Giải thoát 6 ngục tù nhờ trì tụng chân ngôn Lục Tự Đại Minh
Từ «giải thoát» có nghĩa là sự hiểu biết hay trí tuệ vĩ đại, đó là con đường mà cả Tam Thừa Phật giáo đều tin theo. Chúng ta cầu nguyện, chuyển những lời nguyện chân thành đến tất cả mọi người trên thế giới, mong muốn họ đạt được sự tự do giải thoát. Giải thoát khỏi vô minh, tham ái, giận hờn, tật đố, chấp thủ, ngã mạn chính là nghĩa của từ «giải thoát». Tất cả những xúc tình phiền não này đều rất cần được hiểu biết, theo dõi, làm chủ chứ không phải là những thứ cần phải loại trừ.
1. Nhà tù của tâm sân giận
OM MANI PADME HUNG
Từ vô thủy đã gây bao nhiêu ác nghiệp
Nghiệp lực sân giận, Địa ngục sinh
Hữu tình chịu bao khổ nóng lạnh
Nguyện sinh trước tòa sen Chí tôn.
Cõi Địa ngục
Từ vô thủy đến nay, chúng ta tích lũy vô số nghiệp bất thiện do tâm sân giận. Bạn hãy thử tưởng tượng xem có biết bao nhiêu chúng sinh đang sống trong sân hận, có biết bao kẻ khủng bố đang thực hiện hành động đánh bom cảm tử, giết hại những người vô tội. Tất cả những hành động đó xuất phát từ nhà tù của lòng sân hận. Họ không kiểm soát được hành động của mình, nên tôi gọi đó là tình trạng bị giam cầm. Bởi nhà tù mang nghĩa rằng khi bạn bị giam cầm, bạn không có sự lựa chọn nào khác. Khi tâm sân hận phát khởi, không gì có thể làm cho bạn hạnh phúc, cho dù đó là đồ ăn ngon, hay một chiếc nệm êm ấm. Sự thù ghét khiến bạn bị tổn thương trong thời gian dài. Chính chúng ta giam mình trong nhà tù của sự sân giận để rồi tự chịu đau khổ. Đó là lý do vì sao chúng tôi đã thực hành pháp tu Quan Âm tại nhà tù Peru.
Khi trì tụng chân ngôn Đức Phật của Lòng từ bi, đừng nghĩ rằng «Những phạm nhân khủng bố thật đáng thương. Tôi mới là người giác ngộ sớm hơn họ». Tất cả chúng ta đều đang bị giam cầm trong nhà tù của xúc tình tiêu cực như kiêu căng, sân hận, ganh ghét. Nương công đức trì tụng chân ngôn của Đức Quan Thế Âm và năng lực gia trì của Ngài, bạn hãy nguyện cho tất cả chúng sinh đang phải chịu đau khổ do bị giam cầm trong sân giận được giải thoát khỏi nhà tù đó và không bị tái sinh trong cõi địa ngục do quả báo của tâm sân hận.
2. Nhà tù của tâm bỏn xẻn và chấp thủ
OM MANI PADME HUNG
Từ vô thủy đã gây bao nghiệp ác
Nghiệp lực keo kiệt, Ngạ quỷ sinh
Hữu tình cõi ấy bao đói khát
Nguyện sinh về cõi Tịnh Phổ Đà.
Cõi Ngã quỷ
Bạn có thể bám chấp với mọi thứ, ngay cả khi bạn không sở hữu một vật gì đó, bạn vẫn khởi tâm bám chấp vào quan kiến, cảm giác, các mối quan hệ v.v… Tôi cho rằng tâm bỏn xẻn liên quan nhiều đến việc sở hữu tài bảo. Con người thường đắm chấp vào những gì mình có. Như vậy, chúng ta lại tự xây cho mình nhà tù và giam mình trong đó. Bạn có nhiều tiền, nhưng bạn lại không thể dùng tiền để lợi ích cho người khác. Có thể nhiều người trong số các bạn không bỏn xẻn nhưng tất cả chúng ta đều bám chấp.
Bạn hãy nguyện cho tất cả chúng sinh đang phải chịu đau khổ, đói khát cùng cực do bị giam cầm trong tham lam, bủn xỉn được giải thoát khỏi nhà tù đó và không bị tái sinh trong cõi địa ngục do quả báo của tâm tham lam, bỏn xẻn.
3. Nhà tù của vô minh
OM MANI PADME HUNG
Từ vô thủy đã gây bao ác nghiệp
Nghiệp lực ngu si đọa súc sinh
Không hiểu giáo pháp khổ câm ngọng
Nguyện sinh trước tòa Đấng hộ trì.
Cõi Súc sinh
Từ vô thủy đến nay, chúng ta tích lũy bất thiện nghiệp trong nhiều đời nhiều kiếp và tái sinh do nghiệp lực, có nghĩa là chúng ta hoàn toàn mất kiểm soát. Vô minh là cội gốc của mọi khổ đau. Khi bạn sân giận, bạn không nhận ra được điều đó. Vì vậy, bạn phải chịu khổ đau do sân giận. Giả sử đức Phật Thích Ca đang sống trong thế giới của chúng ta, nếu bạn nhiếc móc đức Phật, đáp lại Ngài chỉ mỉm cười. Bởi Ngài biết lời nói lăng mạ chỉ là trống rỗng. Nhưng bạn thì hoàn toàn bị những xúc tình tiêu cực chi phối. Khổ đau từ đó mà ra. Nhiều người sẽ vô cùng tức giận, có thể nhồi máu cơ tim ngay lập tức nếu bị người khác nhiếc móc. Chư Phật là bậc giác ngộ, đoạn diệt hoàn toàn vô minh, gốc rễ của tam độc. Các Ngài không bị nhiễm nhơ bởi xúc tình tiêu cực. Còn chúng ta vì vô minh nên chúng ta không nhận ra mình luôn bị giam cầm, không hề có tự do.
Về cơ bản, không có khái niệm chắc thật mô tả «sự tự do». Trong thế giới này, chưa bao giờ công việc của bạn nói với bạn rằng: «Giờ việc đã xong. Bạn có thể đi». Chúng ta luôn phải ra quyết định, lựa chọn làm việc này hay việc kia. Vòng quay luân hồi cứ quay mãi cho đến vô tận mà không bao giờ kết thúc.
Do vô minh, chúng ta không hiểu cội nguồn chân hạnh phúc. Chúng ta cho rằng hạnh phúc đến từ một người hay một sự việc. Không đạt được điều như ý đồng nghĩa với bất hạnh. Nhưng ngay cả khi chúng ta đạt được mọi thứ mình muốn, chúng ta thấy không đủ, dường như vẫn thiếu một cái gì đó, thỉnh thoảng lại thấy hoang mang bởi không biết lý do nào khiến làm mình không hạnh phúc. Rất nhiều người thành công nhưng lại bất hạnh, hoặc trầm cảm. Họ không hiểu nguyên nhân vì sao và cần phải làm gì. Trong con mắt của họ, hạnh phúc đến từ bên ngoài. Đến một thời điểm nào đó trong cuộc đời, bạn có thể sẽ thấy mình may mắn vì không giàu có. Bởi càng giàu có, con người ta càng sống trong ảo tưởng. Khi chưa có nhà thì bạn cảm thấy buồn khổ. Có nhà rồi, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui nhưng rồi niềm vui cũng chỉ kéo dài trong vài ngày. Nếu bạn nhìn những đứa trẻ được sinh ra trong nhung lụa, giàu sang. Cha mẹ chúng chu cấp nhà cửa, xe cộ, mọi thứ từ khi chúng còn rất nhỏ. Khi lớn lên, chúng không biết ý nghĩa của cuộc sống và cần phải làm gì. Những đứa trẻ đó được thỏa mãn mọi thứ, không thấy cần thiết phải theo đuổi một tham muốn nào cho dù đó chỉ là ham thích huyễn ảo.
Cõi Súc sinh có nguyên nhân hình thành chủ yếu bởi tâm vô minh, si mê. Chúng sinh trong cõi này chịu khổ đau vì đói rét, ngược đãi, giết hại lẫn nhau và bị con người nhẫn tâm đoạt mạng. Bạn hãy cầu nguyện để bản thân và tất cả chúng sinh giải thoát khỏi nhà tù vô minh này.
4. Nhà tù của tham ái
OM MANI PADME HUNG
Từ vô thủy đã gây bao ác nghiệp
Tham dục sinh vào kiếp loài Người
Hữu tình trải tận bần cùng khổ
Nguyện sinh Tịnh độ A Di Đà.
Cõi Người
Một lần, tôi có nhân duyên đến Hồng Kông. Ở quảng trường Thời Đại có khu phố đi bộ. Họ nói đây là khu phố sầm uất nhất Hồng Kông. Có hàng triệu lượt khách bộ hành đi qua mỗi giờ và mỗi ngày. Thử tưởng tượng xem nếu bạn đứng trên đỉnh của một tòa cao ốc nhìn xuống. Những con người đó trông giống như đàn kiến đang bò qua bò lại giống như cách họ đang di chuyển giữa các nhà tù với nhau. Đôi lúc họ ở trong nhà tù của sự tham ái. Họ trầm trồ với bộ quần áo thời thượng và phải quyết tâm mua bằng được. Phụ nữ có thể phải mua thật nhiều mỹ phẩm, nếu không thì họ nghĩ mình thật xấu xí, chẳng giống ai. Suốt 24 giờ, họ cứ giam mình trong các nhà tù của xúc tình tiêu cực, từ hết ngục tù này đến ngục tù khác mà không có sự kiểm soát.
Nếu suy ngẫm thật kỹ, bạn sẽ nhận thấy rằng nguyên nhân của buồn đau, thất vọng xuất phát từ tâm tham ái. Vì tham ái nên khi không đạt được điều mình muốn, bạn sẽ cảm thấy mình thấp kém. Hi vọng và sợ hãi luôn đồng hành. Lòng tham ái không bao giờ có điểm dừng. Ngay cả nếu ngay bây giờ đức Lục Độ Phật Mẫu Tara có thị hiện và viên mãn mọi tâm nguyện của bạn, chỉ ngày mai thôi, hàng trăm tâm nguyện mới sẽ xuất hiện. Nếu không có sự gia trì của Đức Tara giúp viên mãn mọi tâm nguyện của chúng sinh, bạn sẽ không thể duy trì được trạng thái hạnh phúc thường xuyên.
Tôi không có ý nói rằng bạn không nên thành công. Hoàn toàn chính đáng nếu bạn muốn trở thành một người thành công. Bạn có thể sử dụng sự thành công của mình để mang lại hạnh phúc thế gian tạm thời cho chính bản thân và mọi người. Nếu bạn có niềm tin chắc thật vào hạnh phúc giả tạm, hư huyễn, bạn sẽ mãi mãi bị kìm giữ. Nếu bạn tin rằng hạnh phúc là có được một chiếc xe Mercedez, bạn đang sống trong vọng tưởng. Bởi năm sau, mẫu xe khác ra đời. Chiếc xe của bạn dù đắt tiền đến đâu cũng trở thành lỗi mốt. Bản thân chiếc xe không thay đổi, chỉ có tâm tham ái của bạn cứ lớn mãi không ngừng. Như vậy, tất cả chúng ta ai cũng có nhà tù tham ái. Đó là lý do vì sao chúng ta luôn thất vọng về cuộc sống.
Ham muốn và dục vọng khám phá, hưởng thụ là nhân để sinh vào cõi Người. Đây là nơi mà hạnh phúc và khổ đau xen lẫn nhau một cách hoàn hảo đủ để thôi thúc con người hướng đến hành trình tâm linh. Bạn hãy cầu nguyện để bản thân và tất cả chúng sinh đều giải thoát khỏi nhà tù tham ái này
5. Nhà tù của tật đố, ganh ghét
OM MANI PADME HUNG
Từ vô thủy đã gây bao ác nghiệp
Tật đố sinh vào cõi Tu la
Hữu tình trải tận tranh đấu khổ
Nguyện sinh về cõi tịnh Phổ Đà.
Cõi A tu la
Khi bạn khởi tâm ganh ghét, đố kỵ, bạn lại một lần nữa dựng lên nhà tù trong tâm. Thậm chí bạn có thể giàu có hơn rất nhiều người như những người dân ở châu Phi chẳng hạn. Nhưng bạn không bao giờ so sánh mình với những người kém may mắn hơn mình mà luôn dằn vặt với những người giàu có hơn. Hàng triệu đô la trong ngân quỹ hay nhà cao cửa rộng đều không làm bạn hài lòng. Bạn có vợ đẹp, con khôn nhưng vẫn là chưa đủ, cho dù bạn chỉ thua kém người khác không tày một gang tay. Kéo theo đó là tâm sân giận. Như vậy, ganh ghét, đố kỵ hủy hoại hạnh phúc của bạn. Bạn không thể kiểm soát được mình mà ngược lại, chính tâm đố kỵ lại kiểm soát bạn.
Thầy của tôi, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, từng dạy rằng điều làm khuấy động tâm bạn mạnh mẽ nhất chính là tâm đố kỵ. Tâm đố kỵ là chướng ngại khiến chúng ta không thể tập trung thiền định được. Thật ra tâm đố kỵ không phải là điều quá xấu xa. Khi bạn cảm thấy khó chịu với vẻ đẹp, thành công của người khác, hay với căn nhà to đẹp, chiếc xe hơi đời mới của người khác, đó chính là sự đố kỵ. Nếu ngay khi suy nghĩ khó chịu hiện khởi, bạn quán niệm được sự sinh khởi đó, lúc đó bạn đang ở trong trạng thái thiền định. Đức Pháp Vương gọi đó là nghệ thuật thiền định.
Nghiệp báo của tâm ganh ghét, đố kỵ là sự tái sinh trong cõi A-tu-la. Tuy được phúc báo sung sướng nhưng họ luôn tranh đấu, so bì với cõi Trời. Họ phải chịu đựng rất nhiều khổ đau. Bạn hãy cầu nguyện cho bản thân và tất cả chúng sinh mẹ bị kẹt chấp trong nhà tù tật đố được giải thoát và vãng sinh về cõi Tịnh độ của Đức Quan Âm.
6. Nhà tù của ngã mạn
OM MANI PADME HUNG
Từ vô thủy đã gây bao ác nghiệp
Ngã mạn sinh lên cảnh chư Thiên
Hữu tình trải tận biến dịch khổ
Nguyện sinh về cõi Tịnh Phổ Đà
Cõi Trời
Ngã mạn chỉ là một khái niệm nhị nguyên. Hàng trăm năm trước, người ta đánh giá cao vai trò của con ngựa. Ngày nay, họ lại coi trọng chiếc xe hơi hơn. Một chiếc xe hơi đắt tiền là do hãng sản xuất đầu tư rất nhiều vào quảng cáo. Với vốn tri thức thế gian hạn hẹp, sự ngã mạn dựa trên nền tảng hiểu biết đó cũng hạn hẹp như vậy. Cho dù bạn có là một tỷ phú giàu nhất thế giới thì bản thân sự giàu có cũng chỉ là khái niệm do con người quy ước. Thước đo sự giàu có thời xa xưa là số bò mà bạn nuôi trong nhà. Giờ đây bạn chẳng sở hữu một con bò nào nhưng vẫn được coi là giàu. Với công nghệ hiện đại, mọi giao dịch về tiền đều thông qua ngân hàng, bạn chỉ cần nhập số tài khoản và đảm bảo rằng trong tài khoản có tiền. Chỉ với một một tấm thẻ tín dụng bằng nhựa, bạn tin là mình giàu vì có rất nhiều tiền trong tài khoản ngân hàng. Một ví dụ khác là kim cương. Kim cương thường được coi là một loại đá quý. Bạn đang đeo một cục đá mà mọi người cho rằng đó là kim cương, bạn thấy rất hạnh phúc. Thực tế, nếu bạn đeo cục đá và quán tưởng mình đang đeo kim cương, hai trường hợp này không có gì khác biệt. Tôi không rõ xã hội có chấp nhận viên đá đó là kim cương hay không nhưng chúng tôi nói rằng: «Đây là một viên đá vô cùng linh thiêng».
Khi bắt đầu xem thường người khác, những người đã trợ duyên cho bạn để bạn đi đến đích của ngày hôm nay, bạn lao trên con dốc vô minh như tên bắn. Tôi đã đọc ở đâu đó một câu chuyện vui rằng có nhiều người khi gặp khổ đau, họ oán trách rằng đó là do cha mẹ họ không yêu thương con hết lòng. Khi thành công, bạn lại dương dương tự đắc cho rằng thành quả đó là do nỗ lực của bản thân. Tương tự như khi bạn lên đến tầng cuối cùng của một tòa nhà chín tầng, nếu bạn quên mình đã bước qua tầng thứ nhất và thứ hai, điều đó đồng nghĩa với việc bạn không tri ân những nấc thang đầu tiên, và tự bạn phá bỏ hết những tầng thang phía dưới đã trợ giúp bạn leo đến tầng cao nhất.
Tâm ngã mạn rất dễ khiến bạn tổn thương, bất ổn trên đường đời. Chúng ta ai cũng có một bản ngã rất lớn và nhạy cảm. Thái độ của người khác, cách họ nhìn nhận bạn, cách họ đối xử với bạn đều khiến bạn tổn thương. Đó cũng là lý do bạn thấy rất khó vượt qua định kiến của xã hội. Bởi bạn quá nhạy cảm với những hư ảo bên ngoài.
Rất nhiều người trong chúng ta thường xuyên bị kẹt chấp trong nhà tù ngã mạn. Tôi từng đọc một tờ tạp chí của Nhật mô tả một thực trạng tại các doanh nghiệp ở đất nước này. Khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, người chủ doanh nghiệp thường tìm đến cái chết để giải quyết vấn đề. Điều này xuất phát từ lòng tự mãn về bản thân. Khi làm một việc gì tốt, bạn có thể rất tự hào cho rằng mình thật vĩ đại. Nhưng những người ở ngoài nước Nhật đâu có biết bạn là ai. Chúng ta thậm chí còn không biết vì sao mà doanh nhân đó lại tự vẫn. Nhưng trong xã hội Nhật, họ tự huyễn hoặc mình là người vĩ đại. Lòng tự mãn lớn đến mức khi có điều bất như ý xảy ra, họ không thể chấp nhận. Họ buộc phải tìm đến cái chết để thoát khỏi nỗi dằn vặt bản thân. Đó là lý do tại sao chúng ta thường giam mình trong nhà tù ngã mạn, tuy rằng nếu chúng ta tích lũy thiện nghiệp song thiếu trí tuệ, vẫn chấp vào việc mình làm sẽ là nhân dẫn đến việc tái sinh vào cõi Trời. Khi phúc báo hết, chúng ta sẽ lại đọa lạc vào ba đường ác.
(Trích Khai thị về Pháp tu Đức Phật Quan Âm
của Đức Kyabje Khamtrul Rinpoche Jigme Pema Nyinjadh)
Tham khảo thêm
Cách thực hành Quy y Đức Phật Quan Âm hàng ngày
Lợi ích của Bảy chi cầu nguyện trong pháp tu Phật Quan Âm
Nghi quỹ tu trì Đức Bản tôn Quan Âm Tứ Thủ
- 2589
Viết bình luận