Năng lượng Mặt trăng và Mặt trời - Tầm quan trọng đối với hành giả Mật thừa | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Năng lượng Mặt trăng và Mặt trời - Tầm quan trọng đối với hành giả Mật thừa

Mặt trời và Mặt trăng là những biểu tượng quan trọng trong nghệ thuật và thực hành Mật thừa. Trong hệ thống vũ trụ học của núi Tu di, ngọn núi trung tâm được Mặt trời và Mặt trăng bao quanh ở lưng chừng núi, ngang với tầng trời thứ 33. Nếu quy chiếu hệ thống vũ trụ học của núi Tu di ở bên ngoài vào thân vi tế của hành giả, Mặt trời và Mặt trăng tương ứng với hai cực năng lượng âm dương chảy trong hai đường kinh mạch phụ bên phải và bên trái (nadi) dọc theo kinh mạch trung ương chạy dọc cột sống.

Trong các pháp thực hành chuyển di tâm thức, năng lượng Mặt trời và Mặt trăng có vai trò rất quan trọng trong quá trình thiền định, theo đó các trung tâm năng lượng (luân xa) được đánh thức nhờ tịnh hóa hai kinh mạch trái phải và kéo dòng chảy năng lượng vào kinh mạch trung ương. Mặt trời và Mặt trăng cũng biểu trưng cho nguồn năng lượng Mẫu tính và Phụ tính: năng lượng sưởi ấm màu đỏ của Mặt trời là năng lượng Mẫu tính, và năng lượng mát dịu màu trắng của Mặt trăng là năng lượng Phụ tính. Thân Kim cương của chúng ta bao gồm các năng lượng lỏng vi tế đó là giọt đỏ và giọt trắng. Các Tantra cũng nhắc tới các giọt này là tinh chất Bồ đề tâm Đỏ (tựa Mặt trời) và Trắng (tựa Mặt trăng). Mặc dù những giọt Trắng và Đỏ luôn ở cùng nhau trong mọi kinh mạch nhưng giọt Đỏ năng lượng âm (năng lượng Mẫu tính) thì chi phối tại luân xa rốn và giọt Trắng (năng lượng Phụ tính) thì mạnh mẽ tại luân xa đỉnh đầu.

Biểu tượng Mặt trời và Mặt trăng cũng có vai trò quan trọng trong thực hành quán tưởng Mật thừa. Trong các pháp thực hành này, chư Bản tôn thiền định lưu xuất từ tâm hành giả (chitta) sẽ hóa hiện từ đĩa Mặt trời hoặc Mặt trăng.

Biểu tượng Mặt trời và Mặt trăng trong vũ trụ học Mật thừa

Tại nhiều Tự viện Phật giáo theo truyền thống Kim Cương thừa, Nhật Thiên Surya và Nguyệt Thiên Chandra thường được họa vẽ ở hai bên đường chính đi vào đền thờ. Nhật Thiên Surya ở bên trái và Nguyệt Thiên Chandra ở bên phải. Sự xuất hiện của hai vị thần thiên văn này viện dẫn quan niệm về các cõi giới trong đạo Phật, ví dụ như núi Tu di với tầng trời cao nhất là cung trời Đao Lợi. Trong các bức họa, hình ảnh Mặt trời màu đỏ và Mặt trăng màu trắng thường được an trí ở phía trên cùng, hàm ý sự hợp nhất bất nhị của các cặp đối tượng trong thực hành Phật pháp, trong đó bao gồm sự hợp nhất của năng lượng âm và dương trong tổ hợp thân tâm vi tế. Tương tự, Mandala của Nhật Thiên Surya và Nguyệt Thiên Chandra cũng thường được đặt song hành ở bên trái và phải của một kiến trúc đồ hình hoặc ở bên trong đền thờ bí mật của nhiều tự viện Phật giáo truyền thống Kim Cương thừa.


Mandala của Nguyệt thiên Chandra

 

(Trích ấn phẩm: “Vòng hộ luân gia trì: Nghệ thuật thiền định trong đạo Phật”

Nguyên tác: “The Circle of Bliss: Buddhist Meditational Art”

Tác giả: John C. Huntington và Dina Bangdel)

Từ 16 giờ 09 ngày 8/11 (giờ Hà Nội), nguyệt thực một phần sẽ bắt đầu diễn ra. Sự kiện nguyệt thực toàn phần diễn ra lúc 17 giờ 16 theo giờ Việt Nam và kéo dài khoảng 85 phút. Đây sẽ là nguyệt thực thứ hai và cũng là lần cuối cùng trong năm 2022. Đừng bỏ lỡ cơ duyên thù thắng này để thực hành thập thiện, trì giữ ngũ giới, tu tập tích lũy vô lượng công đức và tịnh hóa nghiệp chướng, vì lợi ích bản thân cũng như hết thảy chúng hữu tình.


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6410015
Số người trực tuyến: