139. Chuyện cả hai mặt thất bại (Tiền thân Ubhatobhattha)
139. Chuyện cả hai mặt thất bại (Tiền thân Ubhatobhattha)
Mắt hư, áo bị mất…
Câu chuyện này khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. Lúc bấy giờ, người ta nghe nói các Tỷ-kheo tại Chánh Pháp đường bắt đầu nói chuyện:
– Thưa các Hiền giả, như một que củi từ nghĩa địa, bị cháy hai đầu, ở giữa bị dính phân, không thể dùng làm củi rừng, cũng không thể dùng làm củi làng, cũng vậy, Ðề-bà-đạt-đa được xuất gia trong Giáo pháp dẫn đến giải thoát nhưng cả hai mặt đều thất bại, cả hai mặt bị vứt bỏ, đó là tài sản tại gia bị đoạn tận, và Sa-môn hạnh không viên mãn.
Trong lúc ấy bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông nay đang ngồi họp và thảo luận vấn đề gì?
Khi được nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, Ðề-bà-đạt-đa không phải chỉ nay mới gặp thất bại cả hai mặt, thuở xưa, cũng đã thất bại như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
-ooOoo-
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm một thần cây. Lúc bấy giờ, tại một ngôi làng những người câu cá đang sống, có một người câu cá mang theo lưỡi câu, cùng với đứa con trai đến một đầm nước mà các người chài lưới thường bắt cá. Anh ta đi chỗ này chỗ kia quăng lưỡi câu. Lưỡi câu mắc vào một khúc cây đang ẩn kín trong nước. Người đánh cá không thể kéo lưỡi câu lên. Anh ta suy nghĩ: “Lưỡi câu này chắc mắc vào con cá lớn. Ta hãy bảo đứa con trai đi về nhà, báo cho mẹ nó biết”. Nghĩ vậy anh ta nói với đứa con:
– Con thân, hãy đi tin cho mẹ biết chúng ta câu được con cá lớn, và nói với mẹ hãy tìm cách gây sự với hàng xóm để giữ họ ở nhà, vì thế sẽ không ai đến đòi chia phần cá của ta cả.
Ðứa con ra đi, còn anh ta ở lại, kéo lưỡi câu nhưng vì sợ đứt dây, bèn để áo ngoài trên bờ, đi xuống nước. Vì say mê tìm bắt con cá nên anh ta va chạm vào khúc cây, bị hư hai con mắt. Một tên ăn trộm lấy cắp cái áo anh ta để trên bờ. Trong cơn đau đớn, anh ta lấy tay bịt hai con mắt mù từ nước đi lên, run rẩy đi tìm cái áo.
Trong lúc ấy, vợ anh ta huênh hoang với ý định: “Ta sẽ làm cho không một ai đến đòi chia phần”. Nghĩ vậy, chị đeo một lá thốt nốt trên một tai, lấy lọ nồi bôi một con mắt, ôm trong nách một con chó, và đi đến gọi người hàng xóm. Một người bạn nói với chị:
– Chao ôi! Ðeo lá thốt nốt vào tai của bạn, bôi một con mắt, ôm một con chó như đứa con thân yêu, bạn đi từ nhà mình đến nhà người ta, bạn điên rồi sao?
– Ta không điên. Ngươi không có lý do gì lại mắng ta, nhiếc ta? Nay hãy đi đến thôn trưởng, ta sẽ làm cho ngươi bị phạt tám đồng tiền vì tội mắng nhiếc ta.
Sau khi cãi vã như vậy, cả hai cùng đi đến gặp người thôn trưởng. Nhưng sau khi cuộc cãi vã được giải quyết thì chính vợ người đánh cá bị phạt. Người ta trói và đánh chị để đòi chị trả tiền phạt. Khi vị thần cây thấy sự việc xảy ra cho vợ người đánh cá ở làng, và sự bất hạnh xảy ra cho người đánh cá ở trong rừng, vừa đứng ở trên nhánh chĩa ba của thân cây, vị thần cây vừa nói:
– Này bạn câu cá ơi, việc ác bạn làm dưới nước và trên cạn, cả hai đều thất bại.
Nói vậy xong, vị thần đọc bài kệ:
Mắt mù, áo bị mất,
Cãi vã, vợ bị đánh,
Hai việc đều hư hỏng,
Dưới nước và trên cạn.
-ooOoo-
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thuở ấy, người câu cá là Ðề-bà-đạt-đa, còn vị thần là Ta vậy.
- 3
Viết bình luận