Quy y cần dựa trên chính tín
Trên bước đường tu tập, để thành tựu được mỗi giai đoạn tu tập chúng ta cần thành tựu được yếu tố quyết định hay còn gọi là “thể chất”. Nếu không hiểu rõ ràng những điều này, chúng ta sẽ không thể quy y thành công! Thể chất hay chất liệu để quyết định việc Quy y Tam bảo có thành tựu được giới phẩm hay không chính là “Đức tin”. Tuy nhiên, đức tin trong đạo Phật không phải là mê tín!
Chính theo nghĩa Hán Việt là sự đúng đắn, ngay thẳng, liêm khiết; Tín là niềm tin. Hai từ “chính” và “tín” ghép lại có thể được hiểu là niềm tin đúng đắn.
Trong đạo Phật, chính tín phải được hình thành trên cơ sở chính pháp. Những gì đức Phật nói ra, giảng dạy trong kinh điển của Ngài được gọi chính pháp. Dựa trên kinh điển đó, chư vị Bồ tát Tổ sư diễn đạt bằng sự giác ngộ của mình, mà được nhiều thế hệ hiện tại và về sau chấp nhận, có thêm thắt các ý làm cho nội dung sáng tỏ hơn, nhằm đem lại phương pháp cho người sau tu tập, do đó “Luận” cũng được gọi là chính pháp.
Trái với chính tín là mê tín, là một kiểu tin tưởng vào đấng thần linh, có quyền năng ban thưởng, giáng họa.... một cách mù quáng, thiếu cơ sở, thiếu suy xét, điều mà Phật giáo không thể chấp nhận bởi đạo Phật là đạo trí tuệ, và đến bằng sự giác ngộ giải thoát.
Quy y cần dựa trên chính tín
Quy y không phải là tìm cầu, nương tựa hay dựa dẫm vào một yếu tố nào đó ở bên ngoài. Quy y thực chất là một phương pháp để đạt được trí tuệ thấu hiểu chính bản thân mình. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dạy: “Phật không ở bên ngoài mà vốn sẵn trong Tâm mỗi người”. Vì vậy, quy y chính là “quay về” để khám phá nguồn sức mạnh nội tại và nương tựa, sống trọn vẹn với Phật tính hay phẩm chất giác ngộ sẵn có tự thân mỗi chúng ta, đó là tâm tự nhiên thanh tịnh và trong sáng.
Những người theo chủ nghĩa khủng bố rất tin vào vị Thánh của họ nhưng niềm tin đó gọi là mê tín. Mê tín có nghĩa là không cần biết có phù hợp với khoa học hay không, có hợp với đạo lý cuộc sống hay không, mà cứ nhắm mắt theo bừa. Còn chính tín là niềm tin được soi sáng, được dẫn dắt bởi sự hiểu biết. Nhiều người khi đến chùa quy y, các Quý Thầy thường hỏi lý do quy y, họ trả lời rằng: “Bạch Thầy, con thấy mọi người bảo quy y tốt thì con cũng đi quy thôi ạ”. Suy nghĩ này được xem là mê tín; mặc dù đi quy y nhưng cũng thành mê tín. Bởi vậy, để thành tựu quy y Tam bảo, đức tin là “thể” hay điều nuôi dưỡng đức tin là sự hiểu biết về những quy luật như vô thường, nhân quả, nghiệp báo, luân hồi…
Cũng vì lý do đó mà bạn không nên vắng mặt trong buổi lễ quy y. Bạn sẽ không được nghe giảng, không hiểu vì sao cần phải quy y và không phát khởi được niềm tin chân thật vào Tam bảo. Ở trong kinh dạy rằng “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”, có nghĩa tín là nguồn của đạo, là mẹ của hết thảy công đức. Tín là nguồn của đạo bởi nếu không có “tín” thì không thể bước vào con đường thực hành Phật pháp, và nếu không có “tín”, chúng ta không thể thực hành được các thiện pháp
Thọ quy y càng nhiều lần càng tốt
Đối với một người thực hành pháp Quy y, mỗi ngày đều phải dành thời gian quán tưởng quy y. Nếu chưa biết quán tưởng quy y, ít nhất bạn phải có thời gian trì niệm: “Con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng” sáu thời một ngày. Có như vậy thì sợi dây kết nối giữa bạn với Tam bảo mới không bị gián đoạn. Nếu cái nhịp cầu kết nối này bị đoạn đứt thì coi như việc quy y của bạn không có giá trị.
Cách thực hành quy y
Có nhiều cách để thực hành quy y. Trong Kim Cương thừa có một thời gọi là “Thiền quán quy y Tam bảo”. Có rất nhiều cách để thực hành, đơn giản nhất là bạn niệm được câu: “Con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng”. Đối với những người tu Pháp tu mở đầu Ngondro, đó chính là phần thiền quán về cây quy y của Dòng Truyền thừa gồm có Kim Cương Thượng sư, Phật, Pháp, Tăng. Trong kinh điển các bậc Thầy dạy rằng phải đến mức độ khi chúng ta gặp một đại nạn, việc đầu tiên chúng ta phải nhớ chính là Quy y. Đáng buồn thay, thông thường bản năng con người khi gặp chuyện bất ngờ, câu đầu thiên mình sẽ thốt ra lại không phải là câu: “Con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng”.
Chính vì thế, các bậc Thầy chỉ dạy rằng chỉ cần trong đời sống này, những lúc gặp khó khăn nguy hiểm nhất mà chúng ta nhớ được đến quy y Tam bảo thì đảm bảo chúng ta sẽ vượt qua được tai nạn, khó khăn. Rồi đến khi lâm chung và trong cảnh thân trung ấm, chỉ cần nhớ được câu niệm Phật, hoặc quy y Tam bảo và nhất tâm trì niệm, bạn đã có thể đạt được giải thoát!
(Nhóm ĐBT biên soạn)
Tham khảo thêm
- 364
Viết bình luận