1. Ý nghĩa Tam quy | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

1. Ý nghĩa Tam quy

Ý NGHĨA TAM QUY

Đức Phật kể chuyện: Ông trưởng giả có 4 người bạn. Với bạn I ông chiều chuộng. Muốn ăn được ăn, muốn áo được áo. Cho đến muốn đi chơi ông cũng lo xe kiệu cho đi chơi.

Ông thương quý bạn II không rời. Hơi xa vắng ông liền sợ hãi lo âu.

Bạn III, ông coi như ruột thịt thay chân. Bạn vui, ông an tâm. Bạn buồn, ông chia sẻ. Mong cho bạn tất cả phú quý vinh hoa hạnh phúc.

Chỉ có bạn IV, nếu anh đến thì ông cũng tiếp chớ không đến nỗi nào. Nếu anh không đến thì ông còn bận phụng sự ba người bạn kia, đâu có thời giờ để đi tìm anh.

Chợt vua cho lính tới bắt trưởng giả bỏ ngục. Bạn I tuyên bố bất lực chẳng giúp được gì. Bạn II khóc như mưa, đưa trưởng giả tới cửa quan. Lại tru tréo lên khóc nữa nhưng rồi cũng trở về nhà. Ai rồi cũng có nồi cơm phải nấu, manh áo phải may, đâu có thể đứng mãi đấy. Chi chi rồi cũng thành dĩ vãng, thành không. Chỉ có bạn IV len lỏi vào tới cung vua, xin cho trưởng giả trắng án.

Phật dạy tất cả chúng ta đều có 4 người bạn này. Bạn I là tấm thân yêu quý. Nó đòi ăn mặc, tắm rửa, đòi nhà cửa, giày dép... đòi cả trăm thứ. Nhất nhất ta trọn đời phụng sự. Nay vâng lời Phật, chúng ta hãy nhìn lại xem, thân này là cái gì?

Hư không chẳng sáng thì tối. Tinh thần chúng ta chẳng tỉnh thì mê. Mê đến nỗi theo nghiệp vào tử cung mẹ. Uống máu tanh hôi, kết làm da thịt, thành bào thai tự nhận là thân thể. Mẹ do ăn cơm uống nước mới có máu cho ta. Nay ra khỏi bụng mẹ rồi, ta cũng ăn cơm uống nước, tự chế tạo ra máu để tự nuôi thân. Vậy toàn thân ta là máu, máu từ cơm gạo thành. Gạo từ cây lúa mà có, cây lúa từ đất mọc lên. Vậy cơm gạo tức là đất, ta mượn đất làm thân. Của đi vay ắt có ngày phải trả. Ai đã ăn cơm để sống quyết có ngày phải trả thân về đất. Ta gọi chết là đại hạn.

Bạn II là tiền bạc. Trọn đời chúng ta lo kiếm tiền. Đồng tiền là nơi nương tựa. Vắng bóng nó, chúng ta lo âu sợ hãi, nhưng tới ngày đại hạn nó làm gì cho ta? Nó lạnh lùng sang tay người khác.

Bạn III là cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cháu, họ hàng, bạn bè. Tên nó là Tình Ái. Thế gian cho người không có bạn này là kẻ cô độc, cô quả, bạc phước, không nơi nương tựa. Nhưng hỏi ngày đại hạn, con cháu làm gì cho cha mẹ? Chúng nó đau xót lắm, nước mắt như mưa, đưa cha mẹ tới mộ địa, chắp tay ba xá. Nhất từ vạn kiếp chia ly, vĩnh viễn không bao giờ gặp nhau nữa.

Bạn IV là tâm từ thiện. Vua Diêm Vương thấy trong tâm thức chúng ta lấp lánh ánh sáng từ thiện thì đâu dám bắt. Hẳn phải vội vàng đón rước cung nghênh tiễn thỉnh lên cảnh giới Thánh Hiền.

Thiện ác tuy từ tâm khởi nhưng phải đợi các duyên tịnh nhiễm. Chúng ta đã mê muội đến nỗi chui vào tử cung mẹ, hút máu nhơ, quyện chặt làm thân. Ngạc nhiên gì chẳng thiếu sáng suốt đến nỗi Thiện thấy ra Ác, Ác thấy ra Thiện. Đức Phật xuất thế để nhắc nhở chúng ta quan tâm đến bạn IV.

Ngài vạch sẵn cho chúng ta một con đường gọi là đạo Phật. Đạo là tiếng Tàu. Việt Nam dịch là đường đi. Phật là tiếng Ấn Độ. Việt Nam dịch là giác tỉnh, là sáng suốt, là trí tuệ.

Từ Sài Gòn lên Đà Lạt, chúng ta đi nhanh chóng dễ dàng lại quyết chắc đến nơi vì đã có 1 con đường vạch sẵn. Đường đời như thế, đường đạo cũng vậy. Nhưng đường đời ở ngay trước mắt. Còn đường đạo ở đâu? Ai cũng biết đạo Phật tu tâm. Tâm không hình không sắc nhưng thật vẫn hiện tướng trên lời nói và hành động. Vâng lời đức Phật, chúng ta dùng khẩu nghiệp và thân nghiệp để luyện tâm.

Người theo đạo Phật, miệng không nói dối, không hai lưỡi, không thêu dệt, không ác khẩu. Chỉ nói lời hòa nhã chân thật, trí tuệ và từ bi.

Miệng ta như đóa hoa sen,

Mỗi khi hé mở một phen thơm lừng.

Tiếng ta như tiếng chuông ngân,

Vang vang cảnh giác xa gần khắp nơi.

Phật dạy: Không được sát sanh. Con gà cũng như ta, ăn bằng miệng, đi bằng chân, nhìn bằng hai mắt, nghe bằng hai tai. Cũng ruột gan tim phổi, khác gì chúng ta? Ta có phước hơn nó nên có sức mạnh và khôn ngoan hơn nó. Nếu dùng phước này để bắt nạt nó, cướp thịt xương nó, vui miệng trong chốc lát. Phước sẽ thành tội. Mai đây sẽ như nó, đem thân đền nợ miệng thiên hạ. Người trí tuệ sáng suốt dùng phước đức để hộ sanh phóng sanh nên phước đức còn hoài. Vậy đệ tử Phật không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu. Rượu tuy làm bằng ngũ cốc trái cây nhưng khiến mê say. Mê si là gốc ác nên người học Phật, một giọt cũng không thấm môi.

Tóm lại, từ vô thủy chúng ta đã lầm lạc nên nay quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng, gọi là quy y Tam-bảo.

(Quy: quay về; Y: nương tựa; Tam: ba; Bảo: báu)

PHẬT nói đủ là Phật-đà. Tàu phiên âm là Bồ-đề. Anh phiên âm là Boddhi. Pháp là Bouddha. Việt Nam xưa gọi là ông Bụt. Bậc hoàn toàn trí tuệ vì đã dẹp sạch vô minh vọng tưởng, trở về sống với chân tâm bản tánh thường trụ ở khắp pháp giới. Ngài đã khám phá ra chân lý là tánh Phật, tất cả chúng sanh bản chất sẵn đủ.

PHÁP gốc chữ Phạn là Dharma, tức là những phương pháp tu hành, Phật đã phát minh để giúp chúng ta ra khỏi đường mê. Pháp gồm ba tạng Kinh, Luật, Luận.

TĂNG phiên âm từ chữ Phạn Shanga. Tàu dịch là hòa hợp chúng, nghĩa là một đoàn thể tu hành từ bốn người sắp lên, cống hiến trọn đời học pháp để thành Phật.

Trước hết chúng ta quy y TRỤ TRÌ TAM BẢO.

Trụ trì Phật bảo: Là xá lợi Phật hoặc hình tượng Phật để nhớ tới đức Thích Ca Mâu Ni đã hiện thân ở xứ Ấn Độ. Một vị Phật bằng xương bằng thịt, đã ghi một nét son rực rỡ trong lịch sử nhân loại, về nếp sống thanh cao, đạo hạnh tuyệt vời, chứng tỏ một trí tuệ không thể nghĩ bàn.

Trụ trì Pháp bảo: Kho tàng giáo điển đầy đủ để giáo hóa từ thấp đến cao cho tất cả căn cơ, sở thích, hoàn cảnh, dắt dẫn từng bước, từ sơ tâm đến vĩnh viễn giải thoát an vui.

Trụ trì Tăng bảo: Tăng là hòa hợp. Học chúng ba thừa hòa hợp chung sống, đồng lấy việc tu chứng nhập Niết-bàn làm lý tưởng và mục đích. Tam thừa Thánh chúng, Thầy hiền bạn tốt, ai biết quay về nương tựa, thật là đại hạnh.

Ngôi Trụ trì Tam bảo dạy chúng ta quỳ gối chắp tay ngưỡng cầu ngôi XUẤT THẾ TAM BẢO.

Phật bảo xuất thế gian: Mười phương ba đời tất cả những bậc chánh giác, đã đầy đủ lục độ vạn hạnh. Nhập diệu trang nghiêm hải tức là từ bi cứu cánh (Giải-thoát đức). Viên mãn Bồ-đề nhất thiết chủng trí, tức trí tuệ cứu cánh (Bát-nhã đức). Quy vô sở đắc, khế hợp tánh chân bản hữu, tức là chân lý cứu cánh (Pháp-thân đức).

Hiện tại các Ngài thường trụ ở khắp mười phương. Tuy không hình không tướng nhưng oai thần cứu độ chúng sanh không lúc nào ngơi nghỉ.

Pháp bảo xuất thế gian: Là những công năng cởi gỡ vô minh, đưa chúng sanh lên Thánh địa. Vọng tâm là căn bệnh chính phát khởi phiền não, thúc đẩy ngũ dục, che mờ lương tri, khiến chúng sanh không thể nhận định chánh tà, thật giả, thiện ác. Phật sáng kiến ra những pháp quán như sổ tức để an hòa thân tâm. Bất tịnh, từ bi, nhân duyên, 18 giới v.v... dùng lý giải khai trí giác tỉnh. Lại phát minh những phương pháp thực hành, dùng sự việc để hiển lý tánh như: Lục độ, giới luật, bốn vô lượng tâm v.v... Khiến mỗi Phật tử đủ phương tiện khí cụ, thực hiện hoài bão tự giác giác tha, sớm đạt tới giác hành viên mãn.

Tăng bảo xuất thế gian: Các Thánh Tăng và các Bồ-tát đã thực hiện chương trình độ sanh vĩ đại của đức Phật, đã đạt tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Đang cùng Phật kiến lập một nền giáo dục xuất thế, cho vạn loại hữu tình ở khắp pháp giới.

Nương ngôi Tam-bảo trụ trì, chúng ta tìm học ngôi ĐỒNG THỂ TAM BẢO để viên mãn pháp Tam quy, nghĩa là có lợi ích thiết thật trên đường giải thoát.

Phật bảo đồng thể: Tức là tánh thấy nghe hay biết không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm. Mây mù chỉ che khuất chớ không tiêu diệt được vầng trăng. Gió thổi, mây tan, trăng vẫn sáng rỡ. Phật tánh bị vọng tưởng, ác nghiệp, báo chướng trở ngại không thể hiển xuất diệu dụng. Nhưng vẫn thường còn bất biến. Chúng ta học Phật, như pháp tu hành, sẽ phát huy vô biên công đức.

Pháp bảo đồng thể: Từ bi hỷ xả, trí tuệ bình đẳng, nhẫn nhục thanh tịnh, tinh tấn, bá thí... đâu có thể mượn ở bên ngoài. Tâm chúng ta hằng sa tánh đức, chỉ cần đúng như lời Phật dạy mà khai thác thì cả pháp giới hữu tình đều được chung hưởng.

Tăng bảo đồng thể: Biết vạn pháp duy tâm. Biết tâm là chủ nhân ông trong pháp giới nên vận trí trở về chân lý cho đến khi Trí Lý hòa hợp đồng nhất.

Quy y đồng thể Pháp bảo là quay về nương tựa tâm mình. Quy y đồng thể Phật bảo là khai vận trí tuệ, phát huy giác ngộ. Quy y đồng thể Tăng bảo là đem chân trí soi chân lý. Sống hòa hợp với lẽ phải nên hằng thanh tịnh. Như thế Phật Pháp Tăng không ngoài tâm ta nên cũng gọi là NHẤT THỂ TAM BẢO.

Phật pháp lấy Nhất thừa làm cứu cánh. Đạo pháp Nhất thừa quan trọng ở chỗ tu nhân. Nhân khai phát trọn vẹn, đạt mục đích cứu cánh là chứng nhập Pháp- thân. Phật tánh là chánh nhân. Tu học là duyên nhân. Trí giác ngộ là liễu nhân.

Quy y Tam-bảo đích thực là quy y tự tánh chúng sanh. Chỗ thâm diệu của Phật Pháp khác với tất cả ngoại đạo chính ở chỗ này. Ngoại đạo chủ trương nương tựa một oai quyền ở ngoài. Phật giáo dạy quy y bản tâm sẵn có của mình, hồi quang phản chiếu Như Lai Tạng Tánh.

Phật tử phải quy y cả ba ngôi trụ trì, xuất thế và đồng thể. Như lấy đức tướng Phật đối chiếu thân tướng mình. Lấy lời Phật dạy soi sáng tâm mình. Lấy Tăng làm mô phạm cho hành vi cử chỉ của mình.

Đức tướng Phật trang nghiêm, xét thân tướng mình làm sao sai khác? Pháp Phật từ bi hỷ xả, bình đẳng giải thoát. Phản chiếu lại tâm ta đã thể hiện được chút nào? Tăng cắt ái từ thân, ly trần đoạn dục, miên mật chỉ quán, trọn đời phụng sự đại nghĩa. Còn ta phàm tâm tục hạnh đã đoạn xong chưa?

Nếu chỉ quy y Pháp và Tăng hoặc chỉ quy y Phật và Pháp gọi là phiến diện quy y, không viên mãn pháp quy y.

Nếu thâm tâm cung kính Phật, do căn bản từ Phật mà quy y Pháp, quy y Tăng thì vẫn đủ Tam quy. Ba ngôi Phật, Pháp, Tăng như ba chân của cái đỉnh, không thể thiếu một.

Hòa thượng Thích Đức Niệm viết lời Tựa, kinh Thắng Man:

Trăm sông chảy về bốn biển nhưng nước biển chỉ có một vị mặn. Phật dạy trăm ngàn pháp môn nhưng giáo pháp chỉ có một vị giải thoát.

Phật ra đời không ngoài mục đích “khai thị ngộ nhập Phật tri kiến” cho chúng sanh. Nhưng vì căn cơ mỗi người mỗi khác nên Phật đã quyền tạm chia Nhất thừa thành ngũ thừa, tam thừa. Khiến tất cả nhân dân tùy trình độ đều được hưởng ích.

Vừa giác ngộ, dưới gốc cây Bồ-đề, Phật nói kinh Hoa Nghiêm làm đề tựa một đời giáo hóa. Cuối cùng Ngài kết luận bằng kinh Đại Niết Bàn. Trước sau vẫn chỉ một vấn đề: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nên đều có khả năng thành Phật.

Lời nói của Ngài đã thể hiện. Trải 3000 năm lịch sử, ai theo giáo pháp tu hành đã thành Thánh quả. Như ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, từ xưa tới nay có tới ngàn vạn. Bên nữ cũng có bà Đại Ái Đạo, Liên Hoa Sắc v.v... Thậm chí những đại ác như Đề Bà Đạt Đa, A Xà Thế, Vô Não, v.v... cuối cùng đều có phần giải thoát. Các vương tử trọn đời vui nghiệp kiếm cung. Một khi biết tới đạo Phật, đã trở thành hiền nhân quân tử. Như vua A Dục của Ấn Độ, Đường Thế Tông bên Tàu, Thánh Đức Thái tử xứ Nhật Bản. Đời Trần đời Lý, Việt Nam lấy đạo Phật làm quốc giáo, ngọn đèn đạo đức được thắp sáng, đã tạo thành một thời thịnh trị huy hoàng.

Phật pháp mục đích đem giải thoát cho tất cả chúng sanh. Nhưng cảnh vui cõi trời gây mê quá nặng. Nỗi khổ tam đồ tê liệt kiệt quệ hết khả năng. Duy chỉ có loài người đủ trí tuệ phát tâm Bồ- đề và có hoàn cảnh tu hành tiến tới Phật quả. Mất thân người rồi khó nói đến giải thoát.

Bước đầu vào đạo Phật là Tam quy Năm giới. Liệt vị Tổ sư đều công nhận: Tất cả biển khổ thế gian ngoài pháp Tam quy không cách nào cứu vớt. Tất cả an vui thế gian và xuất thế gian đều từ Tam quy ngũ giới mà kiến lập.

Tam quy ngũ giới là hai bước đầu tiên của chiếc thang chánh pháp đưa chúng ta lên lầu Vô-thượng-giác.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6489193
Số người trực tuyến: