5 dấu hiệu quan trọng giúp bạn nhận biết chính pháp
Trong các kinh điển, thời kỳ phát triển Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni gồm có Chính pháp 500 năm, Tượng pháp 1.000 năm, và Mạt pháp 10.000 năm. Trong thời Chính pháp (chính có nghĩa là chứng), mặc dầu Đức Phật đã thị hiện Niết bàn, nhưng Pháp nghi vẫn không thay đổi - tức là có giáo pháp, có sự hành trì, và có người chứng đắc quả vị. Trong thời Tượng pháp (tượng có nghĩa là biểu tượng), tuy vẫn có giáo pháp, có sự hành trì, nhưng số người chứng đắc quả vị rất ít. Trong thời Mạt pháp (mạt có nghĩa là suy vi, yếu kém), Phật pháp trở nên suy tàn, chỉ có giáo pháp chứ không có sự hành trì, và càng có rất ít người chứng đắc quả vị. Vào thời kỳ này, chúng sinh không thể liên tục phân biệt đuợc chính tà, đến nỗi nhiều người muốn vào cửa Phật nhưng đã vào lầm cửa mà tu hành, hiện tượng đó gọi là "mắt cá xen lẫn ngọc trai" (vàng thau lẫn lộn).
Vậy làm thế nào để phân biệt được đâu là chính pháp là câu hỏi khiến nhiều người quan tâm. Tựu chung lại, giáo pháp của Đức Phật có năm đặc tính. Nếu bạn thấy giáo pháp có đầy đủ năm đặc tính này thì có thể xác định đó là chính pháp, còn nếu không đủ năm đặc tính thì nên nghi ngờ và truy xét kỹ càng.
1. Đặc tính thứ nhất là thiết thực hiện tại
Những bài pháp của Đức Phật luôn thực tế, không tách con người ta sống trong một thế giới mơ hồ, viển vông xa vời mà có khả năng giải quyết những khổ đau trong đời sống thực tại của chúng sinh. Tất cả những gì là giáo pháp của Đức Phật phải đảm bảo yếu tố gần gũi và có khả năng chuyển hoá khổ đau ngay trong thực tại của kiếp sống này. Điều này hoàn toàn trái với tư tưởng cố gắng tu tập để về với cảnh giới khác còn đời sống này không quan trọng. Đức Phật luôn dạy chúng sinh phải biết trân quý cuộc sống này. Chúng ta cần phải tìm được ý nghĩa của cuộc sống, cần phải sống có hạnh phúc - hạnh phúc chân thật chứ không phải là hạnh phúc thế tục. Khi chúng ta có được hạnh phúc thì nhậm vận tự nhiên nhiên chúng ta có được con đường tâm linh.
2. Đặc tính thứ hai là vượt thời gian
Giáo pháp của Đức Phật không bị lệ thuộc vào thời gian, cho đến bây giờ vẫn không hề sai lệch, bởi những gì Đức Phật nói luôn hợp với sự thật, hợp với chân lý đang tồn tại trên vũ trụ này. Trong kinh nói rằng: "Mặt trời có thể lạnh, mặt trăng có thể nóng, nhưng chân lý giáo pháp vô thường không bao giờ thay đổi". Cách đây 2.600 năm về trước, Đức Phật đã nói rằng âm thanh là viên biến, tiếng nói là viên biến, hình ảnh là viên biến v.v... kể cả về không gian và thời gian. Bây giờ khoa học đang dần chứng minh sự viên biến ấy. Nếu âm thanh không viên biến thì tại sao chúng ta lại có thể nói chuyện với người ở bên kia địa cầu? Nghĩa “viên biến” đó được Đức Phật dạy rất kỹ trong kinh Hoa Nghiêm.
Cũng trong bộ kinh này, Đức Phật có nói: “Chúng sinh lấy động làm thân, lấy động làm cảnh, lấy sinh diệt làm tâm”. Chúng ta thường nghĩ ngôi nhà đứng im như thế này mà bảo nó động, ngọn núi nó sừng sững như thế kia mà Phật bảo là nó động, mỏ quặng sắt nằm im dưới đất thế kia mà Phật bảo nó động? Nhưng bây giờ bảng hoá học đã chứng minh rằng tất cả vật chất được cấu thành bởi phân tử. Như vậy cái gọi là đồng, là sắt, là núi là sông kia cuối cùng chỉ là cái động của vô số phân tử cấu thành.
3. Đặc tính thứ ba là quay lại mà thấy pháp ở nơi chính mình
Giáo pháp của Đức Phật không thể được thấu hiểu qua việc học hay qua cái nhìn từ bên ngoài, mà chúng ta phải hướng nội, quay lại ngay chính đời sống thân tâm cảnh của mình để thâm nhập giáo pháp. Chúng ta không thể tìm cầu pháp ở một nơi nào xa xôi, không phải mong rằng một bậc thầy giác ngộ sẽ truyền cho chúng ta một phần giác ngộ nào đó. Chỉ có chính chúng ta mới có thể tìm lại pháp ở nơi thực tế thân tâm cảnh của mình. Ví dụ, sau khi tìm hiểu quy luật về nghiệp, bạn tìm ngay những khía cạnh của nghiệp chính ở trong cuộc sống của mình, quán chiếu từng hành động của thân-khẩu-ý. Học về vô thường, bạn tìm thấy vô thường ở trong chính đời sống của mình. Học về vô ngã, bạn cũng phải nhận thấy vô ngã ở chính trong cuộc sống của mình. Bởi vậy Đức Phật có nói rằng: “Ta là người dẫn đường và các con phải tự mình thắp đuốc lên mà đi”.
Hải đảo tự thân
Chính niệm là đuốc
Soi sáng xa gần
(Kinh Pháp cú)
4. Đặc tính thứ tư là thăng hoa hướng thượng
Việc áp dụng giáo pháp vào cuộc sống sẽ giúp tinh thần thăng hoa tỉnh thức, hiểu rõ hơn về thực tại, không ảo tưởng về quá khứ hay tương lai.
Chúng ta không thể tìm được giáo pháp trong quá khứ hay tương lai mà phải tìm ngay trong hiện tại. Ví dụ khi bạn ngồi nghe pháp, âm thanh của lời giảng pháp tạo thành sóng âm ba tác động vào màng nhĩ, sự rung động này báo lên các tế bào thần kinh ở não, và các tế bào thần kinh ở não bắt đầu phân biệt cái sự rung động ở trong tai. Nói theo Phật pháp tức là não nhận ra các chủng tử đã ghi lại từ nhiều kiếp, rồi nó nhận thấy rằng đây là pháp, và đây là bài pháp hay hay là bài pháp dở. Vậy thì bài pháp hay hay bài pháp dở không phải là tại người giảng. Nếu như ai đã từng có những thiện căn từ nhiều đời thì tuy vẫn là rung động đấy nhưng họ thấy đó là bài pháp hay. Hoặc nếu con mèo hay con chó cũng có màng nhĩ, cũng tiếp nhận sự rung động nhưng nó không biết đấy là pháp. Như vậy, một trăm người nghe sẽ có một trăm bài pháp khác nhau, và đấy là cái thực tại của mỗi người.
Cho nên pháp của Phật đưa chúng ta trở về tiếp cận với cuộc sống thực tại, để bạn không bị chi phối bởi quá khứ và tương lai. Lúc nào bạn thấy mình nghĩ nhiều về quá khứ hoặc tương lai thì phải biết rằng khoảnh khắc đó mình đang không sống với pháp. Chính nhờ sống với thực tại, tinh thần của chúng ta sẽ thăng hoa, không bị đắm chìm trong những hư ảo phù du.
5. Đặc tính thứ năm là tự tri tự chứng
Trong thực hành Phật pháp, mỗi người đều phải tự tri tự chứng, không ai chứng ngộ thay cho ai. Giống như khi bạn uống nước, chỉ có bạn tự biết nước có vị như thế nào. Nếu người khác tả lại cho bạn, bạn vẫn không thể biết được vị của nước. Nếu có một bậc thầy bảo với bạn rằng: “Hãy đến đây, ta sẽ truyền sự giác ngộ cho con”, thì phải thấy cần nghi ngờ. Bởi điều này không phải là lời dạy của Đức Phật Thích Ca.
Nhận biết được năm đặc tính của pháp sẽ giúp bạn lựa chọn đúng con đường giải thoát mà Đức Phật đã chỉ dạy. Vậy nên, “Đạo Phật cần những cá nhân Phật tử biết suy tư, biết phân tích, biết tự tìm hiểu rồi xác nhận sự hiểu biết của mình, ngang qua sự hành trì, kinh nghiệm cá nhân. Đạo Phật không cần đến những đoàn người theo đạo Phật một cách ồ ạt mù quáng, thụ động nhắm mắt, hay tự mình bóp méo đạo Phật theo tà kiến dục vọng của mình; “đạo Phật là đạo đến để mà thấy, chứ không phải đạo đến để nhờ người khác thấy hộ; đạo Phật không phải đạo của người nhắm mắt không thấy, không biết mà là đạo của người thấy, người biết”. (“Chánh pháp và hạnh phúc” – HT. Thích Minh Châu).
- 2066
Viết bình luận