Chính pháp còn nên xả, huống hồ là phi pháp
Trong kinh Kim Cang, Đức Phật đặc biệt dạy chúng ta: “Tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (Biết ta thuyết pháp thí dụ như chiếc bè, chính pháp còn phải xả, huống hồ là phi pháp). Nghe Đức Phật giảng kinh thuyết pháp cũng như ngồi bè qua sông, khi đến bờ bên kia thì không cần bè nữa (phải xả bỏ).
Kinh A Hàm nhắc đến thí dụ này rất nhiều lần. Kinh Kim Cang cũng dùng câu này nhưng ý nghĩa tượng trưng không giống nhau. Pháp Tiểu Thừa nói sau khi qua sông không cần bè nữa, không nên chấp trước. Pháp Đại Thừa nói đang lúc trên bè cũng đừng chấp trước, ý nghĩa còn thâm sâu hơn Tiểu Thừa, tức là hai bên “không” và “hữu” đều không chấp; hai bên “có” và “không” đều đồng thời, thật là được đại tự tại.
Kinh Bát Nhã nói “tức tướng” và “ly tướng” là đồng thời. “Ưng vô sở trụ” là “ly tướng”; “nhi hành bố thí” [là] “tức tướng”. Phật học không tách rời khỏi hành vi sinh hoạt hằng ngày, đời sống càng thoải mái dễ chịu, công việc làm càng được tiến triển. Lúc trước chúng ta sinh sống và làm việc chỉ là vì riêng mình, ngày nay chúng ta sinh sống và làm việc đều là vì tất cả chúng sinh, tạo phúc lợi cho xã hội, làm trang nghiêm pháp giới, vì tự tính lưu xuất, hiện tượng không còn như cũ nữa. Nếu vì mình mà làm việc thì làm sơ sài một chút cũng không sao; nếu vì đại chúng mà làm việc không tốt thì có lỗi đối với họ, cách dụng tâm không giống nhau. Tuy tận tâm tận lực làm việc nhưng không trước tướng.
“Ưng vô sở trụ”, trong tâm dường như không có việc đó [xảy ra], thế mới là “đại từ đại bi”, không có bất cứ một điều kiện nào. Ðời sống và công việc đều vì tất cả chúng sinh, đều là không đặt điều kiện; đây là cương yếu và tinh thần của Ðại Thừa Phật giáo, đích thật khế nhập cảnh giới “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”.
Phật pháp nhất định phải học, phải hành, nhưng không được chấp trước
Chúng ta muốn [học] Phật pháp, nhưng trong lúc tu học không nên chấp trước. Ðừng nên vừa nghe “pháp còn nên xả” liền đem bỏ Phật pháp và thế gian pháp hết, thế thì hiểu lầm “Như Lai chân thật nghĩa”, và còn biến thành tiêu cực, vô trách nhiệm. Phật pháp nhất định phải học, phải hành, nhưng không được chấp trước. Phật pháp như vậy, thế gian pháp cũng như vậy. Thân thể chúng ta còn sinh sống trên thế gian này, mỗi ngày cần phải ăn cơm, mặc áo, làm việc, xã giao, thứ nào cũng bỏ không được. Ðặc biệt là Bồ Tát Ðại Thừa nếu xả bỏ hết những công việc này thì làm sao độ chúng sinh được? Bồ Tát độ chúng sinh cần phải tiếp xúc với đại chúng, cùng tất cả chúng sinh “hoà quang đồng trần”.
Tu hành phải thật tình ráng sức, hình thức là để nhắc nhở mình, quan trọng nhất là khóa lễ thường lệ sáng và tối; khóa lễ buổi sáng nhắc nhở mình, khoá lễ tối là để phản tỉnh, tụng niệm lễ sáng tối như vậy mới có công đức chân thật. Nhất định không phải buổi sáng tụng kinh niệm chú một lần cho Phật, Bồ Tát nghe, buổi tối lại niệm thêm một lần cho quý Ngài nghe, nếu không biết ý nghĩa [và mục đích] của hai buổi lễ này thì hoàn toàn không thể y giáo phụng hành.
Lúc chúng ta tụng niệm trong Phật đường (chùa) nhìn thấy tượng Phật cũng giống như nhìn thấy Đức Phật vậy. Buổi sáng niệm kinh là để nhắc nhở mình hôm nay phải làm theo [lời dạy trong kinh]. Buổi tối tụng niệm để phản tỉnh, kiểm điểm xem hôm nay có làm theo lời dạy của chư Phật, Bồ Tát không? Nếu làm được rồi, ngày mai phải tiếp tục; nếu chưa làm được, ngày mai phải làm cho bằng được. Như vậy mới gọi là ‘buổi sáng nhắc nhở, buổi tối phản tỉnh’.
“Pháp” và “phi pháp” cùng lúc, không có trước sau. “Vô trụ” và “sinh tâm” cùng lúc, “sinh tâm” tức là “vô trụ”, “vô trụ” tức là “sinh tâm”. Sinh tâm đại Bồ đề, tâm làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, tâm “hành lục độ vạn hạnh”. “Vô trụ” là không trước tướng, cùng với “sinh tâm” cùng lúc, không có phân ra hai giai đoạn. Nếu xem là hai giai đoạn thì đã sai, đó không phải là lời Phật nói.
Câu “Pháp còn nên xả, huống hồ là phi pháp” nói rõ không được chấp trước Phật pháp, huống chi là tất cả pháp trong thế gian. Mười pháp giới được sinh ra từ vọng tưởng, lục đạo luân hồi sinh ra từ chấp trước, [tất cả đều] có nhân có quả. Hễ những pháp sinh ra từ nhân quả đều không có tự tính, bản thể vốn không, trọn chẳng nắm giữ được! (giai vô tự tính, đương thể tức không, liễu bất khả đắc!).
(Nguồn: Lược trích ấn phẩm “Niệm Phật Tâm địa công phu”
Tác giả: Pháp sư Tịnh Không)
- 559
Viết bình luận