6. Chuyện Thiên pháp (Tiền Thân Devadhamma) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

6. Chuyện Thiên pháp (Tiền Thân Devadhamma)

Chuyện Thiên pháp (Tiền Thân Devadhamma)

Ðầy đủ tàm và quý...

Khi ở Kỳ Viên, Thế Tôn kể câu chuyện này về một Tỳ-kheo có nhiều đồ vật. Ở Xá-vệ, có một vị trưởng giả giàu có, sau khi vợ chết, mới xuất gia. Trước khi xuất gia, vị ấy có làm một phòng để ở, một phòng để lửa, và một kho chứa đồ, cho chất đầy kho chứa đồ với bơ sữa, gạo v.v... rồi mới xuất gia. Sau khi xuất gia, vị ấy cho gọi những người đầy tớ của mình, bảo nấu các đồ ăn theo sở thích và thọ dụng các món ăn ấy. Vị ấy có rất nhiều vật dụng, ban đêm có bộ đồ lót, có áo choàng riêng; ban ngày có bộ đồ lót, có áo choàng riêng, và sống cách biệt sau biên địa ngôi tinh xá.

Một hôm, trong khi vị ấy lấy các y và đồ tắm, trải chúng trong phòng để phơi cho khô, một số đông Tỷ- kheo ở các tỉnh, đi từ trú xứ này đến trú xứ khác, đến phòng kia, thấy các y áo v.v... liền hỏi chúng thuộc về ai. Vị ấy trả lời:

- Của tôi, thưa các Hiền giả.

- Thưa Hiền giả, y này, áo lót này, đồ nệm này, tất cả của Hiền giả phải không?

- Vâng, của tôi. Họ nói:

- Này Hiền giả, Thế Tôn chỉ cho phép ba y. Hiền giả xuất gia trong Giáo pháp Ðức Phật ít dục như vậy, lại chất đầy cả kho vật dụng như vậy. Chúng tôi sẽ đưa Hiền giả đến bậc Ðạo Sư.

Rồi các Tỳ-kheo này đem vị ấy đi đến bậc Ðạo Sư. Thấy vậy, bậc Ðạo Sư nói:

- Này các Tỳ-kheo, phải chăng các ông đem đến đây một Tỳ-kheo ngoài ý muốn của vị ấy?

- Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo này có nhiều đồ vật, và có cả kho vật dụng.

- Này Tỳ-kheo, có phải ông có nhiều vật dụng?

- Thật vậy, bạch Thế Tôn.

- Này Tỳ-kheo, sao ông lại có nhiều vật dụng như vậy? Có phải ta nói lời tán thán hạnh ít dục, biết đủ... viện ly, tinh tấn không?

Nghe bậc Ðạo Sư nói vậy, vị ấy sinh phẫn nộ và nói:

- Nay tôi sẽ cởi đồ và đi như thế này.

Vị ấy quăng y choàng ngoài, chỉ mặc một y trong và đứng giữa hội chúng. Bậc Ðạo Sư muốn khích lệ, liền nói:

- Này Tỳ-kheo, thuở trước, ông là con quỷ nước Dạ-xoa đi tìm tàm quý, sống trong mười hai năm đi tìm tàm quý. Sao này ông đã xuất gia trong Giáo pháp Phật được tôn kính này, lại quăng y choàng ngoài giữa bốn chúng, từ bỏ tàm quý và đứng như vậy?

Khi nghe lời bậc Ðạo Sư, tàm quý khởi lên, vị ấy đắp y, đỉnh lễ bậc Ðạo Sư, rồi ngồi xuống một bên. Các Tỳ-kheo yêu cầu Thế Tôn giải thích rõ ràng ý nghĩa này. Thế Tôn trình bày ý nghĩa sự việc bị tái sinh che lấp qua câu chuyện sau đây:

-ooOoo-

Vào thời, vua Brahmadatta đang trị vì ở nước Kàsi tại Ba-la-nại, Bồ-tát tái sinh làm con bà hoàng hậu của vua, và trong ngày đặt tên, được đặt tên là hoàng tử Mahimsàsa (Ngưu Vương). Khi Bồ-tát bắt đầu đi được, chạy được, một con trai thứ hai ra đời và được đặt tên là Candakumara (Mặt Trăng). Khi đứa trẻ này bắt đầu đi được, chạy được, mẹ Bồ-tát mệnh chung. Vua đặt một người khác lên làm hoàng hậu rất được vua sủng ái. Bà hoàng hậu này, trong tình thương yêu ấy, sinh được một con trai đặt tên là hoàng tử Suriya (Mặt trời). Vua cha thấy con, tâm tư hết sức hoan hỷ, hứa cho bà hoàng hậu một lời yêu cầu nhân danh con bà. Bà hoàng hậu giữ lời hứa lại, mong được thực hiện ý muốn mai sau. Khi con bà lớn lên, bà tâu với vua:

- Khi sinh con của thiếp, Ðại Vương có hứa cho một điều yêu cầu. Vậy hãy cho con thiếp làm vua. Vua từ chối, và nói:

- Ta có hai con trai, sáng chói như đám lửa. Ta không thể giao vương quốc cho con hoàng hậu được.

Nhưng sau, thấy hoàng hậu cứ tiếp tục yêu cầu mãi, vua ngại bà có âm mưu ác hại các con của mình, nên cho gọi họ lại và bảo:

- Này các con thân, khi sinh hoàng tử Suriya, ta có cho một điều yêu cầu. Nay mẹ có yêu cầu vương quốc, ta không muốn cho nó. Nhưng đàn bà hay có tính ác, có thể âm mưu ác hại các con. Vậy hai con hãy đi vào rừng, và khi nào ta mệnh chung hãy trở về trị vì thành này là gia sản của nhà.

Nói vậy, với nước mắt và lời than, vua hôn hai con trên đầu và đưa họ ra đi. Sau khi đỉnh lễ vua cha, hai hoàng tử từ giã lâu đài ra đi. Hoàng tử Suriya đang chơi trong sân, thấy vậy, biết được sự việc, liền quyết định cùng ra đi với hai anh, và ra đi với họ.

Họ đi vào núi Tuyết. Bồ-tát bước xuống đường, ngồi trên một gốc cây và bảo hoàng tử Suriya:

- Này Suriya thân, hãy đi đến hồ nước này. Sau khi tắm và uống, hãy đem cho chúng ta nước uống trong các lá sen.

Cái hồ ấy do Thiên Vương Tỳ-sa-môn (Vessavana) cho một con quỷ nước Dạ-xoa với lời dặn: Trừ những người biết được thiên pháp, còn tất cả những ai xuống hồ nước này, ngươi có quyền bắt ăn thịt. Những ai không xuống nước, thì người không có quyền.

Từ đó về sau, quỷ Dạ-xoa hỏi thiên pháp những ai xuống hồ nước ấy, ai không biết thì nó ăn thịt. Hoàng tử Suriya đi đến hồ nước ấy, không quan sát gì, cứ bước xuống hồ. Quỷ Dạ-xoa bắt được và hỏi:

- Ngươi có biết thiên pháp không? Hoàng tử đáp:

- Ta biết. Ðó là mặt trời, mặt trăng. Quỷ Dạ-xoa nói:

- Ngươi không biết thiên pháp.

Rồi bắt chàng xuống nước, và giam chàng tại thủy cung của mình. Bồ-tát thấy em mình đi quá lâu, liền sai hoàng tử Canda đi. Quỷ Dạ-xoa cũng bắt chàng, hỏi về thiên pháp là bốn phương. Quỷ Dạ-xoa nói chàng không biết thiên pháp, bắt chàng và cũng giam tại chỗ ấy.

Bồ-tát thấy Canda đi quá lâu, nghĩ rằng chắc có trở ngại gì xảy ra cho mỗi người, liền tự mình đi đến chỗ ấy. Thấy được dấu chân của hai người đi xuống, nghĩ rằng hồ ấy có thể là chỗ trú ẩn của quỷ Dạ- xoa, Bồ-tát liền rút kiếm ra, cầm cung và đứng sẵn sàng. Con quỷ nước Dạ-xoa biết Bồ-tát không chịu xuống nước, hóa hiện một người đi làm rừng, nói với Bồ-tát:

- Này bạn, bạn đi đường mệt, sao bạn không xuống hồ này tắm, uống nước, ăn củ sen, trang điểm với hoa sen, rồi đi chỗ nào bạn ưa thích.

Bồ-tát thấy vậy, biết nó là quỷ Dạ-xoa, liền hỏi nó:

- Có phải ngươi bắt các người em của ta?

- Phải, ta bắt.

- Vì sao?

- Vì ai xuống hồ này đều thuộc về ta.

- Có phải tất cả đều thuộc về người?

- Trừ những ai biết được thiên pháp, còn lại đều thuộc về ta.

- Ngươi có muốn biết thiên pháp không?

- Có, ta muốn biết.

- Nếu như vậy, ta sẽ nói cho ngươi về thiên pháp.

- Vậy bạn hãy nói đi, ta sẽ nghe thiên pháp.

Bồ-tát nói:

- Ta có thể nó thiên pháp, nhưng tay chân đều lấm bụi.

Quỷ Dạ-xoa tắm cho Bồ-tát, cho ngài ăn, cho uống nước, cho trang sức với bông hoa, cho thoa với hương thơm và trải một tọa sàng giữa một cái rạp được trang hoàng lộng lẫy. Bồ-tát ngồi trên tọa sàng, bắt quỷ Dạ-xoa ngồi dưới chân, và nói:

- Hãy lắng tai, cẩn thận nghe thiên pháp. Ngài nói lên bài kệ này:

Ðầy đủ tàm và quý,

Chuyên tâm về bạch pháp,

An tịnh bậc chân nhân,

Ở đời gọi thiên pháp.

Dạ-xoa nghe pháp thoại này, tâm sinh tịnh tín, thưa với Bồ-tát:

- Thưa bậc Hiền trí, tôi cảm thấy tịnh tín đối với ngài và muốn cho ngài một người em. Vậy tôi đem đến người nào?

- Hãy đem đến đứa trẻ nhất.

- Thưa bậc Hiền trí, dầu ngài biết hoàn toàn thiên pháp, ngài lại không xử sự theo thiên pháp.

- Sao vậy?

- Sao ngài lại chọn người em, bỏ người anh? Ngài không kính trọng tuổi lớn hơn của nó.

- Này Dạ-xoa, ta không những biết thiên pháp, mà còn xử sự đúng thiên pháp. Chính vì đứa em ấy mà chúng ta đi vào rừng này. Chính vì hạnh phúc cho đứa em ấy mà mẹ nó xin vua cha quốc độ. Và phụ vương chúng ta từ chối, không chấp nhận lời yêu cầu, bằng lòng cho chúng ta sống ở trong rừng với mục đích bảo vệ chúng ta. Ðứa trẻ ấy không nghĩ đến trở về, đã đi theo chúng ta. Nếu như ai nghe được rằng trong rừng, một Dạ-xoa đã ăn nó rồi thì không ai có thể tin được. Chính vì sợ bị quở trách mà ta bảo ngươi đem nó cho ta.

- Lành thay, lành thay, bậc Hiền trí. Ngài không những biết thiên pháp, mà ngài còn thực hành thiên pháp.

Quỷ Dạ-xoa nói lên sự đồng tình của mình, và đem trả cả hai người em. Rồi Bồ-tát nói với nó:

- Này bạn, do kết quả việc ác ngươi làm từ trước, nên nay ngươi sinh làm Dạ-xoa, ăn thịt và máu của những người khác. Nay người lại làm điều ác nữa. Việc ác này không thể làm ngươi thoát khỏi địa ngục v.v... Do vậy, từ nay trở đi, hãy bỏ việc ác, làm việc lành...

Và Bồ-tát nhiếp phục quỷ Dạ-xoa.

Khi nhiếp phục quỷ Dạ-xoa, Bồ-tát sống ở đấy với sự bảo vệ của quỷ Dạ-xoa. Một ngày kia, nhìn lên các vì sao, biết được phụ vương đã mệnh chung, Bồ-tát đem theo quỷ Dạ-xoa về Ba-la-nại, lấy lại vương quốc, phong hoàng tử Canda làm phó vương, đặt hoàng tử Suriya làm tổng tư lệnh quân đội. Còn đối với quỷ Dạ-xoa, Bồ-tát cho làm trú xứ tại một địa điểm tốt đẹp, cho nó nhận được vòng hoa tốt nhất, các hoa tốt nhất, các đồ ăn tốt nhất. Riêng Bồ-tát trị vì theo Chính Pháp và khi mệnh chung, đi theo nghiệp của mình.

 -ooOoo-

Sau khi kể pháp thoại, bậc Ðạo Sư liền thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, Tỳ-kheo ấy chứng quả Dự lưu. Bậc Chính Ðẳng Chính Giác kể xong hai câu chuyện, kết hợp chúng với nhau, và kết luận với sự nhận diện Tiền thân như sau:

- Thời ấy, Quỷ Dạ-xoa là Tỳ-kheo có nhiều đồ vật, hoàng tử Suriya là Ànanda, hoàng tử Canda là Sàriputta (Xá-lợi-phất), và hoàng tử Mahimsàsa là Ta vậy.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6397820
Số người trực tuyến: