Ý nghĩa của việc đúc chuông | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Ý nghĩa của việc đúc chuông

Trong Phật giáo, chuông được đưa vào sử dụng từ bao giờ, ít sử liệu nào ghi lại một cách cụ thể rõ ràng. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, Phật giáo sử dụng chuông rất sớm bởi đó là một pháp khí rất hữu hiệu, là phương tiện để tác động cũng như khai mở trí tuệ cho các hành giả đang tiến bước trên con đường giải thoát giác ngộ. Khi đức Thế Tôn còn tại thế, ngài đã dùng chuông làm phương tiện đánh thức, khai mở tâm trí cho các đệ tử của mình, ngoài giáo lý thậm thâm qua con đường lắng nghe, tư duy và thấu hiểu để rồi thực hành một cách hữu hiệu, mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống xuất gia, phạm hạnh. Trong một số kinh điển, khi Đức Phật giải thích, khai ngộ giáo lý cho các đệ tử, ngài hay thỉnh chuông để thức tỉnh đệ tử cảm nhận sự việc qua tính nghe của chính mình mà dung nhập vào sâu Phật trí. Trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật cũng bảo La Hầu La đánh chuông để giảng giáo lý viên thường cho ngài A-Nan nghe, vì thế chúng ta cũng có thể hiểu trong Phật giáo chuông được sử dụng từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế.


Chuông Chùa trong động Hương tích - Chùa Hương
 

Ở Việt nam, chuông được sử dụng trong các chùa chiền từ năm nào, điều đó rất khó xác định. Nhưng chúng ta biết, Phật giáo du nhập vào Việt Nam khá sớm. Do tiếp cận được nhiều luồng tư tưởng, lối sống của người Việt Nam phóng khoáng, dễ dàng tiếp thu và dung nhiếp những triết lý khác, tạo cho mình một nét văn hoá riêng biệt và phát triển. Từ khi chùa xuất hiện cũng là lúc chuông được đưa vào sử dụng, bởi hình ảnh ngôi chùa, tiếng chuông là máu thịt của người dân Việt Nam, là một phần không thể thiếu để tạo nên bản sắc và linh hồn dân tộc. Ca dao có câu:

 

“Gió đưa cành trúc la đà

         Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

         Mịt mù khói toả ngàn sương

         Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”.

 

Lịch sử nước Nam vào thời kỳ Lý - Trần, Phật giáo phát triển hưng thịnh, có thể xem là quốc giáo. Những thập niên đầu của nhà Lý, chúng ta còn được biết đến “An Nam tứ đại khí”, đó là bốn vật khí bằng đồng cực lớn, bao gồm: Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền, Vạc chùa Phổ Minh và Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm. Trải qua không biết bao lần bị giặc phương Bắc đô hộ, cộng thêm sự tàn phá thảm khốc của chiến tranh, tất cả các công trình này đều bị phá huỷ. Hiện giờ khuôn viên cũng như nền chùa Sùng Khánh hay gọi Báo Thiên Tự, bao gồm cả bảo tháp Đại Thắng Tư Thiên (gọi tắt là Tháp Báo Thiên) bị Nhà Thờ Lớn Hà Nội xây đè lên, việc này xảy ra từ năm 1873 – 1882 (thời Pháp thuộc), khi quân Pháp chiếm đóng nước ta, phá huỷ chùa chiền và san bằng khu đất này để xây nhà thờ, những hình ảnh ấy, những chứng tích ấy, ngày nay sử liệu vẫn còn ghi rõ. Nhà thơ Phạm Sư Mạnh(thế kỷ XIV), người Hải Dương, tiến sĩ đời vua Trần Minh Tông(1314 – 1329) viết (Nhà thơ Vô Ngã Phạm Khắc Hàm dịch):

 

“Trấn áp đông tây giữ đế kỳ

Một mình cao ngất tháp uy nghi

Chống trời cột trụ non sông vững

Sừng sững ngàn năm một đỉnh chuỳ

Chuông khánh gió đưa vang đối đáp

Đèn sao đêm đến rực quang huy

Đến đây những muốn lưu danh tính

Mài mực sông xuân viết ngẫu thi”.

 

Ngày nay, chuông được sử dụng một cách rộng rãi ở trong các chùa và am, tự viện. Tuỳ theo nhu cầu của người sử dụng, người ta làm ra nhiều loại mẫu chuông khác nhau, nhưng chung quy thì có ba loại căn bản: Đại hồng chung, Bảo chúng chung và Gia trì chung.

Đại hồng chung là loại chuông lớn hay còn gọi là chuông U minh, chuông này thường được đánh vào những lúc đầu hôm và cuối đêm. Đánh vào lúc đầu hôm là để thức tỉnh và nhắc nhở mọi người rằng: “Vô thường mau chóng, chẳng hẹn một ai, khi hơi thở ra mà không trở lại là qua đời khác”. Còn đánh vào lúc cuối đêm là để sách tấn mọi người mau mau tu tập, đoạn trừ mọi phiền não cấu uế của tự tâm, gạn lọc tham, sân và si là ba thứ gây ra tội lỗi, trói buộc trong vòng sinh tử luân hồi. Lối đánh chuông này, thường là 108 tiếng, ý nghĩa biểu trưng cho 108 thứ phiền não của chúng sinh, khi chuông đánh lên thì 108 thứ phiền não này đều bị rơi rụng, trí tuệ phát sinh, căn lành tăng trưởng, đạt được sự giải thoát giác ngộ trong tương lai.

 

Bảo chúng chung hay còn gọi là Tăng đường chung, tức là loại chuông này dùng để báo tin trong lúc nhóm họp Đại chúng, thọ trai hoặc khi lên khoá lễ hay kiền chuỳ v.v... trong các chùa và am tự viện.

 

Gia trì chung là loại chuông dùng để đánh trong trường hợp đầu bài hoặc cuối bài những câu kinh hay câu sám, hoặc cũng có lúc xuống dòng của đoạn hay của câu, và còn ra hiệu cho biết khi bắt đầu hoặc chấm dứt buổi lễ. Đồng thời cũng là để điều hoà cho người tụng kinh, lễ Phật được nhịp nhàng đều đặn, hướng người tụng vào một con đường duy nhất là Chí Tâm.

 

Âm ba của tiếng chuông như là một liều thuốc “trực chỉ nhân tâm”, xoáy sâu vào thức A Lại Da của mọi người, vượt thoát không gian và thời gian, phá tan mọi thành trì căn trần và thức, bức phá mọi gốc rễ của vô minh ngàn đời tăm tối, đưa hành giả tới chỗ hốt nhiên, vỡ oà, chạm được cửa ngõ của Bản Lai, vào sâu căn nhà của Diện Mục, “linh linh bất muội, liễu liễu thường tri”. Quả là hợp với câu:

 

           “Hồng chung vang vọng tiếng ban đầu

         Địa ngục A Tỳ thăm thẳm sâu

         Thiên đường Hữu Đảnh ngân vang khắp

         Trước Phật mười phương con cúi đầu”.

 

Sức công phá, sự lan toả của nó không chỉ hạn hữu ở thế giới hiện thực, mà nó còn quét sâu vào thế giới siêu hình, tạo nên một sự nối kết hoàn hảo, bù đắp cho những thiếu hụt trong quá khứ, gắt kết với đời sống hiện tại, xây dựng một kết quả viên mãn trong tương lai. Tính chất này giúp cho người hiện còn có thêm những phương tiện, thể hiện lòng tri ân và báo ân của mình đối với những người đã khuất, xua đi tất cả những mặc cảm, thân phận của cuộc đời, để nhích lại gần với nhau hơn trên lộ trình “pháp giới đồng nhất thể”. Việc làm này, trong một số kinh sách cũng có nói đến, ví như Kinh Tăng nhất A-hàm có chép: “Mỗi khi nghe tiếng chuông chùa ngân lên, thì những hình phạt trong các ác đạo được tạm thời dừng nghỉ, chúng sinh nào đang chịu những hình phạt ấy cũng được tạm thời an vui”. Hay như trong Truyện Cảnh Thông cũng nói: “Ngày xưa, Ðức Phật Câu Lưu Tôn, ở tại viện Tu-da-la xứ Càn trúc, đã có tạo một quả chuông bằng đá xanh thường đánh vào những lúc mặt trời vừa mọc. Khi tiếng chuông ấy ngân lên thì trong ánh sáng mặt trời có các vị hóa Phật hiện ra, diễn nói 12 bộ kinh, làm cho người nghe chứng được thánh quả không thể kể xiết”. Vả lại trong Bộ Kim-cang-chí cũng có chép: “Vua Hiếu Cao Hoàng Ðế đời nhà Ðường, vì nghe lời xàm tấu của Tống Tề Khư, giết lầm kẻ tôi trung tên là Hòa Châu, nên khi chết bị đọa vào địa ngục. Một hôm có người bị bạo tử (chết thình lình), thần hồn đi lạc vào địa ngục ấy, thấy một tội nhân đang bị gông cùm kìm kẹp đánh đập rất khổ sở, hỏi ra mới biết là vua Hiếu Cao đời nhà Ðường. Vua gọi người bạo tử ấy bảo rằng: Nhờ ngươi trở lại dương thế nói giùm với Hậu chúa, hãy vì ta mà đúc chuông cúng dường và làm việc phước thiện. Khi trở lại dương thế, người bạo tử ấy liền bái yết với Hậu chúa và chuyển lời nhắn nhủ của vua Hiếu Cao. Nghe vậy, Hậu chúa liền thân hành đến chùa Thanh Lương phát nguyện đúc một quả chuông để cúng dường và cầu siêu cho Hiếu Cao Hoàng đế”, (tích này ở trong bộ "Bách trượng thanh quy" quyển thứ 87 trang 68). Thế mới biết:

 

Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ

Trí tuệ lớn, Bồ đề sinh

Lìa địa ngục, khỏi hầm lửa

Nguyện thành Phật, độ chúng sinh.

 

Hay có câu:

Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới

Xa xôi tăm tối cũng đều nghe

Những ai lạc bước mau dừng lại

Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về.

Qua đó cho chúng ta thấy sự lợi ích vô cùng, sự mầu nhiệm vô biên mà Thần Chung đã mang lại, không những người còn, mà kẻ mất cũng đều được thấm nhuần pháp vị an lạc, siêu việt ba cõi, đạt được sự giải thoát giác ngộ ngay trong hiện tại cũng như tương lai. Ngày xưa, chư Tổ thấy được sự quí báu này mà phương tiện thiện xảo, lập ra quy củ thiền môn, hai thời sớm tối đều phải hô chuông, để tạo phước điền cho trăm họ, không những người dương, mà kẻ âm cũng được siêu thoát. Thế nên, công việc đúc chuông là một việc làm vô lượng công đức, vô lượng cát tường, trời người đều tán thán, ai nấy cũng hân hoan.

 

Tạo hồng chung, tiếng vang trời đất

Chuyển âm kỳ, hoằng pháp lợi sinh

Giữa khuya buông tiếng chày kình,

Thong dong tĩnh tại, vạn dân an hoà

Trăm linh tám tiếng chuông giải kết

Khiến ba ngàn cõi sạch bụi trần,

Quỷ thần kính lễ thanh chân

U minh được mát, ngục tù biến tan

Người lĩnh hội thanh chung trọn vẹn

Lý diệu huyền giáo pháp nhận ngay,

Người nghe thấy tiếng chuông này,

Khuyến thiện trừ ác, quay về bình an.

Tâm ý lặng bỏ lòng phân biệt,

Cả cộng đồng hưởng được lợi vui

Tinh thần vững mạnh không lui

Người phàm, kẻ tục cùng vui chung hoà

Chuông pháp khí Sa bà đánh thức,

Thỉnh chư Thần, chư Phật giáng lâm

Phù trì ban phúc muôn dân

An bang hưng quốc, nhà nhà hoà yên.

 

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát

 
Nhóm ĐBT biên soạn

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6409788
Số người trực tuyến: