Căn Đại Thủ Ấn
Trong phần này tôi sẽ luận đàm về Căn Đại Thủ Ấn là nền tảng căn bản của vạn pháp, ý nghĩa của Căn Đại Thủ Ấn được giải thích ngắn gọn dưới góc độ vô minh và giải thoát.
Tinh tuý tâm không phải là thứ tồn tại bên trong dòng tâm của một cá nhân hay một đức Phật. Đó là nền tảng thực sự của tất cả những gì xuất hiện và tồn tại, là toàn bộ luân hồi và niết bàn. Khi bạn chứng ngộ được tự tính tâm, hiểu ra được điều kiện, bản chất thực sự của tâm, lúc đó bạn được gọi là một vị Phật. Khi chưa chứng ngộ được tự tính tâm, sống trong vô minh ảo tưởng, bạn bị gọi là một chúng sinh hữu tình. Vì vậy, tinh tuý tâm là nền tảng để dẫn tới hoặc lang thang trong luân hồi hoặc tự do giải thoát, cho nên nó được gọi là nền tảng chung của luân hồi và niết bàn. Đại thành tựu giả Sahara đã từng nói: “Tâm này là hạt giống của vạn pháp, từ tâm mà có luân hồi hay niết bàn”.
Tinh tuý tâm Đại Thủ Ấn có sự hiển bày khác nhau hoặc những sắc tướng khác nhau xuất hiện, đơn giản là chỉ có sự khác biệt đã chứng ngộ hay chưa chứng ngộ được tinh tuý tâm. Dù chứng ngộ hay chưa chứng ngộ, tinh tuý tâm vẫn là sự hợp nhất bất khả phân với Trí tuệ bản lai của Tam thân không hề có những khiếm khuyết hay tốt xấu.
Tinh túy tâm Đại Thủ Ấn qua Tam thân
Mặc dù bị ảo tưởng và lang thang trong luân hồi, tự tính Như Lai là tinh túy tâm của bạn không bị hỏng hay khiếm khuyết và cũng không bị mất đi dù chỉ một phần nhỏ nhất. Tất cả chúng sinh hữu tình vốn đều là Phật, nhưng hiện đang bị vướng mắc nhiễm ô nên tự tính Phật tạm thời bị che lấp. Theo nghĩa đích thực, tự tính bản lai hiện diện sinh động là Tam thân bất khả phân. Khi bạn bị vô minh, nhiễm ô tạm thời che chướng, Phật tính vẫn sẵn đủ được thể hiện thành Tam thân. Đến khi việc giác ngộ tự tính tâm của bạn hiển bày thành quả vị chứng ngộ Tam thân, lúc này những vô minh, ám chướng đã được chuyển hóa và hai loại trí tuệ được viên mãn.
Đức Long Thọ (Nagarjuna) đã giảng: “Vì bị màng lưới xúc tình phiền não che chướng nên gọi là chúng sinh; khi giải thoát khỏi những xúc tình phiền não thì chúng sinh đó được gọi là Phật”. Vì lý do này, việc thấu hiểu và chứng ngộ được vạn pháp cùng với sự khai thị thiện xảo về ý nghĩa căn bản của Đại Thủ Ấn, hành giả sẽ an trụ trong tự tính của Căn Đại Thủ Ấn. Hành giả sẽ tịnh hoá những nhiễm ô của vọng tưởng sai lầm thông qua Đạo Đại Thủ Ấn và đạt được Tòa Kim Cương của Tam thân, đây là Quả của Đại Thủ Ấn.
Tinh túy tâm Đại Thủ Ấn vô sinh là Pháp thân; sự thể hiện không bị che chướng gọi là Báo thân; chức năng của tâm ứng hiện, hiển bày theo bất cứ cách nào gọi là Hóa thân. Tam thân này đồng thời hiện diện bất khả phân. Việc chứng ngộ và an định về trạng thái tự nhiên này được gọi là chứng ngộ hoàn hảo về kiến, nền tảng Phật tính. Việc duy trì tính liên tục của sự kết nối tự tính Phật được gọi là thiền. Việc hòa nhập tự tính Phật vào hoạt động đời sống và hành động phù hợp với giáo pháp được gọi là hành. Việc nhận ra tự tính Phật hoàn toàn không bị che chướng, giống như mặt trời tỏa ra những tia sáng rực rỡ trên bầu trời là quả.
- 266
Viết bình luận