Năng lực giải thoát nhiệm màu của câu niệm Phật | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Năng lực giải thoát nhiệm màu của câu niệm Phật

Trong Kinh Đại Tập, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dạy: “Trong thời Mạt pháp này, việc chính niệm trì tụng Đức Phật A Di Đà và phát nguyện được vãng sinh vào Tịnh Độ của Ngài là cách duy nhất giúp mọi người thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, đạt được giải thoát và giác ngộ ngay trong một đời”. Người thường xuyên trì niệm Đức Phật Di Đà sẽ không phải trải nghiệm sợ hãi vào thời điểm lâm chung vì chính niệm sẽ tự xuất hiện. Nếu họ có tâm nguyện được vãng sinh vào cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức A Di Đà, và đến hơi thở cuối cùng vẫn nghĩ đến hồng danh và chân ngôn Đức Phật A Di Đà, thì họ sẽ thấy Ngài cùng Thánh chúng tới tiếp dẫn về cõi Tây Phương Cực Lạc. Đây là nơi họ có thể giải thoát bản thân khỏi khổ đau luân hồi và cũng là cõi Tịnh độ giúp họ cuối cùng có thể chứng đạt Phật quả.

Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin trích dẫn một số câu hỏi thường gặp liên quan đến năng lực nhiệm màu của câu niệm Phật được trích từ cuốn “Kinh A Di Đà Yếu Giải” do cố Hòa thượng Thích Tuệ Nhuận biên dịch từ Hán văn.

Hỏi: Lúc lâm chung niệm Phật có sức mạnh trừ được nhiều tội, còn ngày thường dốc lòng niệm Phật có trừ được tội không?

Đáp: Quán Kinh nói: “Một niệm danh hiệu Phật diệt trừ 80 ức kiếp sinh tử trọng tội”. Giống như mặt trời đã mọc thì tối tăm cả bao nhiêu kiếp cũng tiêu tan.

Hỏi: Người niệm Phật mà tâm tán loạn có trừ được tội không?

Đáp: Công đức của trì niệm danh hiệu và chân ngôn Phật A Di Đà là bất khả tư nghì, sao chẳng trừ được tội. Chỉ có điều không chắc có được vãng sinh. Vì thiện căn tán loạn man mác như thế, khó lòng địch lại được bao nhiêu tội ác tích lũy từ vô thủy. Phải biết rằng những tội ác ấy, giá mà có thể - tướng, thì cả hư không cũng không chứa được hết. Tuy rằng một đêm một ngày niệm được 10 vạn tiếng A Di Đà, mỗi tiếng diệt được 80 ức kiếp sinh tử trọng tội, niệm đủ 100 năm cũng chẳng tiêu hết tội nghiệp. Vì những tội đã diệt ít lắm chỉ bằng một tí đất ở đầu móng tay thôi. Những tội chưa diệt hãy còn nhiều bằng cả quả đất. Chỉ có người nào niệm Phật nhất tâm bất loạn, mới có sức mạnh như một kiện tướng phá vòng vây tội ác ấy mà ra, dù có nhiều đến cả ba quân đoàn cũng chẳng ngăn lại được. Nhưng dù sao thì mỗi một tiếng niệm Phật đã là một hạt giống thành Phật rồi, giống ngọc kim cương chẳng bao giờ hoại.

Khi Đức Phật còn tại thế, có một cụ già đến xin xuất gia, 500 vị Thánh Tăng đều bảo cụ không có thiện căn. Nhưng Đức Phật dạy rằng: “Người này từ vô lượng kiếp trước, bị hổ đuổi, sợ quá, hét thất thanh lên 1 tiếng “Nam mô Phật”. Mãi đến bây giờ thiện căn ấy mới thành quả chín, được gặp Ta, mới đắc đạo. Thiện căn của người này trồng từ rất lâu trong đời quá khứ như thế, mắt các ông tu đạo Nhị thừa làm sao thấy được”. Nếu đem câu chuyện này mà xết kỹ với lời Kinh Pháp Hoa: “Người nào ở đời Phật quá khứ, dù tâm tán loạn mà niệm Phật, cũng đã gieo được hạt giống thành Phật rồi”, có lẽ nào ta không tin lời Phật dạy.

Danh hiệu và chân ngôn Phật A Di Đà trì niệm đây là chân thật, chẳng khá nghĩ bàn. Cái tâm tính mình đang trì niệm đây cũng chân thật lắm, chẳng khá nghĩ bàn. Trì niệm một tiếng là một tiếng chẳng khá nghĩ bàn. Chúng ta trì niệm được 10 tiếng hay 100, 1000, 10.000 tiếng hay vô lượng, vô số tiếng, thì tiếng nào tiếng nào cũng đều là chân thật, chẳng khá nghĩ bàn vậy.

Hỏi: Lúc lâm chung thấy Phật hiện ra, có chắc là không phải ma chăng?

Đáp: Người tu tâm chẳng quán tưởng đến Phật mà Phật bỗng hiện ra không phải bản tâm mình mong đợi, thì là ma thật. Nhưng mình niệm Phật, cốt mong thấy Phật, mà Phật hiện ra, thế là tâm mình đã cùng ứng hợp với tâm Phật rồi. Huống chi lúc mình lâm chung chẳng phải là lúc mong chờ ma đến, sao lại nghi ngờ lo sợ là ma?

Hỏi: Bảy ngảy giữ được tâm bất loạn là bảy ngày vào lúc bình thời hay lúc lâm chung?

Đáp: Vào lúc bình thời

Hỏi: Sau bảy ngày bất loạn rồi, tâm lại khởi mê hoặc lại tạo nghiệp thì cũng được vãng sinh chăng?

Đáp: Quả thật là người tu được nhất tâm bất loạn rồi, thì không còn có những khởi sự hoặc tạo nghiệp nữa (tâm sáng như gương báu).

Hỏi: Trong Kinh Đại Bản Di Đà nói niệm Phật 10 niệm, Kinh Bảo Vương nói niệm Phật 1 niệm được vãng sinh Tịnh độ, là niệm vào lúc bình thời hay vào lúc lâm chung?

Đáp: Niệm Phật 10 niệm là niệm vào cả hai lúc bình thời và lâm chung. Cứ mỗi sáng sớm dậy niệm 10 niệm (tức là niệm 10 hơi) là thuộc về lúc bình thời. Còn như nói 10 niệm mà được vãng sinh, thì 10 niệm này có nghĩa là niệm Phật 10 tiếng, như trong Quán Kinh nói rõ là: “Thập thanh xưng danh” (10 tiếng xưng danh hiệu Phật), thì 10 niệm này là thuộc về lúc lâm chung. Còn như trong Kinh Bảo Vương nói niệm 1 niệm, thì 1 niệm ấy chỉ thuộc về lúc lâm chung mà thôi.

Hỏi: Kinh dạy 10 niệm được vãng sinh, vậy cần gì phải niệm những 7 ngày?

Đáp: Bình thời không có công phu tập cho được nhất tâm bất loạn, lâm chung chắc gì niệm Phật nổi được 10 tiếng. Người phạm thập ác lâm chung trì 10 niệm được sinh vào Hạ hạ phẩm đều là những người đã có thiện căn phúc đức từ nhiều đời, lúc lâm chung gặp thiện tri thức chỉ dạy, nghe liền tin và phát nguyện ngay. Việc này xảy ra vạn người khó có một người may mắn như thế!

(Nguồn: “Kinh A Di Đà Yếu Giải”

Việt dịch: HT. Thích Tuệ Nhuận

NXB Tôn giáo, 2009)

           

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6490850
Số người trực tuyến: