Đạo Đại Thủ Ấn: Xả bỏ mọi bận tâm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đạo Đại Thủ Ấn: Xả bỏ mọi bận tâm

Trong pháp Guru Yoga, sự thư giãn sau khi quán hòa tan có thể được coi là phương tiện chính của toàn bộ pháp tu thiền định. Trước tiên, hành giả cần thư giãn, thả lỏng toàn bộ cơ thể, rũ bỏ mọi cảm giác và thư giãn tâm, một cách thật nhẹ nhàng, mềm mại. Hãy để tất cả được yên tĩnh tự nhiên và an trụ trong thực tại không thủ không xả này.
 

Thông thường điều diễn ra sau đó là chúng ta sẽ bị những luồng vọng tưởng trào lên và dễ dàng thả mình cho chúng cuốn đi. Chúng ta vốn phàm trần, đã quá quen với việc để những luồng vọng tưởng dẫn dắt và chỉ biết cam chịu trước sức mạnh chi phối điên đảo của vọng tưởng! Thật là một sai lầm lớn khi bị cuốn theo như vậy: vọng tưởng dẫn tới đâu chúng ta đi theo đó; thoáng nghĩ tới điều gì là chúng ta tưởng tiếp về điều đó; đòi hỏi gì là chúng ta muốn thứ đó,… Chính thói quen tập khí này khiến chúng ta xa rời dần bản chất tự nhiên của vạn pháp. Nó ngăn cản chúng ta không thể nào thư giãn, không thể nào an trụ trong sự bình yên, thậm chí ngay cả khi chúng ta đang nghỉ ngơi trên sự tướng. Kể cả khi ngồi hàng giờ liền không bận bịu gì, nằm dài trên đi-văng, xét từ góc nhìn sự tướng, chúng ta có vẻ như đang nghỉ ngơi thư giãn, song thực chất bên trong chúng ta hoàn toàn không được bình yên, thậm chí chúng ta còn đang nghĩ ngợi triền miên và đang bị những luồng vọng tưởng cuốn trôi đi thật xa. Ngược lại, có những người trông bề ngoài có vẻ như hoạt động vô cùng năng nổ, nói cười, ăn uống, làm việc,... song bên trong họ lại hoàn toàn thư giãn. Họ không hề bị những luồng vọng tưởng cuốn đi. Đây mới chính là cách thư giãn đúng đắn.

Nói thì dễ nhưng thực hành lại rất khó. Chẳng phải là điều dễ dàng gì khi thân thể vận động còn tâm trí lại nghỉ ngơi. Điều này đòi hỏi phải có sức mạnh, bởi lẽ bình thường chúng ta đã quá quen thuộc với việc nương tựa vào những pháp tương đối. Chúng ta nhạy cảm tới mức mọi biến đổi của thế giới bên ngoài đều có thể khiến cho nội tâm chúng ta vọng động. Vì thế, nếu thử thiền định ở một ngã tư đường nơi xe cộ đi lại như mắc cửi, chúng ta sẽ thấy mình không thể nào thiền định nổi cho dù chỉ trong giây lát. Suy nghĩ của chúng ta sẽ bị cuốn theo mỗi người khách bộ hành hoặc mỗi chiếc xe chạy ngang qua, chẳng phải vì lỗi của chiếc xe hay của âm thanh ồn ào, mà chính bởi ý nghĩ của chúng ta cứ đuổi theo chiếc xe hay tiếng động đó. Chính theo nghĩa này mà vọng tưởng mới thực là chướng ngại ngăn cản chúng ta nhận ra được tự tính của vạn pháp. Không hề thương tiếc, chúng kéo chúng ta đi thật xa và làm chúng ta trở nên điên đảo. Bạn cần phải hiểu thật rõ điều này. Ngay cả trong một thời khóa thiền định, cho dù ở một nơi vô cùng thích hợp như chỗ chúng ta đang ngồi lúc này, chỉ cần một tiếng chim hót, mỗi tiếng gió khẽ thổi, một tiếng lá rơi cũng có thể khiến chúng ta bị gián đoạn thiền. Đó chính là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang nhạy cảm quá mức, điều này chẳng hề thuận lợi chút nào. Thực hành thiền định ở một nơi yên tĩnh có thể rất phù hợp khi mới bắt đầu, bởi lẽ chúng ta vẫn còn rất yếu đuối. Đó là lý do vì sao Đức Phật Thích Ca đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự xả ly trên sự tướng đối với một hành giả mới tu tập. Song với một hành giả tinh tấn hơn thì không nhất thiết cần như vậy. Do sự xả ly đã có được ngay từ bên trong nội tâm nên hành giả này sẽ không để mặc cho vọng tưởng lôi cuốn và các pháp bên ngoài sẽ không thể nào gây ảnh hưởng tới hành giả. Chỉ cần an trụ với tâm tĩnh lặng, người này sẽ có thể viên mãn mọi sự. Hành giả có thể tu tập thiền chỉ hoặc thiền minh sát, và có thể trưởng dưỡng được sự giác ngộ vốn nằm trong chính mình…

Toàn bộ mục đích của việc thư giãn là giúp cho tự tính căn bản có thể hiển hiện, vận hành và tự thân hiển lộ một cách tự nhiên nhất. Bình thường, chúng ta luôn cuốn mình theo các pháp thế gian và bắt tâm phải vọng tưởng loạn động nên chẳng bao giờ tâm có được một khoảng trống tự tại. Cho dù tự tính “đáng thương” này có nỗ lực bao nhiêu thì chúng ta cũng chẳng bao giờ cho nó một chút cơ hội. Bạn có thể hình dung giống như một người đang cố gắng tìm mọi cách để gọi điện cho bạn, nhưng đường dây lúc nào cũng bận. Từ đáy lòng, mỗi lần nghĩ tới ví dụ này tôi đều cảm thấy rất khôi hài…

Có rất nhiều hành giả lại cố gắng hết sức để đi ngược lại những gì cần làm. Thực tâm họ cố tìm cách thực hành thiền định, nhưng để bắt đầu họ lại ngồi xuống trong một tư thế tạo ra rất nhiều căng thẳng cho toàn cơ thể, và như vậy là một sự khởi đầu hoàn toàn lệch lạc. Rồi họ tìm cách ép hơi thở phải đi theo một cách nào đó. Đương nhiên khi làm như vậy sẽ khiến cho tâm của họ cũng trở nên căng thẳng… Họ đã nhận được những hướng dẫn sai lệch. Cho dù không chỉ trích một ai cụ thể, song tôi vẫn muốn giải thích với các bạn rằng mọi việc không nên đi theo chiều hướng như vậy. Bạn cần phải biết làm cách nào để thư giãn. Khi thực hành thiền Đại Thủ Ấn, chúng ta không nên thay thế sự bận rộn thông thường bằng một sự bận rộn tâm linh mới mẻ, chẳng hạn như “kiểm soát”, cho dù việc đó có thể là “kiểm soát ý nghĩ” hay “cắt đứt dòng tư tưởng”. Làm như vậy chúng ta vẫn cứ bận bịu như thường! Bạn cần phải không bận tâm vào việc gì cả, cho dù là việc tâm linh hay thế tục. Chính vì lý do này mà trong nhiều kinh điển đã nhấn mạnh rằng khi thiền định, cần phải dừng lại toàn bộ việc tụng niệm cầu nguyện hay trì chân ngôn. Điều quan trọng là phải không được bận rộn cho dù theo bất cứ nghĩa nào.

Khi tôi nói bạn không được bận rộn, có thể bạn sẽ nghĩ rằng bạn cần an trụ trong một trạng thái hoàn toàn tắt ngấm, mù lòa, cấm chỉ mọi suy nghĩ không được vận hành. Chẳng hạn thông thường bạn luôn bị quấy đảo bởi những luồng suy nghĩ, bạn có thể tự nhủ rằng bạn cần phải cắt đứt mọi liên hệ với chúng. Giống như một đầu mối cảm giác, bạn có thể nghĩ rằng cần vô hiệu hóa các giác quan để cắt đứt cảm giác. Nhưng đó không phải là cách cần làm. Có một số cách có thể giúp cho bạn an tĩnh tự tại mà không bị chìm vào hư vô. Nhưng điều đầu tiên bạn cần phải hiểu rõ, thiền định có nghĩa là an trụ, thư giãn, trong một trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6327765
Số người trực tuyến: