền chỉ giảm bớt vọng tưởng mà ít khi thực hành thiền quán hơn. Thiền quán sử dụng các đối tượng thiền định bên ngoài mà không dùng hơi thở, chẳng hạn chúng ta có thể thiền quán về khổ đau, vô thường, nhân quả nghiệp báo, hay tình yêu thương, lòng từ bi ban trải đến mọi người.
Ví dụ như, khi thiền quán về khổ đau, vô thường, chúng ta sẽ trưởng dưỡng được niềm tin, khả năng đối diện một cách tự tại, thư giãn trước các vấn đề mà người bình thường hay né tránh. Khi ngồi xuống, thiền quán và nhìn thẳng vào khổ đau, vô thường, có thể chúng ta dấy khởi những cảm xúc tiêu cực hay thậm chí bị sốc trước những sự thật được phơi bày như vô thường và cái chết. Song vì cái chết chắc chắc sẽ xảy đến với bất kỳ ai, chúng ta sẽ nhận ra được sự thật và chân lý của vũ trụ. Tất cả những trải nghiệm như vậy đều ảnh hưởng đến thân, tâm, các trạng thái cảm xúc, tạo động lực giúp chúng ta phải nhìn nhận và xem xét lại quãng đời còn lại của mình. Điều này cũng giống như khi bị ốm nặng phải nằm trên giường bệnh, chúng ta thường bắt đầu suy ngẫm về cuộc đời mình. Bạn suy ngẫm về bản thân, hồi tưởng về những gì đã làm trong quá khứ, nghĩ về những gì bạn bạn muốn làm, những gì đáng lẽ bạn không nên làm, đưa ra các nhận định mới về cuộc sống và ý nghĩa cuộc sống trên từng phương diện trải nghiệm. Đây chính là phương pháp tư duy thiền định. Bạn suy ngẫm, mở ra những chân trời hiểu biết sâu sắc và thay đổi cách nhìn nhận với thế giới bên ngoài.
c. Trí tuệ thứ ba: thực hành thiền định
Chúng ta đón nhận những khai thị từ bậc Thầy, sau đó suy ngẫm tư duy về những gì đã học, so sánh với những trải nghiệm cá nhân trước đây để công nhận hay phủ định những khai thị này. Chúng ta kiểm tra và phân tích ở mức độ lý thuyết với những gì chúng ta được nghe để xác minh tính xác thực và độ chính xác của giáo pháp. Điều này rất lợi ích nhưng lại không giúp mang lại những trải nghiệm thực chứng tự tính tâm.
Vì vậy, chúng ta cần thiền định, tiếp cận một cách trực giác và trung đạo để làm quen với trực nhận tự tính tâm mà không nghiên cứu mổ xẻ về mặt tri thức. Không giống như cách thiền định phân tích tìm cách chia chẻ và cụ thể hóa bản chất tâm để nghiên cứu chính nó, cách tiếp cận này bao gồm kéo dài thực tại “tỉnh thức nguyên sơ” trong tự tính tâm căn bản để hé lộ chính nó: “từ tâm đến tâm”. Thay vì nghiên cứu “tâm” là gì, qua phương pháp thiền định chúng ta thư giãn mở ra cánh cửa tâm, để tâm phát lộ tự tính một cách tự nhiên không tạo tác. Đặc trưng của giai đoạn này là không có chủ thể nghiên cứu và cũng không có đối tượng được nghiên cứu, không có chủ thể và khách thể, chỉ có thực tại tỉnh thức mà trong đó tự tính tâm được hiển lộ. Tại mức độ này, chúng ta không còn quan sát tâm như thiền định phân tích, thay vào đó, chúng ta nhìn mà không nhìn, hiểu mà không nghĩ, nhậm vận mà không nỗ lực.
Tất cả ba trí tuệ có thể được gọi một cách hợp lý là thiền định
Phương pháp cốt yếu của con đường đạo là phát triển trí tuệ. Để đạt được mục tiêu này chúng ta cần phải liên tục trưởng dưỡng việc lắng nghe, suy ngẫm, và thiền định. Cả ba phẩm chất này cần phải phát triển đồng đều và thường xuyên thì mới đem lại sự chứng ngộ, làm hiển lộ trí tuệ căn bản và tiêu trừ vô minh.
Thực tế là tất cả ba giai đoạn của con đường đạo bao gồm Văn, Tư, Tu có thể được gọi chung một cách hợp lý là thiền định. Theo ngôn ngữ Kim Cương thừa, từ “trưởng dưỡng” và “thiền định” có nghĩa gần nhau. Cả hai từ này đều có cùng nguồn gốc về mặt nguyên từ, giống như sự chơi chữ. Trong một bài đạo ca, đức Milarepa từng khai thị rằng “Nếu đó không phải là thiền định thì là trưởng dưỡng. Trưởng dưỡng có nghĩa là chuyên môn”.
Nói một cách khác, khi giáo pháp được trưởng dưỡng, huân tập và tạo điều kiện phát triển đầy đủ thì sẽ trở thành chuyên nghiệp, nhậm vận trong tâm chúng ta. Văn, Tư, Tu là tất cả giai đoạn cần phải được trưởng dưỡng để đạt được trí tuệ hay nói tóm lại, tất cả đều là khía cạnh của thực hành thiền định. Quan kiến Phật giáo nhìn nhận ý nghĩa vai trò của học tập, suy ngẫm và thiền định là hợp nhất, ngang bằng, không có gì khác biệt!
4. Quả vị tu tập của Nguyên thủy Phật giáo
Trước khi chứng quả Vô sinh A la hán, trong quá trình thực hành tu tập giáo pháp Nguyên thủy, hành giả lần lượt chứng đạt ba quả vị:
Quả Dự lưu: hành giả tu tập đạt đến trình độ ý thức sáng suốt, không còn bị mê lầm, phá được ba kiết sử là thân kiến, giới cấm thủ và nghi hoặc. Hành giả chứng đạt quả vị này chắc chắn sẽ giải thoát, không bao giờ còn bị rớt vào ba đường ác, lâu nhất trong vòng bảy kiếp sẽ chứng quả A la hán.
Quả Nhất lai: sau khi chứng đạt quả vị thứ nhất, tiếp tục tu tập, hành giả phá trừ được một phần của hai kiết sử tham và sân; tuy nhiên, tham và sân vi tế vẫn ẩn tàng. Hành giả phải tái sinh lại một lần nữa để tu tập đoạn trừ nốt mê lầm.
Quả Bất lai: hành giả đoạn sạch hai kiết sử tham và sân, dứt hết mê lầm nên không phải tái sinh vào cõi Dục thêm nữa mà sinh về cõi trời Sắc cứu kính và tiếp tục tu tập để đoạn dứt vi tế hoặc.
Cuối cùng, hành giả chứng đắc quả Vô sinh A la hán, thoát khỏi sinh tử luân hồi.
- 1980
Viết bình luận