Học cách điều phục tâm theo lời Phật dạy | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Học cách điều phục tâm theo lời Phật dạy

Điều phục tâm là cốt tủy tu tập theo giáo pháp Đức Phật. Tâm phải được huấn luyện như luyện ngựa, luyện voi cho đến khi thuần thục. Bởi Ngài dạy rằng tâm chúng ta rất hoang dại, vì chúng ta không thể kiểm soát được nó. Các hoạt động dù tốt hay xấu đều là sự phóng chiếu của tâm. Tôn chỉ của Phật giáo Nguyên Thủy là “tránh hết thảy ác”, còn của Phật giáo Đại thừa là “làm hết thảy lành”. Cả hai thừa đều cùng một tôn chỉ: mọi thứ hoàn toàn tùy thuộc vào tâm - vì tâm là năng lực duy nhất tạo nên hoạt động thiện hay ác.

Thân, khẩu chúng ta chỉ là phương tiện trợ giúp tâm tạo nên hoạt động, còn tâm mới là nhân tố quyết định tạo nên hoạt động đó. Nếu tâm không tác ý cho một hoạt động cụ thể nào, thì chắc chắn thân, khẩu sẽ không biểu hiện hoạt động đó. Rất nhiều tín ngưỡng không thuộc Đạo Phật cũng nhấn mạnh tôn chỉ “bất bạo động”. Tuy nhiên ĐỘNG CƠ (tâm tác ý) của Đạo Phật đối với tôn chỉ này rộng lớn hơn. Đây là một điểm khác biệt rất tinh tế giữa Phật giáo và các tôn giáo khác. Tất cả các tín ngưỡng tâm linh đều dạy mọi người không được làm ác, và đều khuyến khích hành thiện. Bởi vì chưa thực chứng được bản chất của Tâm nên không ai trong chúng ta, ngay cả một số hành giả tâm linh, có thể thực hành được điều này một cách toàn vẹn. Vì thế mà giờ đây, dù có phải là Phật tử hay không, bạn đều cần tìm cách đối trị và chuyển hóa tâm mình. Vì chính tâm vô minh của chúng ta đã quấy nhiễu hết thảy chúng sinh từ vô thủy tới nay. Rất nhiều người trong số chúng ta đã tìm cách đào luyện tâm theo những phương cách khác nhau, song chúng ta đều không thực sự thành công.

Mặc dù có nhiều cách thức đào luyện tâm, nhưng thực tế, tâm chỉ có thể thực sự được rèn luyện bởi chính nó, chứ không phải nhờ bất kỳ yếu tố bên ngoài nào khác. Đôi khi, chúng ta cố gắng hiểu được tâm mình, đôi khi chúng ta muốn đè nén tâm. Đây không phải là những biện pháp tích cực, thiện xảo để chuyển hóa tâm. Hầu hết các kỹ năng rèn luyện tâm đều không thực sự thành công vì tâm phức tạp như chính chúng ta vậy. Nếu bối rối, tán loạn, tâm sẽ dẫn dắt ta trôi lăn trong cõi luân hồi. Nếu định tĩnh, an lạc, tâm có thể đưa ta tới Niết Bàn giải thoát. Vì thế, tâm chúng ta có đủ công dụng thiện và công dụng bất thiện. Đó là lí do tại sao Đức Phật dạy rằng tâm cần phải được điều phục.

Thực hành Ba La Mật - Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục  để rèn “định tâm”

Nhắc tới “định” là nói về khả năng tập trung tâm vào một điểm, kiểm soát được tâm trong một khoảng thời gian nhất định. Hành giả thực hành Bồ tát hạnh cần rèn luyện khả năng điều phục tâm thông qua nhiều phương pháp khác nhau.

Nhìn chung, mọi pháp thực hành Ba La Mật - Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục... - đều giúp rèn luyện định tâm, chính khả năng định tâm này giúp tâm được an lạc. Việc giữ được sự an bình bên trong giúp chúng ta có thêm nhiều cơ hội để nhận biết tự tính tâm (nhận biết về tự tính của chúng ta và về thế giới, vượt qua sự nhận biết mê lầm và những tạo tác của tâm).

Chừng nào tâm chưa thể an trụ do vọng tưởng tán loạn chừng đó chúng ta còn không thể nhận ra tự tính, Đại Thủ Ấn, tính không hay Phật tính.

Vì vậy, chúng ta phải biết cách định tâm. Trước khi bắt đầu thiền định, chúng ta cần biết lấy lại một chút an bình nội tâm, một chút an lạc thông qua phương pháp thực hành. Nhờ sự an bình trong tâm này, chúng ta có thể dễ dàng đạt tới tầm nhìn cao hơn về vạn pháp để từ đó không gặp khó khăn trong việc chế ngự những độc trong tâm.

Hãy cố gắng đạt được sự định tâm như vậy. Có thể chọn bất cứ đối tượng nào để thực hành: một pho tượng, một thân cây, một hòn đá, mặt trời hay mặt trăng, một ngôi sao…, mục đích là để tập trung tâm vào đối tượng đó, không phân tán tư tưởng. Có thể coi đây là pháp tu mở đầu để nhận ra Trí tuệ Bát nhã, tức sự thực hành Trí tuệ Ba La Mật.

(Mai An biên soạn)

Tháng Saga Dawa là thắng duyên vô cùng đặc biệt cho việc tích lũy công đức và trí tuệ. Mọi công đức, trí tuệ tích lũy đều sẽ tăng trưởng gấp hàng trăm ngàn lần.

Hãy cùng tích lũy công đức trong tháng Saga Dawa bằng việc thực hành Phật pháp, làm các thiện hạnh, bố thí, cúng dàng, phóng sinh, ăn chay… để hồi hướng công đức cho sự an lạc, cát tường, thành tựu giác ngộ của mình và hết thảy chúng sinh.


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6414307
Số người trực tuyến: