Pháp hoa thất dụ - Dụ thứ tư: Hóa thành
Trong kinh Pháp Hoa, mỗi phẩm hầu như đều đề cập đến một câu chuyện, một thí dụ để làm rõ Tích môn, Bản môn và Hạnh môn kinh. Tuy nhiên, Pháp Hoa nổi tiếng với 7 thí dụ, gọi là “Pháp Hoa thất dụ”.
Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin nêu lại những thí dụ nổi tiếng đó - những thí dụ có tầm ảnh hưởng lớn đối với đời sống tu hành cũng như trong nhiều sáng tác văn chương Phật giáo - qua đó, chúng ta có thể rút ra một số bài học làm tư lương cho đời sống tỉnh thức, giác ngộ của mình.
4. Thí dụ về thành quách lớn được biến hóa ra (cũng gọi là Hóa thành dụ - phẩm Hóa thành dụ)
Đức Phật kể câu chuyện: Có một con đường hiểm ác dài đến 500 do tuần, nằm trong chốn hoang vắng và ghê rợn. Một đoàn người muốn vượt qua con đường ấy để đến chỗ vàng ngọc. Một vị hướng dẫn rất thông minh, lại biết rõ con đường hiểm ác này chỗ nào thông, chỗ nào nghẽn. Vị ấy dẫn đoàn người vượt qua con đường này. Nhưng đoàn người nửa đường mệt mỏi, lười biếng, muốn thối lui. Vị hướng dẫn có lắm phương tiện, nghĩ rằng đoàn người này thật đáng thương, sao lại bỏ vàng ngọc to lớn mà muốn trở về. Nghĩ rồi, vị ấy sử dụng phương tiện lực, ngay nơi đoạn giữa của con đường hiểm ác, biến hóa ra một thành quách lớn, bảo mọi người có thể vào nghỉ. Đoàn người rất vui mừng, nghĩ rằng mình đã thoát con đường hiểm ác, có thể ngơi nghỉ an toàn, tưởng đã đến đích. Nhưng khi mọi người hết mệt, vị hướng dẫn biến mất thành, bảo mọi người hãy nên đi tới, chỗ vàng ngọc đã gần đây. Cái thành đó chỉ là do người hướng dẫn hóa ra mà thôi.
Ở đây, Đức Phật dùng thí dụ hóa thành để chỉ rõ nhân tố khiến Nhất thừa hiện ra Tam thừa, đó là do ý chí cầu giải thoát quá yếu kém của chúng sinh. Thế Tôn phải nương vào ý chí, giới hạnh đó mà dẫn dắt chúng sinh đến chỗ giải thoát tối hậu. Ngài bèn phương tiện chỉ bày giáo lý Tứ đế (giải thoát) qua từng chặng để tránh các phản ứng không thuận lợi do tâm lý mệt mỏi của các hàng đệ tử với nhiều căn cơ bất đồng. Vì thế, Thế Tôn thoạt đầu đầu mở ra lộ trình đầu tiên đi ra khỏi tham, sân si - đi ra khỏi sinh tử luân hồi - với bốn Thánh quả. Về sau, với căn trí nhạy bén của đệ tử, Thế Tôn mới dạy chặng đường đến Phật trí.
Chính văn
Các Tỳ-kheo nên rõ! Đức Như-Lai phương tiện sâu vào tính chúng sinh, biết chí nó ưa pháp nhỏ, rất ham nơi năm món dục vì hạng người này mà nói Niết-bàn, người đó nếu nghe thời liền tin nhận.
Thí dụ đường hiểm nhiều nạn dữ, dài năm trăm do tuần. Chốn ghê sợ hoang vắng không người. Nếu chúng đông muốn đi qua con đường này đến chỗ trân bảo, có một vị Đạo-Sư thông minh sáng suốt khéo biết rõ tướng thông bít của con đường hiểm, dắt chúng nhân muốn vượt qua nạn đó. Chúng nhân được dắt đi giữa đường lười mỏi bạch đạo sư rằng: “Chúng con mệt nhọc lại thêm sợ sệt chẳng có thể đi nữa, đường trước còn xa nay muốn lui về”.
Vị Đạo-Sư nhiều sức phương tiện mà tự nghĩ rằng: Bọn này đáng thương, làm sao cam bỏ trân bảo lớn mà muốn lui về. Nghĩ thế rồi dùng sức phương tiện ở giữa đường hiểm quá ba trăm do tuần, hóa làm một cái thành mà bảo chúng nhân rằng: “Các người chớ sợ, đừng lui về, nay thành lớn này có thể dừng ở trong đó tùy ý muốn làm gì thì làm, nếu vào thành này sẽ rất được an ổn, nếu có thể lại thẳng đến chỗ châu báu đi cũng được”.
Bấy giờ, chúng mỏi mệt rất vui mừng khen chưa từng có, chúng ta hôm nay khỏi được đường dữ rất được an ổn. Đó rồi chúng nhân thẳng vào hóa thành sinh lòng tưởng cho rằng đã được độ rất an ổn.
Lúc ấy Đạo-Sư biết chúng nhân đó đã được nghỉ ngơi không còn mỏi mệt, liền diệt hóa thành bảo chúng nhân rằng: “Các người nên đi tới, chỗ châu báu ở gần đây, thành lớn trước đó là của ta biến hóa ra để nghỉ ngơi thôi”.
Các Tỳ-kheo! Đức Như-Lai cũng lại như thế, nay vì các ông mà làm vị đại Đạo-Sư, biết các đường dữ sinh tử phiền não hiểm nạn dài xa nên vượt qua. Nếu như chúng sinh chỉ nghe một Phật thừa thời chẳng muốn thấy Phật, chẳng muốn gần gũi, mà nghĩ thế này: “Đạo Phật dài xa lâu ngày chịu cần khổ mới có thể được thành”. Phật biết tâm chúng đó khiếp nhược hạ liệt, dùng sức phương tiện mà ở giữa đường vì để ngơi nghỉ nên nói hai món Niết-bàn (là Thanh-văn Niết-bàn và Duyên-giác Niết-bàn).
Nếu chúng sinh trụ nơi hai bậc, đức Như-Lai bấy giờ liền bèn vì nói: “Chỗ tu của các ông chưa xong, bậc của các ông ở gần với tuệ của Phật. Phải quan sát suy lường Niết-bàn đã được đó chẳng phải chân thật vậy. Chỉ là sức phương tiện của Như-Lai, ở nơi một Phật thừa phân biệt nói thành ba. Như vị Đạo-Sư kia vì cho mọi người ngơi nghỉ mà hóa thành lớn, đã biết nghĩ xong mà bảo đó rằng: “Chỗ châu báu ở gần, thành này không phải thật, của ta biến hóa làm ra đó thôi”.
(Lược trích: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh)
Tham khảo thêm
Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ nhất: Ngôi nhà lửa
Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ hai: Đứa con bỏ nhà đi ăn xin
Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ ba: Cây thuốc
- 117
Viết bình luận