Đại thành tựu giả Marpa và hành trình tìm cầu Thượng sư với vô vàn gian nan, thử thách (Phần 1)
Đại thành tựu giả, Dịch giả Marpa (1012-1096) đản sinh ở vùng Chukhyer ở miền nam dãy Himalaya. Ngài thụ nhận giáo pháp và học tiếng Phạn từ Thượng sư Drogmi Lotsawa. Không bằng lòng với tiến độ tu học của mình, Ngài bán toàn bộ gia sản và tới Ấn Độ để tìm cầu và đưa giáo pháp trở lại Tây Tạng. Mặc dù Ngài là bạch y cư sĩ, đã lập gia thất nhưng sự chứng ngộ của Ngài là vô song, thanh tịnh không chút nhiễm ô giống như hoa sen mọc lên từ bùn lầy. Đối với Ngài, Luân hồi và Niết bàn là bất nhị, hết thảy sắc tướng thế tục với Phật tính đều không khác. Ngài phiên dịch rất nhiều giáo pháp Đại Thủ Ấn Mahamudra, Kim cương thừa sang tiếng Tạng đồng thời hoằng dương giáo Pháp rộng khắp. Ngài đã chọn Đức Milarepa làm người kế tục Truyền thừa.
Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin gửi tới Quý vị loạt truyện về cuộc đời của Đức Marpa, tấm gương sáng chói về một vị cư sĩ tuy sống trong cuộc đời trần luỵ mà vẫn chứng ngộ được Phật tính ngay trong một đời.
Chú bé ngỗ nghịch con nhà địa chủ
Vào đầu thế kỷ 11, ở xứ Lhotrak vùng biên giới phía nam dãy Himlaya, có hai vợ chồng gia đình địa chủ giàu có với rất nhiều đất đai trù phú. Họ sinh được ba người con, trong đó cậu út là một bé trai vô cùng hiếu động, nóng tính và bướng bỉnh, tên là Marpa.
Ngay từ nhỏ, Marpa đã tỏ ra rất nghịch ngợm và phá phách, chẳng bao giờ ngồi yên. Thế nên từ khi chú mới 12 tuổi, cha mẹ đã quyết định gửi Marpa theo một một vị giáo sĩ trong làng để tu học. Marpa được người thầy đầu tiên đặt pháp danh là Chokyi Lodro, nghĩa là Pháp Trí.
Đúng như pháp danh của mình, chẳng bao lâu Marpa đọc và viết vô cùng thông thạo. Dù học rất giỏi, nhưng chú bé vẫn không thuần dưỡng được tính nóng nảy của mình. Chú ngỗ nghịch tới mức họ hàng và người dân trong làng vẫn phải thường xuyên than phiền với nhau rằng: “Một kẻ phá phách như vậy sẽ chẳng mấy chốc phá tan cơ nghiệp của gia đình!”. Cha mẹ của Marpa rất phiền lòng về cậu con trai hiếu động này.
Chẳng đợi được quá lâu, cha của Marpa quyết định khuyên chú nên đi thật xa và tìm một người thầy thật tốt để học pháp. Thế là Marpa xin cha mẹ một sang vàng (khoảng 37g ngày nay), một chiếc thìa bằng bạc, một con ngựa tốt, một cuộn tơ lụa, và hai chồng giấy đủ để ghi chép 16 bộ Bát Nhã Tâm Kinh, và lên đường.
Thời đó, ở vùng núi tuyết chỉ có một vài tu viện và ít người học pháp. Nghe danh một vị thầy và dịch giả nổi tiếng tên là Drogmi vừa trở về từ Ấn Độ, Marpa tìm đường tới tu viện của ngài ở thung lũng Nyugu. Tới nơi, Marpa cúng dàng thầy hai chồng giấy và xin được nhận lễ quán đỉnh và mật chú, nhưng bị thầy Drogmi từ chối. Vậy là suốt ba năm ròng, Marpa ở lại tu viện chỉ để học tiếng Phạn và những thổ ngữ ở Ấn Độ. Không ai hay biết rằng, đó là những nền tảng đầu tiên mà Marpa tự rèn luyện để trở thành một dịch giả lỗi lạc trong tương lai.
Là một con người rất thực dụng, Marpa nhanh chóng nhận ra rằng, con đường tốt nhất để học pháp là tìm đến nguồn gốc của Phật Pháp. “Nếu ta ở lại Tây Tạng, kể cả có được học hết các pháp, đây vẫn chưa phải là giáo pháp của những bậc thầy lỗi lạc nhất,” Marpa nghĩ. Với phẩm tính không ngăn ngại, hành động trực tiếp, ngay khi nhận ra mục tiêu của mình, không chần chừ thêm một giây phút nào nữa, Marpa lập tức đổi hết tài sản thành vàng, trở về nhà xin phần thừa kế của mình, và bất chấp sự phản đối của cha mẹ, Marpa lên đường bắt đầu cuộc hành trình đầu tiên tới Ấn Độ.
Lòng trào dâng niềm chí thành tha thiết khi mới nghe hồng danh Bậc Thầy
Trên đường đi, Marpa gặp Nyo, một dịch giả giàu có vùng Kharak, nhưng đầy kiêu ngạo và ghen tỵ, cũng đang tìm đường sang Ấn Độ học pháp. Là một người thực rất tế, thấy lợi ích có thể cùng đồng hành để tìm được pháp, Marpa đồng ý làm người hầu cho Nyo, và cả hai cùng lên đường.
Con đường từ Tây Tạng sang Ấn Độ phải vượt qua nhiều thử thách. Từ vùng núi cao giá lạnh và băng tuyết, băng qua các thung lũng và đi vào vùng nắng nóng ẩm ướt của Nepal, Marpa phải trải qua rất nhiều biến đổi đột ngột về độ cao và khí hậu khắc nghiệt.
Tới đất Nepal, một hôm Marpa và Nyo chợt thấy người dân trong vùng xôn xao hẳn lên. Hai vị hỏi người dân: “Có chuyện gì vậy?” Họ đáp: “Hai vị đệ tử của Đạo sư Naropa, Chitherpa và Paindapa đang ở đây! Dân làng đang tổ chức cúng dàng và vũ hội, có rất nhiều đồ ăn được ban phát”.
Chỉ mới nghe thấy tên gọi của Đạo sư Naropa, trong lòng Marpa bỗng trào dâng một cảm giác xôn xao, cảm động, và mong ngóng không lời nào tả hết, như thể đã có một mối quan hệ gắn bó sâu sắc từ muôn kiếp trước. Không thể kìm nén được niềm vui sướng, Marpa kéo tay Nyo: “Đây là cơ hội ngàn năm có một, chúng ta cùng đi thôi!”.
Ngài Chitherpa, vị đệ tử người Nepal của Naropa lúc đó đang thuyết giảng Bí mật tập hội Đát-đặc-la (Guhyasamaja). Thấy Marpa và Nyo, Chitherpa thì thầm nói với Paindapa bằng tiếng Nepal:
- Những người đến từ xứ tuyết này chưa được nhận quán đỉnh. Chúng ta có thể vi phạm lời thệ nguyện nếu để lộ mật chú với họ. Đừng nên giảng pháp cho họ!
Nghe vậy, Nyo nổi cơn giận dữ, lập tức đứng phắt dậy:
- Này Marpa, nếu ngươi thích thì cứ đi, còn ta sẽ không bao giờ thèm nghe những kẻ kiêu ngạo này! Họ coi người d ân xứ tuyết chúng ta như loài bò. Người Nepal mới đúng là loài bò!
Nói rồi Nyo đùng đùng bỏ đi, còn Marpa với lòng khao khát chính pháp đã không hề để ý mà còn tiếp tục một mình tới nghe pháp. Sau khi hỏi Marpa và hiểu sự tình, Chitherpa nói với Marpa:
- Mỗi con đường, mỗi người thầy đều xuất hiện khi đủ duyên. Nyo và chúng ta không có duyên, nhưng thật tốt lành là ngươi đã đến đây. Ta sẽ giới thiệu ngươi đến gặp Đạo sư Naropa. Với ta Ngài là vị Phật thứ hai, và là người Thầy duy nhất sẽ truyền pháp cho ngươi mà không đòi hỏi vàng bạc cúng dàng. Chỉ có điều, con đường tới đó không dễ dàng, ngươi cần phải rèn luyện, trước hết là với cái nóng ở đây.
Trong lòng Marpa trào dâng một niềm tin tưởng và biết ơn vô hạn với hai vị đệ tử của Đạo sư Naropa: “Ta phải vượt qua nỗi sợ, không màng sống chết, bằng mọi giá ta phải tìm gặp Đạo sư Naropa”.
(Còn tiếp)
(Lược trích ấn phẩm “Kho tàng truyện cổ tích trong suốt”)
- 1005
Viết bình luận