Cuộc đời Đức Phật qua tranh vẽ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cuộc đời Đức Phật qua tranh vẽ

Cuộc đời Đức Phật Thích Ca
 

Tiền sinh của Đức Phật là Bồ Tát Hộ Minh. Sau nhiều kiếp tu hành, Ngài làm chủ Nội Viện ở cung trời Đâu Suất. Nhận thấy quốc vương Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da của bộ lạc Thích Ca, nước Ca Tỳ La Vệ có nhân duyên nhiều kiếp làm cha mẹ, Ngài quyết định giáng thần.


Hoàng hậu Ma Da mơ thấy một chú voi trắng vòng quanh bà ba vòng rồi chui vào hông bên phải của bà. Từ đó, bà thụ thai, sinh ra đức Phật.


Vừa mới sinh ra, đức Phật đã có tướng cao quý của bậc Chuyển Luân Thánh Vương, cốt cách phi phàm, báo hiệu bậc thánh nhân xuất thế. Vua cha rất yêu quý Thái tử, làm lễ đặt tên là Tất Đạt Đa Cồ Đàm.


Vua Tịnh Phạn thỉnh nhà tiên tri A Tư Đà về hoàng cung xem tướng cho Thái tử. Xem xong, A Tư Đà bật khóc mà thốt rằng: “Với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của thánh nhân, Thái tử sau này sẽ thành bậc Giác Ngộ vĩ đại! Chỉ tiếc, khi ấy tôi đã già, không còn được nghe lời pháp giải thoát của Ngài”.


Năm lên bảy tuổi, một hôm Thái tử theo theo vua cha dự lễ cày ruộng. Nhìn thấy cảnh muôn loài xâu xé lẫn nhau, Thái tử sinh lòng thương xót. Ngài ngồi dưới tán cây, chiêm nghiệm về lẽ sống ở đời với trạng thái suy tư, dần đi vào thiền quán.

Năm 16 tuổi, Thái tử Tất Đạt Đa đã tinh thông tất cả văn chương và võ học đương thời. Mặc dù văn võ song toàn và là người tương lai kế vị ngai vàng, Thái tử cũng không hề tỏ ra ngạo mạn, huênh hoang mà luôn nhân từ nhã nhặn.
 

Năm 17 tuổi, Thái tử kết hôn với công chúa Da Du Đà La xinh đẹp, sinh được một người con trai đặt tên là La Hầu La.


Với lòng yêu người thương vật sâu sắc, luôn tươi cười và đối xử công bằng với tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, Thái tử và vợ được triều thần nể phục, nhân dân kính mến.

Một lần dạo 4 cửa thành, Thái tử chứng kiến cảnh sinh, lão, bệnh, tử của chúng sinh cùng dáng vẻ trang nghiêm thoát tục của một vị Sa môn ẩn dật. Từ đó, Thái tử thấm thía nỗi khổ đau của kiếp nhân sinh và nhận ra con đường giải thoát chính là tu tập.


Về cung, Thái tử nhìn thấy dáng vẻ mệt mỏi rã rời của những vũ nữ lúc tiệc tàn và nhận ra sự phù phiếm, trụy lạc của cuộc sống xa hoa. Lòng suy tư càng trĩu nặng. Ngài quyết định xin phép vua cha xuất gia tìm cách giúp chúng sinh thoát khổ.


Chí nguyện xuất gia tìm đạo của Thái tử không được vua cha chấp nhận. Vì thế, khi màn đêm bao trùm khắp kinh thành, mọi người còn ngủ say, Thái tử lặng lẽ từ biệt vợ con, rời khỏi cung điện.


Thái tử cưỡi trên lưng chú ngựa Kiền Trắc, theo sau là người hầu Xa Nặc vượt dòng A Nô Ma, quyết chí xuất gia tầm đạo, cứu độ chúng sinh, đoạn diệt phiền não đau khổ, sinh tử luân hồi.


Bên bờ sông A Nô Ma, Tất Tạt Đa tự tay cắt mái tóc xanh, cởi hoàng bào đưa cho Xa Nặc đem về hoàng cung dâng vua cha tạ tội.


Trong quá trình tu hành khổ hạnh, mỗi ngày Tất Đạt Đa chỉ ăn một hạt mè, một hạt gạo cho đến khi kiệt sức. Một hôm, Ngài chợt hiểu rằng tu theo lối khổ hạnh ép xác thì không thể tìm ra con đường giải thoát. Tu theo trung đạo mới là cách thực tiễn, hợp lý và hữu ích giúp dẫn đến sự giải thoát hoàn toàn.


Tất Đạt Đa đến dòng Ni Liên tắm gội sạch sẽ, sau đó ngồi tu tập dưới gốc cây Bồ Đề. Buổi sáng ngày Tất Đạt Đa giác ngộ, mục nữ Tu Xa Đề dâng bát cháo sữa cuối cùng cho Ngài.


Dùng cháo xong, Tất Đạt Đa đi tới bờ sông Ni Liên, thả chiếc bát xuống dòng nước và nói: “Nếu ta được chứng thành Phật quả thì chiếc bát này sẽ nổi trên mặt nước và trôi ngược dòng sông”. Quả thật từ từ, chiếc bát trôi ngược dòng nước chảy.


Trở lại dưới gốc cây Bồ Đề, đức Phật ngồi thế kiết già, phát đại nguyện: “Dù cho thịt nát xương tan, nếu không tìm ra chính đạo, ta quyết không rời khỏi cội cây này”. Ngài nhận được 6 quyền năng tối cao, có thể nhìn thấy sự tái sinh của vạn vật và nhớ lại những kiếp sống trước đây của mình.


Trên đỉnh đầu đức Phật xuất hiện vầng hào quang rạng rỡ. Màn đêm buông xuống, Ngài nhìn thấy rõ bản thể của vũ trụ và mọi nguồn gốc của khổ đau. Khi ánh ban mai vừa ló rạng, Ngài đã thấu suốt được “Tam Minh”, chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.


Ma Vương sai ba con gái của mình là Ái Dục, Bất Mãn và Tham Vọng dùng sắc đẹp quyến rũ đức Phật, rắp tâm khiến ngài lung lay ý chí. Thế nhưng, đức Phật không hề quan tâm, vẫn điềm nhiên ngồi bất động.

 
Vào tuần thứ 3 sau khi đức Phật đạt Giác ngộ, Long Thần hiện thân, che mưa chắn gió cho Đức Phật trong khi Ngài nhập định.


Quan sát căn tính của cõi nhân gian, Đức Phật nhận thấy chúng sinh căn lành ít, bướng bỉnh khó giáo hóa, thấy khổ nhưng không muốn thoát khổ, chưa đủ lòng tin để tiếp nhận giáo pháp. Hiểu ý Phật, vua trời Đại Phạm (Phạm Thiên) đến dâng hoa cúng dường, thỉnh Đức Phật thuyết pháp. Cảm lòng thành khẩn của vua Trời, Đức Phật đồng ý hóa độ chúng sinh.


Đức Phật rời khỏi cội Bồ Đề, đến vườn Lộc Uyển xứ Ba La Nại. Ngài chuyển pháp luân khai thị bốn chân lý nhiệm màu Khổ, Tập, Diệt, Đạo cho năm anh em Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thập Lực Ca Diếp, Ma Ha Nam và Bạc Đề. Kể từ đây ngôi Tam Bảo thường trụ thế gian đã hình thành.


Đức Phật hướng dẫn đệ tử tu tập, sống cuộc đời đơn giản, du hành khắp nơi và tùy cơ giáo hóa chúng sinh. Nhờ thế, từ khi ngôi Tam Bảo được hình thành, ánh sáng tỉnh thức từ lời dạy của đức Phật dần lan tỏa khắp muôn nơi.


Nghe tin con trai mình đã tìm ra được đạo giải thoát, chứng thành quả Phật, vua Tịnh Phạn liền phái sứ giả đến thỉnh đức Phật về cung, giáo hóa mọi người ở Ca Tỳ La Vệ. Vì muốn báo đáp hiếu ân, thăm lại vua cha, đức Phật dẫn chư Tăng cùng đến kinh thành Ca Tỳ La Vệ.


Đức Phật thăm lại quê hương và gặp lại vợ là Da Du Đà La. Trong thời gian 7 ngày ở lại kinh thành Ca Tỳ La Vệ, Đức Phật thuyết pháp giáo hóa cho những người từ hoàng thân quốc thích đến hàng thứ dân. Đối với ai, Ngài cũng dùng tâm bình đẳng không phân biệt mà kiếp độ, hướng dẫn cho họ theo con đường giác ngộ giải thoát.


Con trai đức Phật là La Hầu La xin được xuất gia. Đức Phật bèn mang con trai tới chỗ Tôn giả Xá Lợi Phất tôn sư học đạo.


Nhà vua Tịnh Phạn bệnh nặng, khó qua khỏi. Trước lúc vua lâm chung, đức Phật nắm tay người, thuyết giảng giáo pháp, giúp vua cha chứng quả, thoát khỏi khổ đau phiền não. Sau khi vua cha băng hà, Đức Phật tự mình khiêng quan tài, làm tròn đạo hiếu. Dì mẫu của Phật và Da Du Đà La xin được xuất gia, trở thành những tỳ kheo ni đầu tiên.

Nhận lời thỉnh cầu của Chư Thiên, đức Phật đã dùng thần thông lên cung trời Đao Lợi giảng kinh Địa Tạng, thuyết pháp cho Chư Thiên. Nhờ vậy, nhiều Chư Thiên hiểu rõ lý đạo, tập hạnh giải thoát.


Sau khi thuyết pháp tại cung trời, Đức Phật dùng cầu thang từ cõi trời trở lại nhân gian. Chư Thiên cung kính vây quanh Ngài.


Có vị vương tử tên Nan Đà, tham luyến sắc đẹp, ham muốn giàu sang. Đức Phật bèn đưa Nan Đà lên cõi Trời ngắm dung mạo đẹp tuyệt trần của các tiên nữ, dẫn ông xuống địa ngục để nhìn thấy cảnh khổ nóng bức của người tham đắm sắc dục, mê muội lợi danh. Vương tử nhận ra giá trị sự thật của con người, sắc đẹp giàu sang cũng chỉ là trò đời hư ảo, từ đó phát tâm xuất gia.


Năm tròn 80 tuổi, Đức Phật nhận định sự nghiệp thuyết pháp, giáo hóa độ sinh của Ngài đã hoàn thành. Thời điểm đã đến để Ngài nhập Niết bàn.


Đức Phật cố tình chấp nhận thức ăn có độc do Thuần Đà cúng dường và phát bệnh, tỏ ý nhắc nhở đệ tử về lẽ vô thường trong cuộc sống.


Không lâu sau đó, Đức Phật tịch diệt và nhập Niết bàn ở một thị trấn nhỏ của thành Câu Ty Na. Trước lúc ra đi, Ngài dặn dò chúng đệ tử: “Phải nương theo Giới Luật làm thầy, hãy tự mình thắp đuốc mà đi”.



 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328002
Số người trực tuyến: