Có cần phải tịnh trừ chướng ngại trước khi thực hành nghi quỹ hàng ngày? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Có cần phải tịnh trừ chướng ngại trước khi thực hành nghi quỹ hàng ngày?

Việc tịnh trừ chướng ngại phụ thuộc vào từng nghi quỹ, không phải nghi quỹ nào cũng có phần đó, chẳng hạn nghi quỹ Tara phổ thông không có phần kết giới. Tương tự như vậy, có một số pháp tu không cần tới việc tịnh trừ chướng ngại, chẳng hạn như khi thực hành pháp tu Ngondro. Trừ trường hợp bạn không muốn ra ngoài ranh giới nhập thất và không muốn những người khác vào ranh giới này, khi đó bạn sẽ cần phải có sự hộ trì, tịnh trừ các năng lực tiêu cực, chướng ngại và tạo ra một vòng Hộ luân Kim cương. Nếu không phải trong trường hợp như vậy, thì đối với pháp tu hàng ngày bạn không cần phải tịnh trừ chướng ngại.

Chẳng hạn bạn cố xua đuổi mọi thế lực ám chướng ra khỏi ngôi nhà của bạn, nhưng sau khi thực hành pháp bạn lại ra khỏi nhà để đi lên phố, có nghĩa là bạn lại sẽ đi tới nơi có những năng lực tiêu cực mà mình từng xua đuổi. Việc kết giới trong trường hợp đó có thể không có nhiều tác dụng. Tuy nhiên, khi bạn phát nguyện nhập thất nghiêm mật tại một nơi nào đó, những pháp tu này có thể giúp hộ trì bạn để những chướng ngại không thể nào xâm nhập, để mọi năng lượng tích cực và ân phúc gia trì không bị phát tán giúp thành tựu pháp tu tập. Đó là lý do chúng ta cần tới pháp thực hành tịnh trừ chướng ngại.

Tuy vậy trong một số nghi quỹ vẫn cần pháp thực hành này. Chẳng hạn một số pháp tu Mật thừa cao cấp như cúng dàng Mahakala chắc chắn sẽ có phần thực hành này. Như vậy, khi bạn xua đi những thế lực ám chướng, chẳng hạn như trong khi tu Ngondro, thì bạn chỉ cần thực hành pháp tu tịnh trừ chướng ngại khi chuẩn bị nhập thất. Thế nhưng thông thường trong pháp tu Mahakala bạn không thực hành một pháp riêng mà chỉ quán tưởng, thậm chí còn không có cả Torma.

Hoặc khi xây nhà mới, bạn hãy thực hành khiển trừ chướng ngại và kết vòng hộ luân cùng lúc với việc thực hành pháp cúng dàng hỏa tịnh. Tương tự giống như khi bạn cần kiến lập Mandala tại một địa điểm nào đó thì bạn cũng cần pháp tu này. Như vậy trong một số hoàn cảnh, chẳng hạn như khi bạn chuẩn bị nhập thất ở một nơi hoàn toàn mới, khi đó sẽ có một vài pháp thực hành cần phải được thực hiện.

Pháp cúng dàng Hỏa tịnh

Pháp cúng dàng Hỏa tịnh được bắt đầu từ Đức Liên Hoa Sinh khi Ngài truyền giáo pháp vào những nước trên đỉnh tuyết sơn Hymalaya. Ngài đã gặp nhiều chướng ngại, sự ngăn trở của các quỷ thần tại các nước khiến cho Phật pháp không được phát triển nên Đức Liên Hoa Sinh đã thiện xảo, chế ra pháp cúng dàng Hỏa tịnh gồm các loại thuốc gia trì, các loại hương, gỗ thơm, ngũ cốc, ngũ dược, … Tất cả những thứ ấy được trộn lại, trì tụng chân ngôn gia trì sau đó đốt thành khói. Khói thơm ấy dâng lên cúng dường Phật, sau khi cúng dường Phật, khói thơm lan tỏa để cúng dường tất cả các quỷ thần, minh thần, thần núi, thần sông, thổ công, thổ địa, các loài quỷ đói.

Vì sao trước khi thực hành pháp cúng dàng Hỏa tịnh, bạn cần phải triệu thỉnh Địa Thần? Lịch sử Phật giáo cũng ghi lại khi Đức Phật Thích Ca chuẩn bị đạt tới thành tựu giác ngộ, Ma Vương đã hiện lên và chất vấn Ngài: “Điều gì sẽ làm chứng cho việc Ngài sẽ đạt giác ngộ? Nhỡ Ngài không đạt giác ngộ thì sao?”. Lúc đó Đức Phật Thích Ca liền chạm tay xuống đất và nói rằng: “Chỉ với một chút xíu công đức thôi, ông có thể được sinh lên trời. Nhưng trên mặt đất này, từ nhiều vô lượng kiếp tới nay, ta đã thực hành Lục Độ Ba La Mật, đã tích lũy tịnh hóa nghiệp chướng, và mặt đất này chính là bằng chứng của ta”. Sau khi Ngài làm như vậy, Địa Thần, bậc cai quản mọi thứ trên mặt đất, liền hiện lên và nói rằng “Đúng vậy, tôi thừa nhận và làm chứng rằng Đức Phật đã tu khổ hạnh và tu tập giải thoát!”.

Tiếp đó chúng ta cúng dàng, chẳng hạn như cúng dàng các Torma trắng đã được chuẩn bị trước đó cho các Ngài và cầu nguyện rằng: “Tôi đang thực hành cúng dàng, xin hãy để cho tôi hoàn thành Pháp sự này vì lợi ích hữu tình...”.

Pháp tu các Bản tôn Phẫn nộ

Cho dù bạn đã từ bi thỉnh cầu mọi thế lực, song vẫn có thể còn những thế lực ám chướng muốn ngăn cản bạn. Khi đó hành giả sẽ quán tưởng một vị Bản tôn nào đó, tùy thuộc theo nghi quỹ đôi khi có thể là Mã Đầu Minh Vương, Bản tôn Hộ pháp Mahakala hoặc Bản tôn Thắng Lạc Kim Cương Chakrasamvara (thí dụ như trong nghi quỹ Mahakala thì là Bản tôn Chakrasamvara). Nếu là Bản tôn phẫn nộ thì chúng ta sẽ cúng dàng Torma hoặc vật phẩm được gia trì có màu đỏ, là màu sắc được cúng dàng cho các thế lực tượng trưng bởi Bản tôn phẫn nộ. Sau khi đã cúng dàng vật phẩm, tự trong tâm bạn, các thế lực ám chướng đó đã bị xua đi xa.

Tuy nhiên, nếu bạn tin tưởng chắc chắn rằng mình đã thực sự xua đi ma quỷ và ám chướng thì sự quán tưởng của bạn còn sai lệch (bởi tâm bạn vẫn còn chấp trước nhị nguyên) và kết quả của sự quán tưởng sai lầm này là về sau bạn sẽ tái sinh thành một đại ma hoặc đại quỷ có quyền lực lớn. Thay vì thế, khi quán tưởng, bạn cần hiểu rằng chính những tư tưởng nhị nguyên của mình đã biến tướng thành những xúc tình: phân biệt điều này xấu, điều kia tốt, thành ham muốn, yêu ghét, thành những thế lực chướng ngại. Chính những tư tưởng nhị nguyên đã tạo thành những xúc tình phiền não, những xúc tình phiền não này lại tạo nên sân giận, và rồi những cảm xúc sân giận đó đã biến tướng thành những chướng ngại bên ngoài, những ma chướng hay bất kỳ chướng ngại nào khác.

Như vậy ở bên ngoài ta xua đuổi những chướng ngại đó đi bằng cách quán tưởng những Bản tôn phẫn nộ. Bên trong, qua việc an trụ với tự tính tâm thanh tịnh trong hình tướng tự thân là Bản tôn Chakrasamvara, tất cả chúng ta cùng an trú trong tự tính tâm, cả bạn, cả ám chướng, tại nơi này tất cả đều là một, bạn bảo vệ nơi này. Sự bảo hộ bên trong chính là như vậy. Bên ngoài đương nhiên chúng ta sẽ quán tưởng một bức tường lửa, rồi bao quanh là rất nhiều pháp khí kim cương. Trong pháp tu Mahakala có năm ngọn lửa khác nhau tượng trưng cho Ngũ trí, một ngọn lửa ngăn sân giận, một ngọn lửa ngăn tham muốn... Sau đó thì pháp cúng dàng mới có thể bắt đầu. Trong khi thực hành hãy luôn nhớ rằng không bao giờ được nổi tâm sân giận.

(Trích ấn phẩm “Bản tôn – Chân ngôn – Trí tuệ”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6323959
Số người trực tuyến: