Thực hành Phật pháp không đi tìm sự bình an tạm thời | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thực hành Phật pháp không đi tìm sự bình an tạm thời

Nếu chúng ta chỉ thực hành chút ít Phật Pháp, hãy cố gắng thực hành với tâm chân thành và động cơ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Nếu không, tốt hơn là hãy từ bỏ tất cả những kiểu thực hành tu tập mang tính giả tạm, đề cao bản ngã, bởi vì nếu chúng ta thực hành Phật Pháp một cách sai lệch thì bản thân sẽ lún sâu vào trong sự nhầm lẫn, vô minh.

Có những người sẽ chỉ liên tưởng đến Phật Pháp  như  phương thuốc cứu chữa được sử dụng khi họ bị lầm lạc hoặc thất vọng. Dĩ nhiên, theo Đạo Phật, đây không phải là mục đích thực sự của việc thực hành tu tập tâm linh. Bởi thế những người này chỉ thực hành Pháp cho đến khi  cảm thấy yên ổn, và sau đó lại xếp việc tu tập sang một bên rồi quên hết tất cả sự thực hành đó. Lần tiếp theo, khi rơi vào cảnh thất vọng, chán chường, người đó lại thực hành thêm một chút để cảm thấy cân bằng trở lại. Lẽ đương nhiên là việc lấy lại sự cân bằng của bản thân theo cách này là một trong những mục đích thứ yếu của việc thực hành tu tập, song việc đó không phải là mục đích chân thật của việc thực hành tu tập Phật giáo. Đây là một cách sử dụng Phật pháp như thể Phật pháp là một loại liệu pháp trị bệnh. Chúng ta có thể lựa chọn cách này, song tôi nghĩ điều đó không thể dẫn ta đến giác ngộ.

Khi có chút ít buồn chán, ta thực hành Pháp, tâm được bình an, khi lại thất vọng, ta lại thực hành pháp, cảm thấy thoải mái, rồi lại tiếp tục thất vọng. Nếu ta cứ tiếp tục với quan điểm rất thiển cận như vậy thì ta sẽ không đạt được tiến bộ nào trong việc thực hành tu tập. “Tối qua mình không ngủ được – tâm mình bị xao động, và con chó nhà bên cứ sủa mãi. Bây giờ mình lại cảm thấy tâm thức hơi bị đảo lộn nên mình cần thực hành một khóa tu để lấy lại cân bằng. Sáng nay mình sẽ thiền”. Các bạn đừng nên thực hành theo cách này. Việc thực hành Phật pháp không phải phục vụ mục đích tìm những cảm giác thoải mái hơn. Toàn bộ lợi ích của việc thực hành tâm linh là để giải thoát. Bản thân hành giả tu tập thông qua việc chứng ngộ và cũng là để giải thoát cho các chúng sinh khác thông qua năng lực bi mẫn.

Thái độ ngã ái cản trở một hành giả tu tập đạt được tiến bộ trên con đường tu tập tâm linh     

Vậy thì điều gì cản trở một hành giả tu tập đạt được tiến bộ trên con đường tu tập tâm linh? Đó chính là sự ích kỷ, thái độ ngã ái. Chúng ta cần thận trọng về điểm này. Nhiều hành giả thực hành tu tập trong nhiều năm trời. Họ đã thực hiện xong nhiều đợt nhập thất, và dường như có thể họ đã đạt được một trạng thái bình an và hạnh phúc. Điều đó hoàn toàn có thể đạt được vì mục tiêu  của lần tu tập đầu tiên là được bình an. Song nếu các hành giả  đó thực sự  kiểm chứng bản thân để xem xét xem họ đã trưởng dưỡng được lòng từ bi hay chưa, hay tính vị kỷ của các hành giả đó đã giảm bớt đi hay chưa, thì tôi cho rằng có thể chỉ có mười phần trăm trong số các hành giả tu tập đó đã nỗ lực đạt được các bước tiếp theo này. Các hành giả còn lại vẫn đang dừng ở trong trạng thái bình an. Do đó, điều rất quan trọng là cần phải kiểm soát bản thân chúng ta và nhận ra sự ích kỷ của mình, để từ đó, có thể loại bỏ nó và tiếp tục sự thực hành.

        

Chúng ta cần nhận rõ việc tìm kiếm “cảm giác tốt hơn” là một mục đích mang tính thế tục, giả tạm song lại mượn danh của Phật pháp và sử dụng những pháp tu của Phật giáo để thỏa mãn những mục đích tạm thời của bản ngã. Một mục đích mang tính trần tục để đạt được những lợi ích cá nhân chỉ để “ta cảm thấy tốt hơn”. Chúng ta có thể sử dụng việc thực hành tâm linh để đạt được điều này, một lý do tốt là thực hành tâm linh trong Phật giáo hiệu quả hơn so với các phương pháp khác. Nếu chúng ta đang đi theo con đường này, chúng ta chỉ thực hành một chút đỉnh về tâm linh và giả bộ như đang thực hành tâm linh một cách chân thành như nói rằng “Tôi đã quy y Phật, Pháp, và Tăng, nên nhất định là tôi đã thanh tịnh”. Kiểu giả bộ này, vốn là để che giấu mục đích của bản ngã hướng về vật chất.

Xu hướng tìm kiếm những thỏa mãn nhất thời cản trở sự thực hành giáo pháp

Ngày nay, chúng ta có sự tự do riêng: chúng ta có thể kiếm được nhiều tiền và tự chăm sóc mình. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có những rắc rối khác cản trở việc thực hành Phật Pháp, và một trong những chướng ngại hay phát sinh là xu hướng kiếm tìm sự thỏa mãn nhất thời. Có rất nhiều vật dụng và những hoàn cảnh có thể đem lại cho chúng ta những thỏa mãn nhất thời. Bản thân những thứ này không có gì sai trái, mà sai ở chỗ chính tâm chúng ta đã đắm chấp và bị trói buộc với chúng. Đây là chướng ngại chính trong sự thực hành pháp.

Tất cả chúng ta đều mong cầu sự bình an; không có ai lại không thích bình an. Song nếu chúng ta không hợp nhất trí tuệ và sự bình an, chúng ta sẽ không thể tịnh hóa và loại bỏ tận gốc được các vô minh ám chướng trong tâm. Do đó, tất cả những gì chúng ta sẽ đạt được chỉ là một trạng thái an bình nhất thời trong khoảnh khắc đó, và thân, khẩu, ý của chúng ta không trải nghiệm nhiều khổ đau, chứ không phải là quả vị giải thoát của con đường đạo. Như vậy, nếu tất cả những gì chúng ta mong muốn chỉ là có được sự bình an nhất thời  mà không có động lực vị tha của lòng từ bi thì tất cả những nỗ lực, cố gắng của chúng ta đều sẽ mang tính vị kỷ, vì bản thân. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ có được một sự bình an mang tính vị kỷ. Sự an bình đó tựa như loại thuốc giảm đau nhất thời. Thiền định chỉ trở thành một loại thuốc giảm đau. Chúng ta tự nhủ rằng: “Mình cần phải làm sao để có được hạnh phúc … tâm mình thật là khó kiểm soát… mình phải tìm sự an bình… năng lượng của mình lúc này đây không cân bằng, do đó mình thiền định về sự bình an”. Như vậy cũng tốt thôi, nhưng chỉ trở thành một loại thiền định giảm đau. Tu tập như vậy sẽ không thể đạt được mục đích giải thoát chân chính bởi chúng ta thiếu trí tuệ dẫn đường và không có động cơ bi mẫn.

Cho dù bạn chỉ thực hành một chút giáo Pháp cũng nên cố gắng thực hành với tâm chân thành

Để thực sự tiến bộ trong việc thực hành tu tập Phật Pháp, chúng ta cũng cần phải trưởng dưỡng động lực tu tập chân chính. “Tôi muốn thực hành thiền định để tịnh hóa các ám chướng, vô minh và chuyển hóa kẻ thù lớn của tôi là sự chấp ngã, để đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh hữu tình”. Nếu quý vị có được một động lực thực hành, tu tập như vậy, quý vị sẽ đạt được tiến bộ trên con đường dẫn đến giác ngộ, chứ không phải là tiến đến việc xây dựng một bản ngã mạnh mẽ. Nếu chúng ta không biết cách tạo cho mình một động lực chân thành và một con đường đúng đắn, thì sự thực hành Pháp sẽ chẳng hơn gì việc chúng ta uống một viên thuốc bổ để cho cái tôi phát triển mạnh mẽ hơn. Khi có động cơ thực hành tâm linh sai lệch, với mục đích tìm sự bình an tạm thời thì chúng ta chỉ thực hành Pháp khi cảm thấy thất vọng, buồn chán và khi có được chút bình an chúng ta lại  buông bỏ sự thực hành và quay trở lại với các hoạt động và sự vô minh thế tục.

Khi chúng ta thực hành ngày càng nhiều thì cần phải xem liệu những xúc tình phiền não của chúng ta có giảm đi hay không? Liệu trí tuệ có đang được trưởng dưỡng hay không? Chúng ta cần quay trở lại soi xét chính bản thân một cách thành thực theo cách đó.

Việc đơn thuần thụ nhận giáo pháp là chưa đủ, mà cần phải áp dụng giáo pháp vào trong đời sống. Ngay trong lúc này, chúng ta đang bị giam cầm trong nhà tù của những xúc tình tiêu cực và bám chấp nhị nguyên, suốt ngày này qua ngày khác. Chúng ta có thể mãi ở trong nhà tù vô minh này hoặc chúng ta có thể sử dụng pháp Đại Thủ Ấn để phá vỡ nhà tù giam hãm mình tìm về giải thoát giác ngộ.

Để thực hành giáo Pháp, chúng ta cần thành thực với bản thân và có khả năng nhận thức chính niệm những gì mình đang làm. Tâm chân thành và sự chính niệm sẽ đem lại cho chúng  ta đức tin trong cuộc sống.

(Khai thị của Đức Kyabje Drubwang Tsoknyi Rinpoche)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328802
Số người trực tuyến: