Có bao nhiêu Bản tôn trong Kim cương thừa?
Yoga Bản tôn là phương pháp thực hành vô cùng thiện xảo trong Kim Cương thừa để chứng ngộ sự toàn hảo vốn có của thế giới bằng cách quán tưởng toàn thể vũ trụ là Mandala và hết thảy chúng sinh đều là chư Phật Bản tôn. Chư Phật Bản tôn được quán tưởng là những mẫu hình toàn hảo về năng lượng giác ngộ và công hạnh lợi tha.
Chẳng hạn như Phật Mẫu Tara có sắc thân xanh lục nêu biểu cho năng lực chữa lành của rừng thuốc quý. Ngài ngự trên tòa sen với một chân duỗi ra phía trước tượng trưng cho hành động lợi tha sẵn sàng cứu độ chúng sinh bất kỳ lúc nào. Vì thế, Phật Mẫu Tara nêu biểu cho phẩm chất giải thoát và bảo hộ hữu tình. Ngài là đức Từ Mẫu đáp ứng mọi thỉnh cầu, giải thoát chúng sinh khỏi mọi hiểm nguy, chướng ngại trên phương diện thế gian và cả trên hành trình thực hành tâm linh. Kim Cương Phật Mẫu Vajra Yogini có sắc đỏ tựa san hô đứng trong tư thế vũ điệu, xung quanh là vòng tròn lửa tượng trưng cho trí tuệ giác ngộ quang minh và tự do tự tại…
Các Bồ tát và chư Bản tôn được thờ phụng trong đạo Phật hoàn toàn không tách rời với cuộc sống và những kinh nghiệm hàng ngày của con người, mà chính là sự phản ánh các trạng thái ý thức khác nhau. Đức Phật, Đức Tara và chư Bản tôn An bình khác tượng trưng cho các trạng thái ý thức siêu việt, trong khi đó chư Bản tôn Uy mãnh biểu trưng cho những khuynh hướng bên trong chưa được chuyển hóa như: thù hằn, đố kị, tham lam và tội lỗi. Khi chúng ta không biết đến những năng lượng tiềm ẩn hay còn gọi là phần tối trong con người mình thì những năng lượng đó sẽ bị bộc lộ một cách bệnh hoạn. Nhưng khi chủ động nhìn nhận chúng một cách có ý thức thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận và bao dung hơn với chính bản thân cũng như với người khác. Về mặt sự tướng, chư Bản tôn hiện diện bên ngoài là một đối tượng thiền định hoàn hảo, song về mặt lý, chư Bản tôn nêu biểu cho những năng lượng tích cực và tiêu cực bên trong mỗi người. Vì thế, việc thiền định Bản tôn giúp chúng ta chuyển hóa những năng lượng tiềm ẩn bên trong mình thành năng lực sáng tạo tốt đẹp.
Một cách chung nhất, chư Phật Bản tôn có thể được phân chia như sau:
Bản tôn An bình
Mỗi Bản tôn An bình biểu trưng cho sự tiếp cận tâm linh và có những phẩm tính riêng của mình. Ví dụ, Đức Phật Bản tôn Quan Âm biểu trưng cho lòng Từ là trọng tâm của trải nghiệm tâm linh; Đức Phật Bản tôn Văn Thù thì lấy Trí tuệ làm trọng tâm và Đức Bản tôn Kim Cương Thủ lại nhấn mạnh tới sự Dũng cảm và Trí lực để tương ứng với Trí tuệ thiêng liêng.
Bản tôn Uy mãnh
Những Bản tôn Uy mãnh biểu trưng cho sự đấu tranh mạnh mẽ để chuyển hóa những cảm xúc sân giận thành dũng lực nơi mỗi người. Bản tôn này là hiện thân của tất cả phiền não bên trong làm “đen tối” những tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta và ngăn cản chúng ta đạt đến mục đích giác ngộ hoàn toàn. Theo truyền thống, những Bản tôn Uy mãnh được hiểu là những khía cạnh của nguyên lý Từ Bi, chỉ đáng sợ đối với những người thấy họ như những thế lực bên ngoài. Khi nhận ra được những khía cạnh của tự thân và được thuần dưỡng với sự thực hành tâm linh thì hành giả nhận ra pháp tướng bên ngoài của các Bản tôn này rất thanh tịnh và từ bi.
Bản tôn hợp nhất đại lạc
Tương tự như vậy, các Bản tôn hợp nhất Đại hỷ lạc thường nêu biểu cho sự chuyển hóa năng lượng của sự đam mê thành sức mạnh trí tuệ tỉnh thức. Nói cách khác, đây là sự kết hợp hài hòa giữa năng lượng phụ tính và mẫu tính, nhân tố cốt lõi tạo thành vũ trụ và thế giới, và cũng là sự hợp nhất của năng lực Từ bi và Trí tuệ vốn sẵn có nơi mỗi người. Mục đích tối thượng của cuộc hành trình tâm linh sẽ đưa chúng ta đến đại hỷ lạc được miêu tả trong những biểu tượng mang tính tâm linh.
Ở góc độ khác, chúng ta cũng có sự phân biệt giữa Bản tôn bên ngoài (Bản tôn Trí tuệ) chính là Báo thân Thượng sư trong sắc tướng Bản tôn; Bản tôn bên trong (Bản tôn tự tính Tam muội da) nêu biểu cho cảnh giới tính không xuất hiện từ năng lực quán tưởng; Bản tôn tự thân của chúng ta vốn thanh tịnh từ nguyên thủy. Trong pháp thực hành Yoga Bản tôn, chúng ta thiền định Bản tôn Trí tuệ và Bản tôn Tam muội da hòa nhập làm một để thực chứng rằng Trí tuệ bản lai và Tính không là cùng một thể nhất như, bất khả phân trong tâm giác ngộ thanh tịnh của mỗi người.
(Trích ấn phẩm: “Bardo - Hành trình liễu sinh thoát tử”
Nhà xuất bản Tôn giáo, 2014)
- 1243
Viết bình luận