3. Lời phụ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

3. Lời phụ

LỜI PHỤ: Chúng ta đã biết độc ác vào địa ngục. Bỏn sẻn tham lam phải làm quỷ đói. Ngu si tà kiến chịu thân bàng sanh. Phật dạy trì năm giới để được thân người, tu mười thiện được sanh lên trời.

Vào địa ngục là đi đường hỏa đồ, chịu nướng trong lò lửa, ninh trong vạc dầu. Thân quỷ là đi đường đao đồ, đối xử với nhau quanh năm bằng dao gươm dùi gậy. Bàng sanh đi đường huyết đồ, ăn tươi nuốt sống lẫn nhau. Lại còn bị loài người phanh thây xé xác, chặt đầu mổ bụng.

Được thân người tương đối đỡ khổ nhưng vẫn già bệnh chết, sinh sống nhọc nhằn, ân ái biệt ly, oán thù gặp gỡ v.v.. Được thân trời gọi là nơi sung sướng nghĩa là sáu căn suốt đời bị gây mê, đợi chờ 5 tướng suy xuất hiện để lại trở về luân hồi các nẻo.

Cứ mê muội nhận sắc thân báo chướng là mình. Nhận sáu trần do sáu căn chiếu ra là cảnh có thật ở bên ngoài. Nhận thức tình khổ vui (thọ), yêu ghét (tưởng), thiện ác (hành), phân biệt (thức) là tâm ta. Ngài Tánh Không gọi cái vô minh mê muội ấy là giếng sâu ngàn trượng. Không một sợi giây cứu tế vì chúng ta vẫn ở trong hầm vực sanh tử đó từ vô thủy. Nào có nghĩ đến giải thoát! Cho nên Tổ Sư mới phải từ Ấn Độ qua Trung Hoa thòng dây cứu vớt.

Đợi người ấy lên, tôi sẽ trả lời: Đợi khi nào ông tỉnh ra, ông sẽ tự biết. Hầm hố vô minh thật sâu nhưng không thật có. Đức Quán Tự Tại chiếu soi năm uẩn đều không, độ hết thảy khổ ách. Người té: Ngã chấp. Xuống giếng: Pháp chấp. Tu chứng rồi mới biết vô biên sanh tử từ vô thủy chỉ là giấc mộng đêm qua. Còn ở trong vô minh, chúng ta cứ đinh ninh thân bốn đại là mình. Mừng giận yêu ghét là tâm ta. Nắng mưa vinh nhục là cảnh thật hiện tại của ta. Được ngài Đàm Nguyên đánh thức, Huệ Tịch ngộ được thân và giếng đều không. Nhưng phải đến Tổ Quy Sơn mới vỡ lẽ tánh Phật của mình bản lai vẫn viên thông tự tại.

Vì thế Tịnh độ tông dạy niệm Nam mô A Di Đà Phật.

NIỆM: Nhớ đến không quên.

NAM MÔ: Quy y: quay về nương tựa.

A DI ĐÀ: Vô lượng quang. Vô lượng thọ. Vô biên công đức.

PHẬT: người đã hoàn mãn sự nghiệp giác tỉnh, không còn ở trong giấc mộng vô minh sanh tử. Cũng như đức Thích Ca, Phật A Di Đà đã thấy rõ bản lai chúng sanh nào cũng đủ đức tướng trí tuệ Như Lai. Nghĩa là ai cũng có tánh Phật (Vô Lượng Quang), không sanh không diệt (Vô Lượng Thọ), đều có khả năng thành Phật (Vô Biên Công Đức). Ngài phát 48 nguyện, đưa người niệm danh hiệu A Di Đà về cảnh giới bảo đảm quả vị Phật. Bởi vì nhận được tự tánh A Di Đà tức là “Ra rồi! Ra rồi!”.

Kinh A Di Đà chỉ đòi ở người tu một điều kiện là nhất tâm bất loạn, một lòng sống với tánh A Di Đà. Không còn loạn tưởng là không còn tơ vương đến năm uẩn (căn trần thức sanh tử). Nhà Thiền gọi là đả tâm thành một phiến. Phải quyết định buông hẳn những mơ mộng sanh tử, chiếu soi năm uẩn thật sự là không, trở về hoàn toàn với căn bản trí. Lăng Nghiêm gọi là thấy nghe bằng căn bản Bồ-đề. Kinh Pháp Hoa gọi là Phật tri kiến.

Niệm Phật A Di Đà, cầm xâu chuỗi 108 hạt là tuyệt đối sống với thật tướng diệu minh vô sanh bất diệt, không còn ở trong 108 thọ cảnh của căn trần thức.

6 căn + 6 trần = 12 ;

12x3 thọ (khổ, vui, si) = 36 ;

36x3 thời (quá khứ, hiện tại, vị lai) = 108.

 

VĂN KẾT

Dịch dịch châu chuyển,

Lãnh lãnh ngọc chân.

Dịch dịch: Theo duyên chuyển động thì hạt châu chân tánh biến đủ bốn Thánh sáu phàm.

Lãnh lãnh: Lặng lẽ thanh nhàn. Não phiền cùng từ lành đồng thể. Địa ngục rừng kiếm sánh với sắc bạch hào tướng quang. Quán Bát Nhã xét giả không thì tự an ổn. Tín ngưỡng chân không thì thấy được then chốt huyền vi của pháp giới.

Đức Địa Tạng nắm được ngọc chân rồi lại dịch dịch châu chuyển, đem diệu hữu độ quần mê:

Địa ngục chưa không, thề chẳng thành Phật. Chúng sanh độ tận, mới chứng Bồ-đề.

Ai đọc kinh Địa Tạng cũng thấy rõ ràng Bồ tát chỉ dùng hai pháp môn Ngũ giới và niệm Phật để dạy chúng sanh phá địa ngục chứng Bồ-đề.

                                                             ---------------------

CÔNG ĐỨC TRÌ GIỚI

Soạn giả: Thích Minh Thông (báo Giác Ngộ).

1. Thân nhiếp vào Tăng.

2. Khiến Tăng hoan hỷ.

3. Khiến Tăng an vui.

4. Chưa tin khiến khởi lòng tin.

5. Đã tin khiến tăng trưởng.

6. Điều phục kẻ khó điều phục.

7. Người biết thẹn hổ được an vui.

8. Đoạn hoặc lậu hiện tại.

9. Đoạn hoặc lậu vị lai.

10. Khiến chánh pháp cửu trụ.

GIẢI NGHĨA:

1/- Thâu nhiếp vào Tăng:

Giới luật là yếu tố cần thiết để một Tỳ-kheo làm mô phạm cho trời người, bước đi trên con đường giải thoát được vững chãi. Giới luật không phải là điều kiện gượng ép hay bó buộc mà hoàn toàn mang tính chất tự giác, tự phát nguyện thọ trì.

Thọ giới Tỳ-kheo là chính thức gia nhập Tăng số, là một thành viên ưu tú bước vào địa vị chúng trung tôn, một trong ba ngôi báu. Giới luật nghiêm cẩn tạo một môi trường an ổn vững vàng, bảo trì sự tồn tại của Tăng đoàn. Như thế gọi là nhiếp thủ ư Tăng (thân nhiếp vào ngôi Tăng bảo, giữ gìn cho được vững bền).

 2/- Khiến Tăng hoan hỷ:

Hương thơm của giới phẩm bay khắp mười phương. Dù ngược chiều gió vẫn lan xa. Trong kiếp sống vô minh, giới luật cần thiết như đi đêm cần đèn đuốc. Tăng già được tô đậm nét uy nghiêm thuần nhã. Uy tín ngôi Tam-bảo được nâng lên. Tai nghe mắt thấy một pháp khí, lòng người đã mừng rỡ bao nhiêu huống chi được sống chung với các Thánh nhân, thật là một hạnh phúc hiếm có.

 3/- Khiến Tăng an vui:

Tục ngữ có câu: “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ". Người xuất gia cắt ái từ thân, chung sống với các bạn đồng lý tưởng. Lỡ một Tỳ-kheo bị phiền não chế ngự, ba nghiệp theo ma. Phật bắt buộc cả đại chúng phải răn nhắc, khuyến tấn, dạy sám hối. Một người không thanh tịnh, cả chúng không được bố tát. Nếu vi phạm tới mức độ như thương tích nặng, chỉ cái cổ họng còn hơi thở, thì Tăng chúng phải hợp sức chữa trị. Nếu bị chặt đứt đầu rồi, thì chẳng những mất đi một phần-tử trong đoàn thể mà cả đoàn thể phải chung gánh chịu sự nhục mạ chê bai của thế gian. Thiếu quy củ nề nếp, giáo đoàn sẽ bị xáo trộn, trong nát rữa ngoài khinh rẻ. Nếu không chỉnh đốn kịp thời, sớm muộn cũng tan rã. Cho nên giới luật quan hệ vô cùng đến sự an ổn của đại chúng.

 4/- Chưa tin khiến khởi lòng tin:

Ngọn đuốc chánh pháp toàn do Tăng Ni thắp sáng. Đây là nơi trông mong duy nhất của những chúng sanh không nơi nương tựa. Đang bị chìm đắm trong sông mê biển khổ, vớ được con thuyền giác ngộ này, hẳn đem cả thân mạng phó thác. Đức Phật nhập diệt đã lâu. Hình ảnh toàn trí toàn năng toàn thiện nay đã phai mờ. Tỳ kheo đầy đủ oai nghi, phạm hạnh thanh tịnh, có thể thay Phật tuyên dương giáo pháp. Hình tướng đoan nghiêm của Tăng bảo phát khởi lòng tin cho chúng sanh như những người chết đuối được thấy một lái thuyển khỏe mạnh đến cứu vớt. Giới luật khiến chúng sanh tin Tăng bảo là hình ảnh sống động của đức Phật, đảm đương trách nhiệm lèo lái con thuyền giải thoát. Những bài thuyết pháp khó được hưởng ứng nếu chính người nói đã bị quần chúng miệt thị. Phải có giải pháp kiện toàn Tăng sự mới có thể khiến người chưa tin khởi lòng tin.

 5/- Đã tin khiến tăng trưởng:

Giới luật là bức chấn song vững chắc. Hành giả do đây không tạo nghiệp sa ngã. Thân miệng ý thanh tịnh thì tâm an định. Kinh thường thí dụ: Nước lặng thì ánh trăng hiện rõ. Tâm định phát tuệ. Ba vô lậu học tuy mật thiết với nhau như đỉnh 3 chân nhưng Phật vẫn cho chúng ta tập dần, bắt đầu từ giới luật. Tuệ giác của Tỳ-kheo lấy khéo trì Thánh giới làm căn bản. Người đời gieo hạt giống chánh tín vào ruộng phước Tăng bảo hẳn là đầy đủ màu mỡ để hạt giống nảy mầm và phát triển. Lòng tin càng sâu dầy vững chắc nếu được thấy Tăng Ni thanh tịnh hòa hợp, lời nói hành động đúng pháp. Họ sẽ không bị lung lay vì những phỉ báng hủy nhục của các ngoại đạo tà kiến. Nghiệp báo xấu xa của một vài cá nhân mục nát không thể khiến họ thay đổi. Từ tín căn phát sanh tín lực, họ sẽ là những hộ pháp dũng mãnh.

 6/- Điều phục kẻ khó điều phục:

Giới luật là thước đo hành vi ngôn ngữ có đúng với thể thức của một vị Tăng không? Con người ương ngạnh, không chịu nhận tội, không chịu sám hối, Tăng không điều phục được. Đức Phật dạy đại chúng yết ma đuổi đi, không dung túng giặc ở trong nhà. Theo chế độ Tăng già, những quyết nghị này sẽ được nơi nơi tôn trọng. Người vi phạm không thể có chỗ dung thân. Những ai còn có chút tâm tu hành, chịu sám hối, chịu sửa đổi, thì Tăng chúng phải khuyên can, tận tình dẫn dụ, như pháp xử trị. Ngoan cố lắm mới đành bỏ đi. Như thế gọi là điều phục người khó điều phục.

 7/- Người biết thẹn hổ được an vui

Biết thẹn hổ là biết tự trọng. Tham sân si là tánh của phàm phu. Sát đạo dâm vọng là nghiệp của thú vật. Người biết thẹn hổ tự biết mình là Phật nên chẳng để những duyên hèn làm ô lụy. Giới luật rất nghiêm chỉnh. Hơi chút vi phạm liền lo sợ như đang ôm phao nổi đi biển mà biết rằng chiếc phao của mình đã bị châm kim. Phải sám hối ngay mới an tâm. Những bậc này thấy ai sơ sót, dù chỉ chút oai nghi, cũng vội nhắc nhở. Bởi vì con mắt trí tuệ biết phao lủng không thể bền nên rất xót thương người lạc bước. Bao giờ đại chúng ai nấy đầy đủ giới luật, người biết thẹn hổ mới an vui.

 8/- Đoạn hoặc lậu hiện tại:

Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: “Vọng tâm là nguồn ác, vọng thân là rừng tội”. Tâm phàm phu đủ 8 vạn 4 ngàn phiền não. Ba độc tham sân si kích thích thân miệng ý tạo nghiệp đọa lạc. Phật đặt ra giới luật để câu thúc thân và miệng, ngăn chặn ác nhân, tránh ác quả.

 9/- Đoạn hoặc lậu vị lai:

Không được hiện hành, các chủng tử mòn dần. Văn tư tu tuệ phát triển. Như người làm vườn trồng cây thì có dại mất chỗ. Năng lực giới định tuệ vững chắc, hành giả bước lên đường giải thoát. Như thế gọi là đoạn vị lai hữu lậu.

 10/- Khiến chánh pháp cửu trụ:

Đức Thế Tôn bắt đầu chế định giới luật khi các pháp hữu lậu phát sanh trong Tăng đoàn. Các Tỳ-kheo dần dà bị danh lợi lôi cuốn, sống xa rời tinh thần giải thoát. Giới luật là hàng rào ngăn chặn những hư đốn, bảo vệ sự thanh tịnh hòa hợp khiến ngôi trụ trì Tam bảo không bị hư hủy.

Đức Phật trao vận mạng Phật Pháp cho Tăng Ni, di chúc phải vâng thờ giới luật làm Thầy. Chỉ có giới luật mới hàng phục được ma quân trong ngũ trược ác thế. Những ai có hoài bão nối thịnh dòng Thánh, đền trả 4 ân cứu giúp 3 cõi, không thể không nghiêm trì giới luật.

Nguyện cầu Tam-bảo hưng long, pháp luân thường chuyển, mười phương chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Tổ Châu Hoàng ở chùa Vân Thê tới cầu pháp ngài Biện Dung, được dạy: “Người nên giữ bổn phận. Không cầu danh lợi, đừng chạy theo duyên ngoài. Cần phân minh lý nhân quả, một lòng niệm Phật".

Các bạn đồng hành cười: “Từ ngàn dặm đến đây mong nghe giao nghĩa cao huyền, tả ra chỉ được một câu mà ai cũng đã biết".

Châu Hoằng đáp: “Đây mới là chỗ hay của Thiền sư. Biết ta từ ngàn dặm tới nên không nỡ nói huyền nói diệu để lấn lướt lòe người cầu học. Chỉ thật thà giản dị đem điều tinh yếu chính mình đã thể nhận để dặn dò".

Chẳng phải bậc đã từng kinh nghiệm như ngài Biện Dung không thể có lời dạy này.

Chẳng phải bậc chân tu như Tổ Châu Hoằng đâu biết lãnh thọ lời dạy này.

 HẾT

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6419926
Số người trực tuyến: