4. Chuyện Tiểu Triệu Phú (Tiền Thân Cullakasetthì)
Chuyện Tiểu Triệu Phú (Tiền Thân Cullakasetthì)
Bậc trí với ít vốn...
Pháp thoại này được Thế Tôn thuyết khi Ngài ở Rừng xoài Jivaka, gần Vương Xá (Rajagaha), về Trưởng lão Cullapanthaka. Ở đây, cuộc đời của Cullapanthaka cần được nói đến. Ở Rajagaha, con gái của một triệu phú giàu có thông gian với người nô lệ của mình. Sợ việc àm này bị người khác biết, cô gái nói với người nô lệ:
- Chúng ta không thề sống ở chỗ này. Nếu cha mẹ ta biết được tội lỗi này, sẽ xé xác chúng ta. Chúng ta nên đi sống một chỗ khác.
Với đồ đạc tư trang cầm tay, cả hai cùng trốn ra khỏi cửa ít khi được mở, thỏa thuận với nhau tìm chỗ nào không ai biết đến họ và sẽ sống tại đấy. Sau một thời gian sống với nhau, cô gái thụ thai. Ðến khi sinh nở, người vợ nói với chồng:
- Nay em đã gần tới kỳ sinh nở, ở chỗ này lại không có bà con. Ðến khi em sinh nở, hai chúng ta sẽ gặp khổ sở. Vậy chúng ta hãy đi về nhà.
Người chồng cứ hẹn lần hết ngày này qua ngày khác, và để ngày tháng trôi qua. Người vợ suy nghĩ: “Người ngu này, ý thức tội lỗi quá lớn của mình, nên không dám đi. Cha mẹ là bạn tốt nhất của mình. Chồng ta đi hay ở lại, ta cũng phải đi”.
Ðợi người chồng đi ra khỏi nhà, người vợ sắp đồ đạc trong nhà, và tin cho những người sống kế cận biết là nàng trở về nhà cha mẹ, rồi nàng lên đường.
Khi người chồng về, không thấy nàng, hỏi người láng giềng, biết nàng đã trở về gia đình, liền vội vã đi theo và bắt gặp nàng giữa đường. Tại đấy, nàng sinh con. Người chồng hỏi:
- Này em thân, việc gì vậy?
- Này chàng, em đã sinh đứa con trai.
- Vậy chúng ta sẽ làm gì?
Cả hai đồng ý rằng mục đích đi về nhà là để sinh đẻ, nhưng giữa đường việc ấy đã giải quyết xong nay còn đi về làm gì nữa. Họ liền trở về chỗ trọ cũ.
Vì đứa con sinh ra giữa đường, nên được đặt tên là Panthaka (Lữ khách). Không bao lâu, người vợ lại có thai. Tất cả sự việc như lần trước đã diễn tiến lại. Vì đứa con thứ hai này cũng được sinh giữa đường, họ đặt tên đứa đầu là Mahàpanthaka (Ðại Lữ Khách) và đứa sau là Cullapanthaka (Tiểu Lữ Khách). Rồi họ đem cả hai đứa con trở về nhà của họ. Trong khi họ sống tại chỗ ấy, đứa trẻ Panthaka nghe các đứa trẻ khác gọi các cậu, các ông nội, bà nội, nó về hỏi mẹ:
- Thưa mẹ, các đứa trẻ khác gọi các cậu, các ông nội, bà nội. Vậy chúng ta không có bà con sao?
- Chúng ta cũng có. Bà mẹ đáp. Nhưng bà con của con không ở đây. Ông của con là một triệu phú ở Vương Xá. Tại đấy, con có rất nhiều bà con.
- Thưa mẹ, vì sao chúng ta không đi đến đấy?
Nàng nói cho con biết lý do vì sao không đi về nhà của mình, và khi các con hỏi nữa, nàng nói với chồng:
- Những đứa trẻ con này làm cho em rất mệt. Không lẽ cha mẹ thấy chúng ta, lại ăn thịt chúng ta? Hãy đi về để cho mấy đứa trẻ biết nhà ông chúng nó.
- Ta không thể đứng giáp mặt với cha mẹ em được, nhưng ta sẽ đưa chúng đến đấy. Nàng nói:
- Như vậy cũng được, làm cách nào cho mấy đứa trẻ thấy nhà ông của chúng là được.
Hai vợ chồng đem hai đứa trẻ về đến Vương Xá, tạm trú tại một quán trọ gần cửa thành Vương Xá. Rồi người vợ đem hai con nhờ người đưa tin cho cha mẹ nàng biết là họ đã đến. Khi nghe được tin này, cha mẹ nàng nói:
- Sống ở đời mà không có con trai, con gái là một việc không thể có được. Nhưng chúng đã có tội quá lớn đối với chúng ta. Chúng ta không thể giáp mặt được. Ðây là số tiền cho chúng. Chúng hãy lấy số tiền ấy mà sống thoải mái tại một chỗ nào đó. Nhưng phải giao hai đứa trẻ ở lại đây.
Người con gái vị triệu phú lấy số tiền cha mẹ cho, và giao hai đứa trẻ tận tay người đưa tin. Hai đứa trẻ lớn lên trong gia đình ông ngoại chúng. Cullapanthaka còn nhỏ, nên Mahàpanthaka thường đi với ông ngoại đến nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp. Thường nghe thuyết pháp, và thấy bậc Ðạo Sư, tâm của Mahàpanthaka thiên về xuất gia. Nó nói với ông ngoại nó:
- Nếu ông chấp thuận, cháu sẽ xuất gia.
-Này cháu thân, cháu nói gì vậy? Ôi! Ta sẽ vô cùng vui sướng được thấy cháu xuất gia, còn hơn là thấy toàn thế giới xuất gia! Này cháu thân, nếu có thể được, hãy xuất gia.
Ông ngoại chấp nhận và đưa cháu đi gặp bậc Ðạo Sư. Bậc Ðạo Sư hỏi:
- Này triệu phú, ông mang theo đứa trẻ nào vậy?
- Bạch Thế Tôn! Ðứa trẻ này là cháu của con, nó muốn xuất gia với Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư bảo một vị Khất sĩ cho đứa trẻ xuất gia. Vị Trưởng lão, đọc đề tài Thiền quán gồm năm phần, từ da trở đi ... và làm phép xuất gia cho đứa trẻ. Ðứa trẻ học nhiều lời dạy của Ðức Phật, và khi cậu đến tuổi, cậu được thọ Ðại giới. Nhờ chuyên tâm tinh cần, làm đủ các bổn phận tu tập, Mahapanthaka chứng quả A-la-hán. Trong khi thọ hưởng an lạc Thiền định và an lạc Thánh đạo, người anh nghĩ nên cho em là Cullapanthaka cũng hưởng được an lạc ấy. Rồi người anh đi đến gọi ông ngoại triệu phú và nói:
- Nếu ông ngoại chấp thuận, con sẽ làm lễ xuất gia cho Cullpanthaka.
- Thưa Tôn giả, hãy làm lễ xuất gia cho nó.
Vị Trưởng lão làm lễ xuất gia cho Cullapanthaka và cho thọ Mười giới. Nhưng Sa-di Cullapanthaka, sau khi xuất gia, tỏ ra rất ám độn. Người em trong bốn tháng không thể học thuộc lòng bài kệ này:
Như bông sen thơm dịu,
Vào rạng đông buổi sáng,
Hoa được nở toàn diện
Với mùi hương bát ngát.
Nhìn Ðức Phật chói sáng
Với hào quang chiếu diện,
Như mặt trời rực sáng
Trên bầu trời quang đãng.
Chúng ta được kể rằng, trong thời Ðức Phật Kassapa, Cullapanthaka xuất gia, có trí tuệ, đã cười khinh bỉ một Tỳ-kheo ám độn đang học thuộc lòng một đoạn kinh. Tỳ-kheo ấy hổ thẹn vì bị khinh bỉ đến nổi không thể nhớ và đọc lên đoạn kinh ấy. Do kết quả nghiệp ấy, Cullapanthaka trở thành ám độn, những câu vị ấy mới học làm vị ấy quên đi những câu đã học trước; và bốn tháng đã trôi qua, trong khi vị ấy đang cố gắng học một câu kệ, Mahàpanthaka nói với em:
- Này Panthaka, em không có khả năng trong Giáo pháp này. Bốn tháng trôi qua, em không thể học thuộc lòng một câu kệ, làm sao em có thể đạt được sự nghiệp tối thượng của người xuất gia? Hãy đi ra khỏi tinh xá.
Như vậy người anh đuổi người em. Nhưng Cullapanthaka đã gắn bó đặc biệt với giáo pháp của Ðức Phật, nên không muốn trở thành một người tại gia.
Trong thời ấy, Mahapanthaka đang làm người phân phối bữa ăn. Một hôm Jivaka Komàrabhacca đem theo nhiều hương thơm và vòng hoa, đến vườn xoài của mình, để cúng dường Thế Tôn. Sau khi nghe pháp, Jivaha từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh lễ bậc Mười Lực (Dasabala), rồi đi đến gần Mahapanthaka và hỏi:
- Thưa Tôn giả, có bao nhiêu Tỳ-kheo ở gần bậc Ðạo Sư?
- Khoảng năm trăm.
- Vậy ngày mai, xin Tôn giả hãy mời năm trăm Tỳ-kheo, với Ðức Phật là người dẫn đầu, dùng bữa ăn tại nhà tôi.
- Này cư sĩ, Cullapanthaka là kẻ ám độn, không thể lớn mạnh trong Giáo pháp. Tôi chấp nhận lời mời tất cả, trừ nó ra.
Nghe vậy, Cullapanthaka suy nghĩ: “Vị Trưởng lão nhận lời mời tất cả Tỳ-kheo và loại ta ra ngoài. Không nghi ngờ gì nữa, tình cảm của anh ta đối với ta đã bị đỗ vỡ. Nay ta còn ở trong Giáo pháp này làm gì nữa? Vậy ta sẽ làm người cư sĩ, sống làm các công đức như bố thí, ...
Rạng ngày hôm sau Cullapanthaka ra đi với ý nghĩ: “Ta trở lại đời sống gia chủ”. Bậc Ðạo Sư, vào sáng sớm, khi nhìn khắp thế giới, thấy sự kiện này, nên ra đi sớm hơn Cullapanthaka. Ngài đi qua đi lại trước cửa ngõ, trên con đường của Cullapanthaka và đứng lại. Cullapanthaka, từ nhà đi ra, thấy bậc Ðạo Sư, đến gần Ngài và đỉnh lễ. Thấy Cullapanthaka, Thế Tôn hỏi:
- Này Cullapanthaka, con đi đâu vào giờ này?
- Bạch Thế Tôn, anh con đuổi con, cho nên con đi lang thang.
- Này Cullapanthaka, con xuất gia với Ta. Khi anh con đuổi, sao con không đến gặp Ta? Con sống tại gia để làm gì? Hãy đến sống gần Ta.
Rồi Thế Tôn đem Cullapanthaka đi, bảo ngồi trước Hương phòng. Ngài đưa Cullpanthaka một miếng vải sạch mà Ngài đã tạo bằng thần thông, rồi nói:
- Này Cullapanthaka, hãy hướng mặt về phía đông, dùng miếng vải này lau qua lau lại và nói: Ðồ vật lau bụi, đồ vật lau bụi.
Ðúng giờ đã định, Ðức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo vây quanh, đi đến nhà Javaka và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Còn Cullapanthaka, với mặt hướng phía mặt trời, ngồi cầm miếng vải lau qua lau lại và nói: Ðồ vật lau bụi, đồ vật lau bụi, cho đến khi miếng vải trở thành dơ bẩn. Rồi Cullapanthaka suy nghĩ:
“Vừa rồi, tấm vải này rất là sạch sẽ. Nhưng này vì bản thân ta, nó đã bỏ nguyên trạng của nó, và trở thành dơ bẩn. Thật sự các hành là vô thường”. Ngay khi Cullapanthaka thông hiểu tính đoạn diệt, Thiền quán được tăng trưởng. Bậc Ðạo Sư biết tâm thiền quán của Cullapanthaka đã đạt viên mãn, bèn nói với Cullapanthaka:
- Chớ để ý đến miếng vải này đã bị bụi làm bẩn. Nhưng trong con có bụi tham ... hãy tẩy trừ chúng.
Rồi Thế Tôn phóng hào quang, hóa hiện một danh sắc do trí tuệ tạo thành, ngồi trước mặt vị ấy, và đọc các bài kệ này:
Tham mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này;
Tham mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng;
Hỡi này các Tỳ-kheo,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo pháp
Của vị không bụi bẩn.
Sân mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này,
Sân mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ-kheo,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo pháp
Của vị không bụi bẩn.
Si mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này;
Si mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ-kheo,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo Pháp
Của vị không bụi bẩn.
Cuối câu kệ, Cullapanthaka chứng quả A-la-hán với Bốn Vô ngại giải, vị ấy thấu hiểu tất cả Tạng kinh điển. Tương truyền rằng, trong thời quá khứ, vị ấy làm vua, và khi đang đi bộ xung quanh thành phố, mồ hôi chảy từ trán, vị ấy lấy một miếng vải sạch lau trán. Miếng vải trở thành bẩn. Vị ấy suy nghĩ: “Do thân này của ta, miếng vải đã bỏ nguyên trạng trong trắng và trở thành dơ bẩn. Thật sự các hành là vô thường”. Vị ấy nắm được tướng vô thường. Như vậy chính nhờ sự đoạn trừ bụi bẩn này tạo thành nhân duyên giải thoát cho vị ấy. Trong khi ấy, Jivaka Komàrabhacca dâng nước bố thí lên đấng Ðại Giác. Bậc Ðạo Sư lấy tay che bình bát và nói:
- Này Jivaka, trong tinh xá còn có Tỳ-kheo nào hay không? Mahapanthaka thưa:
- Bạch Thế Tôn, trong tinh xá không còn Tỳ-kheo nào.
Nhưng bậc Ðạo Sư nói:
- Này Javaka, còn có Tỳ-kheo.
Javaka liền sai một người đi xem thử trong tinh xá có Tỳ-kheo hay không. Trong lúc ấy, Cullapathaka biết người anh của mình nói không có Tỳ-kheo ở trong tinh xá và muốn tỏ cho người anh thấy rằng còn có nhiều Tỳ-kheo ở trong tinh xá, liền làm cho toàn rừng xoài đầy những Tỳ-kheo. Một số Tỳ-kheo đang làm y, một số đang nhuộm, một số đang học kinh điển. Cullapanthaka tạo ra một ngàn Tỳ-kheo, không ai giống ai. Người kia thấy rất nhiều Tỳ-kheo ở trong tinh xá, trở về báo cho Javaka biết:
- Thưa ông chủ, toàn rừng xoài đầy những Tỳ-kheo! Có bậc trưởng lão ở tại đấy!
Trưởng lão Pan-tha-ca
Hóa mình thành ngàn lần,
Ngồi rừng xoài xinh đẹp,
Chờ thời được gọi đến.
Bậc Ðạo Sư nói với người ấy:
- Hãy đi đến tinh xá, nói Thế Tôn cho gọi Cullapanthaka. Người ấy đi và khi nói như vậy, thì ngàn miệng nói lên:
- Tôi là Cullapanthaka! Tôi là Cullapanthaka! Người ấy về thưa:
- Bạch Thế Tôn, tất cả đều nói: “Tôi là Cullapanthaka”.
- Vậy ông hãy đi đến và nếu ai nói đầu tiên: Tôi là Pathaka, hãy nắm tay người ấy, tất cả người còn lại sẽ biến mất.
Người ấy làm đúng như vậy. Ngay lúc ấy, cả ngàn Tỳ-kheo đều biến mất. Vị trưởng lão đi với người ấy đến bậc Ðạo Sư. Sau khi dùng bữa ăn xong, bậc Ðạo Sư nói với Jivaka:
- Này Javaka, hãy lấy cái bát của Cullapanthaka. Vị này sẽ nói lời cám ơn ông.
Jivaka làm như lời bậc Ðạo Sư đã nói. Vị trưởng lão rống tiếng rống của sư tử, làm cho sống động tất cả các Tạnh Kinh điển trong lời nói cám ơn của mình.
Rồi Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, với chúng Tỳ-kheo vây quanh, đi trở về tinh xá. Sau khi các Tỳ-kheo phân boá công việc xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đứng trước Hương phòng, thuyết lời khuyến cáo của bậc Thiên Thệ cho chúng Tỳ-kheo, cho họ đề tài Thiền quán, giải tán chúng Tỳ-kheo, rồi đi vào Hương phòng sực nức mùi thơm và nằm xuống phía hông bên mặt như dáng nằm con sư tử.
Vào buổi chiều, các Tỳ-kheo đắp y vàng từ nhiều nơi quy tụ lại trong Pháp đường, ngồi xuống như thể trải một tấm màn vàng rực chung quanh bậc Ðạo Sư, và bắt đầu tán thán công đức của Ngài:
- Này các Hiền giả, Mahapanthaka không biết khả năng của Cullapanthaka, đã đuổi Cullapanthaka ra khỏi tinh xá, cho là ngu si ám độn, trong bốn tháng học không thuộc một câu kệ. Nhưng bậc Chính Ðẳng Giác, với đức tính vô thượng Pháp Vương, chỉ trong một bữa ăn, đã đem lại cho Cullapanthaka quả A-la-hán với các Vô ngại giải. Với các Vô ngại giải ấy, Cullapanthaka nắm được toàn bộ các Tạng kinh điển. Ôi, Phật lực thật lớn vậy thay!
Thế Tôn biết được diễn tiến câu chuyện trong Pháp đường, nghĩ rằng nay cần phải đi đến chỗ ấy, liền đứng dậy từ chỗ nằm của Ðức Phật, mặc hai tấm áo màu đỏ chói, thắt cái nịt thân như chớp nhoáng, và đắp lại y. Bậc Thiện Thệ như tấm mền đỏ thắm, từ Hương phòng đi ra, đi đến Pháp đường với uy nghi vô tận của một Ðức Phật, di động với dàng điệu oai hùng đẹp đẽ của con voi, con sư tử trong thời sung sức. Bước lên Phật tọa được trình bày lộng lẫy ở giữa Pháp đường trang nghiêm. Ngài ngồi trên Phật tọa phóng ra những hào quang. Phật có sáu màu như mặt trời mới mọc từ trên đỉnh núi Yugandahara, ngài chói sáng đến tận đáy biển.
Ngay khi bậc Chính Giác đến, chúng Tỳ-kheo chấm dứt câu chuyện và giữ im lặng. Bậc Ðạo Sư, với tâm tư bi hòa nhã, nhìn hội chúng và suy nghĩ: “Hội chúng này thật rực sáng, không có một động tay, một động chân, không một tiếng đằng hắng, không một tiếng ho. Tất cả vì tôn kính Ta, nếu Ta ngồi không nói cho đến suốt đời, đại chúng đều không dám nói trước khi Ta nói. Ta biết Ta cần phải nói trước. Ta sẽ nói trước”. Với Phạm âm ngọt dịu, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, các ông nay ngồi ở đây nói đề tài gì và câu chuyện gì chưa được nói xong?
- Bạch Thế Tôn, chúng con ngồi đây không nó chuyện nhảm. Chúng con ngồi tán thán công đức của Ngài như sau: Này các Hiền Giả, Mahapanthaka không biết khả năng của Cullapanthaka, đã đuổi Cullapanthaka ra khỏi tinh xá... Ôi, Phật lực thật lớn vậy thay!
Thế Tôn, nghe các Tỳ-kheo nói vậy, bèn nói:
- Này các Tỳ-kheo, Cullapanthaka nay do nhờ Ta, đã đạt được sự vĩ đại trong Chính Pháp. Còn thời quá khứ cũng do nhờ Ta, vị ấy đã đạt được tài sản vĩ đại trong các tài sản.
Các Tỳ-kheo yêu cầu Thế Tôn giải thích ý nghĩa này và Thế Tôn liền trình bày rõ sự việc tái sinh che lấp qua câu chuyện sau đây.
-ooOoo-
Thuở xưa, tại nước Kàsi, trong thành Ba-la-nại, khi vua Brahamadatta đang trị vì, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình triệu phú và được gọi là Tiểu Triệu phú. Ngài có trí thông minh, biết tất cả loại tướng. Một hôm, trong khi đi đến hầu vua, giữa đường thấy một con chuột chết, ngay lúc ấy ngài tính toán các vì sao và nói:
- Một thiện nam tử nào có mắt, chỉ cần lượm con chuột này lên có thể xây dựng cơ nghiệp và nuôi một người vợ.
Bấy giờ có một thiện nam tử đang bị túng thiếu, nghe triệu phú nói vậy, suy nghĩ: “Người này biết cái gì mới nói”, bèn lượm con chuột lên, bán được một xu ở một tiệm hàng mua cho mèo ăn. Với đồng xu ấy, chàng mua đường mật và lấy nước uống với một cái bình. Gặp những người làm vòng hoa từ rừng về, chàng cho mỗi người một ít đường, mật và nước uống với một ít cái gáo. Mỗi người làm vòng hoa, cho chàng một nắm hoa.
Ngày mai, với số tiền bán hoa ấy, chàng lấy đường, mật, một ghè nước rồi đi đến vườn hoa. Ngày ấy, các người làm vòng hoa cho chàng những cành hoa đã hái còn sót lại rồi bỏ đi. Không bao lâu với phương tiện này, chàng có được tám đồng tiền vàng.
Rồi vào một ngày mưa gió, trong vườn của vua có rất nhiều cành cây khô và lá bị gió làm rụng xuống, người giữ vườn không biết cách nào để quét chúng cho sạch. Chàng đi đến, nói với người giữ vườn:
- Tôi sẽ quét sạch với điều kiện là củi và lá này thuộc về của tôi.
Người giữ vườn chấp thuận. Người đệ tử này của vị Tiểu triệu phú đi đến sân chơi của bọn trẻ, cho chúng đường mật, và nhờ chúng dọn sạch củi, lá chất thành một đống trước vườn hoa trong một thời gian ngắn. Khi ấy, người làm đồ gốm cho vua đang đi tìm củi để đốt nung các chén bát cho nhà vua, thấy đống củi ấy tại cửa vườn hoa, ông ta mua ngay và tự tay mang nó đi.
Ngày ấy, đệ tử vị Tiểu triệu phú bán củi có được mười sáu đồng tiền, ghè bình và năm cái bát. Sau khi có được hai mươi bốn đồng tiền, chàng nghĩ đến một kế hoạch, đặt một ghè nước không xa cửa thành và đem nước cho năm trăm người cắt cỏ uống. Họ nói:
- Bạn giúp ích cho chúng tôi rất nhiều. Bạn muốn chúng tôi làm gì cho bạn? Chàng trả lời:
- Khi nào tôi có việc, tôi sẽ nói cho các anh biết.
Trong khi đi qua lại, chàng làm thân với một người buôn bán trên bộ và một người buôn bán trên biển. Người buôn bán trên bộ báo tin cho chàng biết ngày mai sẽ có người buôn ngựa đến tại thành này với năm trăm con ngựa. Nghe vậy, chàng nói với những người cắt cỏ:
- Hôm nay, mỗi người hãy cho tôi một bó cỏ, và không bán cỏ của các anh cho đến khi tôi bán xong cỏ của tôi.
Họ bằng lòng và đem đến nhà chàng năm trăm bó cỏ. Người lái buôn ngựa không tìm được cỏ trong toàn thành phố, liền cho chàng một ngàn đồng tiền và lấy cỏ của chàng. Sau một vài ngày, người buôn bán trên biển báo tin cho chàng biết sẽ có một chiếc tàu lớn cập bến. Chàng nghĩ đến một kế hoạch khác. Với tám đồng tiền chàng thuê một cỗ xe trang bị đầy đủ, được thuê theo giờ, và đi đến bến cảng với vẻ rất uy nghi bệ vệ.
Sau khi đưa chiếc nhẫn làm bảo chứng cho chiếc tàu, chàng bảo dựng một cái lều không xa bao nhiêu, ngồi ở trong lều và dặn chúng người làm công như sau:
- Khi có các người lái buôn từ ngoài đến, hãy báo cho ta biết qua ba người giới thiệu.
Khi nghe tin có tàu đến, khoảng một trăm người lái buôn từ Ba-la-nại đến để mua hàng. Họ được cho biết là hàng không thể lấy được vì phải để dành cho người lái buôn ở tại chỗ ấy đã có bảo chứng. Họ nghe vậy liền đi đến gặp chàng. Những người hầu, như đã được dặn trước, báo tin họ đến qua ba người giới thiệu.
Một trăm người lái buôn ấy, mỗi người cho chàng một ngàn đồng để làm người hùn vốn trên tàu và cho một ngàn đồng nữa để trả tiền lấy hàng hóa phần của mình. Như vậy người đệ tử vị Tiểu triệu phú lấy được hai trăm ngàn đồng tiền và đi về Ba-la-nại.
Ðể bày tỏ sự biết ơn đối với vị Tiểu triệu phú, chàng đem theo một trăm ngàn đồng tiền và đi đến thăm vị Tiểu triệu phú. Vị Tiểu triệu phú hỏi chàng đã làm gì để được số tiền này, chàng tường thuật tất cả câu chuyện, từ khi theo lời vị Tiểu triệu phú trải qua bốn tháng bắt đầu với việc chàng lượm con chuột chết. Vị Tiểu triệu phú nghe chàng nói như vậy, nghĩ rằng không thể để một chàng trai trẻ như vậy rơi vào tay người khác, liền gả con gái mới lớn lên của mình cho chàng, và cho chàng làm chủ toàn bộ gia sản. Khi người triệu phú qua đời, chàng đã trở thành vị triệu phú của thành ấy. Và khi mệnh chung, Bồ- tát đi theo nghiệp của mình.
-ooOoo-
Sau khi nói lên pháp thoại này, bậc Chính Giác đọc bài kệ:
Bậc trí với ít vốn,
Bậc có mắt, ít hàng,
Tự xây dựng cho mình
Tài sản lớn như vậy,
Như dùng hơi thở mình
Thổi lớn đám lửa nhỏ.
Thế Tôn nói:
- Này các Tỳ-kheo, chính dựa vào Ta, Cullapanthaka ngày nay đạt được pháp tối thượng trong các pháp, cũng như ngày xưa đã đạt được tài sản tối thượng trong các tài sản.
Sau khi nói xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai mẩu chuyện với nhau, và kết luận bằng sự nhận diện Tiền thân như sau:
- Trong thời ấy, đệ tử của Tiểu Triệu phú là Cullapanthaka, còn Cullakasetthi, Tiểu triệu phú, là Ta vậy.
- 286
Viết bình luận