2 cấp độ đức tin cần thiết trên con đường thành tựu giác ngộ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

2 cấp độ đức tin cần thiết trên con đường thành tựu giác ngộ

Niềm tin là bước đạo sơ nguyên

Không, Hữu, còn vương chấp nhị biên.

Tin đức ví bền cùng hạnh nguyện.

Mưa hoa vui dạo cảnh Tây Thiên.

Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Tin là mẹ tất cả công đức. Tin nuôi lớn căn lành. Tin thành tựu Phật Bồ đề”. Trong Ngũ lực, gồm Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực và Tuệ lực thì Tín lực là hàng đầu, là cửa ngõ để đạt được các lực theo sau. Tuy nhiên, tín lực không phải là sự tin tưởng vào những giáo điều, giáo pháp một cách mù quáng, ồ ạt và thiếu xét đoán mà dẫn đến việc làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sinh.

Tín lực là lòng tin sâu sắc và mạnh mẽ đối với chính Pháp của đức Phật Thích Ca. Đây là lòng tin chân chính, chớ có vội tin mà hãy đến để mà thấy và tự mình chứng nghiệm, như đức Phật từng dạy: "Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này bất thiện, Các pháp này là có tội lỗi, Các pháp này bị người có trí chỉ trích, Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau. Thời này, Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng không nên tin theo”.

Người Phật tử đến với đạo Phật không phải để cầu đảo van xin, không phải để nương tựa thần quyền. Niềm tin trong đạo Phật hướng về những điều mà Đức Phật đã giác ngộ, đó là duyên sinh, nhân quả nghiệp báo, là vô thường, khổ, không, vô ngã… Nếu xây dựng niềm tin không vững chắc, hoặc niềm tin có được trên cơ sở nhận thức cảm tính mà không xuất phát từ trí tuệ hiểu biết, từ kinh nghiệm thực tiễn thì sớm muộn niềm tin ấy cũng bị đổ vỡ. Người ta dễ dàng bỏ đạo, thay đổi thái độ, quan điểm cũng chỉ vì niềm tin không kiên cố. Người ta dễ dàng bị lôi cuốn, tha hóa, chạy theo tà đạo, rơi vào mê tín dị đoan, làm điều tà mị cũng vì không có niềm tin chân chính bền vững.

Hai loại đức tin: Đức tin thiện căn và Đức tin trưởng dưỡng

Đức tin thiện căn là đức tin do chúng ta gieo được duyên lành với Tam bảo từ đời trước cho nên đời này dù không hiểu thế nào là vô thường, nhân quả, nghiệp báo... nhưng nhậm vận tự nhiên bạn vẫn có niềm tin vào Tam bảo mà không bị dẫn vào con đường mê tín dị đoan, không theo tà đạo. Nhưng nếu bạn không biết trưởng dưỡng thì đức tin do thiện căn này sẽ bị mai một dần. Có rất nhiều Phật tử đến với Phật pháp, quy y Tam bảo nhưng sau khoảng 5 - 10 năm thì lại không phải là Phật tử nữa. Bởi họ không biết nuôi dưỡng đức tin có được do thiện căn. Do đó, đức tin thứ hai gọi là “đức tin trưởng dưỡng”. Đức tin trưởng dưỡng này chính là trí tuệ hiểu biết thông qua những bài Pháp của Đức Phật. Nếu không được nghe giáo pháp, không thực hành theo chính pháp thì đức tin thiện căn ban đầu của chúng ta sẽ mất đi.

Thông qua thực hành giáo pháp, đức tin trưởng dưỡng này sẽ phát triển đầy đủ và chuyển thành chân tín, hay là đức tin chân thật. Đây là đức tin mà không thế lực nào có thể phá hủy được nữa. Khi đã có chân tín, bạn sẽ không bao giờ bị lung lạc rời khỏi đạo pháp, dù gặp bất kỳ chuyện gì thì niềm tin vào Tam bảo vẫn không lay động. Ví dụ bạn bước chân vào đạo pháp bằng một tâm hào hứng, tràn đầy nhiệt huyết, thế nhưng khi gặp chuyện bất như ý, cái “ngã” nọ đụng vào cái “ngã” kia, đức tin của bạn cứ xẹp dần như quả bóng xì hơi. Tưởng rằng đến chùa ai cũng một lòng cầu đạo nhưng nào ngờ vì ngã chấp mà niềm tin thoái chuyển. Bởi vậy, ngoài việc nghe Pháp, điều quan trọng hơn cả là bạn phải thực hành Pháp, đưa Pháp vào trong đời sống của mình, để dù gặp bất kỳ hoàn cảnh nào, gặp bất cứ chuyện gì, mình cũng không lung lạc rời khỏi Tam bảo.

Bạn có thể nói rằng: "Ngày hôm nay hạnh ngộ Tam bảo con sẽ là chân Phật tử" không? Không hẳn vậy. Bởi vì chân Phật tử hay không còn phải do mình có biết nuôi dưỡng thiện căn mình hay không? Người Phật tử trên bước đường tu học cũng giống như một con thuyền đang lướt sóng trên biển, tức là phải gặp nhiều khó khăn gian khổ, nhiều chông gai thử thách. Nhưng khi con thuyền đã xác định rõ phương hướng, biết đích xác đâu là bờ thì chỉ còn nhờ vào sự nỗ lực và tài năng lèo lái con thuyền của người thuyền trưởng mà thôi. Người Phật tử cũng vậy, một khi đã có niềm tin vững chắc vào Tam bảo, vào tự thân, đã thấy rõ mục tiêu hướng đến, bằng sự tinh tấn nỗ lực sẽ mau chóng thành tựu được lý tưởng giải thoát luân hồi sinh tử của mình.

(Nguồn: Giác Ngộ Online)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6334878
Số người trực tuyến: