Không thực hành Bồ đề tâm có thành tựu Phật quả được không? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Không thực hành Bồ đề tâm có thành tựu Phật quả được không?

Phẩm chất quan trọng đầu tiên, chúng ta cần chuẩn bị khi bắt tay vào thực hành là sự trưởng dưỡng động cơ tối thượng một cách mạnh mẽ - Bồ đề tâm. Vì vậy, trước khi bắt đầu thực hành bất cứ pháp nào, chúng ta nên trưởng dưỡng Bồ đề tâm một cách thâm sâu “từ tận đáy sâu trong tim và từ xương tủy của chúng ta”. Chúng ta nên phát triển cảm giác yêu thương và từ bi mạnh mẽ đến tất cả chúng sinh, sự nhiệt tâm cùng cảm giác hứng khởi và sự tập trung vào pháp môn thực hành cũng như sự lân mẫn và gần gũi với các bậc Thượng Sư giác ngộ. Sau đó chúng ta nên phát nguyện, cam kết và gan dạ thực hành Tứ vô lượng tâm. Đó là tình yêu thương vô bờ, lòng từ bi vô bờ, hỷ lạc vô bờ và bình đẳng vô bờ.

Với sự chuẩn bị như vậy thì giáo pháp mà chúng ta đang thực hành sẽ trở thành nguồn gốc của trí tuệ và cảm hứng vĩ đại. Chúng ta không bao giờ cảm thấy buồn chán và mệt mỏi về sự thực hành pháp của mình.

Nếu không có Bồ đề tâm thì dù tu tập Mật pháp ảo diệu sâu sắc đến mức nào thì cuối cùng cũng chẳng thể có nhân thành Phật được, ngay cả Đạo tư lương Đại thừa cũng chẳng có cách nào vào được, thậm chí không thể tu được pháp Đại thừa. Nhiều người xem trọng những việc như tận mắt thấy Bản tôn, thần thông biến hóa nhưng nếu không có Bồ đề tâm thì vẫn có thể đọa vào cõi ác. Cho nên, dù chưa có thời gian tu tập các pháp khác, chỉ cần có tâm Bồ đề có nghĩa là đã có nền tảng cơ bản của pháp Đại thừa, dù là Hiển giáo hay Mật giáo. Thành tựu hay không thành tựu Đại thừa tất cả đều quyết định ở việc có trưởng dưỡng được tâm Bồ đề hay không.

Nếu chỉ thỉnh thoảng khởi phát tâm Bồ đề, dù là bố thí cho một con vật một ít thức ăn cũng có thể trở thành nhân Bồ đề viên mãn. Những Đại Bồ đề có thể dùng tâm Bồ đề chuyển nghiệp bất thiện thành nghiệp thiện.

Đức Phật Thích Ca là một bậc Thầy giác ngộ, Ngài đạt tới sự tỉnh thức tuyệt đối, bởi thế Ngài biết rõ con đường cần phải đi, thứ lớp nào cần phải thực hành trước sau. Ngài đã sắp sẵn cho chúng ta các nấc thang để đi tới giác ngộ giải thoát:

(1) Nấc thang thứ nhất là Quy y, thực hành căn bản của Nguyên thủy Phật giáo, là tu tập hạnh xả ly. 

(2) Nấc thang thứ hai là phát triển Bồ Đề Tâm. 

(3) Nấc thang thứ ba là tu tập Kim Cương thừa. 

Đây là con đường cần phải đi. Nếu chúng ta đi qua nền tảng thứ lớp đúng cách thì sự tu tập của chúng ta dễ dàng, không gặp chướng ngại. Tôi lấy ví dụ khi đi học, chúng ta cần trải qua học tiểu học rồi trung học sau mới đến đại học, nếu chúng ta học hành có thứ lớp thì sẽ có đủ kiến thức căn bản để thi vào đại học không khó khăn và ngược lại chúng ta muốn nhảy cóc thì dù chúng ta có giả vờ ở cùng với sinh viên đại học thì chúng ta bị thiếu kiến thức không thể giống với sinh viên đại học. Cũng như vậy chúng ta bỏ qua Nguyên thuỷ Phật giáo rồi vờ mình là người tu theo Đại thừa thì ta cũng không phải là hành giả Đại thừa. Bởi thế chúng ta cần đi theo đúng thứ lớp mà bậc Thầy giác ngộ đã chỉ ra. Đây chính là bí mật con đường cần phải đi của một người tu tập.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6411665
Số người trực tuyến: