Hạnh nguyện chư Phật và Đại nguyện Đức Phật Dược Sư
Tất cả chư Phật đã thành, đang thành và sẽ thành đều chứng đắc quả vị giác ngộ Vô thượng Chính đẳng chính giác từ sự thành tựu hạnh nguyện của mình hay nói cách khác là thành tựu viên mãn Bồ-đề nguyện. Không thiện xảo thực hành các hạnh và nguyện thì không thể hiểu biết được Phật pháp cao siêu nhiệm mầu thế nào. Nói cách khác, không phát nguyện Bồ-đề dấn thân hành đạo làm lợi lạc chúng sinh thì còn cách xa bến giác. Do đó, không phải Phật Dược Sư, mà chư Phật, chư Bồ-tát đã thành, đang thành và sẽ thành đều có hạnh nguyện của riêng mình. Mười hai đại nguyện của Phật Dược Sư, mà trong đó chúng ta có thể thấy hằng hà sa số đại nguyện khác, mục đích là làm lợi lạc hữu tình.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuở còn trôi lăn trong sinh tử luân hồi, chí nguyện nóng bỏng và ý chí kiên cường bất khuất của Ngài đã bùng phát trong ngục tù Hỏa xa. Ngài tự thuật: “Này chư vị! Trong vô lượng kiếp xa xưa, Ta đã từng tạo nghiệp xấu nơi thân, khẩu, ý rất nặng nề. Do nghiệp ấy mà Ta bị đọa vào tám địa ngục lớn, trong đó có địa ngục Hỏa xa. Trong địa ngục Hỏa xa, cứ hai người kéo lấy một chiếc xe lửa. Ngục tốt ngồi hai bên đầu xe, bặm miệng, nghiến răng, trừng mắt phun ra lửa dữ, mắt miệng tai mũi đều phun ra lửa, thân thể to lớn, mạnh mẽ hung bạo hành hạ tội nhân. Bấy giờ, người bạn tù bên cạnh Ta sức lực đã mỏi mòn, không thể nào bước đi nổi nên chậm chạp thụt lùi phía sau, liền bị ngục tốt dùng chĩa sắt đâm vào ngực, lấy gậy sắt đập vào lưng, máu chảy lênh láng thân thể như tắm. Người ấy vô cùng thống khổ kêu la thảm thiết, hoặc gọi cha mẹ, hoặc gọi vợ con, nhưng cũng chỉ vô ích mà thôi. Lúc ấy, Ta tận mắt chứng kiến cảnh tượng những người chịu khổ như vậy trong lòng vô cùng thương xót. Rồi do từ tâm sinh khởi mà Ta phát tâm Bồ-đề, Ta nguyện thay thế cho tất cả những tội nhân, bởi những tội nhân không còn sức chịu đựng, Ta xin ngục tốt đừng đánh đập họ nữa mà hãy khởi lòng lân mẫn. Ngưu đầu ngục tốt nghe Ta nói vậy lập tức nổi giận đùng đùng, cầm chĩa sắt, roi sắt vừa đâm và đánh vào đầu Ta, khiến Ta chết liền. Nhưng kỳ lạ thay, cũng ngay lúc ấy Ta thoát khỏi nạn một trăm kiếp trong địa ngục Hỏa xa. Ta nhờ phát tâm Bồ-đề mà thoát khỏi trọng tội ở địa ngục Hỏa xa.” (Trích ĐTK/ĐCTT, T03, n°. 156, p. 0136a05) .Từ đó, Đức Phật nỗ lực tu tập, hành Bồ-tát đạo cho đến ngày thành tựu Vô thượng Chính đẳng chính giác, không còn thối chuyển.
“Nguyện vì chúng sinh thọ vô lượng khổ” chính là tâm nguyện Bồ-đề của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni lúc mới sơ phát tâm. Và với Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì như sau: “Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô-thượng Bồ-đề, nếu những hữu tình mắc mọi bệnh khổ, không ai cứu chữa, không chỗ nương tựa, không người thân thiết, không cửa không nhà, bần cùng khốn khổ, một khi tên ta nghe lọt vào tai, mọi bệnh đều hết, thân tâm yên vui, gia quyến tiền của thảy đều phong túc, rồi tu đắc đạo Vô-thượng Bồ-đề”. (Đại nguyện thứ bảy)
Dược Sư đại nguyện
Rõ ràng chỉ có chư Phật, chư Bồ-tát mới có những đại nguyện như vậy, những chí nguyện cao cả, tự mình gánh vác trách nhiệm lớn lao gánh đi những bệnh tật, khổ đau của chúng sinh, sẵn sàng xả bỏ thân mạng vì sự tồn tại của Chính pháp và vì ích lợi của tất cả hữu tình. Với chí nguyện lớn lao như vậy, nên khi “Đức Thế Tôn mạng chung ở trời Đâu Suất, biết sẽ vào thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sinh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sinh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sinh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sinh kỳ diệu, hy hữu ra đời!” (Trích Trung A-hàm 32, kinh Vị tằng hữu pháp).
Còn với Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì “Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo chính đẳng chính giác, thì tự thân ta sáng trưng soi suốt vô số thế giới vô lượng vô biên; dùng 32 tướng đại trượng phu, 80 tùy hình để trang nghiêm thân, khiến cho hữu tình đều được tất cả như ta không khác”. Và “Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô-thượng Bồ-đề thì tự thân ta như ngọc lưu ly trong ngoài sáng suốt, sạch không vết bẩn, quang minh rộng lớn, công đức cao vời; thân khéo ở yên trong lưới tia sáng, trang nghiêm hơn cả mặt trời, mặt trăng; chúng sinh tối tăm đều được bừng sáng, đâu cũng làm được mọi sự như ý”. (Đại nguyện thứ nhất và thứ hai).
Ánh sáng rực rỡ chiếu soi vô số thế giới hệ, chiếu đến nơi mà mặt trời, mặt trăng dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì chỉ duy nhất là ánh sáng của từ bi và trí tuệ, là ánh sáng của tự tính bình đẳng nơi mọi chúng sinh và chư Phật.
Thật vậy, hết thảy chúng sinh vốn đều có đủ quang minh biến chiếu, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, như trong kinh Như Lai tạng đã nói: “Hết thảy chúng sinh đều có Như Lai tạng, quang minh rực rỡ, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, xưa nay đều có đủ.” Chỉ vì chúng sinh bị vô minh che lấp, chưa từng khai mở, cho nên bị ẩn khuất mà chưa hiện ra. Một khi tu hành thành Phật thì có thể như thật chứng tri điều này. Do đó, kinh Hoa nghiêm mới nói: “Lạ lùng thay! Lạ lùng thay! Hết thảy chúng sinh đều có đầy đủ đức tướng, trí tuệ Như Lai, nhưng vì vọng tưởng chấp trước nên chưa chứng được.” Trong tâm cảnh của Phật, Ngài nhìn thấy hết thảy chúng sinh đều bình đẳng với Ngài. Khi Phật chứng đắc Vô thượng chính đẳng giác, Ngài nhìn thấy chúng sinh trong đại địa chẳng ai không phải là Phật, chúng sinh và Phật bình đẳng!
Kinh Như Lai tạng từng nêu 9 thí dụ để nói rõ ý nghĩa chúng sinh vốn có Phật tính, trong đó cũng lấy lưu ly báu để thí dụ. Phật tính của chúng sinh, như vật báu lưu ly thanh tịnh không tì vết, cho dù bị vùi lấp trong ô nhiễm nhưng bản tính của nó vẫn trơn láng, sáng trong, không tổn thất một phân hào. Phật tính của chúng sinh cũng y như vậy, cho dù bị trôi lăn trong bùn dơ sinh tử luân hồi cũng không vì vậy mà mất đi tự tính bản nhiên thanh tịnh. Dược Sư Như Lai đã triệt để quét sạch bóng tối vô minh, tẩy trừ nhiễm ô phiền não, chân thân Phật tính hiển bày cho nên ví thân như ngọc lưu ly vậy.
An lập đạo lớn
Phật tính vốn bình đẳng trong tất cả mọi chúng sinh, nhưng chúng sinh như gã cùng tử bao nhiêu năm lưu lạc tìm kiếm miếng cơm manh áo, sống trong đói rách bơ vơ, khiến cho tâm tư trở nên hạ liệt, thấp kém, bần cùng, khư khư ôm lấy mặc cảm, bằng lòng làm một kẻ tôi tớ hèn mọn. Cho nên, khi Như Lai xuất hiện ở đời là phải làm năm 5 việc: Chuyển Pháp luân, thuyết pháp độ cha mẹ, khiến người không tin kiến lập lòng tin, chưa phát tâm Bồ-đề khiến phát tâm Bồ-đề, thọ ký cho Phật tương lai. (Trích Tăng nhất A-hàm, phẩm Tà tụ). Nghĩa là bằng mọi phương tiện dẫn dắt chúng sinh vào đạo, khai thị cho chúng sinh biết thế nào là Như Lai chân tử, hóa sinh từ trong lòng Chính pháp. Và Phật Dược Sư thực hiện điều này bằng cách: “Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô-thượng Bồ-đề, nếu có hữu tình tu hành tà đạo, ta khiến an trụ vào trong chính pháp. Thanh Văn, Độc Giác đều được an lập trong đạo Đại thừa”. (Đại nguyện thứ tư)
Có thể nói, đại nguyện thứ hai và thứ ba của Phật Dược Sư là kiến tạo nền văn minh vật chất; đại nguyện thứ tư đặc biệt chú trọng đến nhận thức chính tri, chính kiến, tức là kiến tạo nền văn minh tinh thần. Nghĩa là, bằng mọi phương tiện, mà hơn hết là bằng bi và trí, Đức Phật Dược Sư đã phát nguyện, nếu có chúng sinh hữu tình nào không tin nhân quả thiện ác, phủ nhận công đức của Tam bảo, mạt sát chân lý, tạo các tội ác sát, đạo, dâm, vọng, đang hướng vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh… tức là lạc mất chính đạo, đi vào tà đạo, thì Phật Dược Sư nguyện đưa tất cả những chúng sinh hữu tình ấy ra khỏi đường tà, thoát ly ác thú, vĩnh viễn an trú nơi đạo Bồ-đề.
Biển chúng thanh tịnh
Mặc dù đã nỗ lực an trú chúng sinh vĩnh viễn nơi đạo Bồ-đề, nhưng chúng sinh căn tính chậm lụt, nghiệp trọng phước khinh, trên bước đường học và hành đạo Bồ-tát không sao tránh khỏi lỗi lầm. Cho nên, trong tương lai, khi thành Phật, giả sử có vô lượng vô biên chúng sinh hữu tình tu hành phạm hạnh trong Chính pháp của Phật Dược Sư, Ngài đều khiến cho không phạm lỗi lầm: “Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô-thượng Bồ-đề, vô biên hữu tình tu hành phạm hạnh thì ta khiến cho đủ giới tam tụ, ai trót phạm giới, nghe tên ta rồi, lại được tịnh giới, chẳng vào đường ác”. (Đại nguyện thứ năm)
Phạm hạnh là chỉ cho hết thảy hạnh thanh tịnh, hoặc chỉ cho người xuất gia giữ giới không dâm dục, hoặc chỉ cho hết thảy giới hạnh mà Phật đã chế. Tu hành tịnh hạnh ở cõi Phật Dược Sư, người thọ giới, không luận là thọ giới Tỳ-kheo, giới Sa-di, giới tại gia, giới Bồ-tát… hễ đã tham dự vào pháp hội Dược Sư, nghe pháp của Dược Sư, niệm danh diệu của Dược Sư… thì hết thảy đều được viên mãn, giới thể không bị sứt mẻ. Giới sứt mẻ tức là phạm giới một phần, hoặc phạm khinh cấu tội. Nhờ oai đức từ quang gia bị của Phật Dược Sư, người thọ giới, hoặc người thọ giới mà bị sứt mẻ, đều được thanh tịnh cho đến viên mãn. Nói cách khác, nương tựa Tịnh độ của Phật Dược Sư để tu tập sẽ dễ dàng thành tựu viên mãn tam tụ tịnh giới, khiến cho biển chúng thường luôn thanh tịnh.
Trong kinh Tăng nhất A-hàm có nói, Đức Phật ra đời trước hết là đối với người chưa thọ giới thì khiến cho thọ giới, người đã thọ giới rồi thì giúp họ giữ giới. Tuy nhiên, trong thực tế, sau khi thọ giới không phải ai cũng có khả năng nghiêm trì, ngay trong thời Phật tại thế còn có nhiều thánh đệ tử không thọ trì viên mãn, huống chi hàng phàm phu phiền não thâm trọng ngày nay? Do đó, trong Phật pháp có pháp môn sám hối. Nhưng dường như Phật Dược Sư còn tiên liệu vào đời mạt pháp ắt hẳn có người thọ giới mà không giữ giới, hoặc có người phạm giới mà không biết sám hối, cho nên trong bổn nguyện của mình, tiến thêm một bước nữa trong sự cứu độ, Ngài nguyện: Giả sử có chúng sinh hủy phạm cấm giới thì chỉ cần nghe được danh hiệu của Ngài, hay nghe được danh hiệu của chư Phật, giới thể sẽ trở lại thanh tịnh. Thanh tịnh tức là tội chướng tiêu trừ. Tội chướng tiêu trừ thì tự nhiên không đọa ác thú. Ác thú là ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Chúng sinh nhờ nghe thánh hiệu của chư Phật rồi như pháp sám hối thì được miễn đọa ba đường ác, đó là phương tiện mà cũng là lòng từ bi của chư Phật nói chung, Phật Dược Sư nói riêng vậy.
Lời kết
Không phát thệ nguyện thì trọn không thành Phật đạo. Phước của thệ nguyện không thể ghi kể, dẫn đến chỗ cam lồ diệt tận. (Trích Tăng nhất A-hàm, phẩm Mã Huyết thiên tử hỏi về Bát chính đạo). Cho nên, dù chỉ tu một ngày một đêm hai mươi bốn giờ cũng nên phát nguyện (như phát nguyện giữ giới Bát quan trai), huống chi tận vị lai kiếp tu hành lẽ nào nguyện không phát? Cho nên, khi Thiện Tài Đồng Tử vừa phát tâm Bồ-đề thì Bồ-tát Văn-thù đã huấn thị rằng: “Lành thay, lành thay, thiện nam tử, nếu lìa bỏ tín căn, tâm tư mệt mỏi, thấp kém, không tinh cần học hỏi, ý chí thoái hóa, thỏa mãn với một ít công đức, thành tựu chỉ một chút thiện căn, không thiện xảo thực hành các hạnh và nguyện, không được thiện tri thức nâng đỡ, không được chư Phật hộ niệm, thì không thể biết được pháp này, không thể biết, không thể thâm nhập, không thể triệt để, không thể tin hiểu, không thể tư duy, không thể thông suốt, không thể sở đắc lý thú như vậy, sở hành như vậy, an trú như vậy”. (ĐTK/ĐCTT, T09, n°. 0278, p. 783c2)
(Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ)
- 889
Viết bình luận