Yểm tháp Phật theo truyền thống Kim Cương thừa
Đại Bảo tháp Tây Thiên chính là tháp thờ Phật đầu tiên ở Việt Nam được kết cấu theo truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa. Điều cốt lõi làm nên sự khác biệt của Bảo tháp Kim Cương thừa so với tháp Phật được xây dựng trước đó chính là việc yểm tháp.
“Phật giáo Đại thừa chỉ có truyền thống đặt tượng thờ trong tháp. Ở Kim Cương thừa, việc yểm tháp rất quan trọng, người ta không bao giờ thờ tượng rỗng hay tháp rỗng”. Yểm nghe có vẻ kỳ bí, thực ra chỉ là “đặt các thứ vào trong lòng tháp và phủ kín”. “Những người thuộc thế hệ này may mắn được góp một tay hỗ trợ việc yểm tháp. Có khi hàng nghìn năm nữa, không ai giải thích, mọi người đến lễ tháp chỉ thấy năng lượng linh thiêng mà không hề biết ở trong có gì,” thầy Tịnh nói. Điều đáng nói là không chỉ các bậc tu hành, mà “toàn dân” đều có thể tham gia yểm tháp.
Đáy Bảo Tháp hình tròn (diện tích khoảng 1600m2) được ngăn thành nhiều ô. Các túi ngũ cốc chất đầy các ô ở phương Đông. Các loại thóc, ngô, đỗ… đều được sàng xảy, nhặt bằng tay để loại các hạt lép, hạt lỗi; rồi bỏ vào những chiếc túi ngũ sắc, đun trong sáp nến. Bột mì, trà, bánh quy, dầu ăn… đựng trong hũ nhựa niêm kín. Có cả những hũ chứa toàn tiền xu. Tất cả đã sẵn sàng để yểm. Một lượt quế hồi được rải xuống nền để đón đồ yểm, hương tỏa ngào ngạt…
“Phương Đông yểm lương thực thực phẩm để Bảo tháp đem đến sự no ấm cho nhân dân. Phương Nam yểm tiền để mọi người đến cầu nguyện được đầy đủ về tiền bạc. Phương Tây là phương của Phật A Di Đà yểm vàng bạc, đá quý, đồ trang sức cầu tài nguyên dồi dào cho đất nước. Phương Bắc yểm dụng cụ lao động như lưỡi cày, cuốc… để phát triển tất cả các nghành nghề; các loại vũ khí để ngăn chặn chiến tranh; thuốc lào, thuốc lá, thuốc phiện… để chấm dứt tất cả các tệ nạn xã hội.”
Đặc biệt mỗi ô ở đáy Bảo tháp lại có 1-2 bảo bình bằng kim loại màu vàng nhạt- là thứ được yểm trước nhất. Trước khi các bảo bình được đặt xuống, ai cũng muốn chạm vào để lấy may. Trong bảo bình có gì thì chỉ các sư tự tay bỏ vào rồi hàn kín lại mới biết. Đó là các loại ngũ cốc, ngũ dược cùng ngũ bảo: san hô, mã não, xà cừ, vàng, bạc… và không thể thiếu kinh điển. “Cùng với tâm nguyện mọi người gửi vào khi đặt bảo bình xuống, tất cả tạo thành sức mạnh để bảo bình viên mãn mọi nguyện cầu của chúng sinh,” Vào trưa 6/5/2012, đúng lúc bảo bình đầu tiên được đặt vào chỗ yểm dưới hầm Bảo tháp, người viết nghe thấy những âm thanh như sấm động từ trên cao. Hôm đó, Tây Thiên nắng đẹp.
Nhà chùa cùng hàng ngàn Phật tử mất hơn một tháng chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho buổi lễ đầu tiên- yểm một phần đáy tháp. Đại Bảo Tháp Tây Thiên khi đó chẳng khác nào công trường. Các công việc đều được làm bằng tay, kể cả những việc hoàn toàn có thể dùng máy như nghiền đất sét. Vì thế mà một số Phật tử mang theo búa từ nhà đi, không quên khẩu trang.
Bột đất sét trộn với thuốc gia trì giã nhỏ rồi nhào với nước lấy từ các thánh địa ở Ấn Độ, Bhutan, Nepal hòa cùng nước thanh tịnh lấy từ ngã ba suối trên đỉnh Tây Thiên- đổ vào khuôn thành những bảo tháp nhỏ gọi là tsa-tsa. Các tsa-tsa sơn nhũ vàng và đỏ sẽ được đặt vào tầng cao (hình vuông) của Đại Bảo Tháp và trong 4 tháp cũng vuông ở 4 góc Tháp.Từ giữa đáy của tsa-tsa, người ta khoét một lỗ để nhét cuộn kinh vào trong. Có khoảng 20.000 tsa-tsa để yểm, trên mỗi tsa-tsa nổi lên hình 108 bảo tháp tí hon. Thầy Thanh Tịnh giảng giải: “Yểm tsa-tsa để một người lễ Đại Bảo tháp được công đức lễ hàng triệu bảo tháp.”
Mọi người có thể tham gia tất cả các công việc, từ sàng cát, chuyển cát đến nhặt thóc, bẻ quế, nặn, sơn và phơi tsa-tsa… Nhưng riêng muốn cuộn kinh, phải ăn chay trường. Những băng giấy dài in kinh (bằng tiếng Phạn) được phết nước thơm (chế từ dược liệu) màu vàng đặc sánh, phơi khô rồi được cuộn chặt, sơn son, bỏ hũ nhựa để yểm ở phần đỉnh tháp. Ngọn tháp sẽ đặt một tượng Phật có từ thời Đức Thích Ca còn tại thế. Tượng Phật quý hiếm này do Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tặng. Cũng chính Ngài đã đến tận nơi thực hiện những công đoạn quan trọng đầu tiên khi nơi dựng Đại Bảo Tháp còn là đất trống.
“Kim Cương thừa không đặt nặng vào phong thủy mà vào vũ trụ học. Khi một bảo tháp hay chùa được xây dựng theo mô hình Mandala Vũ trụ thì nó tự nhiên đón nhận năng lượng an lành của vũ trụ lớn bên ngoài, đem đến những điềm cát tường.” Cột trụ trung tâm Bảo tháp tượng trưng trục trung tâm của vũ trụ (theo quan điểm Phật giáo) được sơn màu đỏ, phủ kín những dòng kinh nhũ vàng. Tuy nhiên khi Bảo tháp được hoàn tất, sẽ không ai nhìn thấy cột trụ này vì nó đã được bao quanh bởi các hũ kinh và được xây kín lại. Các tầng của bảo tháp tượng trưng cho 5 yếu tố tạo nên vũ trụ và muôn loài: Địa, Thủy, Hỏa, Phong và Không.
Một tác phẩm điêu khắc đặc biệt có tên là Cây đời sống hay Cây Quy y Phước điền Truyền thừa Thượng sư sẽ mọc lên chính giữa tầng 2 Đại Bảo tháp, trên đó là nơi tập hội của toàn bộ Bản tôn và Thượng sư Truyền thừa với tất cả hơn 100 tượng Phật (mỗi tượng cao khoảng 50cm). Tầng sát mặt đất thờ Tứ phương Phật với các bức tượng cao 2m. Quanh Đại Bảo Tháp lắp đặt những dãy kinh luân- ống chuyển chú bằng đồng yểm kinh bên trong. Mọi người sẽ vừa đi, vừa niệm chú, vừa đẩy kinh luân quay, khiến cho cùng lúc cả bao nhiêu câu chú cùng rung động. “Khi quay như vậy, sẽ tạo nên sóng năng lượng lan tỏa rộng mãi, đem đến sự an lành, cát tường,”.
Bảo tháp kết cấu theo truyền thống Kim Cương thừa phổ biến ở các nước theo đạo Phật quanh vùng Himalaya. Trong khi đa số các Bảo tháp đó đặc, kín, nói chung không thể xâm nhập, thì không gian bên trong của Đại Bảo tháp Tây Thiên lại có chỗ cho hàng nghìn người. Vì thế Bảo tháp này đồng thời có những đặc trưng như ngôi chùa ở Việt Nam, với nét khác biệt lớn là kết cấu hướng tâm theo đúng lời Phật dậy trong kinh điển về cách kiến lập Vũ trụ Đại Mandala và được xây dựng với quy mô tương đối lớn.
- 1968
Viết bình luận