Thân người khiếm khuyết ngũ căn do gieo nhân gì? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thân người khiếm khuyết ngũ căn do gieo nhân gì?

Một thời Đức Phật ở tại thành Vương Xá, trong núi Kỳ Xà Quật, cùng với chư Đại Bồ tát ma ha tát, các vị Thanh văn và quyến thuộc của các Ngài đông đủ; cũng có các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, chư thiên, quỉ thần, thảy đều đến dự hội đông đủ.

Lúc bấy giờ có Ngài Tín Tướng Bồ tát bạch Phật rằng:

“Bạch đức Thế Tôn! Nay có chúng sinh thân thể sần sượng tê cứng cả người, mày râu rụng hết, toàn thân bầm đỏ, bạn với chim muông, vắng vẻ bóng người bà con xa bỏ, không ai muốn thấy. Ác báo như thế là bệnh phong hủi. Vì nhân duyên gì mà mắc phải tội ấy?

Phật đáp: “Vì đời trước người ấy không tin Tam bảo, bất hiếu với cha mẹ, phá tháp hủy chùa, bóc lột người tu hành, chém bắn Thánh Hiền, tổn thương Sư trưởng, chưa từng biết quấy; vong ơn bội nghĩa, hành động như cẩu khuyển (chó) làm xấu người trên, không kể thân sơ, không biết hổ thẹn, vì nhân duyên ấy nên mắc phải tội như vậy”.

– Lại có chúng sinh đui mù cả hai mắt, không thấy biết gì, hoặc bị cây đè, hoặc sa hầm hố mà chết, chết rồi sống lại; sống lại rồi chết, cứ như thế mãi. Vì nhân duyên gì, mắc phải tội ấy?

Phật đáp: Vì đời trước không tin tội phước, che ánh sáng của Phật, bịt mắt người, giam nhốt chúng sinh, lấy bao lấy đẫy bao đầu chúng sinh, không cho trông thấy. Vì nhân duyên ấy nên mắc phải tội như vậy.

- Lại có chúng sinh ngọng lịu ấm á, miệng không thể nói, dầu có nói cũng không rõ ràng. Vì nhân duyên gì, mắc phải tội ấy?

Phật đáp: Vì đời trước người ấy phỉ báng Tam bảo khinh hủy Thánh đạo, bàn luận việc xấu tốt của người, tìm việc hay dở của người, vu oan cho kẻ lương thiện, ghen ghét người hiền. Vì nhân duyên ấy, nên mắc phải tội như vậy.

– Lại có chúng sinh tai mắt v.v... năm căn không đủ. Vì nhân duyên gì mắc phải tội ấy?

Phật đáp: Vì đời trước nuôi chim bay chó chạy để đi săn bắn. Bắn chim bắn thú, hoặc bắn bể đầu, hoặc bẫy đứt chân, nhổ sống lông cánh, làm chúng sinh đau khổ vô cùng không thể chịu nổi. Vì nhân duyên ấy nên phải mắc tội như vậy.

- Lại có chúng sinh què trệt, lưng cong, tay chân co quắp, không thể cầm nắm, không thể đi đứng. Vì nhân duyên gì mà mắc phải tội ấy?

Phật đáp: Vì đời trước làm người độc ác, để binh khí giữa đường, đặt súng đặt gươm, đào hầm đào hố, hãm hại chúng sinh. Vì ác nghiệp ấy nên mắc phải tội như vậy.

– Lại có chúng sinh hoặc điên, hoặc si, hoặc cuồng, hoặc sợ, không phân biệt được tốt xấu. Vì nhân duyên gì mà mắc phải tội ấy?

Phật đáp: Vì đời trước làm người uống rượu say sưa, loạn trí loạn tâm, phạm ba mươi sáu lỗi nên đọa làm người ngu si, cũng như người say không phân biệt được tốt xấu, thượng hạ tôn ty. Vì ác nghiệp ấy nên mắc phải tội như vậy.

Lúc bấy giờ những người bị tội nghe Phật dạy như vậy, khóc lóc động địa, nước mắt trào như mưa, bèn bạch Phật rằng: Nguyện xin Thế Tôn sống mãi ở đời, thuyết pháp giáo hóa cho chúng con mong được giải thoát.

Phật đáp: Nếu ta ở mãi ở đời, những người bạc phước; không trồng căn lành. Họ bảo ta còn sống mà không lo nghĩ đến vô thường, tự do tạo ra vô lượng tội ác, sau ăn năn không kịp.

Thiện nam tử! Ví như con thơ, mẹ thường ở bên mình thì con không nghĩ đến sự gặp mẹ là khó. Lúc nào mẹ đi vắng, con mới liền sinh tâm nhớ tưởng, khao khát luyến mẹ. Lúc ấy mẹ trở lại con mới vui mừng.

Thiện nam tử! Ta nay cũng như vậy. Ta biết chúng sinh không tìm cầu sự thật, thường trú chân tâm, cho nên ta nhập Niết bàn.

Lúc bấy giờ Phật đối trước những chúng sinh đang chịu tội đó mà nói bài kệ rằng:

Nước chảy không thường đầy,

Lửa mạnh không thường đốt,

Mặt trời mọc rồi lặn,

Mặt trăng tròn rồi khuyết,

Sự tôn trọng giàu sang,

Càng vô thường hơn nữa,

Nghĩ lại phải siêng năng,

Đỉnh lễ ngôi Tam bảo.

Lúc bấy giờ Phật nói lời kệ ấy rồi, các người bị tội kia thảy đều buồn rầu mà bạch Phật rằng: Hết thảy chúng sinh làm những việc lành gì mà xa lìa được những tội khổ ấy?

Phật dạy: Này, Thiện nam tử! Phải siêng năng hiếu dưỡng cha mẹ; phụng sự sư trưởng, quy y Tam bảo, siêng tu hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, từ bi, hỷ xả, xem kẻ oán người thân như nhau, không có thân sơ, không khinh người già nua, cô quả; không khinh kẻ nghèo hèn; ủng hộ người như giúp đỡ mình, không có tâm ác đối với người.

Nếu các người hay tu hành được như vậy thời cũng đã là báo được ơn chư Phật; hằng xa lìa ba đường ác, không còn đau khổ nữa. Phật dạy kinh này rồi các vị đại Bồ tát liền được quả vô thượng bồ đề. Các hàng Thanh văn Duyên giác liền chứng được lục thông, tam minh và tám pháp giải thoát. Còn các đại chúng khác đều được pháp nhãn tịnh.

Nếu có chúng sinh nào, nghe được kinh này thì không đọa vào ba đường ác, và không mắc phải tám nạn, địa ngục trống rỗng, thống khổ không còn.

Tín Tướng Bồ tát bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, kinh này gọi là kinh gì? Bồ tát ma ha tát phải phụng trì bằng cách nào?”.

Phật bảo Tín Tướng Bồ tát: “Thiện nam tử, kinh này gọi là Báo ứng Giáo hóa Địa ngục kinh”. Các ngươi nên phụng trì, và lưu truyền cùng khắp, công đức vô lượng”.

Bấy giờ Đại chúng nghe Phật dạy lời ấy rồi hết lòng vui mừng, đỉnh lễ vâng lời làm theo.

(Trích “Kinh Lương Hoàng Sám” - Quyển 3, chương thứ 7

Giảo chính: TT. Thích Trí Tịnh

Dịch giả: HT. Thích Viên Giác)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328090
Số người trực tuyến: