Eco Pad Yatra – Hành hương sinh thái
Hành hương triều bái các thánh địa linh thiêng sẽ có thể tịnh hóa các nghiệp thân, khẩu, ý, giúp chúng ta tiêu trừ bản ngã, dạy chúng ta lòng kiên nhẫn, trải rộng tình thương và biết quan tâm chia sẻ với những chúng sinh khác cũng như với môi trường sống xung quanh mình. Nhờ vậy chúng ta có thể thực hành Phật Pháp một cách đúng đắn.
Thời còn tại thế, Đức Phật thường bộ hành cùng các đệ tử và ban truyền giáo pháp thiết thực qua các hành động thân, khẩu, ý. Một trong những hoạt động của Đại Pháp hội Sáu sức trang hoàng năm nay là Đức Pháp Vương cùng các Pháp tử tăng ni của Ngài sẽ trợ duyên để các Phật tử và khách hành hương cùng trải nghiệm lại truyền thống tâm linh cổ xưa, và kết nối trí tuệ nguyên thủy với cuộc sống hiện đại.
Đối với những người lần đầu tiên đi hành hương và ngủ lều, đây quả là một trải nghiệm rất khác biệt. Bạn sẽ rất mệt vì hầu như di chuyển liên tục và có những lúc đến thời gian ăn cũng hạn chế vì bạn phải tới được điểm đến tiếp theo đúng giờ để kịp hạ lều cho giấc ngủ ban đêm, vì bạn phải tự mang theo hành lý của mình trên lưng, vì bạn có ít thời gian để ngủ so với ở nhà... Bạn phải rất nhanh vì nếu chậm một chút thì bạn sẽ không theo kịp nhóm của mình, hay mọi người đã thăm viếng và đỉnh lễ thánh địa xong rồi bạn mới lò dò tới nơi. Đối với những người quen với cuộc sống đô thị và tiện nghi, việc xếp hàng sau hàng chục người để đi vệ sinh, hay có rất ít thời gian dành cho việc vệ sinh cá nhân có lẽ là một khó khăn lớn.
Điều đặc biệt là các thành viên của đoàn hành hương không kêu ca hay tỏ ý khó chịu gì. Mọi người vui cười cả ngày. Nếu có điều gì gọi là lo lắng thì đó là làm sao để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của bạn cùng nhóm, đến lịch trình của đoàn. Chẳng ai muốn bỏ lỡ bất cứ một hoạt động nào của đoàn vì mọi người đều hiểu rõ ý nghĩa lớn lao, tầm quan trọng của từng hoạt động trong suốt chuyến đi: từ việc thăm viếng và đỉnh lễ thánh địa đến việc thu nhặt rác thải không phân hủy để góp phần làm sạch môi trường – một trong những mục đích chính của chuyến hành hương.
Không phải mọi người không nhận thấy những khó khăn đó, mà chỉ là họ đã nhìn mọi việc đơn giản hơn, thoải mái với lối sống giản dị, giảm thiểu nhu cầu không thiết yếu, không còn những đòi hỏi mọi thứ ‘phải thế này’, ‘phải thế kia’. Không có thời gian để suy nghĩ những điều tạp nham, vô nghĩa, tâm trở nên lắng dịu, trong sáng hơn và nhiều điều đến lúc này mới như “vỡ ra”. Nhiều bài học sâu sắc được cảm nhận từ những chuyến hành hương: từ việc cứu hộ những con vật không may mắn, biết rằng khi cầu xin những điều tốt đẹp hãy cầu xin cho mọi người mọi loài mà không chỉ nghĩ tới cá nhân mình hay những người thân của mình, tới việc hiểu và cảm thông được với người khác và khám phá ra những góc của bản thân từ xưa tới nay vẫn bị lối sống vị kỷ sáo mòn che khuất …
Khi ngủ trong chiếc lều đơn sơ giữa thiên nhiên, nhất là khi tỉnh dậy lúc sáng sớm, bạn thấy mình bé nhỏ giữa mênh mông trời và đất, tươi mát trong bầu không khí trong lành, thấy quanh mình nước chảy men suối, gió khẽ reo qua kẽ lá, mặt trời bắt đầu ló rạng ở chân trời với màu đỏ hồng đầy sức sống để mang đến ánh sáng và sưởi ấm cho mọi loài … bạn mới thực hiểu được nghĩa sâu sắc của từ “Mẹ Thiên nhiên” mà từ xưa tới nay bạn chỉ thấy rằng “từ này nghe thật hay”.
Nhiều người đã thay đổi hẳn suy nghĩ sau những chuyến đi như vậy. Gần gũi và tri ân Mẹ thiên nhiên và ngược lại khi quay lại với cuộc sống hàng ngày, họ lại biết tri ân những tiện nghi mà họ có nhưng lại không phụ thuộc nặng nề vào đó vì họ đã từng sống hạnh phúc với tiện nghi không thể tối thiểu hơn. Họ cũng ý thức hơn trong việc bảo vệ gìn giữ môi trường trong hành động hàng ngày. Nhìn bên ngoài, vẫn là những doanh nhân thành đạt, những nhân viên văn phòng ăn mặc chỉn chu … nhưng họ thực sự đã “khác” so với họ trước kia.
Pad yatra thực sự là một phần vô cùng quan trọng trong thực hành Phật Pháp. Đơn giản vì quan kiến đạo Phật không là gì khác ngoài giữ sạch môi trường. Ở đây cần nói rộng ra, khi đề cập tới môi trường, ta có thể nhắc tới ba hay bốn cách hiểu về môi trường. Môi trường bên trong chính là tâm chúng ta, là quan niệm và cách chúng ta nhìn nhận mọi việc, cần phải rất tích cực, trong sáng và lạc quan. Môi trường bên ngoài là những gì chúng ta nhìn thấy ở ngoài kia: không khí, nhà cửa, núi rừng… đều cần được giữ gìn sạch sẽ, lành mạnh. Tất cả chúng ta đều biết rác thải không phân hủy đang ngập tràn khắp nơi, gây ô nhiễm từ nông thôn đến đô thị. Những rác thải nhựa và rác không tự phân hủy này sẽ tổn hại đến môi trường sống bên ngoài và điều này được khoa học công nhận rộng rãi chứ không phải thuần túy một quan điểm tín ngưỡng hay duy tâm. Vậy chúng ta phải làm gì để xứng danh hành giả Bồ đề, thực hành công hạnh Bồ Tát, trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn? Chúng ta cần hành động không trì hoãn, không nên chờ tới khi vấn nạn này trở nên nguy hại vượt quá tầm kiểm soát mà cần hành động ngay lúc này.
(Nguồn: www.drukpavietnam.org)
- 169
Viết bình luận