Thiền minh sát (Vipassana)
Trong thời khóa tu tập, sau khi đã tập trung một khoảng thời gian vào vật hỗ trợ nâng cao khả năng thiền định, bạn có thể rời mắt khỏi vật đó và chuyển sang quán chiếu tâm mình. Đơn giản là bạn chỉ việc để mặc tâm trong trạng thái yên tịnh, tự nhiên, sau đó gia tăng từ từ sự tập trung tâm ý khiến tâm trở nên sáng suốt bén nhạy và quán sát việc đang diễn ra. Việc thực hành này đưa chúng ta xích lại gần với bước cơ bản, với sự thiền định một cách trực tiếp nhất. Nhưng sự tiến triển của chúng ta phải được tiến hành từng bước. Ví dụ, đầu tiên bạn phải tập trung vào hơi thở trong vòng nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm, rồi tuỳ theo sự tinh tấn trong thực hành của bạn, cho tới khi việc tập trung hơi thở đã trở nên quen thuộc, hãy tiến lên mức cao hơn, đó là đếm nhịp thở. Khi việc thực hành này đã trở nên rất thành thục, bạn hãy chuyển sang các phương pháp khác và cứ tiếp diễn như vậy. Vấn đề không phải là áp dụng hàng loạt các kỹ thuật cần thiết chỉ trong ngày một ngày hai.
Ý niệm là đề mục của thiền quán
Vì vậy, sự tập trung vào các ý niệm là một phương pháp trực tiếp nhất của Đại Thủ Ấn. Nó cho phép chúng ta tiến sâu vào tâm thức, chính là nền tảng của mọi ý niệm. Mỗi khi một ý niệm xuất hiện, hãy học cách nhận biết tự tính của ý niệm đó, và quán sát nó. Hãy quán sát các ý niệm, từng ý một. Bài tập này có vẻ kỳ lạ nhưng nó là cách tu tập hiệu quả. Không nên quy nạp nó như phép thiền định cơ bản. Như tôi đã nói, không có “thiền định cơ bản”, điều cốt yếu nằm ở tính không; nhưng vì chúng ta thường xuyên xao lãng với tính không nên điểm then chốt là tu tập, bằng cách phân biệt rạch ròi mỗi ý niệm và nhận diện được chúng riêng rẽ từng ý một.
Thông qua việc quán sát các ý niệm này, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng chúng nhiều vô số và xuất hiện bất cứ thời khắc nào, ngày cũng như đêm. Thông thường, chúng ta hoàn toàn không ý thức được rằng mình có đến hàng triệu ý nghĩ nảy sinh mỗi phút. Phần lớn các ý niệm khởi sinh đều vi tế hoặc ngấm ngầm mà tâm thức chúng ta không đủ tinh vi để nhận thấy, ý thức cũng không thẩm thấu được. Tuy nhiên, không biết điều gì xảy đến là chuyện bất như ý; tốt nhất là ta trải nghiệm và nhận dạng dòng tư tưởng, cái này tiếp nối cái khác thay vì phớt lờ chúng như thường lệ.
Càng thị sát được tất cả những vận động phóng chiếu của tâm thức đang hiện hữu, bạn càng đang hành thiền một cách đúng đắn, không trở ngại. Nhưng nếu bạn để các ý niệm trôi qua và hoàn toàn vô minh về chúng thì có nghĩa là bạn không hề hành thiền. Dù bạn có tin rằng mình đang thiền, nhưng thực ra hoàn toàn không phải như vậy. Hãy khám phá số lượng các ý niệm mà đừng lo gì tới việc chúng có xuất hiện hay không. Đơn giản chỉ cần tập trung và giữ trạng thái tĩnh tại: ngay khi đang duy trì sức tập trung, chính là thời điểm để nhớ lại giáo lý của Ngài Tilopa, biết rằng không phân tích, không thiền, không nghĩ, chỉ đơn giản là để mặc mọi thứ như chúng vốn có.
Việc tập trung vào các ý niệm khó hơn là tập trung vào hơi thở, bởi bản thân sự tập trung đã là một ý niệm hình thành. Vì thế, quán sát ý niệm khởi diệt là một hoạt động khá vi tế. Nhưng bạn đừng bận tâm, đừng cố tìm hiểu cách thức vận hành mà làm hỏng mọi việc. Có vô số học thuật hàn lâm về chủ đề này, nhưng lại không có gì liên quan đến mục tiêu của chúng ta. Hãy tập trung duy nhất vào các ý niệm sinh khởi, chỉ thế thôi.
Quán sát sự vận động của ý niệm
Hãy luôn bắt đầu từ thao tác ngồi ngẩng cao đầu, rồi thả lỏng thân, khẩu và tâm. Một khi đã đạt tới trạng thái thả lỏng, hãy quán sát tâm, hay nói cách khác là quán sát các ý niệm. Tâm ta đang đứng yên hay vận động? Tĩnh và động là hai mặt của tâm. Nếu tâm tĩnh, bình ổn thì đó là một trong những khía cạnh của nó. Nếu tâm động, đó cũng là một khía cạnh khác. Bằng sự tập trung, chúng ta sẽ khám phá điều gì đang diễn ra.
Đừng thất vọng nếu ý niệm vận động, mà cũng đừng hoan hỉ nếu chúng tĩnh lặng trong một khoảnh khắc. Ta chỉ cần quan sát bằng sự tỉnh thức. Sự vọng động, tĩnh tại trong tâm và ý thức quan sát là ba khía cạnh của tâm. Có thể một ý nghĩ mới xuất hiện, một ý nghĩ cũ mất đi, một ý nghĩ khác trở lại và ý nghĩ mới lại ra đi. Lang thang là một đặc tính riêng của tưởng, có thể gọi là “vẩn vơ”. Ý niệm luôn lang thang vô định...
Đôi khi, đếm ý niệm mà không quên đi dù chỉ một ý nghĩ thì ta có thể bị mất định hướng bởi số lượng của chúng. Không được sốt ruột, hãy kiên trì. Đôi lúc, có khi lại xảy ra điều trái ngược: cảm giác không có ý niệm nào xuất hiện, không có gì để nhìn. Đó chính là dấu hiệu mơ hồ của tâm trí: tập trung không đúng cách và chưa đủ cường lực. Thế nên tốt nhất hãy cố gắng giữ tinh thần tỉnh táo và đợi các ý niệm tái xuất hiện. Chúng luôn luôn vận động; hãy để chúng tự xuất hiện.
Quan sát các bạn hành thiền, tôi có cảm tưởng rằng một số bạn bị bế tắc, giống như bị tắt nguồn, không còn khả năng nhận biết thực sự liệu các ý niệm này có đang lang thang vô định hay không. Tôi nghĩ rằng các bạn còn chưa thư thái nhiều lắm. Nếu đúng là như vậy, hãy nhớ lại việc cần phải làm đầu tiên là thư thái. Không có gì xấu khi nhận ra rằng các ý niệm hay vọng tưởng của bạn đã lang thang vơ vẩn một cách thái quá. Đặc tính của ý niệm là vọng tưởng, vậy tại sao ta phải chối bỏ đặc tính đó chứ? Đây là ghi nhận đáng hoan nghênh vì điều cốt yếu chính là không được từ bỏ ý thức về những gì đang diễn ra. Ngược lại, tôi có thể nói rằng thật xấu nếu gặp phải một trạng thái trống rỗng vô cảm, giống như không có gì để nhìn, như thể tất cả mọi ý niệm vọng tưởng đều biến mất. Trên quan điểm thực hành, đây là một dấu hiệu xấu.
Sự tập trung cho ta cơ hội giảm tốc độ của các dòng suy tưởng, và trong cả quá trình tinh tấn, cuối cùng ta sẽ có thể kiểm soát chúng, theo nghĩa là có thể chọn ra một suy nghĩ đang vận động, bắt nó tuân theo ta hoặc tĩnh lại. Việc tập trung vào ý niệm sinh khởi và có thể điều ngự chúng đưa ta tịnh tiến khá gần với Đại Thủ Ấn bởi bản thân ý niệm có liên hệ rất khăng khít với Đại Thủ Ấn. Giai đoạn tiếp theo sẽ là thực chứng tự tính của ý niệm. Để làm được điều này vẫn còn cả một chặng đường dài trước mắt, nhưng tiếp theo nữa sẽ không còn gì để mà thực chứng, và chúng ta đã tiến khá xa rồi.
Thâm nhập bản chất của tâm
Như đã thấy, nhập thiền là để tâm trong trạng thái tự nhiên. Tuy nhiên, nguy cơ lạc lối trong trạng thái tâm vẩn vơ lang thang là rất lớn. Chính vì vậy chúng ta cần phát triển năng lực chú tâm, đồng thời ý thức về những gì diễn ra trong tâm. Làm khác đi sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta hãy tập trung chỉ đơn giản để quán sát. Dù ý niệm có khởi lên, cũng đừng để cho nó làm chúng ta lãng đãng mất đi sự tập trung. Không đánh giá, không phân tích, chỉ tập trung vào đó thôi.
Khi ta tập trung vào một ý niệm, có thể nó lại nhanh chóng tan biến. Sự biến mất tự thân này là một khía cạnh của ý niệm, đó còn là ảnh của ý niệm. Vậy cũng cần tập trung vào điều này. Cũng có thể nhiều ý niệm vọng tưởng hơn cùng xuất hiện. Vậy tốt nhất là tập trung vào quá trình này, vào sự vận động của các ý niệm đó.
Thực tế, sự tập trung không thể tạo nên những ý nghĩ vẩn vơ hay nhân bội các ý niệm lên được. Điều duy nhất cần phải lưu tâm trong Đại Thủ Ấn là: mỗi lần quan sát thấy một ý niệm khởi lên, tâm tỉnh giác của chúng ta tự động hiểu về bản chất tính không của ý niệm ấy. Ngay sau giây phút ban đầu khi ta tập trung tới ý niệm ấy, cái mà ta gọi là tâm chính niệm phải tự động nhận thức được bản chất thực sự của nó. Đây là cách chính xác và đúng đắn để tiếp cận Đại Thủ Ấn.
Vì điều này mà các bản kinh cầu nguyện không bao giờ viết rằng: “Nguyện cho con có thể đẩy lùi những vọng tưởng” hay “Nguyện cho các vọng tưởng hãy tan biến đi”. Đây không phải là điều chúng ta tìm kiếm, cũng không cần làm vậy. Chúng ta luôn nói: “Nguyện cho con đạt được tâm chính niệm”. Đó là hiểu về bản chất của vọng tưởng, tự tính của tâm, và sự hiểu biết này nhận được thông qua thiền định Samatha và thiền minh sát Vipassana. Vậy không có nguyên do gì để cuồng nhiệt hay tin rằng thực hành mang lại các thành quả khi những vọng tưởng này biến mất. Đây không phải là mục đích và không có gì vinh quang trong loại kết quả đó. Bản thân tôi, lúc nhỏ, khi tôi cố gắng nhập thiền, cứ mỗi khi có cảm tưởng các vọng tưởng biến mất, tôi thấy hài lòng lắm. Đến khi gặp Thượng sư của mình, Người thường xuyên theo dõi những tin tức về sự tiến bộ của tôi, tôi đã tự hào và đầy hy vọng khi nói với Thầy điều này, tin chắc mình sẽ nhận được lời khen ngợi. Nhưng lời dạy mà tôi nhận được lại trái ngược hoàn toàn với những gì tôi mong chờ.
Dũng cảm trực diện những vọng tưởng phiền não
Ngay từ đầu bài giảng này, tôi đã nói rằng những ý niệm vọng tưởng của chúng ta nhất thời là một chướng ngại chính đối với việc nhận ra tự tính của tâm. Trong số các ý niệm vọng tưởng, có thể phân biệt làm hai loại: những ý niệm làm nảy sinh các tình huống tích cực và những ý niệm làm nảy sinh các tình huống tiêu cực; có một số vọng tưởng tốt và một số vọng tưởng xấu. Chúng ta có thể tin rằng các vọng tưởng xấu cần được tiêu triệt và tốt hơn nên bảo lưu các vọng tưởng tốt, nhưng không phải vậy. Chúng ta phải dũng cảm đương đầu với tất cả các loại vọng tưởng, cả tốt lẫn xấu, bởi không có ý thức đầy đủ, thì các vọng tưởng này toàn bộ đều là chướng ngại đối với con đường thành tựu về bản chất của chân thường (chân lý tuyệt đối). Vậy cần tỉnh giác chính niệm để nhận diện tất cả mọi vọng tưởng ấy.
Làm cách nào để đối đầu với các vọng tưởng trong thực hành? Đa phần các hành giả đều nghĩ rằng cần ngưng mọi hoạt động bản thân. Họ tự hình dung một cách nhầm lẫn rằng sự biến mất hoàn toàn của các vọng tưởng là điều kiện của thành tựu, và thành tựu lại là một trạng thái không ý niệm. Họ coi vọng tưởng như một vết nhơ, một đặc tính xấu cần phải được tống khứ, để cho “đặc tính tốt” ló rạng, nếu không đặc tính tốt này sẽ bị ngăn trở. Mặt khác, còn có một số hành giả khẳng định rằng các vọng tưởng chính là Đại Thủ Ấn, và vì vậy không có gì cần chấm dứt. Họ đã hiểu về Đại Thủ Ấn theo nghĩa là nền tảng căn bản của vạn pháp, đó là bất khả phân ly của vạn pháp bất kể thế nào, dĩ nhiên trong đó bao gồm cả các ý niệm: vì ý niệm tự nó chính là Đại Thủ Ấn, vậy tại sao lại cần phải chấm dứt Đại Thủ Ấn? Cả hai quan điểm này đều không đúng, đều chưa đủ. Quan điểm thứ nhất, vì không thể chấm dứt các ý niệm và như thế là vô ích. Quan điểm thứ hai, vì nếu các ý niệm bị để mặc không kiểm soát, sẽ đặt ra một vấn đề: ở cấp độ tương đối, các ý niệm là một chướng ngại chính đối với thành tựu, mặc dù ở cấp độ tuyệt đối, chúng không có gì đáng phải chê trách. Để có thể nhận biết về bản chất của chúng, chúng ta cần đưa ra kỷ luật thiền định nhất định. Sẽ không đúng nếu khẳng định rằng chúng hoàn hảo, không cần gì phải động tới chúng. Mọi ý niệm ý niệm vọng tưởng đều không hoàn hảo, cần can thiệp dù chỉ một chút và làm chủ được các ý niệm, như ta đã thấy.
Phương pháp thỏa đáng
Điều mà các hành giả Đại Thủ Ấn như chúng ta phải làm chính là can thiệp vào các ý niệm của mình bằng cách xử lý chúng với mức độ thích đáng. Sự chính xác này có nghĩa là không cần dừng các ý niệm lại, cũng không phải là làm qua loa. Những ý niệm của chúng ta được ví như sự gặp gỡ với một người ít duyên: một đối tác được thiên phú nhiều phẩm tính và vì thế chúng ta không muốn rời xa; chúng ta không muốn bảo người đó rời đi, nhưng lại cũng không muốn chung sống cùng hàng ngày để cùng nhau chia sẻ toàn bộ cuộc đời, do tính cách quá mạnh của người đó. Vậy cần xử lý bằng sự thích đáng và tế nhị. Cách chính xác nhất là trao đổi với người đó, đây chính là một phương tiện thiện xảo để tồn tại trong cuộc sống.
Nếu bạn để người đó làm gì tuỳ thích, không chú ý tới việc họ làm, thì những tính cách tiêu cực của người đó sẽ dẫn tới định hướng sai lầm và gây phiền phức cho bạn. Vậy nhất thiết phải sử dụng một hình thức hay một cách khác để kiểm soát người này. Nhưng nếu bạn sử dụng kiểm soát không đúng chỗ, dĩ nhiên người đó sẽ nổi loạn và gây tổn hại cho bạn. Tương tự như thế, không nên cứng rắn với các vọng tưởng của bạn, cũng đừng xử lý các vọng tưởng theo cách đối với kẻ thù, bằng cách cố gắng ngăn chặn chúng và tuyên bố không cần tới chúng. Trước hết, chúng sẽ không dừng lại và tiếp theo, chúng sẽ phản ứng rất xấu, đơn giản là chúng là tín hiệu của những đặc tính nhạy cảm thông thường. Chân thật nhìn vào tâm niệm, không tránh né.
Phương pháp tiếp cận nội tâm là ý thức và tập trung. Vì thế đặc biệt không được căng thẳng, và chính bởi vậy, như tôi đã nói, để nhận thức diện mạo thực sự của vọng tưởng, trước hết chúng ta cần thả lỏng tâm thức và cho mình được nghỉ ngơi. Sau đó chúng ta cần dựa trên quan điểm đúng về Đại Thủ Ấn và chú trọng tất cả các cảm giác, mọi xúc tình và vọng tưởng đang khuấy động tâm mình giống như những hình chiếu. Cần tiếp nhận và quan sát chúng bằng hiểu biết của chúng ta về chân lý tối thượng; đây là toàn bộ ý tưởng về Đại Thủ Ấn. Loại trừ vọng tưởng là không đúng, không chỉ bởi vì chúng ta sẽ không đi tới đích mà đặc biệt bởi nếu thế, đó sẽ là một đống đổ nát trọn vẹn. Sự thực hành có nghĩa là trực tiếp đối mặt với vọng tưởng: đó là nhiệm vụ và toàn bộ công việc chúng ta cần hoàn thiện.
Chủ yếu là phải xử lý các biểu hiện ở bên trong nội tâm chúng ta. Các biểu hiện này là xuất phát điểm nghiên cứu tuyệt vời của chúng ta về thành tựu tự tính tối thượng của vạn pháp. Vì vậy mà toàn bộ giáo lý tâm linh đều mang tính nội tâm, mà không phải nói về thế giới bên ngoài. Nhờ phản chiếu nội tâm, tiếp tới chúng ta có thể ứng dụng ở bên ngoài, hoàn toàn tự nhiên, nhậm vận... Nhất là khi hành thiền Đại Thủ Ấn, bạn cần duy trì sự thực hành cơ bản này, chính là chú trọng tự tính tương đối của mỗi vọng tưởng vừa khởi lên.
Các vọng tưởng sẽ không ngừng xuất hiện và trói buộc bạn. Khi một ý niệm vọng tưởng khởi lên, hoặc khi bạn nhận thấy một tình cảm hay một khái niệm về “có/không”, về ‘tốt/xấu”, thì hãy nhìn coi: “tốt” khiến bạn tự cảm thấy “hoàn hảo”, và “xấu” khiến bạn không hài lòng. Hãy chú ý quan sát sự phản chiếu trong tâm bạn, sự vận hành của hạnh phúc và khổ đau. Không cần làm gì khác ngoài việc phát triển cái thấy này. Theo quan điểm Đại Thủ Ấn, tất cả các vận động nhị nguyên vẫn còn tới giờ, và vì vậy hãy áp dụng các giáo pháp của Ngài Tilopa: Hãy để tâm bạn như nó vốn có, đừng phân tích, đừng phóng chiếu dù bất cứ điều gì.
Qua ý thức cá nhân này, mỗi lần tâm niệm vọng động khởi lên trong bạn, ví dụ bạn có một xúc tình phiền não nào đó, bạn bỗng nhiên sẽ hiểu rằng không cần phải phản ứng, chân lý là như thế. Qua nhận thức và trải nghiệm này, sự rối loạn tự nhiên thật sự được hòa tan.
- 821
Viết bình luận