Hiểu đúng về nền tảng và động cơ thực hành pháp tu Nyungney | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Hiểu đúng về nền tảng và động cơ thực hành pháp tu Nyungney

Pháp Nyungney được gọi là pháp tu Thập Nhất Diện, Thiên Thủ Thiên Nhãn, đoạn thực Bát Quan Trai giới. Pháp tu này là một pháp tu rất thù thắng chỉ có ở Kim Cương Thừa.

Nền tảng của Pháp tu Nyungney

Nền tảng của Pháp tu Nyungney là sự trì giới và bao gồm ba cấp độ.

Cấp độ thứ nhất là trì giữ “Bát quan trai giới” hay tám giới luật thuộc về Tiểu thừa Phật giáo do Đức Phật chế cho Phật tử tại gia: không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, không ngồi giường cao rộng, không ca múa hát xướng và giữ ăn một bữa. Vì còn ràng buộc gia duyên nên người phát nguyện tu chỉ cần thực hành xả ly và tu đúng như các bậc xuất gia trong 2 ngày song vẫn tích lũy vô lượng công đức.

Cấp độ thứ hai tương ứng với phần giới nguyện chính của Đại thừa Phật giáo: hành giả phát tâm thọ Bồ đề tâm giới, phát nguyện trưởng dưỡng tình yêu thương, lòng từ bi trí tuệ không chỉ lợi ích cho bản thân mà còn vì sự giác ngộ giải thoát của tất cả chúng sinh.

Cấp độ thứ ba là sự thực hành Kim Cương thừa: hành giả tu trì nghi quỹ Quan Âm Thập Nhất Diện, thiền định về lòng Đại bi, thực hành nghi quỹ đàn pháp “tam mật tương ưng” với thân, khẩu, ý giác ngộ của Bản tôn Phật Quan Âm, trì giữ giới nguyện thanh tịnh với bậc Thượng sư giác ngộ. Nếu không quá mệt và đủ sức khỏe, trong thời gian chuyên tu, trung bình một ngày hành giả vừa trì tụng tán thán vừa đỉnh lễ Đức Quan Âm với số lượng khoảng 500 lễ dài.

Thực hành Nyungney là để khai mở lòng từ bi

Khi tình yêu thương đã thực sự phát triển thì năng lực của từ bi sẽ bảo vệ cho chúng ta thoát khỏi mọi khổ đau. Lòng từ bi được thực hành xuyên suốt trên toàn bộ con đường tu tập của mỗi hành giả:

- Khi bắt đầu tu tập: lòng đại bi được coi như hạt giống để chúng ta đạt được giác ngộ.

- Trong toàn bộ con đường thực hành Phật giáo: lòng đại bi được coi như nước tưới hạt giống giác ngộ.

- Để thành tựu giác ngộ: việc thực hành lòng đại bi được coi như là những tia nắng ấm áp của mặt trời để sưởi ấm ngọn cỏ lá cây, hết thảy hữu tình, vô tình chúng sinh. Không có lòng từ bi, chúng ta cũng không có hạt giống giác ngộ, không có toàn bộ con đường giác ngộ, quả vị giác ngộ.

Tính chất của tâm từ bi

Quảng đại bao la:

Đức Quan Âm đã phát nguyện "còn một chúng sinh chưa thành Phật thì con không đạt quả vị giác ngộ giải thoát". Bởi vì thực hành Bồ tát đạo là cách mà chúng ta tịnh hoá toàn bộ phiền não kiết sử tham sân si, những cảm xúc thất tình lục dục ở trong tâm của mình. Cho nên những chúng sinh ở trong tâm cần phải tận độ đến cuối cùng.

Thậm thâm vi diệu:

Chỉ tính Phật, lòng từ bi trí tuệ, tất cả các phẩm chất giác ngộ sẵn có nơi tất cả chúng sinh, sẵn có nơi Phật. Chỉ khác là chúng ta chưa hiển lộ được, chúng ta bị chi phối bởi tham sân si. Tính Phật vốn sẵn có như vậy cho nên được gọi là thậm thâm vi diệu.

Việc thực hành lòng từ bi là thực hành trọn vẹn Bồ đề tâm tương đối (lòng từ bi tương đối) và Bồ đề tâm tuyệt đối (lòng từ bi tuyệt đối). Chúng ta thực hành lòng đại bi chúng ta sẽ đi trọn vẹn con đường giác ngộ. Chỉ cần tu lòng từ bi thôi, chúng ta không cần bất kể một phương pháp nào khác.

Bồ đề tâm là nền tảng căn bản của mọi thực hành. Không chỉ vậy, pháp thực hành Bồ đề tâm là con đường đạo siêu việt dành cho hành giả căn cơ cao để đạt tới sự chứng ngộ giải thoát toàn hảo. Sự giác ngộ này chúng ta phải nỗ lực tu tập mới có thể đạt được. Không vị Phật nào, Thượng sư giác ngộ nào, bậc Thầy nào hay thần thông nào có thể giúp cho chúng ta đạt được giác ngộ. Bắt buộc chúng ta phải thực hành bằng cách trưởng dưỡng tình yêu thương. Trước hết chúng ta phải từ bi với bản thân mình, bởi vì nếu chúng ta không chiêm nghiệm về bản thân mình, không quán chiếu, không thấu suốt thân tâm cảnh của mình thì lòng từ bi đó chỉ sáo rỗng mà không thực tại.

Và sau đó, chúng ta chia sẻ tình yêu thương, lòng từ bi đó với những người thân gần gũi với chúng ta như gia đình, hàng xóm, những người trong cơ quan rồi đến làng mạc, thành phố, đất nước và rộng đến tất cả các chúng sinh mẹ.

Hành giả tu Nyungey cũng thực hành “Cho và nhận” (pháp Tonglen theo tiếng Tạng), theo đó, hành giả phát tâm nguyện Bồ đề rộng lớn xin nhận về mình khổ đau của vô số chúng sinh, đồng thời trao tặng vô biên chúng sinh toàn bộ tài sản, công đức, thân thể, thậm chí tính mạng bản thân mình. Mỗi hơi thở vào là tâm nguyện đón nhận mọi đói khát, khổ đau của chúng sinh. Mỗi hơi thở ra là tâm nguyện hồi hướng, giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau hướng tới hạnh phúc giác ngộ. 

(Nhóm ĐBT biên soạn)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6332933
Số người trực tuyến: