Vì sao Kim Cương thừa không được truyền giảng rộng rãi khi Đức Phật tại thế?
Bản thân Kim Cương thừa là Mật truyền, Mật tu và Mật thành tựu, không thích hợp với việc lưu truyền rộng rãi. Vì vậy, vào thời kỳ Đức Phật tại thế, Kim Cương thừa không được lưu truyền rộng rãi, Ngài chỉ giảng về Kim Cương thừa 2 lần khi đã gần tám mươi tuổi. Lần thứ nhất là tại Vaishali, nơi Đức Phật chủ yếu tập trung giảng về Phật tính (tức khả năng vốn có của tất cả chúng sinh trong việc đạt được trí tuệ như Đức Phật). Lần thứ hai, Đức Phật giảng về Kim Cương thừa, và sau cùng, Ngài giảng về việc làm thế nào để khai mở Phật tính bên trong.
Trong thời kỳ Đức Phật tại thế, có nhiều đệ tử truyền giảng Tiểu thừa mà đệ tử Đại thừa có căn khí lớn lại rất ít, thậm chí ngay cả giáo pháp của Đại thừa cũng không được phổ cập. Còn Kim Cương thừa, nghĩa lý cao siêu, người hạ căn nghe không những không lĩnh hội được mà còn có thể nảy sinh tà kiến.
Bởi vậy, Kim Cương thừa luôn được coi là truyền thừa bí mật bởi việc thực hành đòi hỏi căn cơ và trình độ nhất định. Thông thường, khi thực hành Kim Cương thừa, chúng ta được xem như đã có những hiểu biết nhất định về Tiểu thừa và Đại thừa là những nền tảng căn bản để đi vào Kim Cương thừa. Khi bắt đầu tu tập Kim Cương thừa, điều tối quan trọng là hành giả cần thụ nhận quán đỉnh. Đây chính là ngưỡng cửa và là đặc trưng của Kim Cương thừa để hành giả có thể thực hành nghi quỹ tu trì theo một Bản tôn nhất định (ví dụ Đức Quan Âm, Đức Dược sư hay Trí tuệ Văn thù...). Nói cách khác, quán đỉnh là nghi thức mà một bậc Thượng sư tu chứng trao truyền thể nhập thực hành trực tiếp một pháp môn cho đệ tử, bao gồm mô tả, giảng nghĩa, quán tưởng, thứ lớp tu tập cùng với các nghi lễ cúng dàng và chân ngôn tương ứng. Mặc dù vậy, quán đỉnh còn mang ý nghĩa nhiều hơn những gì cấu thành nên nó; đó là sự trao truyền nguồn ân phúc và năng lực gia trì của cả một dòng Truyền thừa, và là sự giới thiệu trực tiếp vào thực tại tuyệt đối, trí tuệ bất nhị hay chân tính của vạn pháp. Do vậy nếu bạn không có những hiểu biết về Đại thừa mà bước ngay vào Kim Cương thừa thì bạn không thể vững tiến trên đường tu.
Cũng chính vì lý do này mà trước đây Kim Cương thừa được trì giữ trong bí mật, và chỉ những đệ tử sẵn sàng hiểu biết thực tại tuyệt đối mới được truyền trao. Nếu hành giả không có những tri kiến căn bản về vô thường, xả ly, khổ đau của luân hồi, nghiệp và kế đó là khai phát Bồ đề tâm mạnh mẽ và hoàn thiện các Ba la mật, mà trực tiếp đi thẳng vào chân lý tuyệt đối của vạn pháp thì ngay lập tức họ không thể hiểu được hoặc có thể rơi vào tà kiến của cách hiểu sai lệch do thiếu trí tuệ thực chứng và điều này vô cùng nguy hiểm.
Như vậy là ở Ấn Độ trước kia, Kim Cương thừa chỉ được trao truyền cho những hành giả đã đạt được cấp độ nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình lịch sử phát triển sau này tại Tây Tạng, Nepal, Bhutan và các quốc gia thuộc dãy Himalaya, Kim Cương thừa lại được quan tâm rộng rãi và trở thành một thực hành có tính phổ biến. Do phải có một phương pháp thích hợp đáp ứng đại chúng nên các chư Thượng sư đã thiện xảo tìm ra phương pháp dung chứa tất cả các thừa, từ Nguyên thủy Phật giáo, Đại thừa cho đến Kim Cương thừa trong pháp môn tu tập thuộc Kim Cương thừa.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
- 396
Viết bình luận