Nghiệp trộm cắp rất dễ tạo mà bạn có thể không biết | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nghiệp trộm cắp rất dễ tạo mà bạn có thể không biết

Đức Phật dạy rằng: "Bất luận trí tuệ của người ấy cao thế nào, thiền định của người ấy sâu thế nào, nếu tâm trộm cắp không đoạn trừ, chẳng những không thể ra khỏi trần lao, mà kết quả chắc chắn lạc vào đường tà, vĩnh viễn trầm luân trong luân hồi sinh tử". Nhiều người cho rằng, phải lừa gạt, gian dối, hăm dọa, giành giật tài sản của người khác mới phạm giới trộm cắp. Tuy nhiên, do vô minh, bạn vẫn có thể tạo ác nghiệp trộm cắp hàng ngày mà không hay biết.

Trên thực tế, có nhiều loại hình trộm cắp khác nhau. Xét theo yếu tố cấu thành nên một nghiệp, tội trộm cắp được tạo nên bởi 4 yếu tố:

1. Đối tượng của hành động trộm cắp

Đối tượng của ác nghiệp trộm cắp là vật chất, tiền tài, của cải thuộc quyền sở hữu của người khác. Đối tượng này có một chủ sở hữu, một người luôn cho rằng đối tượng đó “là của tôi, thuộc về tôi và là tài sản của cá nhân tôi”. Tất nhiên, tài sản đó phải có giá trị nhất định. Nếu không có giá trị thì việc bị chiếm đoạt không có sự khác biệt gì. Vì vậy hành động trộm cắp được xếp là một ác nghiệp.

Trong trường hợp khác, nếu một vật không thuộc sở hữu của bất kỳ ai thì việc sử dụng vật đó không phải là ác nghiệp hoặc làm tổn hại người khác. Trước đây, ở Ấn Độ có một số tôn giáo quy định rằng nếu một người cần lấy một vật nào đó để sử dụng, cần phải có một người khác đưa vật đó cho anh ta. Nếu bạn đi đến một thung lũng hẻo lánh và uống nước ở khe suối, cũng coi phạm giới trộm cắp vì không có ai ở đó để đưa nước cho bạn uống. Nhưng Đức Phật dạy rằng hành động đó không phải là một ác nghiệp. Hành động được coi là ác nghiệp nếu bạn lấy một vật thuộc sở hữu của người khác mà không xin phép.

2. Chủ ý/Động cơ/Sự vô minh của chủ thể hành động

Động cơ của hành động này là người thực hiện khởi tâm tham muốn một vật không thuộc về mình. Người thực hiện sau khi khởi tâm muốn trộm cắp có thể không làm việc đó trực tiếp mà sai khiến người khác làm. Tất cả ý niệm hiện khởi khi thực hiện hành động trộm cắp đều được coi là bất thiện.

Trong một trường hợp khác, ngôn ngữ thế gian có thể gọi là vô tình nhưng bản chất chính là do vô minh, bạn thấy trong công ty mình làm có nhiều đồ văn phòng phẩm như bút, mực, giấy, đồ dùng lặt vặt, là những món đồ mà nhà mình cũng cần, bèn mang về nhà dùng, bạn vẫn có thể tạo nghiệp bất thiện do hành động trộm cắp. Hoặc vốn không có tâm lấy trộm của người, nhưng bỗng nhiên tài vật ở trước mặt mình, lại không có ai thấy biết, nên không ngần ngại, lượm lấy tài vật bỏ túi, hay cất giấu nơi khác. Quan niệm thế gian cho là không phải trộm cắp, nhưng trong đạo Phật, hành động đó cũng phạm tội "phương tiện trộm cắp".

3. Bản thân hành động diễn ra

Yếu tố thứ ba tạo nên nghiệp trộm cắp là việc thực hiện hành động với chủ đích lấy một vật gì đó của người khác.

Nghiệp trộm cắp có ba loại hành động khác nhau: tự mình đi trộm cắp, sai bảo người khác trộm cắp cho mình hoặc mừng vui khi nghe thấy ai đó đi ăn trộm cho dù bản thân không tham gia hay hưởng lợi từ hành động đó.

4. Kết quả của hành động

Yếu tố thứ tư là hành động phải được thực hiện thành công. Một người có thể có động cơ ăn trộm, đã ra tay thực hiện nhưng không thành công. Nếu không lấy được đồ vật theo chủ đích mong muốn, người đó không phải chịu toàn bộ quả báo từ ác nghiệp trộm cắp. Mặt khác, nếu thực hiện hành động thành công, tức là người đi ăn trộm có được thứ mình muốn, hành động đó phạm vào tội trộm cắp.

Nếu không thực hiện được hành động và ý niệm muốn đi ăn trộm không khởi lên trong tâm, nghiệp báo sẽ nhẹ đi. Ngược lại, nếu cả bốn yếu tố hội đủ, ác nghiệp trộm cắp sẽ tạo quả một cách trọn vẹn.

PHÁP THỰC HÀNH ĐẶC BIỆT: BỐ THÍ

Không những chúng ta thực hành giới không trộm cắp mà cần phải chuyên tâm thực hành hạnh bố thí. Có hai loại thiện hạnh bố thí: thanh tịnh và bất tịnh. Bố thí thanh tịnh là hành động đem cho người khác và điều đó thật sự mang lại lợi ích cho họ. Bố thí bất tịnh dường như là một việc tốt, nhưng trên thực tế lại không phải như vậy vì điều đó có hại cho người nhận, ví dụ như vũ khí, thuốc độc, ma túy…

Cần lưu ý rằng vật đem cho phải thuộc sở hữu của người cho. Nếu vật đó thuộc sở hữu của nhiều người và họ cũng có quyền quyết định đối với vật sở hữu, việc bạn đem bố thí cho người khác sẽ khiến họ phiền lòng. Đó không phải là cách bố thí đúng pháp. Thiện hạnh bố thí phải xuất phát từ động cơ thanh tịnh, vật bố thí cũng thanh tịnh để việc bố thí không làm tổn hại đến người khác.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6488503
Số người trực tuyến: