Hoa sen trong nghệ thuật Phật Giáo - Loài hoa của sự toàn hảo | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Hoa sen trong nghệ thuật Phật Giáo - Loài hoa của sự toàn hảo

Hoa sen được coi là biểu tượng quan trọng nhất trong Phật giáo, không chỉ nêu biểu cho tâm thanh tịnh, thuần khiết mà còn là lời nhắc nhở rằng tất cả các chúng sinh đều có khả năng đạt được giác ngộ. Theo giáo lý đạo Phật, hoa sen mọc lên từ bùn sâu trong ao hồ để bung nở một cách tinh khôi trên mặt nước. Cũng như vậy bản chất tâm thanh tịnh của chúng sinh cũng có thể được hiển lộ nhờ sự tu tập tích lũy công đức, chuyển hóa tham ái và tâm chấp thủ thành tâm giác ngộ vốn thường hằng.  Do đó, hoa sen xuất hiện trong mọi khía cạnh nghệ thuật của văn hóa Phật giáo. Chúng ta có thể thấy vườn hoa sen được đặt trong khuôn viên các chùa chiền, hay tòa sen mà chư Phật an tọa trong các tác phẩm điêu khắc và hội họa. Hoa sen là một biểu tượng nghệ thuật khá phổ biến tại các quốc gia Châu Á theo truyền thống đạo Phật và được sử dụng làm họa tiết trang trí trong dệt may, gốm sứ, tác phẩm nghệ thuật bằng kim loại, bằng đồng, thiếc và sơn mài.


Tòa sen của chư Phật
 

Một trong những biểu tượng quan trọng nhất của hoa sen trong nghệ thuật Phật giáo chính là tòa sen. Trong các tác phẩm hội họa và điêu khắc tại nhiều quốc gia Phật giáo  Châu Á, phần lớn chư Phật, Bồ Tát và chư Bản tôn thường được tái hiện trong tư thế điển hình là ngồi hoặc đứng trên một tòa sen đang nở. Bởi các vị Phật Bản tôn là các bậc giác ngộ, tòa sen nêu biểu cho phẩm chất giác ngộ linh thiêng và tâm thanh tịnh vô nhiễm của các Ngài. Nền hội họa Phật giáo trên rặng núi tuyết Himalaya lại có cách biểu đạt khác về hình ảnh chư Phật.

 

Ví dụ, Đức Lục Độ Mẫu Tara nêu biểu cho lòng từ bi của mười phương ba đời chư Phật. Ngài an tọa trên tòa sen nguyệt luân. Tư thế vũ điệu du hý của Ngài tự do, cởi mở và thân thiện, chân phải của Ngài duỗi xuống chỉ ra sự sẵn sàng bước xuống cõi luân hồi để cứu giúp chúng sinh vô minh. Bàn chân phải của Ngài thường được mô tả đang an tọa trên một tòa sen khác ở phía dưới. Trong cả hội họa và điêu khắc, những cánh hoa sen thường được xếp thành nhiều lớp để biểu lộ sự khai mở theo thứ lớp của loài hoa này khi nở. Rất nhiều cánh hoa được xếp một cách đều đặn và có thể được mạ vàng để tăng thêm vẻ đẹp thuần khiết thanh tịnh vốn có của hoa sen.

 

Trong truyền thống Đại Thừa Phật Giáo ở khu vực Đông Á, với ý nghĩa tạo hình thâm sâu và tinh tế, hoa sen mang nhiều khía cạnh biểu trưng khác nhau. Một trong những vị Phật Bản tôn được biết đến nhiều nhất ở đây là Đức Phật Quán Âm. Ngài được mô tả với rất nhiều hình tướng khác nhau nhưng trong tất cả các hình tướng, bàn tay của Ngài đều trì giữ một cành hoa sen. Ở vùng Himalaya,  người dân gọi Ngài là Chenrezig, ở Trung Quốc là Phật Bà Quan Âm và ở Nhật Bản là Kannon. Ngài là hiện thân cho lòng từ bi của chư Phật, chư Bồ Tát. Các Ngài phát đại nguyện chưa thể nhập Niết Bàn, liên tục quay trở lại thế giới này vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Trong những bức họa về Ngài, hoa sen nêu biểu cho tâm Bản lai thanh tịnh và hạnh nguyện sẵn sàng cứu độ tất cả chúng sinh giải thoát khỏi bể khổ luân hồi, đạt đến giác ngộ toàn thiện. Đức Phật Quán Âm chính là vị Phật Bản tôn hoằng truyền Diệu Pháp Liên Hoa Kinh lúc ở cả mười phương pháp giới. Đây là bộ Kinh được lưu truyền rộng khắp tại các quốc gia ở Đông Á. Đức Lục Độ Mẫu Tara chính là một hóa thân từ giọt nước mắt bi mẫn của đức Phật Quán Âm, bàn tay Ngài luôn trì giữ cành hoa sen.


Đức Phật Mẫu Tara
 

Trong Phật giáo Đại Thừa, hoa sen cũng có mối liên hệ với Đức Phật A Di Đà hay Đức Phật Vô Lượng Quang Vô Lượng Thọ, một trong Ngũ trí Phật đại diện cho năm loại trí tuệ siêu việt. Ngài vẫn đang ngày đêm thuyết Pháp cứu độ chúng sinh  ở cõi Tịnh Độ hay cõi Tây phương Cực Lạc. Trong Tịnh Độ tông, các hành giả đều phát tâm mạnh mẽ được tái sinh ở cõi Tây phương Cực Lạc. Nương vào tha lực và nguyện lực của Đức Phật A Di Đà cùng với năng lực tu tập, niềm tin, nhất tâm niệm Phật hành giả sẽ được tái sinh trong hoa sen ở hồ bảy báu trên cõi Tịnh Độ. Những người tích lũy được nhiều nghiệp thiện hơn sẽ tái sinh trong những bông hoa sen đã nở hoàn toàn và ngay lập tức được Đức Phật A Di Đà thuyết pháp để đạt được giác ngộ. Trong khi đó, những người tích lũy được ít công đức hơn sẽ tái sinh trong những bông hoa sen chưa nở và tiếp tục tu tập đến khi hoa nở mới diện kiến Đức Phật A Di Đà. Trong hội họa, cõi Tây Phương Cực Lạc được mô tả có một cung điện bằng ngọc quý với ao bảy báu muôn sen đua nở ở phía trước.

 

Sau khi Đức Phật trở thành Bậc Giác Ngộ, Ngài đã nói nhiều bài pháp thoại, tuy nhiên, có một bài pháp thoại đặc biệt là Ngài không nói gì cả, Ngài giơ tay cầm một cành hoa sen còn gốc rễ dính bùn đất trước chúng hội đang tụ họp nghe thuyết giảng, các đệ tử chỉ biết im lặng, vì không hiểu ý nghĩa đức Phật muốn truyền tải. Thật vi diệu, sau một hai giây, Tôn-Giả Đại-Ca-Diếp, đại đệ tử của đức Phật, đã mỉm cười. Tôn-Giả là người tham dự duy nhất, đã nhận được thông điệp của Đức Phật vào ngày hôm đó. Câu chuyện này trở thành cột trụ của Thiền Tông Phật Giáo, tâm truyền tâm là chỗ dựa để trực tiếp khai ngộ tự tính Phật, không qua giáo lý, ngôn ngữ, không qua sự phân tích trí tuệ.

Trong Phật giáo Kim Cương thừa, hoa sen không chỉ tượng trưng cho trí tuệ, mà còn nêu biểu cho nguyên lý mẫu tính, trong khi đó, Vajra, hay chày Kim Cương, nêu biểu cho nguyên lý phụ tính. Trong Phật giáo Kim Cương thừa tại Nhật Bản, có một cặp Mạn đà la được biết đến là Mạn đà la mẫu tính và phụ tính được sử dụng trong thực hành thiền định. Mạn đà la Thai Tạng giới tượng trưng cho năng lượng mẫu tính trong khi Mạn đà la Kim Cương giới tượng trưng cho năng lượng phụ tính. Hai Mạn đà la này nêu biểu cho sự hợp nhất tối và sáng, Từ bi và Trí tuệ. Trong Mạn đà la Thai Tạng giới, hoa sen được  đặt ở vị trí trung tâm của đàn tràng, nêu biểu cho trung tâm của thế giới và từ đó hình thành nên toàn bộ vũ trụ.


Mạn đà la Thai tạng giới
 

Là biểu tượng cho bản chất thanh tịnh của tâm hay Đại Toàn Thiện, hoa sen có tám cánh, tượng trưng cho Bát Chính Đạo, con đường đạt đến giải thoát giác ngộ của đạo Phật. Trong Mạn đà la Thai Tạng Giới, an tọa ở vị trí trung tâm là Đức Phật Đại Nhật Như Lai, tám cánh hoa là tám vị Phật và Bồ Tát, mỗi vị đều an tọa trên một tòa sen. Xung quanh là hàng trăm  chư Phật Bản tôn khác cũng an tọa trên tòa sen và được sắp xếp theo hạnh nguyện giác ngộ, công hạnh độ sinh của từng Ngài. Trong một số lễ quán đỉnh, một bậc thầy sẽ bịt mắt và ném bông hoa vào Mạn đà la. Vị trí bông hoa rơi xuống giúp họ xác định vị Phật Bản Tôn nào sẽ là đối tượng thực hành thiền định.


Chi tiết hoa sen trong các Ngôi chùa theo truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa 

Đản sinh trên hoa sen

 

Khi nói đến hoa sen trong Phật giáo, chúng ta không thể không nhắc tới Thượng Sư Liên Hoa Sinh. Ngài không sinh ra từ bụng mẹ mà hóa sinh trong một đóa hoa sen giữa một hồ nước ở xứ thiêng Tây Bắc (Kashmir) trong hình tướng đồng tử. Hoa sen, loài hoa tinh khiết, dù mọc lên giữa bùn lầy nhưng không bao giờ bị vướng bẩn mùi tanh của bùn, nêu biểu cho tự tính trong sáng của tâm, không bao giờ bị ảnh hưởng bởi các xúc tình. Đức Liên Hoa Sinh đã đản sinh với đầy đủ các phẩm chất giác ngộ, tự tại sinh tử.


Hồ Tso - Pema, nơi Đức Liên Hoa Sinh đản sinh trên một đóa sen
 

Sự xuất hiện của Kim cương Thượng sư Liên Hoa Sinh trong cõi Sa bà đã được Đức Phật Thích Ca huyền ký trong nhiều kinh điển. Đức Phật cũng đã dạy rằng Đức Liên Hoa Sinh chính là Đức Phật A Di Đà trong hình tướng loài người.

 

Vào thế kỷ thứ 8, Đức Liên Hoa Sinh đã từ Ấn Độ đến vùng đất tuyết, hàng phục các quỷ thần quấy nhiễu người dân và cải hóa họ thành các Hộ pháp của Đạo Phật, xây dựng các tự viện, trao truyền giáo pháp Kim Cương thừa của Đức Phật Thích Ca cho người dân trên khắp dãy Himalaya.

 

Ngài thị hiện vô số thần thông nhưng hơn hết, lòng từ bi và trí tuệ giác ngộ của Ngài đã cảm hóa toàn bộ người dân tại vùng đất này, bởi vậy người dân và Phật tử khắp nơi luôn tin kính Ngài là hóa thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.


Đức Liên Hoa Sinh Thượng Sư
 

Xét về tự tính tuyệt đối, các Bậc Giác ngộ không rời Pháp thân, nhưng với lòng từ bi, các Ngài thị hiện vố số hình tướng các Báo thân và Hóa thân để chúng sinh có thể kết nối và được lợi ích. Các Ngài sẽ hóa thân thị hiện tùy thuận theo nhu cầu và căn cơ của chúng sinh. Từ Pháp thân, đức Phật A Di Đà hóa hiện Báo thân là đức Phật Quan Âm, và Hóa thân là Đức Liên Hoa Sinh.

 
Nhóm ĐBT biên soạn

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6332985
Số người trực tuyến: