Thực hành trưởng dưỡng Bồ đề tâm trong đời sống
Việc trưởng dưỡng Bồ đề tâm là một pháp thực hành vô cùng quan trọng. Nếu thiếu sự thực hành lòng bi mẫn giai đoạn đầu, như từ bỏ những tâm tưởng, suy nghĩ muốn hãm hại chúng sinh, hay tự kiểm soát tâm sân giận, thì chúng ta khó có thể trưởng dưỡng tình thương chân thật và thành tựu trên con đường thực hành Bồ tát đạo.
Bồ đề tâm là gì?
Pháp tu phát triển Bồ đề tâm là pháp môn quan trọng nhất trong tất cả các thừa của Phật giáo chứ không chỉ riêng trong truyền thống Kim Cương Thừa. Giáo pháp Bồ đề tâm được đề cập đến trong các kinh điển khác nhau. Thực tế đây là một chủ đề rất hay và rất cần được hiểu rõ để thực hành. Bởi vì Bồ đề tâm là nền tảng căn bản và vô cùng quan trọng.
Tùy theo các truyền thống Phật giáo khác nhau mà Bồ đề tâm có tên gọi khác nhau. Trong truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, Bồ đề tâm chủ yếu là sự thực hành không hãm hại chúng sinh: “không làm hại chúng sinh”, “không làm hại người khác”, “không giết hại mọi loài”. Mặc dù các Ngài không gọi đó là Bồ đề tâm, song đây lại là một phần căn bản của sự thực hành Bồ đề tâm. Hành giả không thể thực tập phát triển Bồ đề tâm trọn vẹn nếu không loại bỏ hết những tâm ác muốn hãm hại mọi loài. Đó là lý do tại sao trong giáo lý của Nguyên Thủy Phật giáo lại chủ yếu nói về không hại, không sát, không sân.
Đó là lý do tại sao trong bài pháp đầu tiên tại Varanasi, Đức Phật lại chủ yếu nhấn mạnh đến việc không làm tổn hại chúng sinh. Trong sự thực hành của Nguyên Thủy Phật giáo, chúng ta phải loại bỏ những tâm niệm gây tổn hại bằng cách ngăn cản mình không làm các việc ác làm hại đến chúng sinh. Trong truyền thống Phật giáo Đại Thừa, tuy Đức Phật khuyến khích chúng ta thực hành các thiện hạnh Bồ Tát, nhưng Ngài vẫn tiếp tục nhấn mạnh đến việc từ bỏ những tư tưởng và những hành động hãm hại, như sát sinh hay sân giận. Những giáo pháp này dựa trên tâm chúng ta và được coi là liều thuốc giải cho ba độc tham, sân, si.
Khi bắt đầu tu tập phát triển Bồ đề tâm, trước tiên chúng ta cần loại bỏ chấp thủ. Trong truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, mục đích đầu tiên của hành giả là sự thực hành xả chấp. Cũng có rất nhiều những phương thức khác nhau để phát triển Bồ đề tâm như không hãm hại, không chấp thủ. Sự thực hành căn bản là học cách không bám chấp vào luân hồi hay vào cuộc sống. Việc trở thành một vị Tăng sĩ là hành động xả ly luân hồi đúng đắn.
Tất nhiên, bên cạnh việc không hại chúng sinh, còn có rất nhiều cách khác để phát triển Bồ đề tâm theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, như hiểu và thực hành về Tứ Diệu Đế. Nhưng theo lời Đức Phật dạy, nếu chỉ thực hành như trên thì chưa đủ. Hành giả phải phát triển tâm Bồ đề viên mãn, chân chính. Để phát triển Bồ đề tâm như vậy, mà thực chất là đạt tới “Tâm Tỉnh Thức” hay “Tâm Giác Ngộ”, Đức Phật đã dạy rất nhiều phương pháp và cách thức thực hành trong các kinh điển khác nhau.
Nếu ngẫm kỹ về điều này, bạn sẽ nhận thấy Bồ đề tâm là cảm giác của sự quan tâm sâu sắc, với tình thương yêu và lòng bi mẫn hướng về hết thảy hữu tình. Do thực sự thương yêu và đồng cảm, bạn không chỉ cảm thấy, bạn còn muốn có những hành động quan tâm chăm sóc dành cho chính bạn, với bạn bè và cha mẹ. Song nếu chỉ quan tâm một cách giới hạn đến cha mẹ, bạn bè, thì đó không phải Bồ đề tâm; đó vẫn là một loại chấp thủ bởi sự hạn chế của nó. Loại cảm xúc này rất dễ phát triển vì tất cả chúng sinh đều sẵn có.
Nhưng Bồ đề tâm chân thật là không giới hạn, vượt khỏi mọi ranh giới, bao gồm trọn vẹn hết thảy chúng hữu tình. Khi hành giả vẫn chưa phát triển tâm Bồ đề hướng về hết thảy chúng sinh, thì lúc đó vẫn chưa phải là sự thực hành chân chính và trọn vẹn về tâm Bồ đề. Cái mà chúng ta thực hành chỉ là giới hạn đến một số người mà chúng ta quan tâm. Nếu chúng ta không có được tình yêu thương và lòng bi mẫn hướng về tất cả mọi người, ngay cả với kẻ thù của chúng ta, hay với những đất nước và những con người mà chúng ta không thích, thì không thể thực hành trưởng dưỡng Bồ đề tâm chân thật, bởi vì nó vẫn còn bị giới hạn.
Bồ đề tâm tương đối và Bồ đề tâm tuyệt đối
Trong một số kinh điển Đại Thừa nói rằng Đức Phật đã truyền dạy giáo pháp về hai loại Bồ đề tâm cho các đệ tử Bồ Tát của Ngài là Đức Văn Thù Sư Lợi và Đức Quan Thế Âm.
Loại thứ nhất là Bồ đề tâm tương đối, loại thứ hai là Bồ đề tâm tuyệt đối, đôi khi còn gọi là Mahamudra, Dzogpa Chenpo hay Phật tính. Chúng ta phải thực tập phát triển Bồ đề tâm tương đối trước khi chứng ngộ Bồ đề tâm tuyệt đối. Bồ đề tâm tuyệt đối là bản chất tâm chân thật bên trong của hết thảy chúng sinh. Đó là đại từ, đại bi và đại trí. Những phẩm chất vốn có này, không những ở loài người mà tất cả mọi loài hữu tình đều sẵn đủ. Chúng ta có thể thực chứng Bồ đề tâm tối thượng thông qua thiền định, tích lũy công đức, và tịnh hóa tất cả những vô minh ám chướng đã che mờ quan kiến thanh tịnh, khiến chúng ta không thấy, không hiểu, không nhận ra bản chất chân thật của chính tâm mình. Những loại vô minh ám chướng khác nhau này thực ra có liên hệ với nhau. Bởi vậy, để có thể hiểu và thực chứng Bồ đề tâm tối thượng, trước nhất chúng ta phải phát triển Bồ đề tâm tương đối. Nếu không, việc chứng ngộ Bồ đề tâm tuyệt đối sẽ vô cùng khó khăn.
(Khai thị của Đức Nhiếp Chính Vương Choegon Rinpoche Chokyi Sengye
Trích ấn phẩm “Những hành giả Yogis của Truyền thừa Drukpa)
- 295
Viết bình luận