3 cấp độ giới nguyện không thể bỏ qua trong Kim Cương thừa
Một số người thường nghĩ rằng khi đã thụ trì giới nguyện Kim Cương thừa thì hành giả không cần phải trì giữ các giới nguyện khác. Sự thật không phải như vậy, việc trì giữ giới nguyện theo truyền thống Kim Cương thừa có ba cấp độ: cấp độ bên ngoài là giới Biệt giải thoát, cấp độ bên trong là giới nguyện Bồ tát, và cấp độ bí mật là giới nguyện Kim Cương thừa ngăn Thân, Khẩu, Ý của hành giả khỏi các tư tưởng nhị nguyên thông thường.
Giới Biệt giải thoát
Giới Biệt giải thoát là những giới nguyện chú trọng nhiều đến Thân và Khẩu. Trong giới Biệt giải thoát không có những giới tựa như không được sân hận, hay tựa như nếu bạn sân hận thì bạn không còn là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni nữa. Giới Biệt giải thoát chủ yếu nhấn mạnh vào các hành động bên ngoài thuộc Thân, rồi dần dần bên trong tâm bạn sẽ được chuyển hóa. Điều này là kết quả tất yếu bởi lẽ khi thân bạn đổi thay thì tâm bạn cũng sẽ đổi thay theo đó. Hãy thử suy ngẫm xem, bây giờ nếu bạn đang ở trong một thành phố sầm uất, sôi động thì tự nhiên bạn sẽ cảm thấy hứng khởi, rộn ràng, các cảm xúc này tự nhậm vận xuất hiện. Còn nếu bạn đang ở nơi thánh địa linh thiêng thì những cảm xúc bình an, trong sáng sẽ tự động khởi sinh, như thế là bởi giữa thân và tâm có mối liên hệ nhất định. Thông qua Thân, chúng ta có thể kiểm soát được Tâm.
Giới Bồ tát
Các giới nguyện Bồ tát lại chủ yếu liên quan đến Tâm. Nền tảng căn bản của Bồ tát giới là Tâm phải hoàn toàn vô ngã, hoàn toàn không tư lợi và cần hướng đến lợi ích toàn thể chúng sinh mẹ, chẳng hạn như mong giúp họ đạt giác ngộ, giúp họ đạt được hạnh phúc tạm thời, hạnh phúc tuyệt đối. Như thế, mọi suy nghĩ, hành động của hành giả thụ nhận Bồ tát giới phải nhất nhất được tiến hành với tâm nguyện lợi tha, không vị kỷ. Tinh túy của Bồ tát giới chính là việc bạn có thể tiến hành bất kỳ hành động, lời nói, việc làm nào với động lực Bồ đề tâm vô ngã đó.
Giới nguyện Kim Cương thừa
Nếu nói các giới nguyện được đặt ra chủ yếu nhằm kiểm soát, hay nói cách khác là ngăn bạn thực hiện một số hành vi nhất định: chẳng hạn như giới Biệt giải thoát ngăn bạn khỏi làm tổn hại phiền nhiễu người khác, Bồ tát giới ngăn bạn khỏi các cảm nghĩ vị kỷ tiêu cực, sân hận, mọi tư tưởng đối nghịch với từ bi, thì tinh túy của giới nguyện Kim Cương thừa chính là ngăn Thân, Khẩu, và Ý bạn khỏi các tư tưởng nhị nguyên thông thường. Các tư tưởng thông thường là những tư tưởng kiểu như khi bạn trông thấy một ngôi nhà, bạn phát sinh ý nghĩ rằng “Tôi trông thấy ngôi nhà”, hay khi bạn nghe thấy âm thanh gì, bạn nghĩ rằng “Tôi nghe thấy tiếng động”. Như thế, bạn đang cho âm thanh là có thực, đối tượng bạn trông thấy là có thực và rồi từ những cái thấy nghe đó bạn phát sinh xúc cảm, chẳng hạn như cảm thấy tức giận. Theo cách đó, lúc này đối với bạn, sự tức giận bên trong phát sinh từ cái nghe thấy khó chịu bên ngoài cũng như thực sự tồn tại. “Tôi thực sự cảm thấy tức giận, tôi hạnh phúc, tôi phiền muộn, tôi ghen tỵ, tôi chân thành...”.
Tất cả những cảm xúc dù là tích cực hay tiêu cực phát sinh theo cách này đều được gọi là nhận thức nhị nguyên, tâm nhị nguyên. Giới nguyện Kim Cương Thừa được đặt ra nhằm ngăn Thân, Khẩu,Ý của bạn khỏi tất cả những nhận thức bên ngoài và kéo mọi sự vật hiện tượng trở về bản chất chân thực của nó: bản chất siêu vượt nhị nguyên, siêu vượt nhận thức thông thường.
Như thế, thay vì nhìn nhận vạn vật theo cách thức thông thường, chúng ta nhận thức mọi sắc tướng đều là Bản tôn, hay Đại thủ ấn; mọi âm thanh nghe thấy đều là Chân ngôn hay Tính không, các cảm xúc cũng đều là Tính không và Tâm.
(Trích ấn phẩm “Bản tôn – Chân ngôn – Trí tuệ”
Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)
- 596
Viết bình luận