Xả ly không có nghĩa là từ bỏ cuộc sống thế gian | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Xả ly không có nghĩa là từ bỏ cuộc sống thế gian

Thông thường, trong Đạo Phật, chúng ta vẫn thường đề cập tới thực hành hạnh xả ly. Đó là sự cởi bỏ tấm màn vô minh, từ bỏ những tri kiến sai lầm hay tâm chấp thủ. Như vậy, xả ly được hiểu là sự hiểu biết hay sự xả ly bên trong chứ không chỉ là sự xả ly bên ngoài, xả ly vật chất. Giống như đối nghịch với tri kiến là mê lầm, đối nghịch với xả ly là bám chấp. Thực hành xả ly không có nghĩa là bạn phải bỏ vợ chồng, gia đình, con cái, phải lên núi tu hành. Nếu bạn có sự chuẩn bị sẵn sàng từ bên trong thì bạn hoàn toàn có thể tự tại thực hành xả ly về mặt vật chất.

Để trở thành một hành giả chân chính, cho dù bạn thực hành theo Kim Cương thừa, Đại thừa hay Nguyên thủy Phật giáo, thì sự xả ly cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong Kim Cương thừa, chúng ta có thể đón nhận tất cả, chẳng hạn như chúng ta nói Ngũ độc (gồm tham lam, sân giận, si mê, kiêu mạn và tà kiến) có thể chuyển hóa thành Ngũ trí (Diệu Quan Sát Trí - Đại Viên Cảnh Trí - Pháp Giới Thể Tính Trí Thành Sở Tác Trí Bình Đẳng Tính Trí), không có vấn đề gì cả... Nhưng điều đó không có nghĩa là nếu sân giận nổi lên, bạn chấp nhận sự sân giận, hay khi tham muốn trỗi dậy, bạn cũng để mặc.Tương tự như thế, có một số Bậc Thầy trong Kim Cương thừa có thể cư trú ở những nơi rất xa hoa, một số khác lại ẩn cư trong núi, điều này cũng không thể được nhìn nhận theo cách thông thường. Nhất định nơi đó phải là Cõi Tịnh Độ, một Cõi Thanh tịnh của Thượng sư Liên Hoa Sinh, ở nơi đó phải được soi chiếu bằng quan kiến thanh tịnh. Bởi lẽ nếu có được quan kiến thanh tịnh thì bạn sẽ không gặp phải bất cứ vấn đề nào. Chính cách nhìn nhận mới gây ra những vấn đề cho chúng ta.

Thực hành xả ly bên trong mới là điều quan trọng

Tuy vậy, cũng có sự xả ly bên ngoài và sự xả ly bên trong. Sự xả ly bên ngoài là việc xả ly thế gian để tới ẩn cư trong núi, rời bỏ gia đình của mình. Nhưng sự xả ly bên trong còn quan trọng hơn rất nhiều. Có những người có thể lên núi và ẩn cư trong hang động, song đôi khi họ có thể bám chấp vào chính cái hang của họ theo kiểu: “Đây là hang động của tôi”, “Đây quả thực là một hang động rất đặc biệt”, “Những người khác không được phép sử dụng hang của tôi” - và như vậy sự bám chấp lại xuất hiện.

Như vậy, điều quan trọng đầu tiên là sự xả ly bên trong. Khi bạn thực hành hạnh xả ly, điều quan trọng bạn cần hiểu ra là ý nghĩa của Vô thường, quy luật của Nghiệp, sự Khổ đau trong các cõi luân hồi khác nhau, và sự quý báu của Thân người. Chính thông qua những hiểu biết này mà bạn trưởng dưỡng tâm xả ly. Từ đó, bạn phát tâm Quy Y, phát nguyện Quy Y với tâm Đại thừa, đối tượng Quy y không chỉ là Đức Phật Thích Ca mà là Đức Phật với đầy đủ Ngũ trí, hay Ngũ độc đã được chuyển hóa thành Ngũ trí.

Đối với thân cũng vậy. Phật có Tam thân (theo Đại thừa) hoặc Tứ thân (theo Kim Cương thừa gồm: Hóa thân, Báo thân, Pháp thân và thêm Thể Tính thân). Còn trí tuệ phải là Ngũ trí, đó là Phật trong Đại thừa. Đối với Pháp cũng như vậy, có hai loại Pháp. Một là Pháp bên ngoài tức là Kinh điển Đại thừa, và hai là Pháp bên trong tức là sự thấu hiểu nội tâm của một bậc Tăng đã đạt tới giác ngộ, sự thấu hiểu của Phật, đó chính là trí tuệ. Chính nhờ tụng đọc kinh điển bên ngoài mà bạn có thể khai mở trí tuệ bên trong, vì vậy nên trí tuệ bên ngoài và bên trong này được gọi chung là Pháp. Còn Tăng trong Đại thừa phải kể tới các bậc Bồ tát từ hàng Thập địa trở lên. Cũng giống như vậy, trong Kim Cương thừa, chúng ta có thêm đối tượng quy y bậc Kim cương Thượng sư là hóa thân của tất cả Chư Phật. Pháp là hiện thân của sắc thân chư Bản tôn và chân ngôn.


Chân ngôn Đức Bản tôn Phật Dược Sư

Trong Kim Cương thừa cũng có hai loại Pháp, thứ nhất là chân ngôn và thứ hai là Bản tôn. Cả hai đều được tôn kính là Pháp bởi việc trì tụng chân ngôn và quán tưởng Bản tôn sẽ giúp bạn chuyển hóa tất cả những khái niệm thông thường thành tâm bất nhị và thanh tịnh. Tương tự, Tăng già chính là các bậc Daka và Dakini, Kim cương Hộ pháp, cùng các thành tựu giả và bậc Bồ tát Thập địa hiện thân để lợi ích hết thảy hữu tình chúng sinh. Đó chính là Phật, Pháp, Tăng theo ý nghĩa chân chính nhất. Xét từ bên ngoài cũng vậy, những tượng Phật, kinh sách hay chư Tăng trong pháp phục, cũng như tất cả các hành giả đều đáng được trân trọng bởi tất cả đều là sự hiện thân của Phật, Pháp, Tăng. Sự trân trọng đối với Phật, Pháp, Tăng bên ngoài cũng vô cùng quan trọng. Có hai cách trân trọng. Đôi khi bạn trân trọng mọi thứ đúng như bản chất tự nhiên của chúng, có những lúc bạn lại trân trọng một số thứ vì chúng mang giá trị biểu trưng. Thí dụ, nếu tôi có một chiếc đồng hồ bằng vàng hay kim cương, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng và trân trọng cái đồng hồ ấy bởi lẽ nó được làm từ những chất liệu quý giá. Song đôi khi có những thứ chẳng có giá trị vật chất gì nhưng chúng ta vẫn trân trọng bởi giá trị biểu trưng của chúng. Chẳng hạn như một lá quốc kỳ. Lá cờ được trân trọng bởi nó biểu tượng cho một quốc gia chứ không phải vì lá cờ đó rất đắt tiền. Trong cuộc sống đời thường cũng vậy, các tôn tượng Phật tượng trưng cho trí tuệ của chư Phật, kinh sách tượng trưng cho các cấp độ hiểu biết khác nhau trên con đường tu Phật, còn những hành giả hay chư Tăng nêu biểu cho chư Bồ tát Thập địa, cho sự hiểu biết và con đường tu tập của họ... Vì vậy, chúng ta trân trọng tất cả bởi những giá trị biểu trưng này.

(Trích ấn phẩm “Bản tôn – Chân ngôn – Trí tuệ”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6482370
Số người trực tuyến: