Những thử thách Đức Naropa phải trải qua trước khi đón nhận giáo pháp từ Thượng sư (Phần 1)
Đại thành tựu giả Naropa (1016-1100) sinh ra trong một gia đình hoàng tộc ở Bengal, Ấn Độ. Sự khao khát giáo pháp của Ngài lớn đến mức năm tám tuổi, Ngài đã tìm tới Kashmir để theo học với Thượng sư Arya Akasha và thọ giới tại gia.
Khi Đức Naropa trở về sau các chuyến tham học Phật pháp, cha mẹ ép buộc Ngài phải cưới công chúa Bà la môn. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình chỉ kéo dài trong tám năm. Đức Naropa luôn nhất tâm chỉ tưởng tu hành Phật pháp do đó đã bày tỏ chí hướng tâm linh của mình với công chúa và nàng đồng ý không cản trở con đường tu hành của Ngài.
Đức Naropa thụ giới sa di tại Lạc Viên Tự viện (Happy Garden Monastery), sau đó thụ giới Tỳ kheo tại Kashmir. Ngài an trú tại tự viện Pullahari để tiếp tục tu học và thụ nhận thêm các giáo pháp và tu tập tại trường Đại học Nalanda ở gần đó.
Với trí tuệ, tài hùng biện và sự hiểu biết tâm linh, Ngài thường phải tranh biện với các phái ngoại đạo và luôn giành phần chiến thắng. Đức Naropa được phong làm viện trưởng Đại học Nalanda danh tiếng - nơi Ngài trở thành vị Bảo Hộ Trấn Cửa Phương Bắc. .
Mặc dù xuất chúng về phương diện giáo lý Phật pháp nhưng Ngài nhận thấy mình rất kém cỏi về phương diện tu tập đạo tâm. Vì vậy, một vị Dakini đã xuất hiện trước Ngài, giảng dạy về tầm quan trọng của thiền định và khuyên Ngài thỉnh giáo Thượng sư Tilopa, người có thể khai thị cho Ngài thực chứng bản tâm.
Sau bao nhiêu thử thách cuộc hành trình hướng về phương Đông, cuối cùng Đức Naropa cũng hạnh ngộ Thượng Sư Tilopa. Đức Naropa đã phải vượt qua mười hai thử thách lớn và mười hai thử thách nhỏ để tịnh hóa ác nghiệp và những ám chướng. Nhờ sự gia trì của Đức Tilopa và sự tịnh hóa của chính mình, Đức Naropa thực chứng được bản tâm quang minh tịch tĩnh, thể nhập tự tính Kim Cương Trì Vajradhara. Sau khi thành tựu giác ngộ huy hoàng, Đại thành tựu giả Naropa truyền dạy Phật pháp cho vô số đệ tử ở rất nhiều nơi đặc biệt tại vùng Kashmir, nơi có rất nhiều ngôi tự viện do chính Ngài xây dựng. Trong lịch sử Phật giáo, Ngài Tilopa và Naropa là một trong số những Đại thành tựu giả xuất chúng trong số tám mươi tư Đại thành tựu giả.
Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin chia sẻ với Quý vị những câu chuyện truyền kỳ về những thử thách lớn nhỏ mà Đức Naropa phải trải qua trước khi hạnh ngộ Bậc Thượng sư của mình là Đức Tilopa.
Đức Naropa sinh vào thế kỷ thứ mười tại Ấn Độ, Ngài có kiến thức rất uyên bác và là một cao thủ về huyền thuật. Ngài làm pháp sư chánh tế cho một vị tiểu vương (rajah). Một hôm vị tiểu vương xúc phạm đến Ngài, và Đức Naropa quyết tâm báo thù.
Ngài khép mình trong một tòa lâu đài biệt lập, và lập một đàn tràng huyền thuật hình tròn gọi là kyilkhor để giết chết vị tiểu vương. Khi Ngài chuẩn bị thi triển huyền thuật thì một thiên nữ Dakini bất ngờ xuất hiện, hỏi ông có biết cách tiếp dẫn một “linh hồn” đi về cảnh giới Cực lạc, sau đó đưa hồn về nhập lại xác để hồi sinh hay không. Vị cao thủ huyền thuật này buộc lòng phải thú nhận rằng trình độ của ông còn xa lắm mới đạt đến mức đó.
Vị Thiên nữ Dakini bèn mắng nhiếc ông thậm tệ. Bà chỉ cho Ngài thấy rằng ta không được quyền hủy hoại những gì ta không có khả năng khôi phục, và tuyên bố hành động hận thù thiếu cân nhắc của Ngài sẽ khiến Ngài tái sinh trong hỏa ngục. Đức Naropa hoảng sợ nên cầu xin một pháp môn giúp ông thoát khỏi số phận kinh khủng đó. Thiên nữ liền khuyên Ngài nên đi tìm Thượng sư Tilopa để cầu xin truyền thụ pháp môn “Đốn ngộ”, là pháp môn thù thắng vi diệu giúp tiêu trừ mọi nghiệp báo và đạt quả vị Niết bàn ngay trong đời này. Nếu Đức Naropa thành tựu được pháp môn này thì Ngài sẽ thoát khỏi sinh tử luân hồi, có nghĩa là thoát khỏi cảnh đọa đày trong địa ngục.
Đức Naropa liền dẹp bỏ đàn tràng kyilkhor, rồi vội vã lên đường đi đến Bengal là nơi mà Đức Tilopa đang sống.
Đại Thành tựu giả Tilopa
Lúc đó Đức Tilopa là một đạo sư tiếng tăm vang dội. Sau khi đắc pháp, Ngài trở thành một nhà tu khổ hạnh avadhoutâ. Đó là loại khổ tu được mô tả là: “tâm không còn yêu ghét, không quan tâm đến vinh nhục, xả ly tất cả, đoạn tuyệt hoàn toàn với gia đình, xã hội và tôn giáo.” Trái lại, Đức Naropa thuộc dòng dõi Ấn Độ giáo chính thống, bẩm sinh đã là giai cấp Bà la môn quý tộc thượng lưu.
Buổi hạnh ngộ đầu tiên giữa Đức Naropa với Bậc căn bản Thượng sư diễn ra trong một tự viện Phật giáo. Lúc đó, Đức Tilopa ngồi xổm dưới đất ăn cá, vứt một đống xương bên cạnh. Vì không muốn kẻ ăn xin bẩn thỉu kia làm ô uế đến sự thanh khiết của giai cấp mình, Đức Naropa liền đi vòng để tránh xa. Lúc đó, một vị Tăng từ trong nhà bếp bước ra quở trách Đức Tilopa đã phạm tội sát sinh trong khuôn viên tự viện. Vừa nói, vị Tăng vừa ra hiệu cho Tilopa đi ra khỏi tự viện. Đức Tilopa không thèm trả lời, mà khua tay một cái rồi đọc câu mật chú, đống xương cá kia lập tức hồi phục lại phần thịt để trở lại thành một đàn cá, rồi nhảy tung lên không biến mất. Bữa ăn sát sinh tàn bạo kia không lưu lại một dấu vết gì, còn Đưc Tilopa thì đi xa mất.
Đức Naropa sững sờ kinh ngạc, một ý tưởng vụt lóe lên trong đầu Ngài. Vị đạo sư hiển lộ thần thông kia hẳn phải là Đức Tilopa mà ông đang tìm kiếm. Đức Naropa vội vàng hỏi thăm và biết ngay trực giác mình đã đúng. Ngài gấp rút đuổi theo vị hành giả du già (yogi) kia, nhưng vị hành giả đã bặt tăm.
Từ đó, Đức Naropa bắt đầu một loạt các chuyến viễn du, mà những người viết tiểu sử về Ngài thường thêm thắt điểm tô thêm, nhưng về cơ bản là có thực. Người đệ tử tự nguyện cứ theo đuổi Đức Tilopa từ nơi này sang nơi khác. Mỗi khi nghe tin Đức Tilopa ở nơi nào là Ngài lập tức tìm đến, nhưng lần nào cũng vậy, hễ Ngài đến nơi thì Đức Tilopa vừa mới bỏ đi. Nhiều khi Đức Naropa gặp được Đức Tilopa một cách tình cờ, song thực ra đó chỉ là những ảo ảnh do Đức Tilopa dùng thần thông biến hiện để thử thách vị đệ tử của mình.
(Nguồn: “Câu chuyện tầm sư học đạo của hai vị Tổ Mật tông Tilopa và Naropa”
Tác giả: Alexandra David Néel
Việt dịch: Huỳnh Ngọc Chiến
Nguyệt san Báo Giác Ngộ, 2018)
(Còn tiếp)
- 657
Viết bình luận