Chân ngôn - Trì tụng như là tán tụng | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chân ngôn - Trì tụng như là tán tụng

Trong thiền định Phật giáo có nhiều đối tượng được sử dụng làm phương tiện thiền định như hơi thở được sử dụng để nhiếp tâm chính niệm, việc tỉnh giác lúc đi được sử dụng làm thiền định đi, những cảm xúc được sử dụng làm sự tập trung trong sự phát triển của lòng từ bi và hình ảnh chư Bản tôn là đối tượng được sử dụng trong việc thiền quán. Trong các phương tiện này, chân ngôn hay âm thanh thanh tịnh tượng trưng cho Khẩu hoàn thiện cũng được sử dụng là đối tượng của thiền định. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt trong Kim Cương thừa bởi đôi khi Kim Cương thừa còn còn được gọi là Mantra hay Chân ngôn Thừa.

Trong tiếng Phạn, từ “Man” là “suy nghĩ”, trong khi từ “Tra” có nghĩa là “giải phóng bản thân khỏi thế giới vật chất”.Việc kết hợp nghĩa hai từ này tạo thành “Mantra” có nghĩa là “tư tưởng được giải thoát và bảo vệ” hay còn gọi là “Bảo hộ tâm”.

Trên phương diện năng lượng, chân ngôn là một đơn âm hoặc chuỗi âm thanh chứa đựng hàng loạt sóng âm ba và năng lượng vô cùng tích cực. Chân ngôn bí mật và linh thiêng diễn đạt những âm thanh và tinh túy năng lượng cơ bản để mang lại sự hài hòa của những yếu tố giữa thân và tâm. Đó không chỉ là những âm thanh theo quy ước mà là sự cộng hưởng những năng lượng nguyên sơ vi tế đã sẵn có trong mỗi người. Khi trì tụng, sóng âm ba của chân ngôn được cộng hưởng phát ra những năng lượng chữa lành nhẹ nhàng khắp thân tâm. Việc trì tụng chân ngôn không chỉ giúp tiêu trừ bệnh tật, phiền não, nghiệp chướng mà còn có năng lực kết nối, hợp nhất tâm chúng ta với những tầng tâm thức cao hơn của chư Phật, Bồ tát. Sự thực hành này là vô cùng cần thiết bởi chân ngôn là chìa khóa trực tiếp giúp hiển lộ vũ trụ pháp giới bên ngoài và bên trong, là công cụ nhanh chóng, nhẹ nhàng, hiệu quả để tiếp cận những kênh năng lượng linh thiêng từ các chiều tâm thức cao hơn. Đây là phương tiện giao tiếp, kết nối của Bản tôn, chư Phật và Bồ tát với chúng sinh để có thể đem lại sự tịnh hóa nghiệp chướng và trưởng dưỡng tâm giác ngộ nơi chính bạn!

Có những lý do bên ngoài và bên trong giải thích cho công năng của việc trì tụng Chân ngôn. Lý do bên ngoài là bạn triệu thỉnh chư Phật. Đây cũng là một hình thức cầu nguyện gia trì. Mỗi vị Phật đều có những công năng và hạnh nguyện riêng, chẳng hạn như trong Phật giáo Đại thừa khi trì Phật hiệu của Đức Amitabha A Di Đà Phật, bạn sẽ được vãng sinh Tịnh Độ, vì Đức A Di Đà Phật trong vô số kiếp đã tích lũy vô lượng công đức và Ngài phát hạnh nguyện rằng “bất cứ ai trì tụng danh hiệu của ta đều sẽ được tái sinh ở cõi Tịnh Độ”. Tương tự như vậy, các câu chân ngôn cũng đều có sự gia trì, trì tụng chân ngôn có công dụng triệu thỉnh gia trì của chư Bản tôn và cũng có thể bảo vệ bạn khỏi những báo ứng của Khẩu nghiệp. Theo cách này chân ngôn giúp bạn tịnh hóa đồng thời cũng bảo vệ bạn, vì khi trì chân ngôn bạn sẽ không thể nói chuyện, từ đầu đến cuối bạn sẽ được bảo vệ tránh nói ra những điều ác khẩu.

 
Chân ngôn Đức Phật Dược Sư

Xét về bên trong, khi trì tụng chân ngôn, bạn cần an trụ trong tự tính tâm, và như vậy không thể có “tôi đang trì chân ngôn” mà những lời chân ngôn phải được phát ra giống như một tiếng vang. Và tâm của bạn cũng vậy, cần phải tràn đầy tỉnh thức song tuyệt đối không tạo tác, bám chấp hay trì trệ.

Bởi chân ngôn không phải là lời cầu nguyện mà là bản chất sâu kín của thực tại nên đôi khi người ta trì tụng như là tán tụng. Cách đúng đắn nhất để thực hành trì chú là không nên tụng quá nhanh, cũng không nên trì quá chậm. Tuy nhiên, người mới trì tụng chân ngôn đầu tiên nên trì tụng để nghe rõ âm thanh mình trì tụng, sao cho sóng âm ba của chân ngôn phát ra lan tỏa sâu hơn vào tim giúp bản thân có thể an trụ trong sự an tịnh, để siêu thanh bên trong tự nhậm vận hoạt động. Một số câu chân ngôn như “Om Mani Padme Hung” có thể được trì thật to thành tiếng, song có một số câu chân ngôn như chân ngôn của Phật Bản tôn Chakrasamvara Thắng Lac Kim Cương hay Vajravarahi Kim Cương Hợi Phật Mẫu được gọi là Mật chú, cần phải được trì tụng lặng lẽ trong tự thân. Bạn cũng cần biết có một vài chân ngôn không được phép trì tụng nếu không được nhận quán đỉnh hoặc khẩu truyền từ bậc Kim cương Thượng sư. Trong trường hợp này, chúng ta cần đón nhận sự hướng đạo chính thức về cách sử dụng chân ngôn. Sở dĩ Bậc Thầy tâm linh cần truyền trao chân ngôn cho đệ tử vì khi Bậc Thầy giác ngộ tán tụng khẩu truyền cho đệ tử mình, cũng là ban truyền dòng ân phúc gia trì không gián đoạn để các đệ tử có năng lực gia trì và tiếp tục thực hành chân ngôn đạt được thành tựu. Nhờ vậy, năng lực và công đức tu trì chân ngôn sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân.

Về số lượng, bạn sẽ trì tụng cho đến khi hoàn thành số lượng bạn đã phát nguyện để đạt được những thành tựu tâm linh thế gian và thành tựu siêu việt. Thông thường, khi tính số lượng trì tụng, chẳng hạn như với mỗi Tạng trì tụng, bạn nên trì tụng một trăm ngàn lần chân ngôn của Đức Bản tôn chính của Mandala và trì tụng mười nghìn lần (tương đương một phần mười số lượng chân ngôn của Bản tôn chính) chân ngôn của các vị Bản tôn quyến thuộc. Ngoài ra, để bổ sung những lần trì tụng bị mất chính niệm, lười biếng,... bạn cần tụng thêm một phần mười lần số lượng chân ngôn đã trì tụng. Ví dụ, khi bạn kết thúc một trăm nghìn biến Kim cương Tát đỏa, bạn cần trì tụng thêm mười nghìn biến nữa để bổ sung những lần trì tụng mất chính niệm, không đúng pháp.

Khi thực hành Yoga Bản tôn trong giai đoạn Phát triển, hành giả quán tưởng tự thân là Bản tôn, khẩu trì chân ngôn Bản tôn và tâm viên dung với Ý Bản tôn. Như đã giải thích, giới nguyện của hành giả Kim Cương thừa cũng chính là trải nghiệm mình là vị Phật Bản tôn, nhận thức mọi âm thanh là Chân ngôn và nhận ra tất cả mọi suy nghĩ là Trí tuệ. Như vậy, việc thực hành Chân ngôn cũng có nghĩa là hành giả phải coi mọi âm thanh nghe được là âm thanh của Bản tôn, của Thượng sư hoặc âm thanh của tính không. Điều này cần được áp dụng ngay cả trong phạm vi thực hành ngoại Đàn tràng, ví dụ khi nghe những âm thanh đầu tiên lúc tỉnh giấc, thay vì nhận thức chúng là những âm thanh thông thường, hành giả thường quán tưởng trên bầu trời trước mặt, Đức Bản tôn và các Daka, Dakani đánh thức mình dậy bằng âm thanh chân ngôn giác ngộ. Tương tự như vậy với mọi âm thanh đời sống như tiếng máy bay, xe cộ, người nói hay bất kỳ tạp âm nào khác, bạn cần thực hành hòa nhập tất cả âm thanh vào trong Đại Thủ Ấn, nhận biết bản thể âm thanh là tính không, là tự tính Chân ngôn. Điều này sẽ giúp phá tan sự chấp trước của chúng ta vào âm thanh hàng ngày. Vì ảo tưởng, chúng ta cho rằng các âm thanh này là có thật và gắn liền với một đối tượng bên ngoài nào đó. Việc lặp đi lặp lại trì tụng chân ngôn sẽ tịnh hóa tất cả những ác nghiệp thuộc về khẩu, những lời nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời ác khẩu, vô nghĩa, phù phiếm, những buổi tranh cãi gây dính mắc, thù hận, hoang mang, lo sợ trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tiếp theo đó là hòa tan âm thanh vào tính không và kết thúc lại quán tự thân là Bản tôn. Tiến trình quán tưởng này sẽ giúp bạn giải thoát khỏi giai đoạn Bardo cận tử và tái sinh.

Bạn cần nhớ lại trong những giai đoạn này, khi các sắc tướng âm thanh ánh sáng ghê rợn hiện khởi bởi tâm vọng tưởng, các ác nghiệp và sự tan rã của tứ đại, bạn sẽ phải trải nghiệm chúng và sẽ đứng trước sự hãi hùng hay cơ hội giải thoát. Lúc này, bạn phải thực hành như khi còn sống, phải vận dụng công phu hòa tan âm thanh vào bản chất tính không để nhận ra vạn pháp duy tâm tạo và không còn bị sợ hãi, khiếp nhược hay dày vò bởi cảm giác đơn độc không nơi nương tựa.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6327496
Số người trực tuyến: