Niệm Phật và những lợi ích nhiệm màu
Trong pháp tu Tịnh độ, niệm Phật là con đường nhanh nhất để thoát khỏi vòng luân hồi đau khổ cõi Ta Bà. Phương pháp tu tập này trở thành một pháp tu phổ biến trong Phật giáo hiện đại. Rất nhiều Phật tử thường xuyên niệm Phật với mong nguyện sẽ tái sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà sau khi xả bỏ thân tứ đại.
1. Những lợi ích về Sự
Niệm Phật sẽ trừ được các phiền não
Những người gặp các cảnh khổ, như tử biệt sinh ly, nhà tan cửa mất, tai nạn bất thường v.v... sinh các phiền não, nếu biết chí tâm niệm Phật, thì các phiền não khổ đau dần dần tiêu tan. Vì sao lại có kết quả tốt đẹp như thế? Vì tâm ta cũng như dòng nước luôn luôn tuôn chảy. Nếu chúng ta pha vào những chất cáu bẩn, thì nước trở thành đục bẩn; nếu chúng ta pha vào những chất thơm tho, thì nước sẽ trở thành thơm mát.
Nếu tâm ta chỉ nhớ nghĩ đến những tai nạn khổ đau, thì luôn luôn sẽ bị phiền não khuấy đục. Khi ta niệm Phật thì sẽ cố nhiên nhớ Phật, quên đau khổ. Ðem sự nhớ Phật này để cải hóa sự đau khổ; một giờ niệm Phật thì sẽ đổi được một giờ sầu khổ, một ngày niệm Phật thì đổi được một ngày khổ đau.
Cứ như thế, nếu niệm Phật được tăng chừng nào, thì sự buồn phiền đau khổ sẽ giảm đi chừng ấy. Cho nên cổ nhân có câu “Một câu niệm Phật giải oan khiên”.
Niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sinh
Chúng sinh hằng ngày nhớ nghĩ đến những điều tội lỗi như tham, sân, si v.v... miệng thốt ra những điều tội ác, thân làm những việc xấu xa. Ðó là những ác nghiệp của chúng sinh. Nay nếu chúng ta niệm Phật, thì chúng ta không còn thì giờ để nhớ nghĩ việc tội lỗi nữa và thực hành những ác nghiệp trên nữa. Như thế là niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sinh.
Niệm Phật càng nhiều thì niệm chúng sinh càng ít. Niệm Phật hoàn toàn thì niệm chúng sinh dứt sạch.
Niệm Phật sẽ làm cho thân thể được nhẹ nhàng an ổn
Bệnh tật của chúng ta, một phần do thể xác, nhưng một phần cũng do ảnh hưởng của tinh thần. Nhiều người mất ăn bỏ ngủ vì uất hận, nhục nhã v.v.. Do đó, uất khí tích tụ lâu ngày trong người, mà sinh bệnh mất ăn bỏ ngủ. Gặp những trường hợp như vậy, nếu chúng ta niệm Phật thành tiếng, thì những nỗi uất hận đè nặng lên tâm can chúng ta sẽ như được trút ra cùng hơi thở, cùng tiếng niệm, và thâm tâm ta được nhẹ nhàng dễ chịu. Những người yếu tim, nếu biết niệm Phật sẽ mau bình phục. Vì bệnh yếu tim thường làm cho người bệnh hồi hộp, lo sợ; nay nhờ niệm Phật nên tâm định, tâm định thì những sự hồi hộp lo nghĩ giảm đi. Do đó mà ăn được, ngủ yên và bệnh mau bình phục.
Niệm Phật tâm trí sẽ sáng suốt, học hành mau nhớ
Những người tâm trí loạn động thì tối tăm, như ngọn đèn bị gió, không sáng được. Nhờ niệm Phật, tâm trí sẽ định tĩnh, như ngọn đèn có ống khói, không lay động. Do đó tâm trí sẽ phát chiếu, như ngọn đèn tỏa ánh sáng vậy.
Niệm Phật khi lâm chung sẽ được sinh về Tịnh độ
Như chúng ta đã thấy ở trên, niệm Phật đem lại cho chúng ta nhiều ích lợi thiết thực trong đời sống hiện tại, về phương diện thể chất lẫn tinh thần, về tính tình lẫn trí tuệ. Nhưng cái lợi ích lớn nhất là ở đời sau. Nếu chúng ta thực hành pháp niệm Phật này, đúng như lời Phật dạy, cho đến “nhất tâm bất loạn” thì sau khi lâm chung, sẽ sinh về Tịnh độ, được luôn luôn thấy Phật nghe pháp, làm bạn với thánh hiền, và có đủ nhiều thiện duyên để tiếp tục tu hành cho đến quả Phật.
2. Những lợi ích về Lý
Khi hành giả niệm Phật được “nhất tâm bất loạn”, thì các vọng tưởng hết, chân tâm thanh tịnh hiện ra. Chân tâm không sinh diệt hư hoại là “Thường”, chân tâm thanh tịnh vắng lặng là “Tịch”, chân tâm sáng suốt vô cùng là quang cảnh “Thường-Tịch-Quang Tịnh-độ” chỉ ở nơi chân tâm ta, chứ không nơi đâu khác.
Lại nữa, chân tâm không hoại diệt là ”Phật Vô-lượng-thọ”; chân tâm chiếu soi vô tận là “Phật Vô-lượng-quang” và đó cũng tức là “Thanh tịnh diệu Pháp thân của Phật A Di Ðà”.
Tóm lại, người niệm Phật đến khi hết vọng, ngộ nhập được chân tâm rồi, thì Phật A Di Ðà hay cảnh Tịnh độ cũng chỉ ở nơi tâm mình hiện ra, chứ không phải đâu xa.
Vì thế nên kinh chép: "Tự tính Di Ðà, duy tâm Tịnh độ” là vậy.
(Trích ấn phẩm “Con đường tu Tịnh độ”
- 189
Viết bình luận