42. Chuyện chim bồ câu (Tiền Thân Kopata) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

42. Chuyện chim bồ câu (Tiền Thân Kopata)

Chuyện chim bồ câu (Tiền Thân Kopata)

Với người muốn mình lợi...,

Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về một Tỳ-kheo có lòng tham. Lòng tham của vị này sẽ được kể trong Chương sáu, Tiền thân Kaka (số 395). Lúc bấy giờ, các Tỳ-kheo báo cho bậc Ðạo Sư biết:

- Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo này có lòng tham.

Bậc Ðạo Sư hỏi:

- Này Tỳ-kheo, có thật như vậy chăng?

- Bạch Thế Tôn, có thật. Bậc Ðạo Sư nói:

- Thuở trước, này Tỳ-kheo, ông cũng có lòng tham. Vì lòng tham, ông đã mất mạng, và các vị Hiền trí cũng vì ông đã mất trú xứ của họ.

Nói xong, bậc đạo sư kể câu chuyện quá khứ.

-ooOoo-

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta (Phạm Thọ) trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh làm con chim bồ câu. Lúc bấy giờ, dân chúng ở Ba-la-nại ưa thích làm công đức, thường treo những ổ rơm chỗ này chỗ kia để các chú chim có nơi ẩn náu thuận tiện an ổn. Người đầu bếp của vị triệu phú Ba-la-nại cũng treo một ổ rơm tại nhà bếp. Bồ-tát sống tại đấy, buổi sáng bay đi tìm mồi ăn và chiều lại về.

Một hôm, một con quạ bay ngang qua mái nhà bếp, ngửi mùi thơm của cá muối, cá tươi, thịt chua, thịt tươi, tại chỗ ấy, nó khởi lòng tham, tự nghĩ: “Ta phải tìm cách ăn cho được cá thịt này”. Nghĩ vậy nó đậu cách đó không xa, dò xét xung quanh, nó thấy buổi chiều Bồ-tát bay về và đi vào bếp, nghĩ rằng nhờ con chim bồ câu này nó sẽ được ăn cá và thịt.

Ngày hôm sau, vào buổi sáng, nó bay lên. Khi Bồ-tát bay ra đi kiếm đồ ăn, nó bay sát theo sau khắp nơi như cái bóng. Bồ-tát nói với nó:

- Này bạn, vì sao bạn đi theo tôi?

- Thưa ngài, cử chỉ của ngài khiến tôi ưa thích. Bắt đầu từ nay, tôi xin hầu hạ ngài.

- Này bạn, món ăn của bạn khác, món ăn của tôi khác. Bạn hầu hạ tôi cũng gặp khó khăn.

- Thưa ngài, khi ngài tìm đồ ăn, tôi cũng tìm đồ ăn và tôi sẽ theo ngài.

- Thôi được, nhưng bạn phải hết sức siêng năng.

Như vậy, Bồ-tát khuyên con quạ đi tìm đồ ăn, các loại hột cỏ, hột giống. Trong khi Bồ-tát đi tìm đồ ăn, con quạ cũng đi, lật lên các miếng phấn, ăn các loại trùng, nhét cho đầy bụng, rồi đi đến Bồ-tát và nói:

- Thưa ngài, ngài dùng quá nhiều thì giờ cho việc tìm đồ ăn thật không tốt.

Khi Bồ-tát tìm đồ ăn xong, buổi chiều bay về, con quạ cũng bay theo vào nhà bếp. Người nấu bếp nói:

- Con bồ câu của chúng ta có đem một con chim khác về.

Anh ta liền treo mộ tổ rơm nữa cho con quạ. Từ đấy hai con chim câu và quạ sống với nhau. Một hôm, người ta đem đến nhiều cá và thịt cho người triệu phú. Người đầu bếp lấy cá và thịt ấy đem treo chỗ này chỗ kia trong bếp. Con quạ thấy vậy, lòng tham khởi lên: “Ta sẽ không đi tìm đồ ăn ngày mai; ta phải ăn món này!”. Đêm đến, nó nằm ngủ, vừa ngủ, vừa rên. Ngày hôm sau, Bồ-tát đi tìm mồi nói:

- Hãy đi, này bạn quạ!

- Thưa ngài, ngài hãy đi một mình. Tôi bị đau bụng!

- Này bạn, từ trước đến nay, chưa bao giờ loài quạ đau bụng. Ban đêm, trong ba canh, bốn canh, cứ mỗi canh loài quạ có bất tỉnh, nhưng khi chúng nuốt tim đèn, chúng được thỏa mãn ngay lúc ấy. Có thể bạn muốn ăn thịt và cá. Hãy đi nào, món ăn của người không thích hợp với các bạn đâu. Chớ làm như vậy, hãy đi kiếm ăn với ta.

- Thưa ngài, tôi không thể đi.

- Hành động của bạn sẽ lộ rõ, chớ để lòng tham chi phối, chớ phóng dật.

Khuyên nó xong, Bồ-tát đi kiếm ăn. Người đầu bếp cố gắng làm nhiều món thịt cá khác nhau. Lúc giở các nắp chảo để hơi nóng thoát ra, người đầu bếp đặt trên mặt chảo một cái rá lọc rồi đi ra ngoài, đứng lau mồ hôi.

Trong khi ấy, con quạ từ ổ rơm ló đầu ra, nhìn nhà bếp, biết người đầu bếp đã ra đi, tự nghĩ: “Nay ta sẽ được thỏa mãn tham vọng, sẽ được ăn thịt. Nhưng ta nên ăn miếng thịt lớn hay miếng thịt nhỏ? Với miếng thịt nhỏ, khó có thể đầy bụng mau được. Vậy ta hãy mau chóng mang miếng thịt lớn, bỏ vào ổ rơm rồi nằm ăn!”.

Quạ bay ra khỏi ổ, đậu trên cái rá lọc. Rá lọc ấy phát ra tiếng động “kil li”. Người đầu bếp nghe tiếng động, không biết cái gì, đi vào, thấy con quạ, liền nói:

- Ðây là con quạ ranh con! Mày muốn ăn thịt nấu cho vị triệu phú của ta. Ta sống làm việc gì người chủ triệu phú, chớ không vì đồ ngu như mày. Ðồ như mày có gì liên hệ với ta?

Kẻ ấy đóng cửa, bắt con quạ, nhổ sạch lông, đem củ gừng giã nhỏ với muối và cây thì là trộn với nước sữa chua, thoa lên toàn thân con quạ, rồi ném con quạ vào ổ rơm. con quạ chịu đau khổ nằm rên. Bồ-tát, buổi chiều về, thấy quạ gặp nạn như vậy liền nói:

- Ôi con quạ tham lam, vì không làm theo lời ta, vì lòng tham của ngươi, ngươi bị đau đớn lớn. Rồi Bồ-tát đọc bài kệ này:

Với người muốn mình lợi,

Với người thương tưởng mình

Có những lời khuyên bảo,

Nhưng không làm theo lời,

Như con quạ tham lam  

Không làm theo lời khuyên

Của con chim bồ câu,

Nó bị ngã rơi vào

Như rơi vào tay địch.

Bồ-tát nói xong, tự nghĩ: “Nay ta không thể ở nơi này nữa”, bèn đi một chỗ khác. Còn con quạ mạng chung ngay lúc ấy. Người đầu bếp nhặt nó từ ổ rơm và quăng nó vào đống rác.

-ooOoo-

Bậc Ðạo Sư nói:

- Này Tỳ-kheo không phải nay ông mới tham, trước kia ông cũng đã tham, do lòng tham của ông, các bậc Hiền trí đã mất trú xứ của họ.

Sau khi thuyết pháp thoại, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các sự thật. Cuối bài giảng, Tỳ-kheo ấy chứng được quả Nhất lai. Bậc Ðạo sư kết hợp hai câu chuyện với nhau, và nhận diện Tiền thân như sau:

- Lúc ấy, con quạ là Tỳ-kheo tham lam, còn con bồ câu là Ta vậy.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6317937
Số người trực tuyến: