6. Phẩm ác hữu thứ sáu | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

6. Phẩm ác hữu thứ sáu

Phẩm ác hữu thứ sáu

Bấy giờ đại chúng vây quanh Đức Thế Tôn, cúng dàng cung kính, tôn trọng tán thán. Khi ấy Đức Như Lai vui vẻ mỉm cười, rồi từ trên trán phóng ra một vừng hào quang Đại bi bốn màu: Xanh, vàng, đỏ, trắng, chiếu khắp mười phương, trên từ cõi trời Sắc Cứu Kính, dưới đến mười tám của địa ngục. Khi tia hào quang chiếu vào cái thân đau đớn, khổ não của Đề Bà Đạt Đa, thì lập tức Đề Bà Đạt Đa được yên vui bình thản.

Lúc đó đại chúng đồng thanh ca ngợi Đức Như Lai rằng:

- Quý hóa thay! Quý hóa thay! Đức Thế Tôn thật là một Đấng Đại từ, Đại bi, đối với kẻ oán, người thân, tâm thường bình đẳng. Đề Bà Đạt Đa lúc nào cũng mang lòng thâm độc, toan hãm hạ Như Lai, thế mà Đức Thế Tôn không những đã chẳng lo sợ, oán giận, mà còn rủ lòng thương xót, phóng hào quang Đại bi, chiếu vào Đề Bà Đạt Đa cho được yên vui bình thản.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo đại chúng rằng:

- Không phải chỉ ở kiếp này Đề Bà Đạt Đa thường mang lòng hại ta, mà trong kiếp quá khứ xa xưa, Đề Bà Đạt Đa cũng thường muốn hại ta, nhưng ta cũng lấy lòng từ bi mà tha thứ và cứu độ cho.

Lúc ấy Ngài A Nan thấy trong lòng đại chúng đều có chỗ ngờ, mới từ chỗ ngồi đứng dậy, để hở vai áo bên phải, đầu gối bên phải quỳ sát đất gối bên phải quỳ sát đất, chấp tay bạch Phật rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn! Trong kiếp quá khứ Đề Bà Đạt Đa thường mang lòng hại Phật, việc đó như thế nào?

Phật bảo Ngài A Nan:

- Ông hãy nghe cho kỹ, tôi sẽ vì ông mà nói rõ ràng việc đó. Ở thời quá khứ, cách đây không biết bao nhiêu năm, có một nước gọi là Ba La Nại. Trong nước ấy có một vị Phật ra đời, hiệu là Tỳ Bà Thi Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sỹ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, Phật Tỳ Bà Thi ở đời giáo hóa được mười nghìn năm thì nhập diệt. Chính pháp của Ngài lưu truyền được mười hai nghìn năn, thì bắt đầu sang thời kỳ Tượng pháp.

Sau thời kỳ Tượng pháp, nước Ba La Nại có ông Vua tên là Ma Ha La Xà. Vua rất thông minh và nhân đức, lấy chính pháp trị nước, không bóc lột nhân dân. Vua làm bá chủ mười sáu nước nhỏ, tám trăm thôn ấp; có năm trăm voi trắng và hai vạn phu nhân, nhưng không có con. Vua Ma Ha La Xà mới làm lễ kỳ đảo các vị Thần sông ngòi, núi rừng và cây cối để cầu tự. Cứ như thế ròng rã trong mười hai năm, thì hai bà đệ nhất và đệ nhị phu nhân đều mang thai. Được biết tin ấy, Vua hết sức vui mừng, rồi tự tay chăn sóc các thức ăn uống, giường mùng cho hai bà phu nhân, khiến cho đều được như ý. Sau mười tháng, đệ nhất phu nhân sinh ra Thái tử, thân hình đầy đặn, tướng mạo khôi ngô và sắc diện đoan trang. Đệ nhi phu nhân cũng sinh được một trai. Vua thấy sung sướng vô cùng, liền triệu tập các quan văn, võ, các nhà xem tướng và các thầy Bà La Môn để xem tướng và đặt tên cho hai Thái tử.

Thầy tướng hỏi:

- Khi sinh Thái tử, có điềm gì khác lạ không?

Vua đáp:

- Bà mẹ của Thái tử thứ nhất xưa nay tính tình vốn xấu xa hay giận dữ, ghen ghét, tự kiêu, tự đại, nhưng từ khi sinh Thái tử thì tính tình khác hẳn: Hòa nhã, vui vẻ, rộng lượng, khiêm tốn và lúc nào cũng tươi cười; gặp ai cũng dùng lời từ tốn thăm hỏi và thương yêu mọi người như mẹ thương con

Thầy tướng nói:

- Đó là do cái phúc đức của đứa trẻ này mà khiến cho cha mẹ thay đổi như thế. Vậy nên đặt tên là Thiện Hữu Thái tử.

Thầy tướng lại hỏi:

- Thế còn đệ nhị phu nhân khi sinh Thái tử có điều gì khác lạ không?

Vua đáp:
-Đệ nhị phu nhân xưa nay tính tình vốn hiền hậu, vui vẻ, nói năng dịu dàng, ai cũng quý mếm, nhưng từ khi mang thai thì tính nết đột nhiên thay đổi: Cáu kỉnh, oán hờn, ghen tỵ, và hay chửi rủa.

Thấy tướng nói:

- Đó là do cái nghiệp báo của đứa trẻ này khiến cho bà mẹ thay đổi như thế. Vậy nên đặt tên là Ác Hữu Thái tử.

Từ đó hai Thái tử dần dần khôn lớn, cho đến năm mười bốn tuổi thì Thiện Hữu Thái tử tỏ ra rất thông minh và nhân từ, hay bố thí cho những người nghèo khó, nên cha mẹ rất thương yêu, quý chuộng. Còn Ác Hữu Thái tử thì tính khí hung bạo, cha mẹ thường ghét, không muốn nhìn mặt, nên Ác Hữu mang lòng ghen ghét với anh, hay gây sự bất hòa, sinh tâm hờn giận và chỉ muốn làm hại anh. Một hôm Thiện Hữu Thái tử cùng với đoàn người tùy tùng ra ngoài thành du ngoạn. Thái tử thấy người cầy ruộng, lưỡi cầy đưa đến đâu thì côn trùng dưới đất chạy ra và lập tức bị những chim chóc mổ ăn. Thái tử thấy thế, bùi ngùi thương xót và vốn sinh trưởng trong thâm cung chưa hề thấy việc ấy, nên mới hỏi người tùy tùng rằng:

- Tại sao những con vật lại giết hại lẫn nhau vậy? Và tại sao người kia phải làm việc vất vả như thế?

Người tùy tùng đáp:

- Sỡ dĩ Thái tử có đất nước là nhờ ở nhân dân; nhân dân có là nhờ sự ăn uống, sỡ dĩ có cái ăn uống là nhờ ở sự cày cấy, trồng trọt các thứ thóc lúa để nuôi sống con người.

Nghe xong, Thái tử tỏ vẻ buồn rầu thương cảm. Rồi đi được một khoảng đường nữa, lại thấy một bọn người, cả đàn ông lẫn đàn bà đang dệt vải, mồ hôi nhễ nhại, trông có vẻ mệt nhọc. Thái tử lại hỏi:

- Những người kia làm gì thế?

Tùy tùng thưa rằng:

- Thưa Thái tử, họ đang dệt vải để may quần áo cho mọi người che đậy thân thể và ngừa sự rét mướt.

Thái tử tự nghĩ: Vì miếng cơm ăn manh áo mặc mà con người phải vất vả như vậy. Đi thêm một quãng nữa lại thấy người ta đang lột da những con trâu, con ngựa và chọc tiết heo, dê, Thái tử liền hỏi:

- Bọn người kia đang làm gì mà lại xâu xé những con vật thế kia?

Tùy tùng trả lời:

- Họ là những người đồ tể, bán thịt để mưu sinh.

Nghe xong, Thái tử có vẻ kinh sợ và nói:

- Lạ thay, sao người ta có thể bất nhẫn như thế được, cậy mạnh hiếp yếu, sát sinh để mưu sinh mà gây nên oan trái rồi đền trả nhau trong bao nhiêu kiếp.

Rồi đi được một quảng đường nữa, lại gặp một bọn người bẫy chim, bắt cá, hà hiếp kẻ vô cớ, người khỏe bắt nạt kẻ yếu, Thái tử lại hỏi:

- Bọn người kia là gì vậy?

- Thưa Thái tử, họ đang bẫy chim, bắt cá để đổi lấy miếng cơm ăn manh áo mặc.

Nghe xong, Thái tử buồn rầu, rơi lệ, thương cho chúng ở đời toàn tạo những nghiệp ác, để rồi phải chịu những quả khổ vô cùng. Thái tử thấy lòng thương xót không nguôi, liền sai quay xe trở về cung điện.

Khi về đến cung, Vua cha thấy Thái tử có vẻ ưu tư, sầu khổ, mới hỏi nguyên do, thì Thái tử đem hết những việc đã được mục kích trong khi du ngoạn ngoài thành, thuật lại cho Vua cha nghe. Vua nói:

- Đó là những việc tự nhiên; không thể tránh được vậy con không nên buồn rầu, hại cho sức khỏe.

Thái tử nói:

- Nay con muốn xin Phụ vương một việc, Phụ vương có vui lòng cho con không?

Vua nói:

- Con là người con yêu quý của cha, vậy ý con muốn điều gì cứ nói, cha sẽ cho con được toại nguyện.

Thái tử thưa:

- Con muốn xin tất cả những kho tàng của cải và lương thực của Phu vương để bố thí cho hết thảy mọi người.

Vua trả lời:

- Tuỳ ý con muốn, cha không hối tiết.

Bấy giờ, Thiện Hữu Thái tử mới sai quan giữ kho mở các của kho và dùng năm trăm con voi lớn chở các thứ của báu ra bốn cửa thành
truyền cho nhân dân khắp trong nước ai cần thức ăn, áo mặc và của cải, cứ tự ý đến mà lấy. Lúc đó danh tiếng của Thái tử lừng lẫy tám phương. Dân chúng khắp nơi kéo đến và chỉ trong một thời gian ngắn đã hết hai phần ba của cải trong các kho tàng. Viên quan coi kho liền vào tâu Vua rằng:

- Tâu Bệ hạ! Thái tử đã cho hết hai phần ba của cải trong các kho, xin Bệ hạ hãy nghĩ lại.

Vua nói:

- Không nên làm trái ý Thái tử.

Một lúc sau các quan lại họp nhau để bàn bạc và cho rằng: Sở dĩ Quốc gia được hưng thịnh là nhờ vào các kho tàng, nay kho tàng hết sạch của cải, thì Quốc gia lâm nguy. Bàn xong, các quan lại vào tâu Vua:

- Tâu Bệ hạ! Thái tử đã dùng hết hai phần ba của cải trong kho tàng, xin Bệ hạ can ngăn Thái tử.

Vua trả lời:

- Trẵm không dám là trái ý con trẵm, vậy các khanh hãy từ từ tìm cách can ngăn Thái tử.

Hôm sau Thiện Hữu Thái tử vào kho thì không thấy quan giữ kho đến mà cửa kho thì khóa chặt. Thái tử sai người đi mời quan giữ kho, nhưng không gặp. Thái tử tỏ vẻ bực mình:

- Sao viên quan coi kho mà dám làm trái ý ta? Hay Phụ vương ta đã ra lệnh như vậy?

Nói xong, Thái tử sực tỉnh lại, liền tự nghĩ rằng: “Người con có hiếu thảo, không nên phá tán của cải của cha mẹ, ta hãy tự tìm lấy của báu để bố thí chúng sinh. Nếu ta không thể cấp dưỡng đầy đủ thức ăn, áo mặc cho hết thảy chúng sinh được như ý, thì sao có thể gọi là con của một vị Đại vương?”

Nghĩ như thế rồi, Thái tử mới triệu tập các quan văn võ để thảo luận. Thái tử hỏi:

- Người ta làm nghề gì thì kiếm được nhiều của nhất?

Vị đệ nhất Đại thần thưa:

- Ở đời, muốn được giầu có trước hết là phải cày cấy trồng trọt, vì mất ít vốn mà lại được nhiều lời.

Vị Đại thần khác lại thưa:

- Cái nghề đưa lại nhiều lợi tức nhất là nghề chăn nuôi, là vì súc vật sinh nở rất mau.

Lại có một vị Đại thần nữa nói:

- Ai muốn trở nên đại phú thì phải xuống biển tìm các thứ bảo vật. Nếu được viên ngọc Ma Ni Bảo Châu thì tha hồ mà cấp dưỡng cho hết thảy chúng sinh, khiến cho đều được đầy đủ như ý muốn.

Thiện Hữu Thái tử nói:

- Duy có cách ấy là hợp ý ta nhất.

Lập tức Thái tử cho các quan giải tán rồi vào cung tâu với Vua cha:

- Nay con muốn xuống biển tìm các thứ bảo châu, xin Phụ vương chấp thuận.

Nghe lời nói ấy, như sét đánh bên tai, nhà Vua nghẹn ngào nói với Thái tử:

- Giang sơn đất nước này và kho tàng của báu kia đều thuộc quyền sở hữu của con, tùy ý sử dụng, hà tất phải xuống biển tìm châu báu? Con vốn sinh trưởng trong thâm cung, sống trên nhung lụa, nay phải dãi dầu sương gió, đói khát nóng lạnh, lấy ai săn sóc. Hơn nữa, giữa biển cả mênh mông, bao nhiêu tai nạn, nào ác quỷ độc long, sóng dồn gió dập, nước xoáy đá ngầm, cá kình cá mập, nghìn vạn người ra đi , chỉ một vài người đến đích. Nay con lại xin xuống biển thì việc ấy cha không thể cho được.

Lúc đó, Thiện Hữu Thái tử liền nằm phủ phục xuống đất mà tâu với Vua cha rằng:

- Nếu cha mẹ không cho con được xuống biển tìm châu thì con sẽ bỏ mệnh nơi đây chứ trọn không đứng dậy.

Bấy giờ, nhà Vua và các phu nhân thấy như thế, thì mắt nhìn nhau mà không nói nên lời. Một lúc sau mới đến khuyên giải Thái tử rằng;

- Con hãy dậy ăn uống đi.

Thái tử nói:

- Nếu Cha mẹ không cho con được toại nguyện, con nhất định sẽ chết nhịn đói đến chết.

Vua cha và các phu nhân âu sầu khổ não, khóc lóc thảm thương, cứ như thế cho đến trọn một ngày mà Thái tử cũng không ăn uống. Rồi hai ngày, ba ngày cho đến sáu ngày trôi qua, Thái tử cũng không hề lay chuyển. Cha mẹ lo sợ quá nên đến ngày thứ bảy mới vỗ về khuyên nhủ Thái tử:

- Con hãy dậy ăn uống đi! Cái thân này nhờ có ăn uống mới sống được, nếu không ăn uống thì tất phải chết.

Thái tử nói:

- Nếu cha mẹ nhất định không cho con xuống biển tìm châu thì con sẽ chết tại đây, không bao giờ đứng dậy.

Bấy giờ bà đệ nhất phu nhân tâu Vua rằng:

- Con nó quyết chí như thế, thì khó có thể làm lay chuyển được. Vậy nỡ nào ta nhìn con bỏ mệnh nơi đây? Vậy xin Bệ hạ hãy rủ lòng thương mà cho con xuống biển thì may ra còn hy vọng phần nào trong muôn một, chứ nếu không cho thì chắc chắn con nó sẽ chết ngay đây.

Nhà Vua thấy không thế nào ngăn cản nổi, nên đành phải bằng lòng. Bấy giờ Thiện Hữu Thái tử đứng dậy vui mừng, lễ chân phụ vương. Các cung phi thể nữ và trăm nghìn người xung quanh đều hỏi nhau:

- Thái tử còn sống hay chết?

Vua trả lời:

- Hôm nay Thái tử đã trở dậy, vui vẻ ăn uống như thường.

Vua hỏi Thái tử:

- Mục đích con muốn xuống biển tìm của báu gì?

Thái tử trả lời:

- Tâu Phụ vương, con muốn tìm cho được viên ngọc Ma ni bảo châu để cấp dưỡng cho hết thảy chúng sinh, khiến cho không còn thiếu thốn.

Bấy giờ nhà Vua mới truyền lệnh khắp trong nước, nói rằng:

- Thiện Hữu Thái tử muốn xuống biển tìm ngọc Ma ni bảo châu, nếu ai chịu đi với Thái tử thì khi trở về, ta sẽ ban cho của cải dùng trong bảy đời không phải thiếu thốn. Ta sẽ sắm đầy đủ thuyền bè và cung cấp lương thực đi đường? Khi nghe lệnh ấy, năm trăm người vui mừng tụ họp, rồi đến tâu Vua:

- Muôn tâu Bệ hạ! Chúng tôi xin tình nguyện đi theo Thái tử.

Thuở bấy giờ, ở nước Ba La Nại, có một nhà hàng hải rất thông thạo các đường biển nhưng đã tám mươi tuổi, nên mắt đã mờ. Vua Ba La Nại, đến tận nơi nói với nhà hàng hải rằng:

- Trẫm chỉ có một người con, từ xưa chưa hề đi đâu, mà nay lại muốn xuống biển tìm ngọc, nên Trẫm đến cảm phiền khanh cùng đi để hướng dẫn con Trẫm.

Nghe Vua nói thế, nhà hàng hải quá xúc động nên cất tiếng khóc, rồi tâu Vua rằng:

- Tâu Bệ hạ! Giữa biển cả mênh mông, có rất nhiều nguy hiểm và gian khổ, muôn nghìn người ra đi mà chỉ có một vài người đến đích, tại sao Bệ hạ lại để cho Thái tử dấn thân vào con đường hiểm nghèo như vậy?

Vua nói:

- Thái tử quyết chí xin đi, Trẫm đã nhiều ngày khuyên giải mà Thái tử không nghe. Cho nên, vì quá thương con mà Trẫm không dám làm trái ý Thái tử. Nghe xong, nhà hàng hải phải tuân theo mệnh lệnh nhà Vua để cùng đi với Thái tử.

Bấy giờ Thiện Hữu Thái tử chuẩn bị hành trang đầy đủ cho năm trăm người rồi sai người chở ra bãi biển. Lúc đó em Thái tử là Ác Hữu tự nghĩ rằng: “Xưa nay cha mẹ thường yêu quý Thiện Hữu hơn ta, nay Thiện Hữu lại đi ra biển tìm ngọc báu, nếu ngày kia được ngọc đem về, thì chắc chắn cha mẹ lại càng yêu quý Thiện Hữu hơn nữa mà ghét bỏ ta.” Nghĩ như thế rồi, Ác Hữu Thái tử liền đến xin nhà Vua, cho phép cùng đi với Thiện Hữu xuống biển tìm châu. Vua nói:

- Tùy ý ngươi. Giữa đường nếu gặp tai nạn thì anh em phải che chở cho nhau.

Lúc tới biển, Thiện Hữu Thái tử dùng bảy cái neo, neo thuyền lại bảy ngày trước khi ra khơi. Mỗi buổi sáng, khi mặt trời vừa mọc, Thiện Hữu Thái tử đánh một hồi trống rồi tuyên bố rằng:

- Tất cả mọi người, ai muốn xuống biển thì cứ mặc nhiên, nếu ai còn quyến luyến cha mẹ, vợ con, anh em và các thú vui ở đời, thì hãy nên trở về, chứ đừng vì tôi mà đi theo. Tại sao vậy? Vì giữa biển cả mênh mông, có nhiều tai nạn, trong muôn nghìn người đi thì chỉ một vài người đến đích.

Trong khi tuyên bố như thế, nếu tất cả mọi người đều giữ mặc nhiên, thì nhổ một chiếc neo mà gác lên mạn thuyền. Ngày nào cũng tuyên bố như thế cho đến ngày thứ bảy thì tất cả bảy chiếc neo đều được nhổ lên và bắt đầu giương buồm cho thuyền ra khơi.

Nhờ phúc đức và lòng từ bi của Thái tử nên mọi nguời đã vượt qua biển cả mà đến được núi Trân Bảo bình an vô sự. Khi đến nơi, Thiện Hữu Thái tử liền đóng một hồi trống rồi tuyên bố rằng:

- Các ngươi nên biết, đường sá xa xăm, nay đã đến nơi, vậy các ngươi phải mau mau thu lượm lấy của báu mà trở về, càng sớm càng hay. Nhưng của báu ở đây rất nặng và quý giá, ở cõi Diêm Phù Đề không có vật gì sánh kịp, vậy các ngươi đừng có tham lam chở nhiều, sợ nặng quá mà thuyền đắm giữa dòng, không về đến nơi, thì thật là uổng công khó nhọc.

Dặn dò xong xuôi, Thái tử cùng mọi người chia tay, nói rằng:

- Các ngươi cứ yên tâm trở về, ta còn đi nữa để tìm cho được ngọc Ma ni bảo châu.

Bấy giờ, Thiện Hữu Thái tử và nhà hàng hải hướng đạo tiến lên, đi được bảy ngày thì đến một chỗ nước chỉ sâu đến đầu gối; lại đi bảy ngày nữa thì đến một chỗ nước sâu đến cổ; lại tiến thêm bảy ngày nữa, vượt qua một lớp phù sa thì đến một bãi biển, mà cát toàn bằng bạch ngân. Người hướng đạo hỏi:

- Đất này bằng thứ gì?

Thái tử đáp:

- Đất này toàn bằng bạch ngân.

Người hướng đạo lại nói:

- Thái tử hãy nhìn xa ra bốn phía xem có dãy núi Bạch Ngân nào không?

- Phía Đông Nam có một dãy núi Bạch Ngân xuất hiện.

- Con đường này sẽ dẫn đến chân dãy núi ấy.

Khi tới núi Bạch Ngân rồi, người hướng đạo nói với Thái tử:

- Bấy giờ ta nên đến núi Kim Sơn.

Nhưng lúc đó người hướng đạo cảm thấy mỏi mệt, kiệt sức, liền nằm xuống và nói với Thái tử:

- Tôi thấy trong người yếu quá, chắc không được bao lâu nữa tôi sẽ bỏ mạng nơi đây. Vậy Thái tử hãy hăng hái lên, từ đây đi về phía Đông chừng bảy ngày nữa, sẽ tới núi Kim Sơn, rồi từ núi Kim Sơn đi bảy ngày nữa sẽ đến một nơi mà đất toàn bằng hoa sen đỏ thắm, đi qua nơi này, thì đến một cái thành Thất Bảo, nền thành toàn bằng hoàng kim, lầu gác bằng bạch ngân, những tấm bình phong bằng ngọc san hô đỏ, những lưới trân châu mắc phía trên, bảy lần hào lũy toàn bằng lưu ly. Đó là thành của Đại Hải Long Vương. Trong tai bên phải của vị Long Vương ấy có một viên ngọc Ma Ni Như ý Bảo Châu. Thái tử nên đến mà xin. Nếu được viên ngọc ấy, thì có thể làm cho khắp cõi Diêm Phù Đề đầy đủ các thứ của báu, thức ăn, áo mặc, thuốc thang và ca nhạc vui tươi. Nói tóm lại, hết thảy chúng sinh cần cái gì là tùy ý được thỏa mãn, cho nên gọi là Như Ý Bảo Châu. Nếu Thái tử được viên ngọc ấy thì chắc chắn sẽ được toại nguyện xưa. Nói xong, người hướng đạo trút hơi thở cuối cùng.

Bấy giờ, Thiện Hữu Thái tử ôm lấy xác người hướng đạo mà khóc lóc thảm thiết. Người hướng đạo chết đi, Thái tử đã mất một người tin cậy. Sau khi phủ cát vàng mai táng cho nhà hàng hải, Thiện Hữu Thái tử đi nhiễu bảy vòng, làm lễ rồi từ biệt.

Từ đấy, Thái tử đi thẳng đến núi Kim Sơn, qua núi Kim Sơn thì thấy hoa sen màu sanh mọc khắp mặt đất. Dưới những bông sen, có nhiều rắn độc cũng màu xanh. Loại rắn đó rất độc cũng màu xanh. Loài rắn đó rất độc hại: Nó cắn cũng chết, chạm xát vào nó cũng chết, và nó phun nọc độc cũng chết. Những con rắn độc đó quấn lấy cuống bông sen, giương mắt le lưỡi mà nhìn Thái tử. Lúc đó Thiện Hữu Thái tử liền nhập Từ bi quán, rồi nhờ năng lực Từ bi dẫm lên hoa sen mà đi, thẳng tới cung điện Long Vương, mà những rắn độc không hề cắn hại. Bốn bên cung điện Long Vương có bảy lần hào lũy, trong các hào lũy ấy rất nhiều rồng độc, mình quấn lấy nhau, giao đầu nhìn nhau mà giữ cửa thành.

Khi Thiện Hữu Thái tử đến ngoài cửa thành thì thấy toàn rồng độc. Thái tử liền vận dụng từ tâm và tự nghĩ rằng: “Nếu cái thân ta đây mà bị những con rồng độc kia sát hại, thì hết thảy chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề đều sẽ mất lợi ích lớn. Bấy giờ Thái tử giơ tay phải lên, bảo những con rồng độc rằng:

- Các ngươi nên biết, ta nay vì hết thảy chúng sinh, muốn được yết kiến Long Vương.

Ngay lúc ấy, tất cả các rồng độc mở đường cho Thái tử đi qua. Thái tử đi hết lần hào lũy thứ bảy thì đến cửa thành. Ở đây, Thái tử thấy hai người ngọc nữ, phục sức bằng nhung tơ, yểu điệu thướt tha. Thái tử mới hỏi:

- Các ngươi là ai?

Ngọc nữ trả lời:

- Chúng tôi là những tỳ nữ của Long Vương, có bổn phận giữ cửa thành ngoài.

Đoạn Thái tử tiến vào cửa giữa, lại thấy bốn người ngọc nữ phục sức toàn bằng bạch ngân. Thái tử hỏi:

- Có phải các tiểu thư là cung phi của Long Vương không?

Ngọc nữ trả lời:

- Không phải. Chúng tôi chỉ là tỳ nữ của Long Vương, có phận sự canh gác cửa giữa thành.

Thái tử lại vào cửa trong thấy tám nàng ngọc nữ, phục sức bằng hoàng kim. Thái tử hỏi:

- Các tiểu thư là người thế nào?

Ngọc nữ trả lời:

- Chúng tôi là tỳ nữ giữ cửa của Long Vương.

Thái tử nói:

- Các tiểu thư hãy vì tôi vào báo cho Đại Hải Long Vương biết là có Thiện Hữu Thái tử, con Vua nước Ba La Nại, ở cõi Diêm Phù Đề muốn được yết kiến Long Vương.

Các ngọc nữ liền vào tâu Long Vương. Long Vương nghe xong lấy làm lạ, mới tự nghĩ rằng: “Nếu không phải là con người có đầy đủ phước đức và thiện tâm thì không thể nào vượt qua được những khoảng đường xa xăm đầy nguy hiểm mà đến đây được.” Nghĩ như thế rồi, Long Vương mới ra tận cửa để đón rước Thiện Hữu Thái tử vào cung.

Cung điện của Long Vương toàn bằng lưu ly, giường nằm, tòa ngồi làm bằng thất bảo, ánh sáng chói ngời, nhìn vào lóa mắt. Long Vương mời Thiện Hữu Thái tử ngồi, rồi cùng chuyện trò. Nhân đó, Thái tử thuyết pháp cho Long Vương nghe, nói về công đức của sự bố thí, cúng dàng và phúc báo ở cõi người và cõi trời. Nghe xong, Đại Hải Long Vương thấy lòng vui sướng, mới hỏi Thái tử:

- Người đã vượt bao nhiêu trùng dương đến đây, mục đích muốn tìm vật gì?

Thái tử nói:

- Tâu Đại vương, hết thảy chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề chỉ vì miếng cơm ăn, manh áo mặc mà phải chịu khổ vô cùng. Nay tôi không quản đường xa, vượt bao gian khổ và hiểm nghèo, đến đây mục đích chỉ để xin viên ngọc Như Ý Bảo Châu trong tai bên trái của Đại vương mang về cấp dưỡng cho hết thảy chúng sinh, khiến cho đều được ấm no đầy đủ.

Long Vương nói:

- Xin Thái tử hãy ở lại đây bảy ngày để tôi có dịp được cúng dàng.

Thiện Hữu Thái tử nhận lời mời của Long Vương. Sau bảy ngày, Long Vương đưa viên ngọc Ma Ni Bảo Châu biếu Thái tử. Nhận ngọc rồi, Thái tử từ biệt Long Vương để trở về cõi Diêm Phù Đề. Lúc đó Đại Hải Long Vương sai các Long thần tiễn đưa Thái tử bay trên hư không mà đi, nên chẳng bao lâu đã đến bờ biển cõi Diêm Phù Đề.

Khi tới nơi, Thiện Hữu Thái tử gặp em là Ác Hữu, mừng rỡ hỏi rằng:

- Những người đồng hành hiện nay ở đâu?

Ác Hữu Thái tử đáp:

- Thưa anh, thuyền chúng em bị đắm và tất cả mọi người đều chết, duy còn em, nhờ bám chặt lấy một tử thi dạt vào đây nên mới sống sót, của báu mất hết, không còn một vật gì.

Thiện Hữu Thái tử nói:

- Ở đời có của báu nào đáng trong hơn cái thân ta? Của báu tuy mất nhưng em được sống sót, thế là quý lắm rồi.

Ác Hữu Thái tử nói:

- Không phải thế. Người ta chẳng thà chết trong cảnh giàu có còn hơn là sống trong cảnh nghèo khổ.

Thiện Hữu nói:

- Ai nói như vậy?

Ác Hữu trả lời:

- Em đã từng đến chỗ tha ma và được nghe ma quỉ nói như thế.

Thiện Hữu Thái tử bản tính thật thà, mới đem chuyện nói thực với Ác Hữu nghe:

- Tuy em mất hết của báu, nhưng đừng có lo, anh đã được viên ngọc Như Ý Ma Ni Bảo Châu của Vua Long Vương đây rồi.

Ác Hữu hỏi:

- Thế anh để ở đây?

Thiện Hữu trả lời:

- Anh kết trong búi tóc.

Nghe xong, Ác Hữu sinh lòng ghen ghét, lo buồn áo não, liền tự nghĩ rằng: “Xưa nay, cha mẹ ta thường thiên vị, thương yêu Thiện Hữu hơn ta, nay Thiện Hữu lại được Ma Ni Bảo Châu đem về, thì chắc cha mẹ sẽ thương yêu gấp bội mà ghét bỏ ta như thấy gai góc.” Nghĩ như thế rồi, Ác Hữu mới nói với anh:

- Được viên ngọc ấy thì quý lắm. Giữa khoảng đường này, phải nên giữ gìn cẩn thận.

Bấy giờ Thiện Hữu, giơ viên ngọc ở trong búi tóc ra, đưa cho Ác Hữu xem và dặn rằng:

- Khi nào em mệt mà ngủ thì anh canh giữ; nếu anh mà ngủ thì em phải trông chừng.

Khi Thiện Hữu ngủ, đến lượt Ác Hữu giữ ngọc, Thì Ác Hữu liền dùng hai thanh trúc nhọn đâm vào mắt anh cướp ngọc mà chạy. Bây giờ Thiện Hữu tri hô lên và gọi em bảo rằng:

- Ác Hữu! Ác Hữu! Kẻ cước đến đâm vào mắt anh mà lấy ngọc.

Nhưng không thấy Ác Hữu trả lời. Thiện Hữu càng lo sợ, buồn rầu và kêu to lên rằng: “Có lẽ em ta đã bị cướp giết mất rồi.” Tiếng kêu thảm thiết động đến quỷ thần. Lúc đó thần cây thương tình, đến báo cho Thiện Hữu biết rằng:

- Em nhà ngươi là Ác Hữu, chính là kẻ cướp đã đâm vào mắt ngươi để đoạt lấy viên ngọc mà đi rồi. Nay nhà ngươi còn gọi Ác Hữu làm gì cho tốn hơi mệt sức.

Nghe thần cây nói thế, Thiện Hữu Thái tử buồn bã nghẹn ngào, sầu đau khổ áo não.

Nói về Ác Hữu Thái tử, khi cướp được viên ngọc Bảo Châu rồi, trở về bản quốc, ra mắt Phụ vương, dâng viên ngọc quý mà tâu rằng:

- Tâu Phụ vương, con nhờ có phúc đức mà được sống sót, Thiện Hữu Thái tử và những người đồng hành vì bạc phúc nên đã bỏ mạng ngoài khơi.

Vua và các phu nhân nghe Ác hữu nói như thế liền cất tiếng than khóc, vật vã buồn rầu quá đến ngất lăn ra đất. Người chung quanh lấy nước lạnh rửa mặt cho Vua, hồi lâu mới tỉnh. Lúc đó Vua và phu nhân hỏi Ác Hữu rằng:

- Làm thế nào mà ngươi có thể đem được viên ngọc này về?

Nghe Vua hỏi, Ác Hữu thấy lòng quặn đau, đứt từng khúc ruột, không nói nên lời. Bèn đem viên ngọc chôn ở trong vườn.

Còn về phần Thiện Hữu Thái tử, sau khi bị đâm vào hai mắt trở nên mù lòa, đi lại rờ rẵm, không còn biết đường lối nữa. Đương lúc đau khổ, lại thêm đói khát, cầu sống cũng khó, mà mong chết cũng không được. Cứ thế lần mò đi mãi. Một ngày kia, đến nước của Vua Lợi Sư Bạt. Vua Lợi Sư Bạt trước đã hứa với Vua Ba La Nại sẽ gả con cho Thiện Hữu Thái tử.

Vua Lợi Sư Bạt mướn một người chăn bò tên là Lưu Chinh để chăn dắt một đàn bò gồm năm trăm con. Hôm ấy, vì quá mỏi mệt, lại không thấy lối đi, nên Thiện Hữu Thái tử mới ngồi xuống giữa đường. Lúc đó, đàn bò giành nhau chạy tới, con đầu đàn liền đứng lại, án ngang Thiện Hữu khiến cho những con khác không thể dẫm phải. Sau khi đàn bò qua hết con đầu đàn mới đi. Nhưng nó đi được vài bước lại quay đầu trở lại, rồi lấy lưỡi liếm hai mắt của Thái tử để nhổ hai thanh trúc nhọn ra.

Bấy giờ, người chăn bò từ phía sau đi tới, thấy Thiên Hữu ngồi giữa đường, hỏi rằng:

- Ông là ai?

Thiện Hữu tự nghĩ: “Nếu ta thuật lại tất cả các việc đã sảy ra, thì chắc chắn em ta sẽ bị khổ.” Nghĩ xong, liền trả lời người chăn bò:

- Tôi là một kẻ mù lòa, đi ăn xin.

Nhưng người chăn bò thấy kẻ ăn mày có một tướng mạo khác thường mới bảo rằng:

- Nhà tôi gần, mời ông hãy vào, tôi xin cấp dưỡng.

Rồi người chăn bò đưa Thiện Hữu về nhà, sắp các thức ăn uống đầy đủ và dặn mọi người trong nhà rằng:

- Các người hãy săn sóc, hầu hạ người này cũng như săn sóc ta vậy.

Cứ như thế, được hơn một tháng thì người nhà bắt đầu chán ngán và nói với nhau rằng: Nhà mình không được dư dật, làm thế nào có thể cung phụng người mù này mãi được.”

Nghe những lời nói ấy, Thiện Hữu thấy lòng buồn bã, thao thức suốt đêm, đến sáng hôm sau, liền nói với người chủ nhà (người chăn bò):

- Nay tôi muốn đi.

Người chăn bò hỏi:

- Có điều gì không được vừa ý, mà ông muốn đi.

Thiện Hữu trả lời:

- Không có điều gì cả, vì thực tình tôi không dám làm phiền ông mãi. Nếu ông có lòng thương tôi, xin ông làm ơn cho tôi một cây đàn tranh, rồi đưa tôi đến một thành, ấp, hoặc thôn, xã có đông dân cư để tôi lần hồi kiếm ăn.

Người chủ nhà đành phải theo ý muốn của Thiện Hữu và sau khi đã mua cho Thiện Hữu một cây đàn tranh, dắt Thiện Hữu đến thành Vua Lợi Sư Bạt, nơi nhiều dân chúng nhất, rồi trở về nhà.

Thiện Hữu có tài gảy đàn tranh âm thanh trầm bổng, du dương làm cho ai nghe cũng phải say mê, ngây ngất. Do đó tất cả mọi người kẻ ít người nhiều gom góp để cung cấp cho Thiện Hữu đầy đủ cơm ăn áo mặc, không phải đói rách. Không những thế, mà Thiện Hữu lại còn dư dật để cấp dưỡng cho năm trăm hành khuất trên khắp các nẻo đường trong thành Vua Lợi Sư Lạt đều được no đủ.

Nhà Vua có một khoảng vườn trái cây rất xanh tốt, thường bị chim chóc phá tán. Người coi vườn mới bảo Thiện Hữu rằng:

- Nếu ông vui lòng đuổi chim chóc cho tôi, tôi sẽ cung dưỡng ông đầy đủ.

- Tôi là người mù, làm sao đuổi chim chóc được?

Người coi vườn nói:

- Tôi đã có cách. Tôi sẽ buộc những chiếc khánh nhỏ vào lưới, rồi giăng lên ngọn cây, ông ngồi dưới gốc cây, khi nào nghe tiếng chim kêu, thì ông chỉ việc giật những đầu dây là đủ.

Thiện Hữu trả lời:

- Như thế thì tôi có thể làm được.

Rồi người coi vườn dắt Thiện Hữu đến ngồi dưới gốc cây, dặn dò rồi đi. Trong khi ngồi rỗi, Thiện Hữu lấy đàn dạo chơi, cho khuây khỏa. Lúc đó con gái Vua Lợi Sư Bạt cùng các thị tỳ vào vườn thưởng ngoạn. Nghe tiếng đàn văng vẳng, Công chúa nhìn về phía gốc cây thì thấy một người mù. Công chúa đến nơi hỏi rằng:

- Ông là ai?

Thiện Hữu trả lời:

- Tôi là một kẻ hành khất mù lòa.

Công chúa nghe rồi, sinh lòng thương mến, không muốn xa lìa. Vua sai người ra tìm, nhưng Công chúa nhất định không về, lại bảo thị tì:

- Hãy về mang cơm ra đây cho ta.

Người hầu đem cơm đến, Công chúa cùng người mù ăn uống xong, rồi về tâu Vua rằng:

- Xin Phụ vương cho con được chung sống với người mù này, cho được mãn nguyện của con.

Vua Lợi Sư Bạt nói:

- Con là người điên hay bị ma làm hay sao mà lại đi sống chung với một người mù? Con không biết rằng trước đây cha mẹ đã hứa gả con cho Thái tử Thiện Hữu, con Vua Ba La Nại sao? Hiện nay Thiện Hữu xuống biển tìm châu chưa về mà con lại đòi làm vợ người mù là lẽ gì?

Công chúa trả lời:

- Mặc dầu thế, nhưng ta chết thì thôi, chứ con nhất định không thể xa lìa được.

Nghe con nói một cách quả quyết như thế, nhà Vua cũng không dám làm trái ý con, đành phải sai người đưa người mù về một căn phòng vắng vẻ rồi đóng cửa lại. Lúc đó Công chúa mới đến chỗ người mù, nói rằng:

- Chàng biết không, nay thiếp muốn cùng chàng kết nghĩa vợ chồng?

Thiện Hữu nói:

- Nàng là con gái nhà ai mà muốn cùng tôi kết duyên chồng vợ?

Công chúa trả lời:

- Thiếp là con Vua Lợi Sư Bạt.

Thiện Hữu nói:

- Nàng là Công chúa con Vua mà tôi chỉ là một kẻ hành khất mù lòa, làm sao ăn ở với nhau được?

Công chúa trả lời:

- Thiếp sẽ hết lòng cung kính và phụng dưỡng chàng, không dám trái ý.

Sau khi sống chung với nhau được ba tháng, một hôm, Công chúa có việc cần phải đi mà không chồng biết, mãi đến chiều mới về. Khi đến nhà, Thiện Hữu trách:

- Nàng lén lút ra ngoài mà không cho tôi biết. Đi mãi đến giờ mới về?

Công chúa trả lời:

- Thiếp không lén lút.

Thiện Hữu nói:

- Lén lút hay không, ai mà biết được.

Công chúa buồn rầu, khóc lóc sướt mướt, mới thề nguyện rằng:

- Nếu Thiếp có hành động lén lút thật, thì xin cho hai mắt chàng cứ mù như thế mãi, bằng không thì xin cho một mắt của chàng trở lại sáng suốt như xưa.

Vừa thề nguyện xong, thì một mắt của Thiện Hữu bỗng chớp chớp rồi mở bừng như xưa, xanh biếc, sáng quắc, như một vì sao lấp lánh giữa khoảng trời xanh! Bấy giờ được thấy Công chúa. Công chúa mới hỏi:

- Thế nào, chàng có tin thiếp không?

Thiện Hữu mỉn cười, Công chúa nói tiếp:

- Chàng thật là vô ơn. Thiếp là con gái của một vị Đại vương mà chàng chỉ là một người hèn hạ, thiếp đã hết lòng phụng sự mà chàng không tin thiếp.

Thiện Hữu nói:

- Nàng không biết tôi là ai?

- Chàng là một người hành khất, chứ còn ai? Công chúa trả lời.

- Không phải. Tôi là Thiện Hữu Thái tử, con Vua Ba La Nại.

Công chúa nói

- Chàng thật ngu si, điên dại, sao chàng dám nói như thế?

Thiện Hữu Thái tử, con Vua Ba La Nại xuống biển tìm châu chưa về, chàng dám nhận mình là Thiện Hữu, ăn nói càn dỡ thiếp không tin được.

Thiện Hữu nói:

- Tôi từ thuở nhỏ đến giờ, chưa từng nói dối.

Công chúa nói:

- Dù thật hay dối, ai mà tin được.

Thiện Hữu nói:

- Nếu tôi nói dối nàng thì còn một mắt tôi cứ mù mãi mãi, nhược bằng tôi nói thật thì khiến cho mắt đó bình phục lại như trước cho nàng chứng kiến lời nói của tôi.

Vừa nói dứt lời, thì mắt kia của Thiện Hữu trở lại sáng suốt như xưa, không khác. Khi hai mắt Thiện Hữu bình phục thì diện mạo sáng suốt, thân hình đầy đủ, đẹp đẽ tuyệt vời, không ai sánh kịp. Công chúa thấy thế, lòng sinh vui mừng, như thấy Hiền Thánh, nhìn khắp thân thể mắt không muốn chớp, vội vàng vào cung tâu với Phụ vương:

- Tâu Phụ vương, chồng con đây chính là Thiện Hữu.

Vua nói:

- Ngươi là người si mê, điên cuồng, bị ma quỷ ám ảnh nên mới dám nói thế. Thiện Hữu Thái tử xuống biển tìm châu chưa về, nay ngươi lại nhận kẻ hành khất kia là Thái tử.

Công chúa trả lời:

- Tâu Phụ vương, con không dám nói dối. Xin Phụ vương hãy dời gót ngọc đến xem.

Nghe con mình nói chắc như thế, nhà Vua cũng muốn ra xem coi thực hư thế nào. quả nhiên, khi nhìn thấy, nhà Vua nhận ngay ra Thiện Hữu Thái tử. Lòng thấy bối rối, nhà Vua tự nghĩ: “Nếu Vua Ba La Nại được biết chuyện này, sẽ trách ta không ít.” Nghĩ rồi liền xin lỗi Thiện Hữu Thái tử, nói rằng:

- Quả thật Trẫm không biết.

Thái tử Thiện Hữu nói:

- Xin Phụ vương hãy vì con mà ban thưởng cho người chăn bò.

Vua Lợi Sư Bạt liền lấy vàng bạc, lương thực và y phục thưởng cho người chăn bò và cho luôn cả năm trăm con bò. Người chăn bò mừng rỡ và khen ngợi không xiết. Lại tự nghĩ rằng: “Ân nghĩa của ta đối với Thiện Hữu Thái tử không đáng bao nhiêu mà Thái tử đền đáp trọng hậu như thế này, thật ta không xứng đáng!” Nghĩ rồi, đứng giữa công chúng mà nói to lên rằng:

- Ở đời, hễ gieo nhân thì hưởng quả. Mà cái quả báo của sự bố thí thật lớn lao không thể nghĩ bàn.

Lúc đó không biết bao nhiêu người thấy thế lòng sinh vui mừng, sung sướng và đều phát tâm bố thí để cứu khổ hết thảy, cầu chứng đạo quả thành Phật.

Bấy giờ trên hư không, các Thiên thần khen ngợi và tán thán đại chúng mà nói rằng:

- Quý hóa thay! Quý hóa thay! Đúng như vậy!

Lại nói về Thiện Hữu Thái tử, khi chưa xuống biển tìm châu, lúc ở trong cung có nuôi một trăm con chim nhạn. Thái tử rất quý chúng và tự tay cho chúng ăn uống. Một hôm Mẫu hậu đến chỗ chim nhạn và nói với chúng rằng:

- Khi Thái tử còn ở nhà, thường thương yêu chăm sóc các ngươi nay Thái tử xuống biển chưa về, không biết sống chết thế nào, vậy các ngươi có thương nhớ Thái tử không?

Nghe Mẫu hậu nói, đàn chim nhạn cất tiếng kêu ai oán, thảm sầu, rồi làm ra hiệu như muốn được đi tìm Thái tử. Bấy giờ Mẫu hậu viết thư buộc vào cổ chim nhạn. Nhạn vỗ cánh tung bay, lượn trên không một vòng qua cung điện, rồi nhắm thẳng phía biển bay đi. Mẫu hậu thấy thế, sinh lòng tin tưởng, chắc chắn phen này sẽ được biết tin tức con mình, sống chết ra sao.

Chim bay ra biển, tìm khắp đó đây, không thấy Thái tử, mới quay trở về đất liền. Khi bay qua nước Vua Lợi Sư Bạt, thì xa xa trông thấy Thái tử đang ngồi ở trước cung điện nhà Vua. Chim liền đáp xuống, đến trước Thái tử, líu lo vui mừng. Thái tử cầm lấy phong thư, cung kính mở ra, đọc xong mới biết, Phụ vương và Mẫu hậu đêm ngày than khóc, nhớ thương Thái tử, đến nỗi hai mắt mờ đi. Đoạn Thái tử viết thư thuật lại cho Phụ vương bà Mẫu hậu biết tất cả những sự việc xảy ra, rồi lại buộc vào cổ chim nhạn, khiến đem về dâng cho Phụ vương và Mẫu hậu. Chim nhạn sung sướng băng mình theo gió, không bao lâu đã về đến nước Ba La Nại.

Phụ vương và Mẫu hậu được thư của Thái tử, vui mừng khôn xiết. Xem thư xong, mới biết Thái tử bị em là Ác Hữu hãm hại để đoạt lấy ngọc Ma Ni Bảo Châu. Trong cơn đau đớn, khổ não, nhà Vua liền hạ lệnh bắt Ác Hữu Thái tử, gông cùm, rồi giam vào ngục tối. Đoạn sai sứ sang nói với Vua Lợi Sư Bạt rằng:

- Sao Bệ hạ cứ giữ Thái tử khiến chúng tôi phải buồn khổ?

Bấy giờ Vua Lợi Sư Bạt vội vàng cho người sắp đặt xe ngựa, và hành trang, rồi cử một đoàn hộ tống, kéo cờ xí, nổi âm nhạc mà tiễn đưa Thái tử và Công chúa về nước Ba La Nại.

Được biết tin Thái tử trở về, Phu vương và Mẫu hậu vô cùng sung sướng, cưỡi voi lớn, khởi ca nhạc, đốt trầm hương, treo cờ xí, ra tận ngoài xa mà đón rước Thái tử. Nhân dân trong nước, lớn, bé, già trẻ, nghe tin Thái tử trở về bình an, vui mừng khôn xiết, cùng ra đón rước.

Khi đến nơi Thiện Hữu Thái tử đến trước cha mẹ, cúi đầu đính lễ Phụ vương và Mẫu hậu, vì mắt đã mờ, không trông rõ hình dung của Thái tử, bèn lấy tay sờ người Thái tử hỏi rằng:

- Ngươi có phải là con ta Thiện Hữu Thái tử không? Cha mẹ thương nhớ con và lo buồn quá mới đến nỗi thế này.

Thiện Hữu Thái tử làm lễ, thăm hỏi cha mẹ xong, mới quay lại cảm tạ các quân thần và nhân dân trong nước, rồi cho họ giải tán. Bấy giờ Thiện Hữu Thái tử tâu Phụ vương rằng:

- Em con là Ác Hữu hiện giờ ở đâu?
- Con không nên nhắc đến con người độc ác ấy nữa. Hiện nay nó đang bị giam trong ngục tối, không thể buông tha được. Vua trả lời với Thái tử Thiện Hữu.

Thiện Hữu Thái tử nói:

- Xin Phụ vương hãy phóng thích Ác Hữu cho anh em con được gặp nhau.

Thiện Hữu xin Vua ba bốn lần, Vua mới bằng lòng cho mở cửa ngục và đưa Ác Hữu tới. Lúc đó Ác Hữu, tay chân bị xiềng xích, cổ phải mang gông, đến gặp Thiện Hữu. Thiện Hữu thấy thế, liền xin cha mẹ cho phép được tháo gông cùm, xiềng xích cho em, rồi ôm lấy Ác Hữu dùng lời thân mật, thương yêu mà hỏi rằng:

- Em có mệt nhọc lắm không? Em đã mang hộ viên ngọc Bảo Châu về cho anh, hiện giờ em để ở đâu?

Hỏi như thế đến ba lần, Ác Hữu mới nói:

- Chôn ở trong vườn ấy.

Thiện Hữu Thái tử sai người ra vườn đào lấy viên ngọc, rồi đến trước cha mẹ, quỳ xuống, thắp hương và chú nguyện rằng:

- Nếu ngọc này nếu thật là Như ý bảo châu, hãy làm cho hai mắt cha mẹ ta trở lại sáng suốt như xưa.

Vừa nói chú nguyện xong, thì mắt của nhà Vua và Hoàng hậu bình phục. Lúc đó cha mẹ được nhìn thấy mặt con, lòng thấy vô cùng sung sướng, xiết nỗi vui mừng.

Sáng sớm hôm sau, nhằm ngày mười lăm, Thiện Hữu Thái tử tắm gội sạch sẽ, thay y phục mới, lên trên lầu cao, thắp hương lễ bái viên ngọc Như ý bảo châu mà phát nguyện rằng:

- Ta vì hết thảy chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề, đã phải chịu bao nhiêu tân khổ mới cầu được viên ngọc Bảo châu này. Ta nguyện rằng: Hết thảy chúng sinh, nhờ ngọc Bảo châu này, từ nay không còn phải thiếu thốn, khổ sở nữa, đều được đầy đủ yên vui.

Bấy giờ một cơn gió lớn từ phương Đông thổi đến, đánh tan mây mù, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa; tất cả những vật nhơ bẩn, rác rưới hôi thối ở cõi Diêm Phù Đề đều cùng tan biến, theo làn gió cuốn. Rồi nhờ sức nhiệm mầu của viên ngọc Ma Ni Bảo Châu, một trận mưa trút xuống khắp cõi Diêm Phù Đề. Tất cả các sông ngòi, ao, hồ, hào, rạch, đều tràn ngập thóc gạo, và các thức mỹ vị thơm ngon. Sau lại mưa xuống các thứ y phục thượng hảo và khuyên vàng, vòng xuyến. Sau cùng mưa xuống vàng bạc, bảy báu, và các nhạc cụ. Nói tóm lại, hết thảy những thứ chúng sinh cần dùng, đều được sung túc. Bồ Tát vì phát tâm đại từ bi, tu hạnh bố thí, cấp dưỡng hết thảy chúng sinh, khiến cho đều được đầy đủ yên vui, là như thế đó.

Phật bảo Ngài A Nan:

- Vua Ba La Nại bấy giờ là Phụ vương của ta; Mẫu hậu bấy giờ, nay là Thân mẫu ta, Ma Gia phu nhân, Ác Hữu Thái tử nay là Đề Bà Đạt Đa, còn Thiện Hữu Thái tử nay chính là ta, Thích Ca Như Lai vậy. Này ông A Nan! Ở kiếp quá khứ, Đề Bà Đạt Đa thường mang ác tâm hại ta như thế, mà ta vẫn lấy lòng từ bi nhẫn nhục, cứu khổ ban ơn, phương chi ngày nay ta đã thành Phật.

Khi Phật nói pháp này, có trăm nghìn người chứng được quả Tu Đà Hoàn cho đến quả A La Hán. Lại có trăm nghìn người phát tâm A Nậu Đa La Tam Niệu Tam Bồ Đề, cho đến vô lượng trăm nghìn chúng sinh đều phát tâm Thanh Văn và Tâm Bích Chi Phật.

Bấy giờ Ngài A Nan bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, kinh này nên gọi là gì? Và chúng con phải phụng trì như thế nào?

Phật nói:

- Kinh này gọi là: Kinh Phật Báo Ân Phương Tiện Cấp Túc Nhất Thiết Chúng Sinh.

Đại chúng nghe Phật nói rồi, vui mừng làm lễ lui ra.
 
***
Lại nữa, Đề Bà Đạt Đa tuy được theo Phật xuất gia, nhưng lòng ghen ghét sâu nặng, chỉ cầu danh lợi, nên dù có đọc tụng rất nhiều kinh điển, nhưng cũng không thoát được tội khổ trong địa ngục A Tỳ. Đề Bà Đạt Đa kết bạn thân với Thái tử A Xà Thế, hai người rất thương yêu và tin cậy nhau. Một hôm, Đề Bà Đạt Đa bảo Thái tử A Xà Thế:

- Anh hãy lên làm Vua đi, và tôi sẽ làm Phật.

- Việc đó không thể được vì Vua cha hãy còn.

- Anh phải tìm cách giết Vua cha và tôi sẽ toan mưu hại Phật, rồi sau, anh lên làm tân Vương, tôi sẽ làm tân Phật, cùng chung giáo hóa chúng sinh, thế có khoái không?

Thái tử A Xà Thế nghe lời xúi dục của Đề Bà Đạt Đa, mới về giết cha, rồi lên làm Vua nước Ma Kiệt Đà.

Bấy giờ Đề Bà Đạt Đa nói với Vua A Xà Thế rằng:

- Nay tôi muốn giết Phật để lên làm Phật.

- Phật có nhiều thần thông, biết trước việc chúng ta đã nghĩ gì rồi, vậy làm thế nào giết được? Hơn nữa, Phật còn có các vị đại đệ tử ở bên cạnh như: Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên và A Nâu Lâu Đà v.v…

- Đại vương hãy cố giúp tôi.

Thái tử A Xà Thế nói:

- Giúp bằng cách nào?

Đề Bà Đạt Đa trả lời:

- Đại vương phải ra lệnh cấm, không ai được cúng dàng thức ăn áo mặc cho các Tỷ Kheo.

Lúc đó A Xà Thế vương truyền lệnh rằng:

- Nếu ai cúng dàng thức ăn áo mặc cho các Tỷ Kheo, sẽ bị chặt chân tay.

Khi ấy Phật và các đệ tử đang ở trong núi Kỳ Xà Quật. Sau khi lệnh nhà Vua được tuyền đi, không ai dám cúng dàng Phật, cho nên Phật và các vị đệ tử đi khất thực đều trở về không, cứ như thế cho đến bảy ngày. Lúc đó Ngài Xá Lợi Phất, và các vị đại đệ tử phải dùng thần thông, đến các phương khác để khất thực. Bấy giờ Đề Bà Đạt Đa nói với Vua A Xà Thế rằng:

- Nay các đại đệ tử Phật đều đi vắng, chỉ có một mình Như Lai ở nhà, Đại vương hãy cho người đến thỉnh Phật vào cung cúng trai. Một mặt cho năm trăm con voi đen hung dữ uống rượu thật say, nếu Phật nhận lời mời mà vào thành, lúc đó thả đàn voi say ra cho chúng giày chết.

A Xà Thế vương nghe theo kế ấy, liền cho người đến thỉnh Như Lai. Phật nhận lời mời của nhà Vua rồi cùng năm trăm vị La Hán tiếng vào thành Vương Xá. Lúc đó A Xà Thế sai thả năm trăm con voi say ra, chúng hung hăng xông đột, thôi thì cây gẫy, tường xiêu, cất tiếng gần thét, nhắm thẳng phía Như Lai mà chạy tới. Khi ấy năm trăm vị La Hán sợ hãi quá bèn bay lên hư không, quyện quanh phía trên Phật, còn A Nan thì bám chặc lấy Như Lai, lo sợ không thế nào được. Như Lai liền vận dụng sức từ bi, giơ tay phải lên, rồi từ năm đầu ngón tay, phóng ra năm con sư tử lớn, há miệng gầm rống, năm trăm con voi say, kinh hoàng, ngã vật ra đất.

Bấy giờ đại chúng vây quanh Như Lai, tiến vào cung. Vua A Xà Thế vương liền ra đón rước, thỉnh Phật an tọa, rồi cầu xin sám hối, mà bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Đó không phải lỗi tại tôi, mà chính tại Đề Bà Đạt Đa vậy.

Phật nói:

- Đại vương, tôi cũng biết thế, không những ở kiếp này Đề Bà Đạt Đa cũng thường mang ác tâm hủy hại tôi, nhưng nhờ sức từ bi, tôi đều được an toàn.

A Xà Thế vương chấp tay bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, trong kiếp quá khứ, Đề Bà Đạt Đa hủy hại Như Lai, việc đó như thế nào?

Phật bảo A Xà Thế:

- Hãy nghe cho kỹ! Tôi sẽ vì Đại vương mà nói rõ việc ấy. Cách đây không biết bao nhiêu kiếp, có một ông Vua chỉ thích ăn thịt chim nhạn. Nhà Vua sai một người chuyên đi thả lưới bắt chim. Lúc ấy, một đàn năm trăm chim nhạn từ phương Bắc bay qua phía Nam, con đầu đàn rủi ro sa lưới. Người đánh bẫy vui mừng, từ trong khóm lá chạy ra vồ lấy con nhạn. Khi đó một con nhạn khác, kêu than thảm thiết, quanh quẩn không bay đi. Người đánh bẫy liền giương cung bắn, không những không sợ cung tên, mà con nhạn ấy còn đáp xuống rồi lăn vào con nhạn đầu đàn. Còn bầy nhạn trên không cũng bồi hồi lui tới, nhất định không bay đi. Người đánh bẫy thấy con nhạn kêu than thảm thiết, miệng trào ra máu, mới tự nghĩ rằng: “Loài chim muôn mà còn biết thương mến nhau, đến nỗi không tiếc thân mệnh như thế này, sao ta lại có thể nhẫn tâm giết hại chúng được?” Nghĩ như thế rồi, liền mở lưới thả chim nhạn ra. Sau khi được thả, hai con nhạn cất tiếng kêu vui mừng, vỗ cánh bay lên, rồi cùng với bầy nhạn trên không, quấn quít lấy nhau mà bay đi.

Bấy giờ người đánh bẫy về tâu Vua rằng:

- Tâu Bệ hạ! Hôm nay thần bẫy được một con nhạn đầu đàn, lẽ phải đem về dâng Bệ hạ, nhưng một con nhạn khác, kêu than thảm thiết, đến trào máu miệng, không sợ cung tên, bồi hồi không đi. Thần thấy cảnh ấy, mủi lòng, thương xót, liền thả chúng ra. Khi được thả ra, nhạn liền ca hót vui mừng, rồi cùng bầy nhạn, quấn quyện với nhau mà bay đi.

Nghe xong, nhà Vua tỏ vẻ buồn thảm, tự nghĩ: “Loài chim thú mà còn biết thương yêu, che chở nhau như thế.”

Nghĩ rồi, liền phát từ tâm và từ đó nhà Vua thề không ăn thịt nhạn và không sai bắt chim nữa.

Đại vương nên biết, nhà Vua bấy giờ, nay chính là Đại vương vậy; người bẫy chim bấy giờ, nay là Đề Bà Đạt Đa; con nhạn kêu thương thảm thiết đến trào máu miệng, nay là A Nan; bầy nhạn trên không nay là năm trăm vị La Hán, còn con nhạn đầu đàn bấy giờ chính là thân Như Lai vậy. Hôm nay đây, A Nan thấy lòng thường xót, lưu luyến Như Lai cũng như xưa, không khác, còn năm trăm vị La Hán bay lên hư không cũng như nầy nhạn xưa vậy. Đề Bà Đạt Đa lúc nào cũng muốn làm hại Như Lai, nhưng nhờ sức từ bi, Như Lai thường được an ổn.

Khi Phật nói pháp ấy, thì trăm nghìn người chứng quả Tu Đà Hoàn cho đến quả A La Hán, hoặc phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Cho đến tâm Thanh Văn và tâm Bích Chi Phật.
 
 ***
Lại nữa, Đề Bà Đạt Đa ác tâm không dứt, chỉ muốn tìm cách hại Phật, mới tự nghĩ rằng; “Nay ta phải nuôi móng tay cho dài, khiến cho thật sắc, lấy thuốc độc nhét vào trong, rồi đến chỗ Như Lai, giả vờ vào lễ chân Phật, lúc đó dùng mười móng tay cào cấu chân Phật, cho thuốc độc ngấm vào thì chắc Phật phải chết.”

Nghĩ xong, Đề Bà Đạt Đa nhất định làm theo kế ấy. Ít lâu sau Đề Bà Đạt Đa đến chỗ Như Lai, vào lễ chân Phật, rồi cào cấu thật mạnh, nhưng thuốc độc biến thành cam lồ, nên thân Như Lai không hề đau đớn.

Lại nữa Đề Bà Đạt Đa vẫn chưa toại nguyện, rồi lại tự nghĩ: “Hôm nay Như Lai đang ngồi dưới chân núi Kỳ Xà Quật, ta hãy lên đỉnh núi, lấy một tảng đá lăn xuống để giết Phật.” Nghĩ xong liền lên đỉnh núi, lăn đá xuống làm cho ngón chân Như Lai bị thương, nhưng ta lấy lòng từ bi, coi kẻ oán, người thân đều bình đẳng.

Lại nữa, ở đời quá khứ xa xưa, cách đây không biết bao nhiêu kiếp, bấy giờ có một vị Phật ra đời, hiệu là Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ,Thế Gian Giải, Vô Thượng Sỹ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Sau khi Đức Phật ấy nhập diệt, trong đời tượng pháp, có một vị Tỷ Khưu, ngồi thiền định một mình trong rừng. Tỷ Khưu thường có con rận, sợ nó xúc não trong khi ngồi thiền, mới giao ước với rặn rằng:

- Lúc ta ngồi thiền, ngươi phải lặng lẽ, nằm yên một chỗ, không được xúc não.

Con rận tuân theo. Một lúc sau có con vắt đến bên, hỏi con rận rằng:

- Sao mà thân thể chú béo tốt thế kia?

Rận đáp:

- Tôi sống nhờ ông chủ đây, thường tu thiền định, và bảo tôi ăn uống có giờ giấc, tôi làm theo, nên thân thể mới được béo tốt, đẹp đẽ như thế này.

- Tôi cũng muốn làm theo chú, có được không?

- Tùy ý bác.

Thế là con vắt bám chặt lấy vị Tỷ Kheo đang ngồi thiền mà hút máu. Lúc đó vị Tỷ Kheo thấy lòng phiền não, liền cởi áo ra và đốt ngay đi.

Phật nói:

- Vị Tỷ khưu tọa thiền bấy giờ nay là Đại Ca Diếp, con vắt này là Đề Bà Đạt Đa, còn con rận này là thân ta vậy.

Xưa kia, vì lợi dưỡng mà Đề Bà Đạt Đa muốn làm hại ta, cho đến ngày nay ta đã thành Phật, cũng vì ham danh lợi, mà Đề Bà Đạt Đa làm cho thân Phật chảy máu, nên mặc dầu đang còn sống mà phải đọa vào địa ngục. Đề Bà Đạt Đa thường mang lòng thâm độc, hủy hại Như Lai, nếu nói cho đầy đủ việc đó, thì cùng kiếp cũng không hết được. Thế mà lúc nào ta cũng đem lòng từ bi, thương xót Đề Bà Đạt Đa, vì chính ta thường gặp Đề Bà Đạt Đa nên mới chóng chứng đạo Bồ Đề. Bởi nhớ trọng ơn ấy nên ta thường đem lòng tha thứ.
Bấy giờ đức Như Lai liền sai A Nan đi đến địa ngục, để thăm hỏi, Đề Bà Đạt Đa xem chịu khổ thế nào. A Nan phụng mệnh ra đi. Khi đến ngoài cửa địa ngục, A Nan nói với viên cai ngục là ngưu đầu A Bàng rằng:

- Xin gọi hộ tôi Đề Bà Đạt Đa.

- Ngài muốn hỏi Đề Bà Đạt Đa nào? Chư Phật ở quá khứ đều có Đề Bà Đạt Đa.

- Tôi muốn gọi Đề Bà Đạt Đa của Phật Thích Ca Mâu Ni.

Bấy giờ A Bàng vào báo cho Đề Bà Đạt Đa biết có A Nan đứng ngoài, hiện muốn được gặp. Đề Bà Đạt Đa liền ra và nói với A Nan:

- Mời A Nan hãy vào. Như Lai vẫn còn thương nhớ đến tôi ư?

- Như Lai cho tôi đến hỏi thăm ông có thể chịu được những nỗi thống khổ ở đây không?

- Tôi ở trong địa ngục A Tỳ này, cũng như một vị Tỷ Kheo đã thể nhập được cái thú vui ở cõi trời Tam Thiền.

Phật nói:

- Các bậc đại Bồ Tát, tu các phép Phương tiện để tiếp dắt chúng sinh, thì dù có phải chịu sinh tử và các nỗi thống khổ, cũng không lấy thế làm lo. Nếu ai bảo Đề Bà Đạt Đa thực là kẻ ác nhân, phải đọa địa ngục A Tỳ, thì người đó không hiểu.

Bấy giờ đức Như Lai liền vì đại chúng mà nói rõ cái mật hạnh nhiệm mầu và các phép đại phuơng tiện, của Đề Bà Đạt Đa. Khi ấy vô lượng trăm nghìn Bồ Tát chứng Vô sinh Pháp nhẫn, vô lượng trăm nghìn người mở lòng Vô thượng Chính đẳng Chính giác và vô lượng trăm nghìn người chứng quả Tu Đà Hoàn cho đến quả A La Hán. Từ trên hư không, Thiên Thần mưa các thứ hoa, rải khắp đại chúng, trỗi thiên kỹ nhạc, phóng ánh sáng lớn, rồi ca ngợi rằng:

- Quý hóa thay, Đức Như Lai nói Pháp chưa từng có vậy!

Khi ấy hết thảy đại chúng nghe Phật nói Pháp xong, sung sướng vui mừng, rồi cúi đầu làm lễ lui ra.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6420651
Số người trực tuyến: